Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO VÀO HÀN QUỐC THỜI KỲ TAM QUỐC

Đăng ngày:

Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc từ Trung Quốc và vương quốc đầu tiên trong thời kỳ ba vương quốc được truyền bá Phật giáo là Goguryo (Cao Cú Lệ, 37 TCN – 668 CN) năm 372, tiếp đến là vương triều Baekje (Bách Tế, 18 TCN – 660 CN) vào năm 384 và cuối cùng là vương triều Shilla (Tân La, 57 TCN – 935 CN) năm 527. Có thể nói, con đường du nhập của Phật giáo vào Hàn Quốc trong thời kỳ Tam quốc đó là một trình tự tự nhiên theo vị trí địa lí của các vương quốc này. Trong thời kỳ đầu, sự tiếp nhận Phật giáo ở Cao Cú Lệ và  Bách Tế rất tích cực, đây là điều kiện để Phật giáo phát triển rực rỡ ở hai vương quốc này. Ngược lại, tại Tân La, thời gian đầu Phật giáo còn bị từ chối tiếp nhận, xong, cuối cùng, Phật giáo lại hưng thịnh ở vương triều Tân La. Phật giáo Tân La không chỉ đưa đến hệ tư tưởng chính trị xã hội thống nhất đất nước mà còn truyền nguồn cảm hứng vào cuộc sống tri thức, nghiên cứu học thuật và nghệ thuật sáng tạo của con người. Các nhà sư Thuận Đạo, Ma Ra Nan Ta, Ngã Đạo là những người có công lao to lớn trong việc truyền bá và hoằng dương đạo Phật ở Hàn Quốc thời kỳ Tam quốc.

1. Nhà sư Soon Do (Thuận Đạo) truyền bá Phật giáo ở Cao Cú Lệ

Tam Quốc sử kýCao Cú Lệ bản ký chép rằng:

Năm Nhâm Thân (năm 372), So Soo Rim Wang (Tiểu Thú Lâm Vương[1]) lên ngôi được 2 năm, cũng là năm Hiếu Vũ Đế lên ngôi, tức năm thứ hai niên hiệu Hàm An[2] nhà Đông Tấn. Bồ Kiên[3] nhà Tiền Tần sai sứ thần và nhà sư Thuận Đạo sang truyền kinh văn và tượng Phật. Bấy giờ, Bồ Kiên định đô ở Quan Trung, tức Tràng An Lại nữa, năm Giáp Tuất (năm 374), A Đạo[4] từ nước Tần đến. Tháng 2 năm Ất Hợi (năm 375) dựng chùa Tiêu Môn để Thuận Đạo giảng đạo, dựng chùa Y Phất Lan để A Đạo giảng đạo. Đây là khởi đầu của Phật pháp Cao Cú Lệ.

2. Nhà sư Ma Ra Nan Ta[5] truyền bá Phật giáo ở Bách Tế

Bách Tế bản ký chép:

Vị vua thứ 15, Chim Ryu Wang (Chẩm Lưu Vương) lên ngôi năm Giáp Thân (năm 384), tức năm thứ 9 niên hiệu Thái Nguyên của Hiếu Vũ Đế nhà Đông Tấn, thì nhà sư Ma Ra Nan Ta[6] của Tây Vực từ nước Tấn đến, nhà vua nghênh đón rồi rước về cung điện kính cẩn tiếp đãi. Năm sau, tức năm Ất Dậu (năm 385) dựng chùa ở Han San Joo (Hán Sơn châu) trong kinh thành mới, chọn 10 nhà sư và cấp giới đao độ điệp. Đây chính là sự khởi đầu của Phật pháp Bách Tế. Lại nữa, A Shin Wang (A Tân Vương) lên ngôi vào tháng 2 năm thứ 17 (năm 392) niên hiệu Thái Nguyên[7], đã ban thánh chỉ thể hiện sự sùng tín Phật pháp để cầu phúc.

