THƠ VÀ CA TRONG TRUYỆN XUÂN HƯƠNG: BÀI THƠ XƯỚNG VẦN TRONG TIỆC SINH NHẬT BIỆN HỌC ĐẠO
Đăng ngày:
Chia tay nàng Xuân Hương, Lý Mộng Long lên kinh dự thi và đỗ Trạng nguyên. Khi được hỏi về nguyện vọng nhận chức, chàng Lý không ham chức cao, bổng hậu mà chỉ xin nhà vua ban cho chức Ám hành Ngự sử[1] để đi xuống những làng quê xa xôi, bí mật thanh tra quan lại địa phương, hòng trừng phạt bọn tham quan, ô lại, bảo vệ dân lành. Nhà vua nghe xong, hết sức khen ngợi và ban cho Lý Mộng Long chức quan Ngự sử, thay vua đi tìm hiểu đời sống trăm họ. Nhận được lệnh, chàng từ biệt cha mẹ và nhanh chóng rời khỏi kinh thành đi lo công việc. Trở về Namwon (Nam Nguyên), nhân dịp Quan huyện Biện Học Đạo tổ chức tiệc mừng sinh nhật, Lý Mộng Long liền giả trang làm một tên ăn mày đến buổi tiệc xin ít rượu thịt. Võ quan Unbong nhìn dáng vẻ của Mộng Long, đoán rằng không phải tên ăn mày tầm thường nên đã xin với Quan huyện cho chàng một mâm cơm rồi cho ngồi bên cạnh. Để tạo thêm không khí cho buổi tiệc, các quan khách rủ nhau cùng gieo vần làm thơ, lấy chữ xướng vần là chữ cao (cao có nghĩa là mỡ và cao có nghĩa là độ cao). Mộng Long thấy vậy liền xin phép làm một bài thơ, viết xong, chàng để lại dưới chỗ ngồi rồi đi thẳng. Bài thơ đó như sau: Kim tôn mỹ tửu thiên nhân huyết Ngọc bàn giai hào vạn tính cao Chúc lệ lạc thời dân lệ lạc Ca thanh cao xứ oán thanh cao. Nghĩa là: Rượu thơm trong chén vàng là máu ngàn người Sơn hào hải vị trên bàn ngọc là mỡ muôn dân Giọt nến rơi là nước mắt bách tính rơi Tiếng hát vút cao là tiếng oán thán vút cao. Nguyên văn là: 金樽美酒千人血 玉盤佳肴萬姓膏 燭淚落時民淚落 歌聲高處怨聲高 (금준미주천인혈 옥반가효만성고 촉루락시민루락 가성고처원성고) Đọc xong bài thơ, Unbong đoán rằng có chuyện chẳng lành, tay run lẩy bẩy như cây liễu trước gió, nhanh chóng xin phép Quan huyện ra ngoài, rồi vội vàng đi xuống đại sảnh, vừa đi vừa xỏ giày. Thấy Unbong cư xử lạ, các quan viên khác đưa mắt nhìn nhau ám hiệu, từng người, từng người một cứ thế đứng dậy, lũ lượt bỏ về. *** Như vậy, Quan Ngự sử Lý Mộng Long khi đến huyện Nam Nguyên thanh tra tình hình đã biết được sự thối nát của lũ quan lại địa phương. Bài thơ này của chàng Lý chính là lời tố cáo gay gắt lũ tham quan, ô lại ở huyện Nam Nguyên hàng ngày sống trong nhung lụa mà thờ ơ với nỗi thống khổ và những lời oán thán của người dân. Lương Hồng Hạnh (dịch) - Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Nguồn: Xuân Hương truyện, NXB Cheongmok, năm 2000, Seoul, Hàn Quốc (bản tiếng Hàn). [1] Ám hành ngự sử: chức quan được vua trao trọng trách bí mật thanh tra các quan lại địa phương. (ND)