ĐIỀU TRẦN QUỐC HỘI VỀ VỤ BÊ BỐI CHOI SOON-SIL VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI CHÍNH TRỊ HÀN QUỐC
Đăng ngày:
1. Các phiên điều trần về vụ bê bối của tổng thống và một số kết quả bước đầu Ngày 5/12/2016 vừa qua, quốc hội Hàn Quốc bắt đầu khởi động các phiên điều trần nhằm vào nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn có liên quan đến vụ bê bối bà Choi Soon-sil như Phó Chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn, Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai Chung Mong-koo, Chủ tịch tập đoàn Hanjin Cho Yang-ho v.v… và mời họ tham dự phiên điều trần đầu tiên với tư cách nhân chứng. Họ chủ yếu bị chất vấn về những khoản đóng góp hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận là là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports mà bà Choi Soon-sil - bạn thân của Tổng thống lập ra. Tuy nhiên, trong phiên điều trần, lãnh đạo tập đoàn Samsung đã phủ nhận đóng góp cho các quỹ cho bà Choi Soon-sil để nhằm tìm kiếm những lợi ích cho tập đoàn.Phó Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong phát biểu rằng: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu đóng góp cho các quỹ khác nhau bao gồm cả lĩnh vực văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ đóng góp cho họ để nhằm điều kiện trao đổi.” Ngoài ra, ông Lee khẳng định vụ sáp nhập công ty xây dựng Samsung và công ty công nghiệp Cheil không hề liên quan tới quá trình thừa kế quyền kinh doanh tập đoàn của ông. Ông này cũng cho biết, bản thân mình có biết về việc Samsung đã tài trợ cho con gái bà Choi Soon-sil là Chung Yoo-ra khoảng 1 tỷ won (tương đương 854.000 USD). Chủ tịch tập đoàn Hanjin, ông Cho Yang-ho cho hay, ông đã nhận được thông báo yêu cầu phải xin từ chức Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang 2018 từ cựu Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Kim Jong-deok do có quan hệ không mấy tốt đẹp với Quỹ K-Sports và bà Choi Soon-sil. Còn chủ tịch tập đoàn SK, ông Chey Tae-won cho biết, ông đã từ chối đóng góp thêm 8 tỷ won (6,8 triệu USD) cho quỹ này do xét thấy kế hoạch và phương thức góp tiền cho quỹ K-Sports không thích hợp. Tiếp đó, buổi điều trần thứ hai đã được diễn ra vào hôm 7/12/2016 vừa qua với sự tham gia của các thành viên trong gia đình bà Choi Soon-sil và các nhân vật thân cận với bà này. Tuy nhiên, các nhân chứng quan trọng của vụ bê bối là bà Choi Soon-sil, cựu Cố vấn điều phối chính sách Phủ Tổng thống Ahn Jong-bum, cựu thư ký thân cận của Tổng thống Park Geun-hye, ông Jung Ho-seong, đều không trình diện tại phiên điều trần. Các nhân chứng quan trọng khác như cựu Cố vấn phụ trách các vấn đề dân sinh của Phủ Tổng thống Woo Byung-woo, chị gái bà Choi Soon-sil là Choi Soon-deuk, hai cựu thư ký thân cận khác của Tổng thống Park Geun-hye là Ahn Bong-geun và Lee Jae-man, đều vắng mặt trong phiên điều trần lần thứ hai này. Tổng cộng 13 nhân chứng đã tham dự phiên điều trần lần thứ hai, bao gồm cựu Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Kim Ki-choon, đạo diễn quảng cáo Cha Eun-taek, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Kim Jong và ông Ko Young-tae, một trong những nhân vật thân cận của bà Choi Soon-sil. Do đó, phiên điều trần còn tập trung xét hỏi cựu Chánh Văn phòng Tổng thống, ông Kim Ki-choon, người có ảnh hưởng to lớn trong chính quyền Tổng thống Park Geun-hye. Ông Kim Ki-choon đã bày tỏ sự ăn năn, hối cải về vụ bê bối: “Tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra do không thực hiện đầy đủ phận sự và trách nhiệm hỗ trợ Tổng thống điều hành các công việc nhà nước”. Cũng tại phiên điều trần này, đạo diễn nổi tiếng Cha Eun-taek, người bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ với bà Choi Soon-sil để tư lợi cá nhân cho biết, có tham gia vào một cuộc họp kín theo yêu cầu của bà này, song ông biện hộ rằng đây đơn giản chỉ là buổi chào hỏi xã giao. Tuy nhiên, đạo diễn Cha Eun-taek cũng thừa nhận một phần trong những cáo buộc, bao gồm việc sử dụng vị thế của mình trong vấn đề nhân sự, các dự án quảng cáo của KT Corp- một hãng điện thoại di động của Hàn Quốc. Còn cựu Thứ trưởng Văn hóa Kim Chong đã phủ nhận cáo buộc nhằm vào vị quan chức này