Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


XU HƯỚNG HỘ GIA ĐÌNH MỘT THÀNH VIÊN Ở HÀN QUỐC VÀ MỘT SỐ TÁC ĐỘNG

Đăng ngày:

Trong xã hội Hàn Quốc truyền thống, một gia đình điển hình thường bao gồm các thành viên thuộc ba, bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Bởi họ quan niệm một gia đình lớn với nhiều thành viên được coi là có nhiều phúc lộc. Song, quá trình công nghiệp hóa đất nước khiến cho cơ cấu xã hội truyền thống thay đổi, cơ cấu gia đình truyền thống của người Hàn Quốc cũng bị phá vỡ. Mô hình gia đình hạt nhân gồm vợ chồng, con cái (hộ gia đình gồm 4 nhân khẩu) dần thay thế cho mô hình gia đình truyền thống và trở thành mô hình gia đình chủ yếu tại quốc gia này trong suốt mấy chục thập kỷ qua.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, xu hướng “ngại” kết hôn, yêu thích cuộc sống độc thân dần trở nên phổ biến, đặc biệt tại các nước phát triển. Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo Cục thống kê Hàn Quốc, năm 1985, chỉ có 6,9% dân số là người sống độc thân thì tỷ lệ này đã tăng lên trên 25% vào tháng 4 năm 2012 và có dấu hiệu vượt ngưỡng 35% vào năm 2035. Số người độc thân tăng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng của số “hộ gia đình một thành viên” tại Hàn Quốc. Căn cứ vào tài liệu “Tổng điều tra dân số và nhà ở” của Cục thống kê Hàn Quốc năm 2012, hộ gia đình một thành viên là hộ gia đình do một người duy trì cuộc sống như việc nấu ăn, ngủ nghỉ… một cách độc lập. Xã hội Hàn Quốc vốn xem trọng tính cộng đồng nên việc đi ăn cơm một mình (honbap), đi uống rượu một mình (honsul), đi xem phim một mình (honyeong), đi hát (hongok), hay đi du lịch một mình (honheang),… được coi là “bất thường”, nhưng gần đây, nó đã hình thành nên cái gọi là “văn hóa độc thân”, phá vỡ định kiến xã hội và trở thành một hiện tượng xã hội đáng quan tâm. Hộ gia đình một thành viên đang trở thành một bộ phận quan trọng trong xã hội Hàn Quốc cùng với gia đình tam đại đồng đường, gia đình hạt nhân. Theo các kết quả thống kê của chính phủ Hàn Quốc, trong vòng 30 năm qua kể từ năm 1985, số hộ gia đình một thành viên đã tăng gần 8 lần và con số này vẫn không ngừng tăng. Nếu năm 1985, chỉ có 661 nghìn hộ gia đình một thành viên thì đến năm 2015 con số này đã là 5,06 triệu hộ. Xét về tỷ lệ %, năm 1985 hộ gia đình một thành viên chỉ chiếm dưới 7%, đến năm 2015 là 27%, ước tính đến năm 2035 con số này sẽ nhảy vọt lên 34%. Tuy nhiên, theo tài liệu về an sinh xã hội năm 2019 do Bộ Y tế và Phúc lợi công bố thì số hộ gia đình một thành viên trong năm 2019 đạt 5,99 triệu hộ, chiếm 29,8% tổng thể, tỷ lệ cao nhất trong tổng số hộ gia đình. Nhiều nhà phân tích xã hội cho rằng, những con số này đang khẳng định một xu hướng, đó là những hộ gia đình một thành viên sẽ tăng lên tương đương với số hộ gia đình hai thế hệ, cơ cấu gia đình chủ yếu tại Hàn Quốc kể từ khi nước này tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Như vậy, có thể thấy rằng, sự gia tăng số lượng hộ gia đình một thành viên tại Hàn Quốc diễn ra tương đối nhanh chóng,vừa làm biến đổi hệ giá trị truyền thống của Hàn Quốc vừa gây ra những hệ lụy đối với xã hội, hệ thống an sinh xã hội của Hàn Quốc như tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số, những rủi ro về bệnh tật, an ninh mà người sống một mình có thể gặp phải trong cuộc sống…

