Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BẢO HIỂM HƯU TRÍ Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Trong quá trình tập trung phát triển kinh tế giai đoạn 1960-1980, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống an sinh xã hội. Năm 1962, Luật Bảo vệ sinh kế đã được ban hành cùng các các Luật Hưu trí đối với quân nhân, nhân viên chính phủ và giáo viên. Năm 1988, hệ thống lương hưu được hoàn thiên và chính thức áp dụng nhưng đến năm 1999 mới trở thành quy định bắt buộc ở Hàn Quốc. Đến tháng 1 năm 2008, hệ thống Lương hưu Tuổi già Cơ bản chính thức ra mắt, giúp nhiều người lớn tuổi hơn 65, thuộc các tầng lớp có thu nhập thấp, cũng có quyền nhận lương hưu[1].

Bảo hiểm hưu trí (hay trợ cấp lương hưu, trợ cấp quốc dân) Hàn Quốc là chế độ bảo đảm xã hội thực hiện trong nước nhằm góp phần ổn định cuộc sống thông qua việc đóng bảo hiểm bắt buộc để tránh trường hợp người có tuổi không thể lao động được và gặp rủi ro không mong muốn hoặc chết và chi trả phụ cấp cho người già, bản thân người bị tan nạn, chết hoặc thân nhân của họ[2].

Đối tượng nhận bảo hiểm hưu trí là mọi công dân Hàn Quốc từ 18-60 tuổi, đã tham gia đóng bảo hiểm lương hưu trên 10 năm thì đến tuổi hưu theo quy định có thể được nhận trợ cấp lương hưu. Tùy theo nghề nghiệp và lĩnh vực công tác, khi về hưu, người cao tuổi có thể nhận lương lương hưu cán bộ công chức, lương hưu quân nhân, lương hưu tư nhân..v.v..

Cư dân nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc có thể tham gia vào kế hoạch lương hưu quốc gia giống như người Hàn Quốc bản xứ. Nếu cư dân nước ngoài từ 18-60 tuổi làm việc trong doanh nghiệp, người đó trở thành nhân viên tham gia; trong các trường hợp khác, cư dân nước ngoài trở thành người đóng góp tại địa phương. Tuy nhiên, nếu luật pháp nước bản địa của người nước ngoài đó, không cho phép người Hàn Quốc tham gia vào kế hoạch lương hưu của nước họ thì người nước ngoài đó cũng không thể tham gia vào kế hoạch lương hưu của Hàn Quốc. Các cư dân nước ngoài của 22 quốc gia không thể tham gia vào kế hoạch lương hưu ở Hàn Quốc là: Việt Nam, Myama, Băng la đét, Nepan, Ả rập Saudi...

Tại từng nhóm lương hưu (lương hưu quốc dân, lương hưu quân nhân…), có sự phân chia thành lương hưu tuổi già, trợ cấp mất người thân và trợ cấp thương tật. Số người cao tuổi Hàn Quốc nhận được trợ cấp lương hưu năm 2016 là 2.582.009 người, đạt tỷ lệ cao nhất, là 85,6%. Tiếp theo là số người nhận được trợ cấp mất người thân và trợ cấp thương tật với tỷ lệ lần lượt 13,8% và 0,6%[3].

Khi xét về mức lương hưu người cao tuổi Hàn Quốc nhận được, 45,3% người Hàn Quốc từ 55 đến 79 tuổi, tức 5.847.000 người (2017) đã nhận được khoản lương hưu trung bình là 520.000 KRW, tăng 10.000 won so với năm 2016. Điển hình, sự chênh lệch về mức lương hưu theo giới vẫn hiện hữu khi về già. Lương hưu trung bình hàng tháng năm 2017 của cụ ông là bằng mức lương trung bình của năm 2016 là 690.000 won (606 USD). Lương hưu bình quân tháng của cụ bà là 340.000 won, tăng 20.000 won so với năm 2016, nhưng không bằng một nửa mức lương trung bình cụ ông[4].

