Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN QUỐC TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG

Đăng ngày:

Sau hàng loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2016 và 2017, Hàn Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng Hàn Quốc trong năm 2017, năm 2018 và dự kiến tăng ngân sách năm 2019. Ngân sách quốc phòng Hàn Quốc năm 2016 là 38.799,5 tỷ won (2,4% GDP), năm 2017 tăng lên 40.334,7 tỷ won và năm 2018 tăng lên 43.158,1. Tỷ trọng ngân sách quốc phòng trong ngân sách chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc hàng năm tăng mạnh trong năm 2017 lên tới 14,7%[1]. Đây là mức tăng xấp xỉ năm 2012, sau sự cố đảo Yeonpyong bị tấn công năm 2011. Và dự toán ngân sách năm 2017 của Bộ Quốc phòng được Quốc hội Hàn Quốc lần đầu tiên thông qua mà không bị cắt giảm kể từ sau sự cố đảo Yeonpyong bị tấn công[2]. Dự kiến năm 2019, ngân sách quốc phòng Hàn Quốc tăng lên tới 46.700 tỷ won, tăng 8,2% so với năm 2017, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 cho tới nay, và cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 4,4% trong khoảng 10 năm qua[3].

Trong cơ cấu ngân sách quốc phòng Hàn Quốc sau hàng loạt vụ thử hạt nhân tên lửa của Triều Tiên, ngân sách dành cho phần mua sắm, tăng năng lực phòng vệ quốc phòng đã tăng từ 11.639,8 tỷ won năm 2016 lên 12.197 tỷ won năm 2017 và 13.520,3 tỷ won năm 2018. Tỷ trọng ngân sách tăng năng lực phòng vệ quốc phòng trong cơ cấu ngân sách quốc phòng Hàn Quốc tăng từ 30% lên 31,3% năm 2018[4]. Dự kiến năm 2019, tỷ trọng ngân sách tăng năng lực phòng vệ sẽ tăng lên 32,9% với 15.373,3 tỷ won, tăng 13,7% so với năm 2018, mức tăng cao nhất kể từ năm 2006[5].

Theo thống kê của Cơ quan đánh giá năng lực quân sự của Mỹ (GFP) tháng 4 năm 2018, tiềm lực quân sự của Hàn Quốc đã tăng 4 bậc từ thứ 11 lên thứ 7, lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản ở vị trí thứ 8(GFP Affiliations:Apacific; Asia, 2018). Lý do là trước nguy cơ bị tấn công hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên vào thời gian trước đó, Hàn Quốc đã biên chế hệ thống vũ khí quan trọng với những chi phí ngân sách quốc phòng lớn hơn. Năm 2016, Hàn Quốc đã biên chế mới hơn 20 khí tài quân sự như tên lửa không đối đất Taurus, tên lửa đạn đạo hạm đối đất chiến thuật, dàn pháo đa nòng Cheonmu 230 ly... Năm 2017, Hàn Quốc biên chế mới khoảng 10 khí tài quân sự như tàu hộ vệ lớp Ulsan, Rocket tự hành 2,75 inch, máy bay trinh thám không người lái, xe trinh sát hạt nhân, sinh hóa học II. Từ năm 2018, dự án F-X bước vào giai đoạn 3 (từ năm 2018 đến năm 2021), không quân Hàn Quốc dự kiến sẽ biên chế 40 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 với ngân sách lên tới khoảng 7 ngàn tỷ won[6]. Dự kiến năm 2019, Hàn Quốc sẽ mua máy bay chở tên lửa cỡ lớn C17 hoặc A400 có khả năng bay liên tục 7.600 km, 8.900 km và có tải trọng lần lượt là 76 tấn và 37 tấn, vượt xa C-130J Hàn Quốc mới biên chế gần đây[7].

Để đối phó hạt nhân Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ kiểu Hàn Quốc gọi là Hệ thống 3K bao gồm hệ thống Kill Chain, KAMD (hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc) và KMPR (trả đũa trừng phạt số lượng lớn). Hệ thống 3K là hệ thống 3 trục kiểu Hàn Quốc do Hàn Quốc tự phát triển, xây dựng để tăng cường năng lực đối phó chủ động với hạt nhân Triều Tiên. Trước sự đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng với các vụ thử hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên trong những năm đầu thập niên 2010, Hàn Quốc đã tăng ngân sách để đẩy mạnh tiến độ lắp đặt, nâng cấp hệ thống 3K. Hệ thống Kill Chain theo kế hoạch của Hàn Quốc là sẽ lắp đặt hoàn thiện vào năm 2022. Để nhanh chóng lắp đặt, hoàn thiện và nâng cao năng lực chủ động chiến đấu của hệ thống 3K, năm 2018, ngân sách của Hàn Quốc dành cho hệ thống 3K là 2.273,5 tỷ won, tăng 137,6 tỷ won, tăng khoảng 6,4% so với năm 2017[8].

Hàn Quốc cũng gấp rút đẩy nhanh dự án sản xuất, hạ thủy tàu ngầm 3.000 tấn hiện đại với đầu tư ngân sách lớn. Ngày 14/9/2018, lần đầu tiên hạ thuỷ tàu ngầm lớp Changbogo-III 3.000 tấn đầu tiên trong lịch sử. Tàu ngầm mới này là tàu ngầm Dosan Ahn Chang Ho (KSS-3), được mệnh danh là “Tàu Rùa thế kỷ 21” của Hàn Quốc. Tàu ngầm này ngoài trang bị ngư lôi còn có khả năng bắn tên lửa thẳng hoặc là tên lửa hành trình. Tên lửa Hyonmu gồm cả hai loại đều có khả năng biên chế trên tàu ngầm này. Hàn Quốc dự kiến sẽ đóng 9 tàu ngầm KSS-3 chia ra thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 chiếc và tàu Dosan Ahn Chang Ho là chiếc số 1 trong giai đoạn đầu tiên[9].Trong bối cảnh Triều Tiên gia tăng các vụ thử hạt nhân, tên lửa, dự án đóng tàu ngầm 3.000 tấn đã gấp rút được khởi xướng từ năm 2012, bắt đầu đóng từ năm 2014, hoàn công vào ngày 17/5/2016, hạ thủy vào tháng 9/2018. Chỉ trong vòng 4 năm đóng và hoàn thiện, Hàn Quốc đã tự thiết kế, sản xuất riêng cho mình loại tàu ngầm có trọng tải lớn với nhiều điểm độc đáo. Đây là loại tàu ngầm diesel có trang bị VLS (Thiết bị bắn thẳng, Vertical Launch System) duy nhất trên thế giới. Dự kiến năm 2020, Hàn Quốc sẽ chính thức đưa vào biên chế và đưa vào tác chiến sau đó 2-4 năm. Với tàu ngầm KSS-3, Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 nước trên thế giới có thể thiết kế, đóng, hạ thủy tàu ngầm và 1 trong 5 nước xuất khẩu tàu ngầm trên thế giới bên cạnh Anh, Pháp, Đức, Nga[10].

Có thể nói, động thái tăng ngân sách, tăng cường mua sắm khí tài, nâng cao tiềm lực quân sự của Hàn Quốc là một sự đối phó với hàng loạt các vụ thử hạt nhân tên lửa của Triều Tiên từ năm 2017 trở về trước. Sự căng thẳng và nguy cơ hạt nhân tên lửa cũng như sự gấp rút trong các dự án mua sắm, cải tiến khí tài, sự thông qua ngân sách quốc phòng dễ dàng ở Hàn Quốc thời gian gần đây càng cho thấy sự quý giá hòa bình. Những bước tiến mới trong quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên trong năm 2018 vì thế cũng càng có ý nghĩa quan trọng và thắp lên hi vọng cho một bán đảo không vũ khí hạt nhân, hợp tác, hòa bình và thịnh vượng./.

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên

 



[1]Cục Thống kê Hàn Quốc, Các chỉ tiêu quốc gia, 2018

[2]Kim Woon-hyuk, 2016, Thông qua ngân sách quốc phòng năm sau 40.334,7 tỷ, xây dựng hệ thống Kill Chain và các hệ thống khác với 1.000 tỷ… để đối phó với hạt nhân phía Bắc(북핵 대응 '킬체인' 구축 등에 1조.. 내년 국방예산 40조 3347억 확정), 서울신문, 6/12/2016.

[3]Kim Soo-han, 2018, Bộ Quốc phòng: Yêu cầu ngân sách năm sau là 46.700 tỷ won…tăng 8,2% so với năm trước(국방부, 내년예산 46조7000억원요구..전년대비 8.2% 증가), 헤럴드경제, 28/8/2018.

[4]Cục thống kê Hàn Quốc, 2018, Các chỉ tiêu quốc gia: Quốc phòng.

[5] Kim Soo-han, 2018, Tài liệu đã dân

[6]Lee Chun-geun, 2017, Phương án cải tiến hệ thống dân phòng tự vệ và phòng vệ hạt nhân đối phó với sự gia tăng nguy cơ hạt nhân Bắc Hàn (북한의 핵 위협 증가에 대응하는 핵방호 및 민방위체제 게선방안), 과학기술정책연구원, STEPI Insight, 제217호.

[7]Ham Hyung-seo, 2018, Không quân tiến hành mua máy bay vận tải cỡ lớn C17… cải tiếnTaurus kiểu Hàn Quốc (공군, C17급대형수송기도입추진...한국형타우러스개발), 뉴시스, 19/10/2018.

[8] Song Se-gwan, Ryu Tae-Oung, 2018, Nghiên cứu phương án ngăn chặn nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Bắc Hàn (북한 핵 문제의 평화적 해결을 위한 억제방안 연구), 대한정치학회보 26권 2호, p.63.

[9] Park Hee-joon, 2018, Tháng tới sẽ hạ thủy tàu ngầm 3000 tấn...tàu ngầm có khả năng bắn tên lửa đạn đạo (3000t급 잠수함 다음달 진수...잠수함 탄도탄 발사능력 확보), 이코노믹리뷰, 25/8/2018.

[10]Cheon Jong-ho, 2018, Hạ thủy tàu ngầm Dosan Ahn Chang Ho 3.000 tấn đầu tiên tự sản xuất -“Tàu Rùa thế kỷ 21” ('21세기거북선' 국내최초 3000t급잠수함 '도산안창호함' 진수), 아이뉴스, 15/09/2018.

 


Scroll To Top