Mặc dù vậy, nếu xét về giá trị kinh tế thì sự gia tăng của hộ gia đình một thành viên lại là một trong những động lực phát triển kinh tế. Tại Diễn đàn kinh thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ tháng 1 năm 2008, “nền kinh tế độc thân” đã trở thành chủ đề nóng hổi trong khi số người sống độc thân có học thức cao trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là phụ nữ độc thân trong độ tuổi 20-30, những người dẫn đầu trong văn hóa và tiêu dùng. Các ngành bán lẻ ở Hàn Quốc nhanh nhạy bắt kịp xu hướng mới, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này như chăn điện một người dùng, quạt tỏa nhiệt mini, nồi cơm điện một khẩu phần, tủ lạnh có thể tích dưới 100 lít… Chuỗi siêu thị Emart cũng tung ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm đóng trong khẩu phần nhỏ, phù hợp cho một người ăn. Các cửa hàng tiện dụng cũng bày bán sẵn các suất cơm dành cho một người. Một dịch vụ giải trí khác cũng rất phổ biến Hàn Quốc là các quán cà phê truyện tranh mở cửa thâu đêm suốt sáng. Khách hàng chỉ cần trả một khoản phí nhỏ là có thể thu mình trong một góc riêng tư và chìm đắm vào thế giới truyện tranh. Hãng CGV cũng tiến hành lắp đặt hệ thống ghế My box dành riêng cho khách hàng đi xem một mình tại một số rạp ở Seoul. Nhằm đáp ứng kịp thời với sự thay đổi nhân khẩu học của quốc gia, một số ngân hàng như Woori, Shinhan cũng đưa ra các sản phẩm tiết kiệm dành cho hộ gia đình một thành viên. Một số ngân hàng lớn ở Hàn Quốc còn phát hành thẻ tín dụng YOLO dành cho những người độc thân. Người dùng thẻ sẽ được giảm giá khi đi uống cà phê, xem phim, mua đồ tại các cửa hàng tiện dụng và tham gia các lớp học ngoại khóa như làm bánh săn kho báu, đọc tạp chí… nhằm giúp người độc thân hạnh phúc hơn và tự tin hơn. Theo thống kê của Hiệp hội các cửa hàng bán lẻ Hàn Quốc, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành này năm 2016 tăng 18,6% so với năm trước đó lên gần 17 tỷ USD. Trong ngắn hạn, nền kinh tế có thể hưởng lợi vì người độc thân có xu hướng chi nhiều tiền cho tiêu dùng. Tuy nhiên lợi ích kinh tế ngắn hạn không thể bù đắp cho nguy cơ dài hạn. Tỷ lệ sinh thấp dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, đặt gánh nặng lên quỹ an sinh xã hội và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.

Về phương diện văn hóa, nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik đánh giá: “Lối sống độc thân sẽ tạo ra vô số các hiện tượng văn hóa trong tương lai. Xã hội Hàn Quốc không còn quá coi trọng tính tập thể, cộng đồng như xưa mà đề cao lợi ích của bản thân hơn. Sự biến đổi này không những đang tạo ra nhiều hiện tượng văn hóa mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của văn hóa định cư, du lịch, giải trí cũng như giáo dục.”

