Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THẨM THANH TRUYỆN VÀ ĐẠO HIẾU

Đăng ngày:

Thẩm Thanh Truyện là một tác phẩm văn học cổ điển của Triều Tiên kể về một câu chuyện ở Dohwa – dong, Hwang joo, có một người họ Sim (Thẩm) tên là Hakgyu ( Hạc Khuê ) vốn thuộc dòng dõi quý tộc Yangban, còn lại rất ít ở trong làng. Đến đời ông Thẩm, con cháu ít dần và suy vi khánh kiệt, còn lại duy nhất một mình ông với đôi mắt mù lòa khi ông chừng độ hai mươi tuổi. Ông vốn là người có học, sống rất đôn hậu, mực thước, chính trực nên được mọi người trong làng quý trọng và đối xử tử tế với ông như một người mù đáng kính. Ông kết duyên với bà Quách được ca ngợi là hiền hậu, chăm chỉ, hết lòng với ông và làng xóm. Đôi vợ chồng sống với nhau hòa thuận, thương yêu nhau hết mực suốt hơn hai mươi năm, nhưng có điều họ lại chưa sinh được một mụn con. Nỗi khổ tâm ấy cứ day dứt đeo đẳng mãi cho tới khi họ trên bốn mươi tuổi. Thế rồi, ở hiền gặp lành, được trời Phật ban cho phúc lớn, bà Quách đã mang thai và chờ ngày sinh nở. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, mong muốn sinh được con trai của hai vợ chồng đã không được toại nguyện, hơn nữa, vài ba ngày sau, bà Quách lâm bệnh nặng, trăng trối đôi lời với chồng, không quên đặt tên con là Cheong (Thanh).

Thẩm Thanh lớn dần lên trong sự khốn khổ, khó nhọc của người cha mù lòa hàng ngày bế con đi xin sữa suốt làng trên xóm dưới cùng với sự thương yêu đùm bọc của bà con hàng xóm. Tới khi được 10 tuổi, vào dịp tiết Hàn thực, bé Thanh nài nỉ xin phép cha được tự mình đi xin ăn về phụng dưỡng cha. “Thanh mặc quần áo tồi tàn đã vá víu nhiều mảnh cùng chiếc áo khoác cũ rách, nay chỉ còn lại cổ áo là nguyên vẹn, vận chiếc áo sô gai không có đường viền, trông cũng ra dáng một cô gái. Cô bé kéo lê đôi dép rơm đã mòn gót. Đôi dép rơm đó cũng do một bà mẹ tốt bụng đem cho nhưng là thứ bỏ đi đã mòn hết gót”. ( 1)

Cuộc sống khốn khổ của hai cha con họ Thẩm chứ thế trôi đi với sự trớ trêu của tạo hóa. Bé Thanh lớn dần lên, được sự giúp đỡ hết lòng của bà mẹ bé Quý Đức, cùng lứa với Thanh và bà con trong làng, bé Thanh đã được làm những công việc như giặt giũ thuê, vá may, thu dọn sân đập lúa, nhổ cỏ làm vườn… nên cuộc sống dần khá hơn và niềm vui nhen dần trong nỗi khổ đau cha già mù lòa cô quạnh.

Khi được mười lăm tuổi, bé Thanh đã trở thành cô gái xinh đẹp và sắc đẹp của Thanh được ví là “tiên nữ giáng trần” cùng với đức hạnh nết na, hiếu thảo, chăm chỉ làm việc và tự học đã lan rộng khắp mọi nơi. Ở làng bên, một vị phu nhân Thừa tướng của triều đình cũng nghe tin đồn đó và sai thị tỳ đến đón Thanh về phủ với mong muốn nhận làm con nuôi, được sống chung với bà và cùng hưởng vinh hoa phú quý. Thẩm Thanh được tận tai nghe những điều đó, song, khuôn mặt người cha chợt lại lóe lên. Thanh thưa rằng : “ Lời nói của bà khiến cháu cảm thấy sợ. Cháu vừa mừng vừa thấy sợ cứ nhú gặp lại người mẹ quá cố. Bà đã thương tâm thân hèn mọn này nhưng làm khó cho cháu. Cháu nghĩ tới người cha mù lòa đã bế ẵm và nuôi nấng cháu khôn lớn như thế này trong khi mẹ cháu đã mất thì liệu cháu có thể rời xa cha cháu được không? Thân cháu được vinh hoa cao quý nhưng hiềm chỉ có mỗi mình cháu lo cơm nước sớm chiều và giặt giũ quần áo quanh năm cho cha cháu. Công ơn cha mẹ đối với ai cũng thế nhưng đối với cháu thì sâu nặng hơn, khó bề báo đáp nên cho dù là tạm thời cháu cũng không thể rời xa cha cháu được.”