3. A Do (Ngã Đạo, A Đạo) truyền bá Phật giáo ở Tân La

Tam Quốc sử ký, Tân La bản ký, quyển 4 chép rằng:

Thời vị vua thứ 19 là Nool Ji Wang (Nột Chi Vương) trị vì, khi Sa Moon (Sa Môn)[8] Mook Ho Ja (Mặc Hồ Tử) từ Cao Cú Lệ tới quận Il Seon (Nhất Thiện) thì có người sống ở quận đó là Mo Rye (Mao Lễ), hoặc có tên khác là Mo Rok (Mao Lộc), đào hầm trong nhà cho ở. Bấy giờ nhà Lương sai sứ thần ban cho y phục và hương. Quần thần không biết tên hương và cách dùng nên cho người đi hỏi khắp nơi trong nước về hương đó. Mặc Hồ Tử nhìn thấy bèn nói:

- Cái này gọi là hương. Đốt lên rất thơm, có thể truyền đạt lòng thành tới thần thánh. Đối với thần thánh, không có gì hơn Tam bảo, vì vậy, nếu thắp hương lên cầu khấn, nhất định sẽ linh nghiệm. Có tài liệu ghi chép “Nột Chi Vương tại vị vào giữa giai đoạn nhà Tấn và Tống, nên nói nhà Lương cử sứ thần tới” e rằng là sai.

Bấy giờ, công chúa bệnh nặng, nhà vua cho gọi Mặc Hồ Tử tới thắp hương cầu khấn, công chúa khỏi bệnh. Nhà vua vui mừng, ban thưởng hậu hĩnh, nhưng không rõ Mặc Hồ Tử đi đâu.

Lại nữa, thời Bi Cheo Wang (Bỉ Xứ Vương), vị vua thứ 21, trị vì, nhà sư Ngã Đạo cùng 3 người hầu cận đến nhà Mao Lễ thì thấy hình dáng và phong thái rất giống Mặc Hồ Tử. Người đó sống ở nơi này mấy năm, không ốm đau gì mà qua đời. Ba người hầu cận ở lại và tụng kinh Phật, thỉnh thoảng cũng có môn đồ. Chú thích cho rằng, văn bia ở đó khác với nhiều truyện ký. Cao tăng truyện chép họ là người Tây Trúc, ngoài ra, còn có tài liệu chép rằng họ đến từ nước Ngô.

Văn bia ở chùa viết về Ngã Đạo như sau:

“Ngã Đạo có mẹ là Ko Do Nyoung (Cao Đạo Ninh), người Cao Cú Lệ. Trong niên hiệu Chính Thủy[9], A Kool Ma (Ngã Khuất Ma), họ Ngã, người nước Tào Ngụy vâng mệnh đi sứ tới Cao Cú Lệ, tư thông với Cao Đạo Ninh rồi trở về, khiến Cao Đạo Ninh mang thai. Ngã Đạo được 5 tuổi thì mẫu thân cho xuất gia. Khi được 16 tuổi, Ngã Đạo tới nước Ngụy gặp Ngã Khuất Ma và theo học Phật pháp của nhà sư Huyền Chương. Tròn 19 tuổi, Ngã Đạo trở về thăm mẹ, mẫu thân liền nói:

- Tới nay, đất nước này chưa biết gì về Phật pháp nhưng khoảng 3.000 tháng nữa ở Tân La sẽ có Thánh Vương xuất hiện, đại hưng Phật giáo. Trong kinh thành Tân La sẽ có 7 nơi dựng chùa. Chùa thứ nhất là Thiên Kính Lâm, nay là Hưng Luân tự, ở phía Đông Kim Kiều, Kim Kiều là cây cầu ở Seo Cheon (Tây Xuyên), tục gọi là Song Kyo (Tùng Kiều). Móng của ngôi chùa do Ngã Đạo xây, giữa chừng bị đổ, khởi công lại vào năm Đinh Mùi thời Pháp Hưng Vương, đến năm Ất Mão tiến hành xây dựng, mở rộng chùa và hoàn thành vào thời Chân Hưng Vương. Chùa thứ hai là Tam Xuyên Kỳ, nay là Vĩnh Hưng tự, dựng cùng lúc với Hưng Luân tự. Chùa thứ ba là Long Cung Nam, nay là Hoàng Long tự, Chân Hưng Vương xây dựng lần đầu vào năm Quý Dậu. Chùa thứ tư là Long Cung Bắc, nay là Phân Hoàng tự, Thiện Đức Vương xây dựng lần đầu vào năm Giáp Ngọ. Chùa thứ năm là Sa Xuyên Vĩ, nay Linh Diệu tự, Thiện Đức Vương xây dựng lần đầu vào năm Ất Mùi. Chùa thứ sáu là Thần Du Lâm, nay là Hiên Vương tự, Văn Vũ Vương xây dựng vào năm Kỷ Mão. Chùa thứ bảy là Tế Thỉnh Điền, nay là Nghiêm Tư. Tất cả đều là chùa thời tiền Phật, là nơi pháp thủy chảy dài. Nếu con đến đó truyền bá đại giáo thì sẽ trở thành khai tổ của Phật giáo nơi này.