rằng, cựu Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Kim Ki-choon yêu cầu ông ủng hộ con gái bà Choi Soon-sil. Ngoài ra, chủ tịch Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội Kim Sung-tae cho biết sẽ kiện cựu Cố vấn Ahn Jong-bum tội sỉ nhục Quốc hội, căn cứ theo điều 13 Luật về làm chứng và giám định tại Quốc hội. Đồng thời, cháu bà Choi Soon-sil là Jang Si-ho cũng đã có mặt tại phiên điều trần cùng ngày. Người này bị nghi ngờ đã can thiệp bất hợp pháp trong quá trình xúc tiến dự án của Trung tâm năng khiếu thể thao mùa đông Tiếp đó, Quốc hội Hàn Quốc chiều hôm thứ Sáu vừa qua (tức ngày 9/12/2016) đã tiến hành biểu quyết dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Trong tổng số 300 nghị sĩ tại Quốc hội, duy nhất cựu Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Choi Kyoung-hwan, phe thân Tổng thống Park đã rời khỏi tòa Quốc hội, không tham gia bỏ phiếu. Sau 10 phút tiến hành biểu quyết và kiểm phiếu, dự thảo luận tội bà Park đã được thông qua với 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 2 phiếu trắng, và 7 phiếu không có hiệu lực. Trong dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye do nghị sĩ các đảng đối lập đề xuất, hai lý do chính để tiến hành luận tội bà Park là vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Dự thảo ghi rằng trong vụ bê bối liên quan tới việc bà Choi Soon-sil can thiệp vào công tác điều hành quốc gia, Tổng thống Park Geun-hye đã vi phạm nghĩa vụ dân chủ đại nghị và hệ thống công vụ chức nghiệp, được quy định trong điều 67 Hiến pháp Hàn Quốc. Xét trên quan điểm tuân thủ Hiến pháp, hành vi này đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, và người vi phạm phải bị bãi nhiệm. Về căn cứ vi phạm pháp luật, theo Luật xử phạt nặng với những tội phạm đặc biệt, các nghị sĩ đối lập cáo buộc bà Park tội nhận hối lộ qua trung gian và tội gây sức ép buộc các tập đoàn lớn quyên góp cho hai quỹ là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports của bà Choi Soon-sil. Phe đối lập cho rằng, đây là hành vi xâm hại rõ ràng tới lợi ích quốc gia và người dân, phản bội lại sự tín nhiệm của người dân dành cho Tổng thống, làm hỏng hình ảnh và tư cách người lãnh đạo quốc gia. Các chuyên gia về pháp luật cho rằng, việc chứng minh được những nội dung trên là điểm mấu chốt để Tòa án Hiến pháp ra quyết định có chấp thuận tiến hành luận tội Tổng thống hay không. Phía tán thành luận tội cho rằng, những lý do trên là đủ để tiến hành luận tội bà Park. Tuy nhiên, một số phân tích khác cho rằng phía Viện Kiểm sát vẫn chưa làm rõ về tội nhận hối lộ của bà Park, và trong quá trình điều tra tới đây, nhóm công tố viên đặc biệt sẽ phải làm rõ được nghi ngờ này. Kết quả điều tra có thể mang lại những ảnh hưởng quyết định tới quá trình phán xét của Tòa án Hiến pháp. Liên quan tới nghi ngờ về hành tung của bà Park trong vòng bảy tiếng đồng hồ sau khi xảy ra tai nạn chìm tàu Sewol, các nghị sĩ đối lập cho rằng bà Park đã vi phạm điều 10 của Hiến pháp về nghĩa vụ bảo đảm quyền sống cho người dân. Do dự thảo luận tội đã được thông qua, mọi hoạt động của Tổng thống sẽ bị đình chỉ và Thủ tướng sẽ tạm thời thay thế Tổng thống điều hành quốc gia. Dự thảo luận tội sẽ chỉ có hiệu lực sau khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết cuối cùng. Thời gian thẩm định tối đa của Tòa án Hiến pháp là sáu tháng. Chính giới hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau về số phận Tổng thống Park Geun-hye. Phe đối lập cho rằng, do dự thảo luận tội đã được Quốc hội thông qua, bà Park phải xin từ chức ngay lập tức. Ý kiến này căn cứ theo bài phát biểu xin lỗi trước toàn dân lần thứ ba của bà Park liên quan tới vụ bê bối bà Choi Soon-sil, khẳng định bà sẽ để Quốc hội quyết định việc bà phải rút lui hay rút ngắn nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc bà xin từ chức ngay lập tức sẽ đi ngược lại quy định của Tòa án Hiến pháp, yêu cầu việc từ chức này phải tuân thủ trình tự phán quyết của Tòa án Hiến pháp. 2. Thủ tướng tạm thời thay mặt tổng thống điều hành quốc gia và một số vấn đề đặt ra Bên cạnh đó, việc Thủ tướng thay mặt tổng thống điều hành quốc gia cũng đang là đề tài gây tranh cãi, bởi việc Thủ tướng Hwang Kyo-ahn điều hành quốc gia không khác nào sự kéo dài chính quyền Tổng thống Park Geun-hye. Đồng thời, do phe đối lập đã từ chối đề cử ứng cử viên Thủ tướng của bà Park trước đó nên họ khó có thể tiến cử một ứng cử viên Thủ tướng mới. Ngoài ra, những dấu hiệu chia rẽ trong đảng Dân chủ đồng hành và Đảng vì Nhân nhân cũng khiến diễn biến tình hình chính trị trong tương lai trở nên khó lường. Thông qua kết quả lần này, có thể nói các đảng phái đối lập đang nắm thế chủ động trên chính trường, đồng nghĩa với việc gánh vác mọi trách nhiệm sau này về tình hình chính trị trong nước. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc, Quốc hội thông qua dự thảo luận tội đối với một Tổng thống đương nhiệm, sau lần đầu tiên vào năm 2004 đối với cựu Tổng thống Roh Moo-hyun. Theo đó, thủ tướng Hwang Kyo-ahn được chỉ định đảm nhận cương vị Quyền Tổng thống thay bà Park Geun-hye căn cứ theo Hiến pháp. Sau đó, thủ tướng Hwang đã có ngay bài phát biểu gửi tới toàn thể người dân Hàn Quốc. Trong bài phát biểu trên, ông Hwang cũng nhấn mạnh rằng, không thể để một lỗ hổng nào trong điều hành quốc gia hiện nay và cam kết sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm Quyền Tổng thống, nỗ lực ổn định điều hành quốc gia trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Thủ tướng Hwang khẳng định rằng, chính phủ sẽ tiếp tục duy trì thế an ninh quốc phòng vững chắc, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, đối phó triệt để với vấn đề Triều Tiên cũng như dồn toàn lực gìn giữ an ninh quốc gia. Thủ tướng Hwang Kyo-ahn kêu gọi người dân đoàn kết cùng Chính phủ khắc phục những khó khăn của quốc gia hiện nay. Ông này cũng đề nghị chính giới một lòng, chung sức nhanh chóng ổn định lại tình hình quốc gia và đời sống người dân. Ông Hwang cũng cam kết Chính phủ sẽ trao đổi chặt chẽ với Quốc hội, nỗ lực hết sức vì an ninh quốc gia, hồi phục kinh tế, giải quyết các vấn đề dân sinh, điều hành quốc gia một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Hwang Kyo-ahn cũng kêu gọi giới công chức nhận thức được tính chất nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, cống hiến và hoàn thành đúng nghĩa vụ được người dân giao phó. Đồng thời, đảng Thế giới mới vào ngày 9/12/2016 vừa qua đã bày tỏ xin lỗi người dân vì đã không thể tiên lượng trước cục diện phiên biểu quyết luận tội Tổng thống Park Geun-hye trên cương vị là đảng cầm quyền. Đảng này tuyên bố sẽ giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại và thay đổi hoàn toàn diện mạo trong thời gian tới cũng như kêu gọi toàn thể chính giới hợp tác để ổn định công tác điều hành quốc gia, giữ gìn trật tự Hiến pháp. Đảng Thế giới mới cũng đồng thời yêu cầu các đảng đối lập kiềm chế những công kích về chính trị, có tinh thần trách nhiệm đóng góp nhằm khắc phục tình hình điều hành quốc gia hiện nay. Đồng thời, sau khi kết thúc phiên biểu quyết tại Quốc hội, đảng Thế giới mới đã tổ chức phiên họp toàn thể các nghị sĩ đảng này tại Quốc hội để thảo luận phương án điều hành đảng trong thời gian tới, trong đó có vấn đề từ chức của ban lãnh đạo đảng hiện nay. Ngoài ra, vào lúc 6 giờ chiều hôm 9/12/2016 vừa qua, ba đảng đối lập là đảng Dân chủ đồng hành, Đảng vì Nhân dân và đảng Công lý đã gửi đơn yêu cầu Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường trong vòng 30 ngày, từ ngày 12/12/2016 nhằm mục đích để Quốc hội đứng ra khắc phục những xáo trộn trong điều hành quốc gia có thể xảy ra sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh và những bất ổn an ninh hiện nay. Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Choo Mi-ae trong buổi họp báo vào ngày 9/12/2016 vừa qua cho biết, phiên họp bất thường tới của Quốc hội sẽ rà soát lại các vấn đề dân sinh mà Chính phủ đang lơ là như việc đối phó với biện pháp trả đũa của Trung Quốc về việc Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, hay dịch cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng, từ đó hối thúc Chính phủ đưa ra những đối sách tổng hợp. Quốc hội dự kiến sẽ triệu tập phiên họp bất thường nếu một phần tư nghị sĩ, tức trên 75 trong tổng số 300 nghị sĩ trong Quốc hội khóa XX này yêu cầu. Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tổng hợp Theo nguồn: