Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HÀN QUỐC TRONG NĂM 2016 (Phần 1)

Đăng ngày:

Có thể nói, năm 2016 là một năm mà cuộc khủng hoảng về chính trị của Hàn Quốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực ngoại giao, an ninh, kinh tế và xã hội nước này. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua một số sự kiện nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao v.v… trong năm có nhiều biến động này.

Các sự kiện chính trị - ngoại giao - an ninh

1. Vụ bê bối Choi Soon-sil và dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye

Vụ bê bối liên quan tới việc bà Choi Soon-sil, một nhân vật lợi dụng mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Park Geun-hye để thâu tóm quyền điều hành quốc gia, đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn xã hội Hàn Quốc. Ban đầu, bà Choi Soon-sil bị nghi ngờ can thiệp vào quá trình thành lập Quỹ Mir và Quỹ K-Sports. Sau đó, truyền thông Hàn Quốc phanh phui được bí mật rằng bà này đã chỉnh sửa các bài diễn văn của Tổng thống Park, khiến công chúng nghi ngờ bà này đã thâu tóm quyền điều hành quốc gia của Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye. Điều này đã khiến người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình thắp nến quy mô lớn yêu cầu Tổng thống phải từ chức. Vụ việc diễn biến nghiêm trọng với nhiều bí mật bị phanh phui đã khiến Tổng thống Park bị Quốc hội đề xuất luận tội.

Tiếp đó, vào ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc đã mở phiên họp toàn thể và thông qua dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Dự thảo này đã được 171 nghị sĩ của ba đảng đối lập là đảng Dân chủ đồng hành, Đảng vì Nhân dân, đảng Công lý, cùng một số nghị sĩ độc lập ký tên đề xuất và trình lên Quốc hội vào một ngày trước đó. 299 trên tổng số 300 nghị sĩ đương nhiệm đã tham dự phiên biểu quyết, với 234 người bỏ phiếu tán thành, 56 người bỏ phiếu chống, 2 người bỏ phiếu trắng, và 7 phiếu không có hiệu lực. Số phiếu tán thành cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Ngay sau khi dự thảo được thông qua, Tổng thống Park Geun-hye đã bị đình chỉ mọi quyền hạn. Dự thảo luận tội bà Park đã được Quốc hội chuyển lên Tòa án Hiến pháp xét xử. Tòa án Hiến pháp sẽ phải kết thúc xem xét dự thảo luận tội trong vòng sáu tháng kể từ thời điểm thông qua dự thảo.

Đồng thời, Tổng thống Park đã có bài phát biểu xin lỗi người dân, chấp nhận sự điều tra của Viện Kiểm sát và Nhóm công tố viên cũng như nỗ lực tìm mọi cách để khắc phục tình hình như đề xuất tổ chức cuộc họp với Chủ tịch các đảng đối lập, chấp nhận sẽ bổ nhiệm tân Thủ tướng theo sự tiến cử của Quốc hội v.v… Tuy nhiên, sự phẫn nộ của người dân không hề lắng xuống mà ngày một gia tăng. Mỗi cuối tuần, hơn 1 triệu người dân lại tiến hành biểu tình yêu cầu bà Park phải từ chức.

Ngoài ra, một yếu tố quyết định khiến Tổng thống bị Quốc hội luận tội là kết quả điều tra vụ án do Viện kiểm sát công bố, cáo buộc Tổng thống Park Geun-hye là “đồng phạm” với bà Choi Soon-sil. Cáo buộc trên của Viện Kiểm sát đã khiến lòng dân càng thêm sôi sục, khiến vụ việc diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Ngoài bà Choi Soon-sil, các cố vấn của Phủ Tổng thống cũng đã bị Viện Kiểm sát khởi tố bắt giam. Viện Kiểm sát hiện đã bàn giao công tác điều tra cho nhóm công tố viên đặc biệt, chính thức triển khai giai đoạn điều tra từ ngày 21/12.

2. Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai THAAD

Để đối phó với những uy hiếp hạt nhân và tên lửa đang ngày một gia tăng từ phía Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) cho lực lượng quân đội của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.Vào ngày 8/7/2016, Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đã công bố quyết định cuối cùng về việc triển khai THAAD trên bán đảo Hàn Quốc như một biện pháp phòng ngự, nhằm bảo vệ người dân, đất nước Hàn Quốc và lực lượng liên quân Hàn-Mỹ trước uy hiếp hạt nhân và tên lửa miền Bắc. THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đánh chặn tên lửa của quân địch từ tầm cao từ 40 km tới 150 km.

