NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA ÔNG MOON JAE-IN NẾU ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG HÀN QUỐC NHIỆM KỲ TỚI
Đăng ngày:
Vụ bê bối Choi Soon-sil đã làm rung chuyển Hàn Quốc và đạt đến cao trào khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất[1] theo phán quyết của Toà án Hiến pháp. Như vậy, sau gần 10 năm không được nắm quyền, phe đối lập có nhiều khả năng sẽ làm chủ Nhà Xanh sau cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 09/05 tới đây. Điều này có thể tác động đến các chính sách liên quan đến Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc. Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây, ông Moon Jae-in là người liên tục dẫn đầu cuộc đua vào nhà Xanh với tỷ lệ cử tri ủng hộ cao nhất trong hơn 10 tuần liên tiếp. Như vậy, nhiều khả năng ông Moon sẽ là Tổng thống Hàn Quốc kế tiếp. Tính đến nay, ông Moon luôn cho thấy rằng ông ủng hộ cách tiếp cận hòa giải hơn để đối phó với Triều Tiên. Ông chỉ trích hai cựu Tổng thống phe bảo thủ, là bà Park Geun-hye và người tiền nhiệm của bà là ông Lee Myung-bak, đã phá hỏng những tiến bộ trong quan hệ Hàn – Triều và cho rằng lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ cùng phe bảo thủ ở Hàn Quốc áp đặt suốt 10 năm qua đã không thể chặn ngăn chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN) của Triều Tiên nên đã đến lúc phải thử cách không đối đầu với Bình Nhưỡng. Ông Moon nói: “Chúng ta phải thừa nhận Kim Jong-un là nhà lãnh đạo và là đối tác đối thoại của chúng ta, và liệu có nên tiếp tục gây sức ép và áp đặt lệnh cấm vận lên Triều Tiên”. Ông kêu gọi một biện pháp kép đối với Triều Tiên: đối thoại để đạt đến sự thống nhất về kinh tế, cuối cùng là thống nhất về chính trị và quân sự. Quan điểm này gợi nhớ đến Chính sách Ánh Dương đã dẫn dắt mối quan hệ Hàn - Triều từ năm 1998 đến năm 2008. Chính sách này bao gồm chủ yếu là gửi viện trợ cho Triều Tiên, với hy vọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, hướng Triều Tiên đến sự mở cửa và từ bỏ chương trình VKHN. Kết quả là đã có một giai đoạn “quan hệ thư giãn chưa từng có” trên bán đảo Hàn bị chia rẽ. Tuy nhiên, cách tiếp cận hòa giải này đã mang lại một kết quả “hỗn hợp”. Các dự án, như Khu công nghiệp Kaesong cùng với một số dự án hợp tác khác, bao gồm một khu du lịch ở Triều Tiên, … đều không thay đổi căn bản mối quan hệ giữa hai nước. Triều Tiên đã khởi xướng vụ đụng độ hải quân trên đảo Yeonpyeong vào năm 2002 khiến một số lính thủy Hàn Quốc thiệt mạng và vẫn tiếp tục thử nghiệm VKHN vào năm 2006. Với chính sách Ánh Dương, mặc dù Triều Tiên cho phép một số giáo viên tiếng Anh đến nước này để giảng dạy tại trường đại học nhưng chính sách này cũng đồng thời đã tạo điều kiện cả về nguồn viện trợ lẫn thời gian giúp Triều Tiên có được VKHN. Như vậy, ông Moon Jae-in có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như những người tiền nhiệm của mình với chính sách Ánh Dương. Những người tiền nhiệm này đã ủng hộ một chính sách hòa giải với Triều Tiên, trong khi Hoa Kỳ, dưới thời ông George W. Bush, ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn. Thật khó để nói chính xác ông Donald Trump sẽ phản ứng như thế nào với những khủng hoảng và căng thẳng gần đây với Triều Tiên nhưng có vẻ ông Trump cũng sẽ chọn một đường lối cứng rắn. Một ví dụ về những khó khăn mà ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Trong khi Cựu Tổng thống Park Geun-hye ủng hộ Hệ thống phòng thủ này như là một hành động đáp trả lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thì ông Moon Jae-in lại lên tiếng lo ngại việc triển khai THAAD, coi đó là sự leo thang căng thẳng không cần thiết ở bán đảo Hàn. Ông dẫn đến việc Trung Quốc phẫn nộ và cảnh cáo một sự căng thẳng tương tự vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Về phần mình, Trung Quốc phản đối việc triển khai của THAAD và đe dọa trả đũa về kinh tế đối với Hàn Quốc vì cho rằng hệ thống radar tân tiến của THAAD có thể “dòm ngó sâu” vào lãnh thổ Trung Quốc, do thám sức mạnh quân sự của nước này. Như vậy, nếu ông Moon đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một diễn biến phức tạp nếu muốn thiết lập THAAD ở Hàn Quốc. Làm khó khăn thêm những nỗ lực của ông Moon Jae-in đối với Chính sách Ánh Dương 2.0 là mức trừng phạt chưa từng thấy trong lịch sử đối với Triều Tiên đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua. Những biện pháp trừng phạt này nhằm vào xuất khẩu của Triều Tiên - chủ yếu là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như than đá – dự tính sẽ làm giảm doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên từ 700 đến 800 triệu USD. Thực tế là Trung Quốc đã ký kết vào những thỏa thuận trừng phạt này cho thấy sự không hài lòng của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng gần đây, Triều Tiên đã trở nên xa cách với đồng minh duy nhất của họ - Trung Quốc. Mặc dù không rõ Trung Quốc sẽ thực sự tuân thủ các biện pháp trừng phạt này như thế nào nhưng rõ ràng tình hình trên bán đảo Hàn đang trở nên xấu đi. Hơn nữa, sẽ sớm có một sự lựa chọn giữa cố gắng xoa dịu Triều Tiên, hoặc áp dụng biện pháp cứng rắn, trong đó sẽ bao gồm một số hình thức trả đũa quân sự đối với các cuộc thử nghiệm tên lửa của nước này. Dường như hiện nay, cộng đồng quốc tế đang cùng nhau chống lại Triều Tiên, đặc biệt là sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un, bởi vậy, chắc chắn ông Moon Jae-in sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn thúc đẩy một chương trình nghị sự hoà giải hơn với Triều Tiên. Lương Hồng Hạnh (tổng thuật) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc TÀI LIỆU THAM KHẢO: http://dprmag.org/2017/03/28/a-delicate-balancing-act-for-south-koreas-liberal-opposition/ http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=34023¤t_page= http://cstc.cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/Ung-vien-tong-thong-Han-Quoc-la-nguoi-ngay-tho-434393/ http://vtv.vn/the-gioi/han-quoc-ung-cu-vien-moon-jae-in-dan-dau-trong-tuan-thu-13-lien-tiep-20170330145422844.htm [1] Sáng ngày 31/03/2017, Cựu Tổng thống Park Geun-hye đã bị Viện Kiểm sát bắt giam theo lệnh của Tòa án Trung ương Seoul.