Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KHỦNG HOẢNG TRÊN BÁN ĐẢO HÀN VÀ CƠ HỘI TÁI THIẾT CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

 

Bất ổn chính trị và những thách thức về địa chính trị khu vực đang làm rung chuyển Bán đảo Hàn. Các dẫn chứng có thể kể đến là hàng loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, những đòn trừng phạt không chính thức của Trung Quốc đối với Hàn Quốc liên quan đến việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội, phế truất và bắt giam, … đang đẩy khu vực này vào một chu trình nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng tới hòa bình và thịnh vượng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, những khủng hoảng này cũng là một cơ hội để Hàn Quốc tái thiết; bởi vậy những động thái trong 6 tháng tới, đặc biệt là kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 09/05, là vô cùng quan trọng đối với tương lai của Hàn Quốc.

 

1. Triều Tiên gia tăng khiêu khích quân sự

Việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân đã đặt ra mối nguy thực sự, không chỉ với riêng nước láng giềng Hàn Quốc, mà còn cả với Nhật Bản và Hoa Kỳ (đặc biệt là với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật và Guam). Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã trả lời báo chí Tokyo rằng: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thừa nhận rằng: những nỗ lực chính trị và ngoại giao trong 20 năm qua để phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên đã thất bại”. Hiện tại, tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, cần phải đánh giá một cách khôn ngoan về nguy cơ sắp tới đến từ Triều Tiên và nỗ lực không ngừng để giải quyết khủng hoảng.

Trước tình thế này, Chính phủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã quyết tâm triển khai THAAD nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc vì họ cho rằng hệ thống này sẽ là một mối đe dọa với Đại lục. Để trả đũa, Bắc Kinh đã khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay các ngôi sao K-Pop, các chương trình truyền hình, du lịch và các doanh nghiệp của Hàn Quốc trong quá trình ban đầu triển khai THAAD. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới Hàn Quốc bởi hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có thể phản tác dụng vì Hàn Quốc không thích bị coi như  “một người em trai” ở dưới cơ.

Liên quan tới việc triển khai THAAD, một tình thế tiến thoái lưỡng nan có thể xảy vào thời kỳ Hậu bầu cử của Hàn Quốc, nếu Tổng thống mới của Hàn Quốc là người đến từ phe đối lập, có xu hướng chống lại THAAD. Ông Moon Jae-in (ngôi sao sáng trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh của phe đối lập, người đang dẫn đầu trong các cuộc trưng cầu dân ý gần đây) có xu hướng tiếp tục theo đuổi Chính sách Ánh Dương và thể hiện sự hoài nghi đối với hệ thống THAAD, cũng như vai trò tổng thể của quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Như vậy, tùy thuộc vào kết quả, cuộc bầu cử Tổng thống ngày 09/05 có thể gây ảnh hưởng không mấy tích cực cho kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ ở Bán đảo Hàn.

 

2. Khủng hoảng tại Hàn Quốc

Khủng hoảng chính trị đang bao trùm Hàn Quốc. Vào ngày 10/3, Tổng thống Park Geun-hye đã bị phế truất sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp và đến rạng sáng ngày 31/3 vừa qua, bà đã bị Viện Kiểm sát bắt giam[1] theo lệnh của Tòa án Trung ương Seoul. Hiện bà Park đang phải đối mặt với 13 cáo buộc, bao gồm các nghi ngờ về: nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền, tiết lộ các tài liệu mật của quốc gia, chỉ thị việc lập danh sách đen giới văn hóa, ...