Ngay sau khi Chính phủ hai nước công bố quyết định này, nhiều ý kiến trong dư luận Hàn Quốc bắt đầu hoài nghi liệu có thực sự cần thiết phải triển khai THAAD, cũng như liệu hệ thống này có giúp ngăn chặn được hoàn toàn mối uy hiếp hạt nhân, tên lửa từ Bình Nhưỡng. Tranh cãi trở nên gay gắt hơn sau khi Chính phủ Hàn Quốc công bố địa điểm được lựa chọn để triển khai THAAD là căn cứ pháo binh xã Seongsan thuộc huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang. Người dân địa phương đã phản đối quyết liệt quyết định này do lo ngại sóng điện từ mạnh phát ra từ ra-đa của THAAD sẽ gây hại cho sức khỏe người dân. Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành đo đạc trực tiếp về sóng điện từ của THAAD để chứng minh rằng sóng điện từ phát ra nằm trong giới hạn cho phép, nhưng vẫn không thể trấn an người dân. Cuối cùng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn một địa điểm khác để triển khai THAAD là sân golf Seongju, cũng thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang.

Trung Quốc phản đối gay gắt quyết định triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng THAAD sẽ uy hiếp trực tiếp tới Bắc Kinh. Kể từ sau đó, nước này nhiều lần thể hiện quan điểm phản đối, thậm chí còn có biện pháp trả đũa Seoul như cấm các ngôi sao làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu biểu diễn tại Trung Quốc, cấm trình chiếu phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhập khẩu các nội dung văn hóa từ Hàn Quốc hay tiến hành điều tra thuế với một số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại nước này.

Hàn Quốc và Mỹ đặt mục tiêu hoàn thành việc triển khai THAAD trong năm 2017. Tuy nhiên, do tình hình chính trị trong nước đang bất ổn, kế hoạch này lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ phe đối lập nên không thể loại trừ khả năng lịch trình này có thể bị thay đổi.

3. Quốc tế siết chặt cấm vận với Triều Tiên

Trong năm 2016, Triều Tiên tiếp tục đẩy cao khiêu khích hạt nhân và tên lửa, tiến hành hai vụ thử nghiệm hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa. Những động thái khiêu khích này đã khiến Triều Tiên phải gánh chịu sự trừng phạt cứng rắn từ Liên Hợp Quốc, như bị hạn chế về xuất khẩu than đá. Nhiều nước lớn cũng đã công bố biện pháp cấm vận riêng với miền Bắc.

Vào hôm 6/1/2016, bất chấp những cảnh cáo liên tiếp từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa vào hôm 7/2. Vào hôm 2/3/2016, 57 ngày sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết cấm vận có mức độ quyết liệt nhất từ trước tới nay nhằm phong tỏa tài chính, chặn đứng các nguồn tiền của nước này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cứng rắn này của cộng đồng quốc tế lại không thể khiến nước này ngừng khiêu khích. Chỉ chưa đầy một ngày sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cấm vận, Triều Tiên đã tiếp tục phóng tên lửa tầm ngắn. Vào hôm 24/8/2016, nước này cho phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Đến ngày 9/9/2016, nước này tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm. Tất cả các động thái trên cho thấy cho thấy Triều Tiên không hề cân nhắc tới mối lo ngại của cộng đồng quốc tế, cương quyết đi theo con đường phát triển hạt nhân và tên lửa.

Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm của Bình Nhưỡng khiến cộng đồng quốc tế nhất trí rằng cần phải áp đặt thêm trừng phạt với miền Bắc trên một phương diện hoàn toàn mới, khắc phục mọi lỗ hổng làm giảm hiệu quả trừng phạt Bình Nhưỡng trong nghị quyết hồi tháng 3 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tới ngày 30/11/2016, 82 ngày sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết mới, hạn chế tối đa hoạt động xuất khẩu than đá của miền Bắc, nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của nước này. Nghị quyết còn yêu cầu các nước thành viên không tuyển dụng lao động của Triều Tiên, hạn chế các hoạt động ngoại giao với nước này. Chính quyền Triều Tiên dự kiến sẽ gặp những trở ngại lớn sau khi Liên Hợp Quốc lấp kín những lỗ hổng trong mạng lưới cấm vận đối với nước này thông qua nghị quyết mới vừa rồi.

4. Dừng hoạt động khu công nghiệp Kaesong gây mâu thuẫn sâu sắc trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên

Sau một loạt các động thái khiêu khích triền miên của Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc đã có biện pháp đáp trả mạnh mẽ bằng việc tuyên bố dừng hoạt động khu công nghiệp Kaeseong ở Triều Tiên, biểu tượng của hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên khiến quan hệ hai miền Nam-Bắc rơi vào trạng thái đối đầu gay gắt trong suốt năm 2016.