Câu trả lời chân thành từ đáy lòng của bé Thanh khiến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng mình Phu nhân Thừa tướng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thẩm Thanh mà hơn thế nữa, còn cảm phục đức tính dám hy sinh hạnh phúc của bản thân, không cầu vinh hoa phú quý cho riêng mình mà để mặc cha già cô đơn, khổ cực.

Đức tính dám hy sinh đó càng được nâng lên thành cao trào khi Thẩm Thanh biết được câu chuyện cha già tin vào Đức Phật chùa Mộng Vân linh thiêng có thể cứu giúp làm cha sáng mắt nếu như phát tâm công đức cúng tiến vào chùa ba trăm thạch gạo, Thanh đã tự nguyện bán thân mình cho đám người đi biển làm nghề buôn bán để làm vật hiến tế thần biển. Đám thương nhân khoảng ba mươi người không những trả đủ cho nhà chùa ba trăm thạch gạo mà còn để lại ba trăm lượng tiền cùng vải vóc, quần áo cho ông Thẩm để sinh sống cho đến cuối đời.

Đức tính dám hy sinh đó thực sự dã khiến dân làng Dohwa-dong cảm động, họ đã lập bia đá để ca ngợi sự hiếu thảo của nàng. Hơn thế nữa, Phu nhân Thừa tướng còn cho xây một vọng đài, gọi là “ Vọng nữ đài” rồi hàng tháng, cứ đến ngày mùng một và ngày rằm để mọi ngời tới đây tưởng nhớ Thẩm Thanh.

Tấm lòng hiếu thảo của Thẩm Thanh đã được trời đất quỷ thần chứng giám, Đức Phật từ bi hiểu thấu và Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ra lệnh cho Tứ Hải Long Vương cứu giúp, đón tiếp nàng ở cung Thủy tinh, ban ân huệ cho gặp lại người mẹ đáng kính rồi tiễn nàng trở lại nhân gian trên chiếc kiệu hoa Ngọc Liên. “Thẩm Thanh lên ngồi trên kiệu hoa, cúi đầu từ biệt Long Vương. Ngay sau đó , cánh hoa khép lại, biến thành nụ hoa. Kiệu hoa từ từ diễu hành ra khỏi cửa Thủy cung trong tiếng nhạc.”

Đúng lúc đó, đám thương nhân sau khi vượt biển bình an vô sự, kiếm được nhiều tiền, trên đường trở về lại qua Ấn Đường Thủy, nơi họ hiến tế trinh nữ Thẩm Thanh, đã chuẩn bị đầy đủ đồ tế lễ để lễ tạ linh hồn cô. Chính trong lúc thành tâm cúng lễ, họ đã thấy một bông hoa bồng bềnh trên mặt nước, tỏa hương thơm kì lạ, và theo sự chỉ bảo của thần linh, họ vớt bông hoa lên thuyền, phủ rèm lụa xanh mang về dâng lên nhà vua.

Vào dịp đó, vương hậu bất ngờ ra đi khiến nhà vua đau buồn. Vua có sở thích ngắm hoa, lệnh cho các quan đi tìm các loài hoa quý về ngắm giải khuây. Một đêm trăng sáng, trong giấc ngủ chập chờn, nhà vua mơ thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho nhân duyên mới. Ngài choàng tỉnh dậy bước ra ao sen thì thấy một thiếu nữ chẳng khác nàng tiên từ trong hoa sen hiện ra. Vua cho là duyên trời định, phong làm vương hậu.