“Cú ngã ngựa” lịch sử trong sự nghiệp chính trị này của bà Park một phần là hệ quả từ sự phẫn nộ của người dân, đã tạo áp lực mạnh mẽ lên Quốc hội và phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Điều này phần nào cho thấy Hàn Quốc hiện nay đang phải đối mặt với những động thái rất khác biệt của lớp trẻ - những người lớn lên trong một xã hội an toàn, thịnh vượng, không còn bị che phủ bởi cái bóng của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và thời kỳ tái xây dựng đầy gian nan của những năm 1960-1970 nhưng vẫn gặp những vấn đề khủng hoảng trong thế hệ mình. Bằng nhiều cách, trong đó có việc tham gia những cuộc biểu tình thắp nến không biết mệt mỏi, những người trẻ tuổi này đã thể hiện sự tức giận trước cái mà họ gọi là “sự cấu kết chặt chẽ” giữa giới tinh hoa chính trị và các tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc. Tâm điểm của sự tức giận chính là cảm giác “bị tước đoạt”: họ nói về những khó khăn trong tài chính, những băn khoăn về số mệnh khi sinh ra đã không được “ngậm thìa vàng”, …

Bất bình đẳng là một sản phẩm phụ của sự thành công về kinh tế của Hàn Quốc. Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, quốc gia này đã thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, thông qua việc mở rộng không ngừng các tập đoàn gia đình trị (chaebol), như: Samsung, Hyundai Motor, SK, ...

Chaebol, với sự nâng đỡ của chính phủ, đã kìm hãm sự cạnh tranh trong nước và giữ cho sự giàu có trở nên “nhỏ giọt”. Theo nghiên cứu của Chaebul.com, 10 tập đoàn lớn nhất - tạo ra doanh thu tương đương 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc - chỉ sử dụng 3,6% lực lượng lao động trên toàn quốc vào năm 2015.

Chaebol đang tuyển dụng thêm nhân viên hợp đồng và đưa sản xuất ra nước ngoài. Trong khi đó, hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc lại phải vật lộn để thu hút nhân tài, do họ chỉ có thể cung cấp được mức lương thấp hơn và địa vị xã hội kém hơn so với các chaebol.

Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy các ngành công nghiệp then chốt, như đóng tàu vào tình trạng nguy kịch, tấn công vào các công ty như Hyundai Heavy Industries. Trong khi đó, các hãng điện tử như Samsung, LG đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc. Kết quả là hơn 10% người tìm việc dưới 30 tuổi không có công việc chính thức ở bất kỳ công ty nào.

Điều này cho thấy công thức tăng trưởng định hướng xuất khẩu do Chaebol dẫn đầu đã đạt đến giới hạn. Theo dự kiến, nền kinh tế Hàn Quốc ​​sẽ mở rộng chưa đầy 3% vào năm 2017, dân số được dự báo sẽ bắt đầu giảm trong vòng chưa đầy 10 năm, làm tăng nguy cơ trì trệ kiểu Nhật Bản. Để tránh khỏi “số phận” này, việc tăng cường hơn nữa mức tiêu dùng trong nước là rất quan trọng nhưng điều này đòi hỏi Chính phủ mới phải tạo ra nhiều việc làm và sự hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ.

Với tình thế hiện nay, các ứng cử viên Tổng thống nhiệm kỳ sắp tới cam kết sẽ khôi phục lại cơ cấu kinh tế nếu họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong đó, ông Moon Jae-in hứa hẹn sẽ có hành động để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, cứng rắn hơn với các doanh nghiệp hàng đầu và cải thiện triển vọng việc làm cho thanh niên.

Thời điểm này có thể chính là cơ hội để Hàn Quốc tái thiết, bởi cuộc khủng hoảng chính trị đã đặt ra những vấn đề cơ bản của một nền kinh tế xây dựng xung quanh một vài tập đoàn lớn, từ đó, đặt ra yêu cầu cải cách thực sự - và môi trường chính trị hiện nay đang tạo cơ hội cho sự thay đổi.

 

Lương Hồng Hạnh (tổng thuật) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=34140&id=Dm

http://www.koreatimes.co.kr/www/opinion/2017/03/197_226310.html

http://www.reuters.com/article/uk-southkorea-politics-breakingviews-idUSKBN1710B2



[1] Bà Park đã trở thành cựu Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc bị Viện kiểm sát bắt giam, sau Tổng thống Chun Doo-hwan và Tổng thống Roh Tae-woo.


Scroll To Top