Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG INTERNET VẠN VẬT (IOT) Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có liên quan đến các lĩnh vực mới như IoT (internet vạn vật) đã mang đến những cơ hội thị trường mới cho các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Có thể nói IoT có tiềm năng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên quy mô lớn. Thông qua IoT, người ta thể giải quyết các vấn đề về nhân khẩu học cũng như kinh tế bởi vì nó mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp với những lợi thế về mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi chi phí, hiệu quả hoạt động và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.Nhận thấy tiềm năng của IoT có thể trờ thành động lực tăng trưởng kinh tế tiếp theo, nhiều quốc gia hiện đang chuyển sang lĩnh vực IoT để giải quyết các thách thức quốc gia, cải cách khu vực công và tăng sức cạnh tranh của khu vực tư nhân. Với cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin cao cấp, các công ty khởi nghiệp đa dạng, sáng tạo và người dân thân thiện với công nghệ, Hàn Quốc có tiềm năng mạnh mẽ để trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Có thể nói IoT hiện nay được coi là một nguồn phát triển kinh tế xã hội tiềm năng ở Hàn Quốc trong kỷ nguyên số.Với những tên gọi và dự án khác nhau, hạ tầng IoT đã được Chính phủ Hàn Quốc từng bước phát triển.

-  Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NIS)

Năm 1984 chính phủ Hàn Quốc bắt đầu dự án công nghệ thông tin quốc gia đầu tiên, trong đó 5 kế hoạch chính đã được triển khai bao gồm: Hệ thống Thông tin Quản trị Quốc gia, Hệ thống Thông tin Tài chính, Hệ thống Thông tin Giáo dục và Nghiên cứu, Hệ thống Thông tin Quốc phòng và Hệ thống Thông tin An ninh Quốc gia[1]. Mục tiêu của việc tin học hóa quốc gia là sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của NIS rõ ràng là nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin ở Hàn Quốc và nó đã đạt được những thành công nhất định trong một số lĩnh vực. Ví dụ: giai đoạn đầu của Hệ thống thông tin quản trị quốc gia (1987-1991) Hàn Quốc đã triển khai lắp đặt máy tính rộng rãi trong các cơ quan hành chính, đồng thời xây dựng mạng lưới các cơ sở dữ liệu nhằm sử dụng trong các hoạt động nội bộ và cung cấp dịch công. Tuy nhiên chiến lược NIS cũng không đạt được hiệu quả trong một số lĩnh vực do dự án này phần lớn tập trung thúc đấy phía cung mà không tính đến nhu cầu[2]. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự không hiệu quả của NIS có thể là do chính phủ Hàn Quốc sau đó đã rút bớt hỗ trợ tài chính khỏi chiến lược. Hàn Quốc đã phân bổ khoảng 200 triệu USD khi bắt đầu dự án, nhưng lại tạm ngừng bổ sung thêm ngân sách trong các giai đoạn tiếp theo và đồng thời chính phủ Hàn Quốc cũng giảm bớt sự chỉ đạo trực tiếp đối với dự án.

- Cơ sở hạ tầng thông tin Hàn Quốc (KII)

KII được xây dựng dựa trên dự án NIS, dự án cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia thứ hai của Hàn Quốc được bắt đầu vào năm 1993[3]. KII sử dụng hai kênh chính, một dành cho thông tin chính phủ được gọi là KII-G (Government) và mộtdành cho thông tin công cộng được gọi là KII-P (Public). KII-G cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho các cơ quan trực thuộc chính phủ, hỗ trợ tài chính ban đầu cho khu vực tư nhân, thử nghiệm các công nghệ mạng và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư (nếu thích hợp). KII-P cung cấp các ứng dụng đa phương tiện, tư vấn bảo mật cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, sau đó, dự án KII đã bị coi là thất bại và tạm dừng ngay trong quá trình triển khai đầu tiên vào năm 1998. Nguyên nhân dự án KII thất bại là do nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu của khu vực tư nhân lại rất thấp dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá trong các lĩnh vực truyền thông và dịch vụ thuê kênh riêng (đây đều là những nguồn lực quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet mới thành lập và cũng rất quan trọng đối với các thuê bao internet).