Thiên hạ thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp, vương hậu đã trở thành người cao quý, nhưng nỗi thương nhớ cha day dứt khôn nguôi. Nhà vua biết chuyện, hỏi kỹ ra thì vương hậu giãi bày hết sự tình, vua khen: “Vương hậu quả là một người con gái hết mực hiếu thảo.”

Rồi ngay lập tức ban lệnh cho khắp nơi đi tìm ông Thẩm mù. Trớ trêu thay, cuộc đời đôi lúc không như ý muốn, cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng, bởi ”hai năm trước, sau khi con gái chết, vì cảm thấy quá hổ thẹn nên ông Thẩm đã rời Dohwa-dong nên hiện chẳng có ai biết ông đang ở đâu.”

Không hề trì hoãn, nhà vua ban lệnh cho với tất cả người mù trong nước, không bỏ sót một ai lên kinh đô dự tiệc và chữa trị. Diễn biến câu chuyện càng hấp dẫn hơn khi Thẩm vương hậu phải chờ đợi tới ngày cuối cùng mới gặp được cha già khốn khổ đang chịu những tháng ngày cùng cực nhất trong cuộc đời. Cuộc gặp gỡ quá bất ngờ, khiến ông Thẩm quá đỗi kinh ngạc mà hai mắt ông bỗng mở ra, bừng sáng và có thể nhìn rõ thế gian, nhìn rõ khuôn mặt của cô con gái hiếu thảo, và “cứ thế, hai cha con vui mừng òa khóc.”

Kết thúc câu chuyện, truyện chép rằng:

“Hành động hiếu thảo như Thẩm vương hậu quả thật không nơi đâu có thể tìm thấy được.”

xxx

1. Đọc hết câu chuyện này, chắc có lẽ không ai là không một đôi lần rơi nước mắt bởi tính nhân văn sâu sắc thấm đượm trong nhiều tình tiết, nhiều đoạn hội thoại thể hiện một cách tinh tế nghĩa tình giữa con người với con người. Đó là tình nghĩa vợ chồng giữa ông Thẩm và bà Quách, tình nghĩa phụ tử giữa ông Thẩm với con gái, tình nghĩa thương  yêu đùm bọc của dân làng đối với cha con ông Thẩm, đối với việc tang lễ của bà Quách. Hơn thế, tấm lòng hiếu thảo của Thẩm Thanh đối với người cha mù lòa là đỉnh cao nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện.

Trong văn học thời trung đại ở Đông Á,  thời kì mà Nho giáo ngự trị thì chủ điểm về chữ Hiếu, đề cao đạo Hiếu luôn luôn xuất hiện, thậm chí ở Trung Quốc, nhiều câu chuyện về đạo Hiếu đã phổ biến đến mức trở thành các điển tích, điển cố trong văn học. Ở Việt Nam ta, ai mà chẳng biết câu thơ trong đoạn mở đầu Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu:

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

Không chỉ Nho giáo mà Phật giáo cũng đề cao đạo Hiếu, ca tụng chữ Hiếu, những câu chuyện liên quan đến chữ Hiếu và những lời răn dạy về đạo Hiếu không thiếu. Song có điều, về cơ bản, bổn phận đó thuộc về đàn ông như câu thơ nêu trên.

Ở đây, Thẩm Thanh Truyện riêng chỉ viết về tấm lòng hiếu thảo của cô con gái đối với người cha mù lòa và lòng hiếu thảo đó đã cảm động tới cả trời đất quỷ thần, lay động cả nhà vua và đã được đền đáp xứng đáng, con gái được gặp lại cha, cha già sáng bừng đôi mắt, nhìn rõ khuôn mặt đáng yêu của con gái mình.