Kể từ khi chế độ lương hưu tuổi già cơ bản bị bãi bỏ năm 2014, chế độ lương hưu cơ bản mới được thi hành, người cao tuổi nhận mức lương hưu mỗi tháng 100.000-250.000 won (88-219 USD) chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 46,8%. Ở mức lương hưu càng cao, tỷ trọng người cao tuổi nhận mức lương càng giảm. Ví dụ, mức lương 250-500 ngàn won (219-439 USD), 500 ngàn-1 triệu won (439-880 USD), tỷ trọng người cao tuổi nhận mức lương lần lượt là 26,2% và 13,6%. Hiện tại, mức thu  nhập trung bình năm 2017 của hộ gia đình một người ở Hàn Quốc là 1.652.931 won[5]. Như vậy, mức lương hưu mà gần 50% người cao tuổi Hàn Quốc nhận được chỉ bằng 1/16-1/6 mức thu nhập trung bình của hộ gia đình một người. Và chỉ 8,7% người hưởng lương hưu nhận mức lương 1,5 triệu won, xấp xỉ đạt mức thu nhập trung bình của hộ gia đình một thành viên 1,6 triệu won.

Đối với người cao tuổi Hàn Quốc, bảo hiểm hưu trí (trợ cấp quốc dân) là một loại bảo hiểm quan trọng nhất nhằm đảm bảo cuộc sống khi về hưu. Tuy nhiên, mức lương mà đa số người cao tuổi nước này nhận được khá thấp so với chi phí sinh hoạt ở Hàn Quốc, mức 100.000-250.000 won mỗi tháng. Để giải quyết vấn đề này, trước đây, trong chiến dịch tranh cử, nữ Tổng thống đầu tiên Park Geun-Hye từng cam kết sẽ trả cho tất cả người về hưu trên 64 tuổi 200.000 won/tháng (tương đương 180 USD). Tuy nhiên, lời hứa này đã không thực hiện được do điều kiện kinh tế Hàn Quốc không cho phép. Sau khi mức lương hưu tối thiểu hàng tháng là 200.000 won, Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in hứa nâng mức lương lên 300.000 won vào năm 2021[6]. Do vậy, nhìn chung, chế độ lương hưu ở Hàn Quốc hiện tại vẫn còn hạn chế và chưa đảm bảo thu nhập cho đa số người cao tuổi. Đây cũng là một nhân tố khiến nhiều người về hưu ở Hàn Quốc đang phải “vật lộn” quay trở lại thị trường việc làm.

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ nguồn:

1. Bộ Bình đẳng Giới & Gia đình Hàn Quốc, Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt tại Hàn Quốc năm 2017.

2. Võ Hải Thanh (2016), Thoát bẫy thu nhập trung bình – Nguyên cứu trường hợp của Hàn Quốc và gợi ý cho Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. 통계청(Cục Thống kê) (2017), “2017 고령자통계” (Thống kê người cao tuổi 2017), http://kostat.go.kr/portal/korea/kor_nw/2/6/1/index.board?bmode=read&aSeq=363362&pageNo=&rowNum=10&amSeq=&sTarget=&sTxt=

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009) , Hàn Quốc: Đất nước – Con người, Trung tâm Quảng bá Văn hóa hải ngoại Hàn Quốc.

5. https://www.liveinkorea.kr/portal/VNM/page/contents.do

6. Bryan Harris , Kang Buseong , 2017, “South Korea’s penniless pensioners face final years in crisis” (Những người không có lương hưu ở Hàn Quốc đối mặt với các năm cuối đời trong khó khăn), https://www.ft.com/content/cf73149a-6542-11e7-9a66-93fb352ba1fe, 27/11/2017.

 

 

 



[1] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009) , Hàn Quốc: Đất nước – Con người, Trung tâm Quảng bá Văn hóa hải ngoại Hàn Quốc, tr. 122.

[2]Bộ Bình đẳng Giới & Gia đình Hàn Quốc, Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt tại Hàn Quốc năm 2017, tr. 241.

[3]통계청(Cục Thống kê) (2017), “2017 고령자통계” (Thống kê người cao tuổi 2017), tr. 32.

[4]통계청(Cục Thống kê) (2017), “2017 고령자통계” (Thống kê người cao tuổi 2017), tr. 33.

[5]Bộ Bình đẳng Giới & Gia đình Hàn Quốc, Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt tại Hàn Quốc năm 2017, tr. 237.

[6] https://www.ft.com/content/cf73149a-6542-11e7-9a66-93fb352ba1fe

 


Scroll To Top