Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MOON CARE: CHÍNH SÁCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA CHÍNH QUYỀN CỰU TỔNG THỐNG MOON JAE-IN

Đăng ngày:

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc được đánh giá là một trong những hệ thống tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Quốc gia này cung cấp cho mọi công dân bảo hiểm y tế với chi phí phải chăng và phổ rộng cho các phương pháp điều trị y tế thiết yếu có thể tốn kém ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, sau khoảng ba tháng chính thức cầm quyền, tháng 8/2017, chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in đã công bố chính sách mở rộng ưu đãi bảo hiểm y tế, hay còn gọi là “Moon Jae-in Care”. Đây là một chính sách thuộc lĩnh vực phúc lợi xã hội nhằm xây dựng một quốc gia mà người dân không phải lo lắng về chi phí y tế.

Bối cảnh ra đời

Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của chính quyền Moon Jae-in, Hàn Quốc triển khai hệ thống bảo hiểm y tế và người dân Hàn Quốc hưởng lợi từ bảo hiểm toàn dân. Bắt đầu từ năm 2000, hệ thống đã hợp nhất nhiều đơn vị chi trả thành một công ty  bảo hiểm duy nhất, thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia. Năm 2017, chính sách “Moon Jae-in Care” được giới thiệu nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế hơn nữa do nhà nước quản lý, hướng tới “sự bao trùm” nhằm đảm bảo đông đảo người dân tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí phải chăng, đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Nội dung chính trong chính sách mở rộng ưu đãi bảo hiểm y tế trên bao gồm: 1. Giải quyết và loại bỏ các khoản không được bồi hoàn (nguyên nhân chính làm tăng chi phí y tế và chi phí tự trả); 2. Định rõ các khoản khấu trừ tối đa để giảm bớt gánh nặng cho từng cá nhân; 3. Mở rộng hỗ trợ tài chính khẩn cấp để bảo vệ các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Theo đó, mục tiêu trọng tâm của chính sách là áp dụng chi trả bảo hiểm y tế với các khoản mà người bệnh phải chi trả hoàn toàn trước đây; cắt giảm chi phí y tế đối với tầng lớp người yếu thế, bao gồm: người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, đối tượng có thu nhập thấp. Cụ thể, nhiều loại chi phí y tế như chi phí phòng bệnh cao cấp (2 đến 3 giường bệnh một phòng), chi phí chụp cắt lớp, siêu âm… đều được bảo hiểm chi trả.

Kế hoạch thực hiện

Chính sách mở rộng ưu đãi bảo hiểm y tế sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn đến năm 2022, năm kết thúc nhiệm kỳ của chính quyền Moon Jae-in. Chính sách cam kết mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe nhằm trang trải 70% chi phí của người dân.

Năm 2018, khoảng 97,1% dân số Hàn Quốc được Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS) chi trả, trong khi 2,9% được chăm sóc thông qua Hệ thống Phúc lợi Y tế dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Do vậy, để trang trải chi phí cho Moon’s  Care, chính phủ có kế hoạch chi 10 nghìn tỷ won (9,7 tỷ USD) và cũng có kế hoạch tiếp tục tăng tỷ lệ bảo hiểm lên tới 3,2% mỗi năm. Bộ Y tế và Phúc lợi cam kết sẽ đảm bảo mức tăng phí bảo hiểm bình quân giai đoạn 2018-2022 không vượt quá 3,2%, mức tăng bình quân trong vòng 10 năm qua, và duy trì thặng dư quỹ bảo hiểm đạt 10.000 tỷ won (8,5 tỷ USD) tới cuối năm 2022.

Theo lộ trình thực hiện, đến quý 4 năm 2021, chính phủ sẽ giảm chi phí y tế cho siêu âm quét tuyến giáp và xoang cạnh mũi. Các phương pháp điều trị y tế tốn kém cho các bệnh như bệnh tim nặng, bệnh vẩy nến và viêm tủy răng, cũng sẽ có giá cả phải chăng hơn vào cuối năm 2022[1]. Ngoài ra, chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các trung tâm y tế công lập chuyên chăm sóc trẻ em và thành lập các trung tâm dịch vụ nhập viện ngắn hạn cho trẻ em bị bệnh nặng trong năm 2022. Nhiều phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt và chi phí thuốc kê đơn hiện không được bồi hoàn hiện nay cũng sẽ sớm được bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.

Một số thành quả

- Sau hai năm thực hiện

Đối tượng được hưởng ưu đãi lớn từ chính sách này là các bệnh nhân mắc bệnh nặng, như ung thư. Nhóm bệnh nhân này không những được giảm chi phí về điều trị mà còn được giảm về gánh nặng thuốc men. Cụ thể, trong tháng 10/2018, một số chi phí chụp cắt lớp được áp dụng chi trả bảo hiểm y tế, giúp chi phí điều trị được giảm từ tối đa 660.000 won (565 USD) xuống còn dưới 180.000 won (154 USD). Cùng với đó, những chi phí điều trị thiết yếu đối với bệnh nhân nặng đã được giảm từ 50% tới 75%. Do các bệnh nhân được bảo hiểm chi trả 421 hạng mục thuốc (thuốc điều trị ung thư, các bệnh nan y…) nên chi phí về thuốc men cũng giảm mạnh. Giai đoạn 2017-2018, tỷ lệ chi trả bảo hiểm, tức số tiền mà Cơ quan bảo hiểm y tế quốc gia chi trả trên tổng chi phí điều trị của người bệnh tại các bệnh viện đa khoa tuyến đầu và bệnh viện đa khoa thông thường tăng tương ứng: từ 65,6% (năm 2017)  lên thành 68,8% (năm 2018) và từ 63,8% lên 65,3%.

Tính đến tháng 7/2019, chính sách Moon Jae-in Care, các lợi ích mang lại cho người dân khá tích cực. Theo báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, đã có 36 triệu lượt người dân được hưởng ưu đãi giảm bảo hiểm chi phí y tế từ chính sách này (bao gồm cả các trường hợp điều trị nhiều lần). Tổng chi phí được cắt giảm lên tới 2.200 tỷ won, tương đương 1,8 tỷ USD. Tùy theo đối tượng, lợi ích mà chính sách mang lại có sự khác biệt. Đối với người cao tuổi và trẻ em, chính sách đã giúp cắt giảm một nửa chi phí cá nhân người bệnh chi trả. Riêng đối với các hộ gia đình hay người cao tuổi gặp gánh nặng lớn về chi phí y tế, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 46 tỷ won (hơn 39 triệu USD) cho tổng cộng 18.000 lượt người thông qua dự án này, tương đương mỗi lượt người 2,5 triệu won (hơn 2.100 USD)[2]. Đối với tầng lớp yếu thế nói chung, chính sách giúp giảm chi phí y tế của nhóm này khoảng 800 tỷ won, tức 683 triệu USD. Bên cạnh đó, liên quan tới chi phí xét nghiệm, điều trị mà người bệnh phải chi trả toàn bộ trước đây, chính sách đã giúp giảm 1.400 tỷ won, tương đương 1,2 tỷ USD[3].

- Sau bốn năm thực hiện

Tính đến cuối năm 2020, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 37 triệu người đã tiết kiệm được tổng cộng 9,2 nghìn tỷ KRW (7,8 tỷ USD) chi phí y tế. Quan trọng hơn nữa, hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện của Hàn Quốc mở rộng phạm vi bảo hiểm cho đối tượng có xu hướng đến bệnh viện thường xuyên hơn, bao gồm: trẻ dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên và người khuyết tật. Theo đó, phí y tế để điều trị chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng, cũng như chi phí trồng răng giả và cấy ghép cho người cao tuổi, đã được cắt giảm đáng kể. Tỷ lệ bao phủ tại các bệnh viện hàng đầu điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và đặc biệt là người nghèo đạt 70%. Liên quan tới gánh nặng tài chính thuốc men, bệnh nhân ung thư phổi hiện chỉ phải trả 5% phí thuốc chống ung thư đắt tiền vì đã có bảo hiểm y tế quốc gia chi trả 95% phí. Nếu không, bệnh nhân phải chi trả 3 triệu KRW (tương đương 2.500 USD). Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân bị sứt môi và hở hàm ếch, khoản chi phí điều trị mỗi lần chỉnh nha là 300.000 KRW (250 USD) cũng không còn là nỗi lo vì đã được chính sách trên bao phủ. Bên cạnh đó, các hạng mục như chụp cộng hưởng từ (MRI) và khám siêu âm… đối với các bệnh nghiêm trọng cũng được chi trả.