Nhận xét về điều này, G.S. Phan Thị Thu Hiền viết: “Sự kết hợp Phật giáo đại thừa và đạo đức dân gian cùng Nho giáo khiến cho chữ Hiếu trong Shim Cheong Ga nghiêng về nhân tình hơn là bổn phận đạo lý, nữ tính hơn là nam tính, mở rộng đến chúng sinh hơn là giới hạn trong quan hệ gia đình, lung linh phép màu ao ước hơn là hiện thực duy lý, trữ tình hơn là thuyết giáo; và do đó, cảm động đông đảo mọi tầng lớp khán giả qua thời gian.” (2)

2. Theo như lời kết thúc câu chuyện như vừa nêu trên thì đúng là Thẩm Thanh truyện chỉ xoay quanh mọi suy nghĩ và hành động, cử chỉ, lời nói của cô con gái Thẩm Thanh báo hiếu cha già mù lòa, đáng được ca tụng. Nhưng, tình tiết người con gái hiếu thảo với cha không chỉ ở riêng Hàn Quốc mới có. Ở Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du rất nổi tiếng, tình tiết Thúy Kiều buộc phải bán mình lấy “ba trăm lạng” để “chuộc tội cho cha” cũng cảm động không kém Thẩm Thanh truyện, thậm chí Kiều còn day dứt trong mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều đã “thề non hẹn biển”, day dứt đắn đo “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?” càng khiến Kiều đau khổ.

Như ta đã biết, Truyện Kiều của Nguyễn Du được sáng tác theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) và như vậy thì tình tiết Kiều bán mình chuộc cha cũng từng xuất hiện trong văn học Trung Quốc. Hơn thế nữa, tập truyện này còn được truyền sang cả Nhật Bản. Chúng ta cùng xem kết quả nghiên cứu của G.S. Trần Ích Nguyên (học giả Đài Loan) về vấn đề này: “Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân được cải biên thành hý khúc vào đầu và giữa đời Thanh giúp sức, đến giữa thế kỷ XVIII thì bắt đầu truyền ra nước ngoài, vừa có công xúc tiến văn học Giang Hộ thời kỳ sau của Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX phát triển, lại được Nguyễn Du, nhà thơ thiên tài Việt Nam tiếp thu, cải tạo và nhào nặn thành công truyện thơ tự sự trường thiên Truyện Kim Vân Kiều vĩ đại, càng thêm mở rộng ra thế giới.” (3)

Như vậy, tình tiết hoặc có thể gọi là mô típ người con gái bán mình lấy một khoản tiền lớn để báo hiếu cho cha khi gặp hoạn nạn là điểm chung của văn học khu vực Đông Á thời trung đại mà chí ít bài viết này đã nêu rõ ở bốn nước Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Lý Xuân Chung – Viện Nghiên Cứu Đông Bắc Á

 

Chú thích:

(1) Khuyết danh; Thẩm Thanh truyện và Xuân Hương truyện; Lý Xuân Chung, Lương Hồng Hạnh, Phan Thị Oanh, Nguyễn Ngọc Mai dịch; Lý Xuân chung hiệu đính; Công ty Nhã Nam phối hợp với Nxb. Văn học phát hành năm 2021 tại Hà Nội, tr. 43. Một vài câu trích dẫn liền ngay phía sau cũng từ sách này.

(2) Phan Thị Thu Hiền; Dạo bước vườn văn Hàn Quốc; Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 95.

(3) Trần Ích Nguyên; Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều; Phạm Tú Châu dịch; Nxb. Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014, tr. 37.

Tài liệu tham khảo:

1. Khuyết danh; Thẩm Thanh truyện và Xuân Hương truyện; Lý Xuân Chung, Lương Hồng Hạnh, Phan Thị Oanh, Nguyễn Ngọc Mai dịch; Lý Xuân chung hiệu đính; Công ty Nhã Nam phối hợp với Nxb. Văn học, 2021.

2. Phan Thị Thu Hiền; Dạo bước vườn văn Hàn Quốc; Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017.

3. Trần Ích Nguyên; Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều; Phạm Tú Châu dịch; Nxb. Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014.

4. Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập I); Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1982.

5. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb. Đại học Bắc Kinh, (tiếng Trung Quốc), 1986.


Scroll To Top