- Hạ tầng công nghệ thông tin và dịch vụIT839

Kể từ những năm 2000 chính phủ Hàn Quốc đã khá tích cực trong việc lập kế hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và Internet. Vào tháng 2 năm 2004, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một chiến lược mới được gọi là Chiến lược công nghệ thông tin IT839. Chiến lược này được đưa ra nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế sau khi triển khai thành công internet băng thông rộng. Đây là dự án cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia chính thức đầu tiên của Hàn Quốc vì nó đưa ra một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và xây dựng năng lực thông tin. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng cơ sở hạ tầng sẽ không hiệu quả nếu không có các ứng dụng phù hợp[4]. Trong bối cảnh đó, IT839 kêu gọi sự chú ý hơn nữa đối với việc phát triển nội dung và dịch vụ kỹ thuật số. Dự án được đặt tên là 839 bởi vì nó có ba trụ cột, bao gồm: dịch vụ, cơ sở hạ tầng và động cơ tăng trưởng mới. Dự án có 8 dịch vụ công nghệ thông tin, ba cơ sở hạ tầng và chín động cơ tăng trưởng mới. Nguyên lý cơ bản của dự án IT839 là việc triển khai cơ sở hạ tầng và ứng dụng mới sẽ tạo ra đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chính, giúp phát triển và tạo ra động lực tăng trưởng mới trong tương lai. So với các dự án trước đây thường không đi kèm với một lộ trình kỹ thuật, IT839 có được một cái nhìn toàn diện hơn, tập trung vào tính liên kết giữa cơ sở hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng. Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chiến lược IT839 sẽ đạt được hiệu quả tổng hợp thông qua sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các viện nghiên cứu. Chiến lược IT839 được triển khai dựa trên niềm tin rằng công nghệ thông tin sẽ mang lại những thay đổi về chất trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục đích cuối cùng là hình thành một vòng tròn phát triển các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và động cơ tăng trưởng mới[5].

-  Cơ sở hạ tầng lưới (Grid-infrastructure)

Hàn Quốc đã bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới như một phần của chiến lược nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin. Nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng Internet được Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đề xuất triển khai vào năm 1995 với tên gọi “Mạng Thông tin Tốc độ Cao”. Dự án Mạng Thông tin Tốc độ Cao nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang tốc độ cao trên phạm vi toàn quốc. Mạng Thông tin Tốc độ Cao đã cung cấp mạng lưới liên lạc tốc độ cao cho hầu hết các tòa nhà thương mại và chung cư ở Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã xây dựng các dịch vụ internet dựa trên cơ sở hạ tầng này như dịch vụ chính phủ điện tử, dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin khác với chi phí thấp và chất lượng cao. Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đã chi 7 nghìn tỷ won (khoảng 7 tỷ USD) để triển khai Mạng Thông tin Tốc độcao. Kể từ khi triển khai cơ sở hạ tầng Mạng Thông tin Tốc độcao, Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đã tập trung khuyến khích phát triển công nghệ sinh học và công nghệ nano. Bộ Thông Tin Và Truyền Thông Hàn Quốc sau đó tiếp tục khởi xướng một dự án mới, như Cơ sở hạ tầng lưới quốc gia Hàn Quốc (K-Grid). K-Grid được lên kế hoạch triển khai vào năm 2002 nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiệu suất cao có thể thu thập, tích hợp và chia sẻ động các tài nguyên có tính hạn chế, chẳng hạn như các siêu máy tính, trung tâm lưu trữ quy mô lớn và các công cụ nghiên cứu tiên tiến. Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng lưới cần thiết sử dụng trong các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng  khoa học kỹ thuật quy mô lớn và thương mại hoá sản phẩm. Mục tiêu chính của cơ sở hạ tầng K-Grid là tích hợp sức mạnh tính toán, hệ thống lưu trữ khổng lồ và cơ sở thí nghiệm thành một hệ thống ảo duy nhất, đồng thời cung cấp một môi trường nghiên cứu cho các ngành công nghiệp và học viện.

Như vậy, có thể nói Hàn Quốc đã đặt sự chú ý vào IoT từ rất sớm, đây có thể được xem nguồn gốc mang đến sự phát triển vượt bậc của IoT ở Hàn Quốc, giúp Hàn Quốc không bị tụt lại phía sau các đối thủ đến từ các nền kinh tế tiên tiến như Nhật, Mỹ, Châu Âu... Dù vậy, chính phủ Hàn Quốc còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy IoT phát triển theo thời gian, sẵn sàng cho giai đoạn kế tiếp của IoT khi mà nền kinh tế sẽ thiết lập các tiêu chí cho IoT. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều nếu so sánh với những thách thức liên quan đến công nghệ và kỹ thuật trong giai đoạn triển khai phát triển IoT như đã nói ở phần trên. Những thách thức này liên quan đến con người, xã hội, kinh tế và chính trị nơi mà IoT sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng.

Bùi Đông Hưng

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Tài liệu tham khảo

[1] Shin, D. (2008). “Next generation of information infrastructure”. Journal of the American Society for Information Sciences and Technology, 59 (11), 1785-1800.

[2] Woo-Soo Jeong Sa-Hyuk Kim Kyoung-Sik Min (2013) . An Analysis of the Economic Effects for the IoT Industry. Journal of Korean Society for Internet Information. Oct: 14(5): 119-128.

[3] Jeongwon Yoon (2016). “Korean Digital Government Infrastructure Building and Implementation: Capacity Dimensions”. World Bank.

[4] JH Song (2006). “IT839 Policy Leading to u-Korea”. IT Policy Advisor to Minister of Information and Communication of Korea.

[5] Song, Jung-Hee (2006). “IT839 Policy Leading to u-Korea.” VLDB ‘06. September 12-15, p. 1103.


Scroll To Top