Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SINH HOẠT PHÍ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI ĐƠN THÂN Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Theo báo cáo “Thống kê người cao tuổi năm 2017” do Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố tháng 9/2017 cho thấy 41,6% người cao tuổi đang trực tiếp chi trả sinh hoạt phí của bản thân, cao hơn nhiều so với những người nhận được sự giúp đỡ của con cái, họ hàng. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi trang trải sinh hoạt phí từ nguồn hỗ trợ của con cái, họ hàng là 31,8% và chính phủ, tổ chức xã hội là 26,6%[1]. Vì vậy, nguồn sinh hoạt phí của nhiều người cao tuổi Hàn Quốc theo mức độ phổ biến lần lượt là 1. Bản thân và bạn đời; 2. Con cái, họ hàng hỗ trợ; 3. Chính phủ, tổ chức xã hội. Điều này có nghĩa rằng, trước tiên, họ tìm kiếm sự giúp đỡ trong quy mô gia đình rồi mới đến sự giúp đỡ từ bên ngoài xã hội. Nhìn chung, người cao tuổi Hàn Quốc vẫn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất từ con cái và xã hội trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, ở nhóm người cao tuổi đơn thân, mức độ và sự thay đổi trong cách thức trang trải sinh hoạt phí có sự khác biệt hẳn so với toàn bộ người cao tuổi nói chung. Trước đây, vào năm 2011, người cao tuổi đơn thân chi trả sinh hoạt hàng ngày theo mức độ phổ biến là: 1) Con cái, họ hàng hỗ trợ; 2). Bản thân; 3) Chính phủ, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với những biến đổi về mặt kinh tế, xã hội, nhân khẩu học, số lượng các gia đình nhiều thế hệ ông bà sống chung cùng con cháu cũng giảm dần, khiến cho hàng triệu người cao tuổi Hàn Quốc sống neo đơn rơi vào tình cảnh không thể có một cuộc sống đảm bảo. Hậu quả là, người cao tuổi đơn thân ngày càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi đơn thân nhận sự hỗ trợ của con cái, họ hàng cho nguồn sinh hoạt phí không thay đổi nhiều, từ 43% từ năm 2011-2013, nhưng đã giảm hơn 10% (2013-2015), còn 31,8% năm 2015[2]. Ngược lại, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tự chi trả sinh hoạt phí và nhận sự giúp đỡ của chính phủ, tổ chức xã hội càng tăng dần. Tỷ lệ người cao tuổi đơn thân sử dụng cách thức trang trải sinh hoạt phí từ chính phủ, tổ chức xã hội là 26,2%, cao gấp 2 lần tỷ lệ người cao tuổi nói chung sử dụng cách thức này là 12,8%. Tỷ lệ người cao tuổi đơn thân tự lo được sinh hoạt phí không thay đổi từ năm 2011-2013 nhưng có xu hướng tăng dần từ năm 2013-2015. Mức độ phổ biến trong cách thức trang trải sinh hoạt phí của người cao tuổi đơn thân năm 2016 theo thứ tự lần lượt là 1) Bản thân (41,6%); 2) Chính phủ, tổ chức xã hội (26,6%) và cuối cùng là 3) Con cái, họ hàng hỗ trợ (21,8%)[3]. So với người cao tuổi Hàn Quốc, hiển nhiên, nhóm người cao tuổi đơn thân gặp khó khăn nhiều hơn trong cuộc sống. Trong đợt chi trả lương hưu cơ bản chính thức  năm 2014 cho 4,1 triệu người trên 65 tuổi, mức lương hưu cơ bản đối với người neo đơn sống một mình rất khiêm tốn. Đối với người neo đơn sống một mình là 200.000 won, còn hộ gia đình có hai người già là 320.000 won (tương đương 310,4 USD)[4]. Mức lương hưu ít ỏi cũng dẫn tới xu hướng tìm kiếm việc làm ở nhóm người cao tuổi đơn thân. Trong năm 2016, có khoảng 442.000 người già neo đơn xin được việc là, tăng 3.000 người so với năm 2015[5]. Nếu chính phủ Hàn Quốc không có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả với nhóm người cao tuổi này, tỷ lệ người cao tuổi đơn thân tái tham gia thị trường lao động sẽ càng tăng trong tương lai.

Lý giải cho hiện trạng số người cao tuổi đơn thân sử dụng nguồn sinh hoạt phí từ chính phủ, tổ chức xã hội cao hơn nhiều so với người cao tuổi nói chung thời gian qua, xuất phát từ 2 nguyên do. Thứ nhất, số người cao tuổi đơn thân Hàn Quốc luôn tăng trong nhiều năm gần đây. Tỷ trọng người cao tuổi đơn thân tăng liên tục từ 20,0% (1990), 32,0% (2005), 32,9% (2015). Năm 2016, số người cao tuổi đơn thân là 1.294.000 người, chiếm 33,5% trong tổng số 3.867.000 người cao tuổi Hàn Quốc[6], tăng 70.000 hộ so với năm 2015[7]. Phân chia theo giới tính, năm 1990, số người cao tuổi đơn thân là cụ bà cao gấp 6 lần so với số người cao tuổi đơn thân là cụ ông. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ kỹ thuật y tế và tuổi thọ kéo dài, số cụ ông đơn thân tăng dần. Năm 2016, khoảng cách chênh lệch số người cao tuổi đơn thân giữa hai giới thu hẹp, số cụ bà đơn thân chỉ gấp 3 lần so với số cụ ông đơn thân. Số người cao tuổi đơn thân liên tục tăng trước hết làm tăng gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, do đặc điểm tâm lý của người già, sợi dây liên kết giữa người cao tuổi đơn thân với con cái, họ hàng ngày càng xa cách. Bởi vậy, tỷ lệ người cao tuổi đơn thân tự chi trả chi phí sinh hoạt và nhận sự giúp đỡ của chính phủ, tổ chức xã hội ngày càng gia tăng.

Thứ hai, số người cao tuổi đơn thân nhóm trung lão (70-79 tuổi) và nhóm đại lão (trên 80 tuổi)[8] ngày càng chiếm tỷ trọng cao.Về phân bố theo độ tuổi, tỷ trọng người cao tuổi đơn thân ở độ tuổi sơ lão (65-69 tuổi) đã giảm dần, từ 42,7% (1990) xuống 30,0% (2005), 26,5% (2016)[9]. Tỷ trọng người cao tuổi đơn thân ở độ tuổi trung lão (70-79 tuổi) tăng dần trong giai đoạn 1990-2005 từ 47,2% lên 53,1%, nhưng lại giảm giai đoạn sau đó, còn 48,8% (2015) và 47,5% (2016). Trái lại, tỷ trọng người cao tuổi đơn thân ở nhóm tuổi cao nhất - nhóm đại lão liên tục tăng, tăng 16% trong vòng 26 năm từ 10,1% (1990) lên 26,0% (2016). Mặc dù, tỷ trọng người cao tuổi đơn thân nhóm trung lão là lớn nhất, nhưng với những đặc điểm già hóa dân số của Hàn Quốc hiện tại thì trong tương lai, tỷ trọng người cao tuổi đơn thân nhóm đại lão sẽ là lớn nhất. Xem xét nguồn sinh hoạt phí của người cao tuổi đơn thân theo nhóm tuổi thấy rằng, tuổi càng cao thì tỷ lệ người cao tuổi tự chi trả sinh hoạt phí càng giảm. Đồng thời, tỷ lệ người cao tuổi đơn thân dựa vào nguồn sinh hoạt phí từ con cái, họ hàng và chính phủ, tổ chức xã hội càng tăng ở nhóm tuổi tăng dần. Những biến đổi này phần nào dẫn tới thay đổi trong nguồn sinh hoạt phí của người cao tuổi đơn thân ở Hàn Quốc.

Như vậy, nhóm người cao tuổi nói chung và nhóm người cao tuổi đơn thân tự trang trải sinh hoạt phí đều có tỷ lệ cao 41,6%-58,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi sống neo đơn nhận sự giúp đỡ của chính phủ, tổ chức xã hội để chi trả sinh hoạt phí cao gấp hai lần tỷ lệ người cao tuổi nói chung. Có thể nhận thấy rằng, nguồn chi trả sinh hoạt phí của người cao tuổi phản ánh những biến đổi của vai trò gia đình Hàn Quốc và hạn chế của hệ thống an sinh xã hội. Vai trò của con cái, gia đình trong việc chăm sóc, giúp đỡ bố mẹ ngày càng suy giảm và có xu hướng chuyển giao vai trò này sang cho xã hội và cộng đồng. Mức lương hưu của người cao tuổi Hàn Quốc không đủ để chi trả sinh hoạt phí nên họ cần sự nhiều trợ giúp từ các tổ chức xã hội và con cái.

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ nguồn:

1. 통계청(Cục Thống kê Hàn Quốc) (2017), “2017 고령자통계” (Thống kê người cao tuổi 2017), http://kostat.go.kr/portal/korea/kor_nw/2/6/1/index.board?bmode=read&aSeq=363362&pageNo=&rowNum=10&amSeq=&sTarget=&sTxt=

2. Phạm Thắng, Đỗ Thị Khánh Hỷ, “Báo cáo tổng quan về chính sách chăm sóc người già thích ứng với thay đổi cơ cấu tuổi tại Việt Nam”, http://www.gopfp.gov.vn/documents/18/24354/TQCS-NCT.pdf, 2009.

3. KBS, “30% hộ gia đình người cao tuổi Hàn Quốc sống neo đơn”, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=35718, 26/9/2017.

4. KBS, “4,1 triệu người cao tuổi Hàn Quốc nhận đợt lương hưu cơ bản đầu tiên”, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=25726, 25/7/2017.



[1]통계청(Cục Thống kê Hàn Quốc) (2017), “2017 고령자통계” (Thống kê người cao tuổi 2017), tr. 10.

[2] Cục Thống kê hàn Quốc, 2017,  Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

[3] Cục Thống kê hàn Quốc, 2017,  Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

[4] http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=25726

[5] http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=35718

[6] Cục Thống kê hàn Quốc, 2017,  Tài liệu đã dẫn,  tr.3.

[7] http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=35718

[8] Phạm Thắng, Đỗ Thị Khánh Hỷ, “Báo cáo tổng quan về chính sách chăm sóc người già thích ứng với thay đổi cơ cấu tuổi tại Việt Nam”, http://www.gopfp.gov.vn/documents/18/24354/TQCS-NCT.pdf, 2009, tr. 1.

[9] Cục Thống kê hàn Quốc, 2017,  Tài liệu đã dẫn, tr.3.


Scroll To Top