Số hộ gia đình một thành viên gia tăng nhanh tại Hàn Quốc trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất có thể đề cập đến là vấn đề mang tính kinh tế. Thanh niên Hàn Quốc cảm thấy gánh nặng về chi phí chuẩn bị nhà ở, chi phí tổ chức đám cưới, chi phí nuôi dạy con cái… đè nặng trên vai nên thời gian kết hôn bị trì hoãn và họ chấp nhận một cách tự nhiên kiểu gia đình một thành viên. Đó là lý do vì sao nhiều đám cưới bị từ bỏ, tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm 17% trong giai đoạn 2011-2016, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974, bên cạnh đó, tỷ lệ ly hôn lại tăng cao cũng được coi là một trong những yếu tố làm tăng hơn số lượng hộ gia đình một thành viên. Các nguyên nhân trên cũng ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến tỷ lệ sinh giảm sút trầm trọng khiến Hàn Quốc phải đối mặt với “bờ vực dân số”. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tình trạng này đã được chỉ ra trong vài năm trở lại đây nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thứ hai là sự thay đổi giá trị quan về hôn nhân trong giới trẻ Hàn Quốc. Xuất phát từ tư tưởng "YOLO", mang hàm ý cổ vũ người trẻ mạnh dạn làm những điều họ thích, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tự do cá nhân, thoát khỏi sự ràng buộc và áp lực của gia đình, xã hội. Giới trẻ, những người có quan niệm “YOLO -You only live once” có nghĩa là “Bạn chỉ sống một lần thôi” đang gia tăng tại Hàn Quốc. Họ coi trọng hạnh phúc của mình nhất, tập trung vào hạnh phúc hiện tại mà không phải hy sinh cho tương lai như việc chuẩn bị nhà cửa, hôn nhân, tuổi già, không bó buộc về lý trí. Quan niệm hôn nhân của giới trẻ thay đổi dẫn đến sự giảm sút về giá trị gia đình và lẽ đương nhiên họ không coi trọng sự hy sinh và thời gian cá nhân cho gia đình, đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Để giải quyết các vấn đề trên, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể, chính quyền thành phố Seoul khởi động hàng loạt chương trình để giúp đỡ những hộ gia đình một thành viên. Năm 2019, Seoul giới thiệu 12 chương trình nhằm giúp những người sống một mình mở rộng các mối quan hệ cá nhân thông qua các hoạt động như làm đồ thủ công, du lịch, tập thể dục hoặc nấu ăn. Thành phố Busan cũng coi “cô đơn” là một vấn đề nghiêm trọng và đang soạn thảo các quy định để đối phó với vấn nạn này…

Đối với vấn đề sinh thấp, chính phủ Hàn Quốc đã và đang nỗ lực đưa ra các gói hỗ trợ như thưởng tiền khuyến khích sinh đẻ, tăng thời gian nghỉ phép của người bố hay trả tiền điều trị vô sinh hiếm muộn, hỗ trợ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trẻ em và hỗ trợ trẻ sơ sinh…

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc- Triều Tiên

Tổng hợp từ các nguồn:

1.  혼밥·혼영·혼술·혼곡 …‘나홀로문화’ 쿨하게즐긴다, http://www.munhwa.com/news/view.html?no=2016030801071121304001

2.  혼밥·혼술·혼행시대…1인가구문제점무엇?
http://www.1conomynews.co.kr/news/articleView.html?idxno=10297

3.  1인가구비중가장많아져…29.8% '나혼자산다', https://news.einfomax.co.kr/news/articleView.html?idxno=4048384

4.  Single-member Households to Become Most Common Type in 2047, http://koreabizwire.com/single-member-households-to-become-most-common-type-in-2047/149619

5.  ‘Solo economy’ just keeps growing, https://koreajoongangdaily.joins.com/2013/06/12/economy/Solo-economy-just-keeps-growing/2973017.html

6.  Economy for single households growing fast, https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2020/02/488_272433.html

7.  Hộ gia đình một thành viên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số hộ gia đình tại Hàn Quốc, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=44800

8.  Hiện tượng gia đình một thành viên tại Hàn Quốc, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=12769&page=5&board_code=trendkorea

9.  Con số báo động 5,6 triệu hộ gia đình 1 người tại Hàn Quốc, https://baophapluat.vn/quoc-te/con-so-bao-dong-56-trieu-ho-gia-dinh-1-nguoi-tai-han-quoc-450782.html

 

 

 

 

 


Scroll To Top