Vào hôm 10/2/2016, Chính phủ Hàn Quốc đã ra tuyên bố có nội dung dừng toàn bộ hoạt động của khu công nghiệp liên Triều Kaesong, đáp trả lại vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa lần lượt vào tháng 1 và tháng 2. Trong tuyên bố trên, Chính phủ Hàn Quốc giải thích rằng biện pháp này của Seoul nhằm ngăn không cho Triều Tiên tiếp tục sử dụng nguồn tiền thu được từ khu công nghiệp Kaesong vào việc phát triển hạt nhân và tên lửa, cũng như không để các doanh nghiệp Hàn Quốc chịu thiệt hại. Seoul đưa ra các điều kiện để mở cửa lại khu công nghiệp này là Triều Tiên phải giải tỏa được mối lo ngại về việc phát triển hạt nhân và tên lửa, thiết lập các điều kiện để đảm bảo khu công nghiệp này có thể hoạt động một cách bình thường và ổn định. Chính quyền Triều Tiên cũng đã trả đũa không kém phần quyết liệt, tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp, đóng băng tài sản của doanh nghiệp Hàn Quốc, yêu cầu các nhân sự miền Nam rời khỏi khu công nghiệp này. Vào lúc 10 giờ tối ngày 11/2/2016, toàn bộ hơn 280 nhân viên miền Nam còn lưu lại tại khu công nghiệp này đã rút khỏi đây. Tuy nhiên, phần lớn trang thiết bị, nguyên vật liệu, thành phẩm của doanh nghiệp miền Nam đều bị bỏ lại. Vào lúc 11 giờ 53 phút đêm cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc quyết định cắt toàn bộ nguồn điện, nước cung cấp cho khu công nghiệp Gaesung.

Việc dừng hoạt động khu công nghiệp Kaesong đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Hơn 50.000 người lao động miền Bắc mất việc làm, người dân sống quanh khu công nghiệp gặp bất tiện trong sinh hoạt do bị cắt điện, nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng tại khu công nghiệp này phải chịu thiệt hại ước tính lên tới 1.000 tỷ won (khoảng 838 triệu USD). Sau vụ việc này, hai miền đã cắt đứt toàn bộ mọi kênh đối thoại, biến năm 2016 trở thành một năm đối đầu đầy căng thẳng trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên.

5. Luật Kim Young-ran đi vào hiệu lực

Luật nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước, còn được gọi là "Luật Kim Young-ran", chính thức đi vào hiệu lực, tạo nên sự thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Theo luật này, công chức có hành vi nhận hối lộ có thể bị xử phạt hình sự bất kể hành vi đó có mang tính chất trao đổi vì một mục đích nhất định hay không.

Vào năm 2011, Chủ tịch Ủy ban vì quyền lợi người dân, bà Kim Young-ran là người đầu tiên đề xuất lập ra một dự luật nghiêm cấm hành vi hối lộ. Tuy nhiên, do bất đồng ý kiến trong Chính phủ, phải tới tháng 7 năm 2013, Chính phủ mới trình dự thảo luật Kim Young-ran lên Quốc hội. Dự luật sau đó tiếp tục gây tranh cãi trong một thời gian dài tại Quốc hội.

Phải tới tháng 3 năm 2015, sau khi quá trình điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu Sewol được làm rõ, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ khi phát hiện những mối quan hệ cấu kết mờ ám giữa các bộ ngành Chính phủ và doanh nghiệp, xúc tiến thông qua dự luật này trong phiên họp toàn thể Quốc hội và đưa dự luật đi vào hiệu lực từ ngày 28/9/2016.

Đối tượng áp dụng của luật Kim Young-ran là tất cả công chức, cán bộ nhân viên làm việc tại các tổ chức công ích, cơ quan Nhà nước, hãng truyền thông, giáo viên các bậc học. Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn xử phạt hình sự đối với những người có hành vi nhận hối lộ. Theo đó, công chức nhận tiền hoặc tặng phẩm có giá trị từ 1 triệu won (khoảng 836 USD) trở lên một lần hoặc 3 triệu won (khoảng 2.508 USD) trở lên trong một năm từ một cá nhân nào đó sẽ bị xử phạt hình sự. Ngoài ra, luật cũng quy định mức trần về quà tặng, thết đãi, thăm hỏi, hiếu hỷ. Việc tặng quà với mục đích xã giao, nghi lễ không bị coi là hành vi nhờ vả không minh bạch, nhưng chỉ được phép dưới mức trần là 30.000 won (25 USD) đối với thết đãi bữa ăn, 50.000 won (42 USD) với quà tặng và 100.000 won (84 USD) đối với tiền thăm hỏi, hiếu hỷ.

Luật Kim Young-ran đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong xã hội công chức Hàn Quốc, đặc biệt là văn hóa tiếp đãi công chức. Nhiều nhà hàng quanh các cơ quan Nhà nước đã lập ra thực đơn dưới mức 30.000 won/suất để không vi phạm mức trần theo luật định, thậm chí lập ra thực đơn mới với tên gọi “thực đơn Kim Young-ran”. Doanh thu của các nhà hàng ăn uống, tiêu thụ hoa tươi, các suất quà tặng như thịt đều bị giảm mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng sụt giảm tiêu dùng nghiêm trọng gần đây tại Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ lớn từ việc thực thi luật Kim Young-ran.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tổng thuật

Theo nguồn:

  1. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=814
  2. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=815
  3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=816
  4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=818
  5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=819
  6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=820
  7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=821

Scroll To Top