Một số hạn chế

Tuy đạt được nhiều thành tựu trong giảm chi phi y tế, điều trị với đông đảo người dân, chính sách Moon Jae-in Care vẫn đón nhận nhiều chỉ trích từ phía các bác sĩ và bệnh nhân. Tháng 5/2018, khoảng 7.000 bác sĩ đã tập trung tại Seoul để phản đối chính sách trên do tin rằng chính sách khiến bệnh nhân Hàn Quốc “gặp nguy hiểm” và khiến các phòng cấp cứu quá tải, không thể quản lý[4]. Bên cạnh đó, do vẫn còn nhiều phương pháp điều trị chưa được chương trình bảo hiểm quốc gia chi trả nên nhiều hộ gia đình không đủ khả năng để nhận được điều trị y tế mà họ mong muốn hoặc không thể trang trải chi phí sinh hoạt sau khi thanh toán các hóa đơn chữa trị. Thêm vào đó, chính sách gây ra một số hệ lụy như tăng mức đóng bảo hiểm y tế, thâm hụt quỹ bảo hiểm. Cụ thể, năm 2019, ước tính quỹ bảo hiểm y tế thâm hụt trên 3.000 tỷ won, tức 2,57 tỷ USD. Ngoài ra, các thách thức từ tốc độ già hóa dân số cao của Hàn Quốc cũng gây ít nhiều trở ngại cho chính sách trên. Theo dự tính, chi phí y tế cho người già từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng từ 36,3 nghìn tỷ won vào năm 2020 lên 390,8 nghìn tỷ won vào năm 2060, chiếm 6,57% GDP[5]. Chính vì vậy, những thay đổi trong chi tiêu ngân sách và hệ thống y tế cho người cao tuổi cần sự đồng thuận hơn nữa của toàn xã hội và các cán bộ trong hệ thống y tế.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, không thể phủ nhận các lợi ích của chính sách mở rộng ưu đãi bảo hiểm y tế trên. Chính sách đã giúp Hàn Quốc có những phản ứng nhanh chóng trong việc trả tiền xét nghiệm và điều trị Covid-19 cho bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị kịp thời và không phải lo lắng về chi phí y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới liên tục giảm từ tháng 4/2022 đến nay, quy định cho phép người dân tháo bỏ khẩu trang ngoài trời từ 2/5/2022, chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol bắt đầu nhậm chức từ 10/5/2022…chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi liên quan trong chính sách phúc lợi xã hội. Vì vậy, câu hỏi: Liệu di sản của chính phủ tiền nhiệm Moon Jae-in có được tiếp tục, đến nay vẫn là một câu hỏi mở.

 

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ nguồn:

1. Louis Haynes (2018), “Korea’s Moon Care: Boon or Burdern?”, https://pharmaboardroom.com/articles/koreas-moon-care-boon-or-burden/

2. KBS WORLD (2019), “Tổng kết hai năm thực hiện chính sách “Moon Jae-in Care””, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=366584

3. Korean Culture and Information Service (2021), “Inclusive Moon Jae-in Care”, https://www.kocis.go.kr/eng/webzine/202110/sub09.html

4. Sang-Soo Lee, Hyun Sook Choi, Reece Holbrook (2018), “Moon Care and Preliminary Benefit Program in South Korea: Innovative Strategies in Post-Market Evidence Generation for Medical Devices”, https://www.kci.go.kr/kciportal/ci/sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART002366443

5. Bahk Eun-ji, Kim Eil-chul (2019), “Moon Jae-in Care aims at offering equal opportunities for healthcare”, https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2021/02/119_280658.html

 

 



[1] Korean Culture and Information Service (2021), “Inclusive Moon Jae-in Care”, https://www.kocis.go.kr/eng/webzine/202110/sub09.html

[2] Korean Culture and Information Service (2021), “Inclusive Moon Jae-in Care”, https://www.kocis.go.kr/eng/webzine/202110/sub09.html

[3] KBS WORLD (2019), “Tổng kết hai năm thực hiện chính sách “Moon Jae-in Care””, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=366584

[4] Louis Haynes (2018), “Korea’s Moon Care: Boon or Burdern?”, https://pharmaboardroom.com/articles/koreas-moon-care-boon-or-burden/

[5] Bahk Eun-ji, Kim Eil-chul (2019), “Moon Jae-in Care aims at offering equal opportunities for healthcare”, https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2021/02/119_280658.html


Scroll To Top