Ngã Đạo vâng lời mẹ đến Tân La, lưu lại một nơi ở phía Tây thành, nay là chùa Nghiêm Trang. Bấy giờ là năm Quý Mùi (năm 263), tức năm thứ hai Mi Choo Wang (Vị Trâu Vương) tại vị.

[Ngã Đạo] vào cung xin được truyền Phật pháp, nhưng, hiềm nỗi từ thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ họ chưa biết về Phật pháp nên sinh nghi và có nhiều người muốn giết hại ông. Ngã Đạo trốn vào trong nhà của Mo Rok (Mao Lộc) ở Sok Rim (Tục Lâm), nay là huyện Il Seon. Chữ “lộc” và “lễ” trong tiếng Hán gần giống nhau nên dễ bị nhầm. Theo Cổ ký, ngay khi pháp sư đến nhà Mao Lộc, trời đất chuyển động. Khi đó, mọi người không biết Tăng danh nên gọi là A Doo Sam Ma (A đầu Sam ma), Sam ma là từ gọi tên nhà sư theo tiếng địa phương và gần giống với Sa Mi (Sa di).

[Vị Trâu Vương] năm thứ ba, Seong Kuk (Thành Quốc) công chúa mắc bệnh, chữa trị bằng y thuật, bùa ngải bao nhiêu cũng không khỏi, triều đình bèn cho tìm thầy thuốc khắp nơi. Ngã Đạo mạo muội vào cung, bệnh của công chúa khỏi hẳn, nhà vua rất đỗi vui mừng liền hỏi ước muốn của Ngã Đạo. Ngã Đạo đáp:

- Tiểu tăng không mong muốn gì, chỉ xin Hoàng thượng cho phép dựng chùa ở Cheon Kyong Rim để hoằng dương Phật giáo, cầu phúc cho đất nước mà thôi.

Nhà vua đồng ý và việc dựng chùa bắt đầu. Phong tục lúc đó giản đơn, thanh đạm nên chỉ dựng nhà lợp mái cỏ tranh để ở và truyền dạy. Thỉnh thoảng có thiên hoa rơi xuống đất nên đặt tên chùa là Hưng Luân tự.

Em gái Mao Lộc là Sử thị, tin theo pháp sư, xin làm ni cô, dựng chùa ở Sam Cheon Ki, gọi là chùa Vĩnh Hưng. Sau đó ít lâu, Vị Trâu Vương băng hà, dân chúng định giết pháp sư. Bởi vậy, pháp sư đến nhà Mao Lộc, tự đào mồ, đóng cửa tự tuyệt và không xuất hiện trở lại nữa. Vì thế, Phật giáo cũng bị phế bỏ.

Đến năm Giáp Ngọ (năm 514), tức năm thứ 13 niên hiệu Tiêu Lương Thiên Giám, vị vua đời thứ 23 là Pháp Hưng Đại Vương lên ngôi, lại chấn hưng Phật giáo. Tính từ năm Quý Mùi (năm 263), đời Vị Trâu Vương [đến đây] là 252 năm, so với khoảng thời gian 3.000 tháng mà Cao Đạo Ninh đã nói thì đúng. Nếu vậy, hai thuyết trong Bản kýVăn bia trái ngược nhau và khác với điều này.

Thử bàn luận:

Lương, Đường nhị tăng truyệnTam quốc bản sử đều chép: Cao Cú Lệ và Bách Tế vào niên hiệu Thái Nguyên (năm 376-396) cuối thời nhà Tấn, mới bắt đầu có Phật giáo, vậy thì, hai pháp sư Thuần Đạo và Ngã Đạo đến Cao Cú Lệ vào năm Giáp Tuất (năm 374), đời Tiểu Thú Lâm Vương là rất rõ ràng, do vậy, truyện trên không sai. Nếu hai vị đó đến Tân La lần đầu vào đời Vị Trâu Vương thì A Đạo đã đến và lưu lại Cao Cú Lệ khoảng 100 năm. Cho dù đó là hành động của thánh nhân vĩ đại xuất hiện rồi biến mất thì cũng bất bình thường, nhưng rõ ràng tất cả những việc đó đều không tồn tại. Hơn nữa, việc tiếp nhận Phật giáo ở Tân La không muộn như thế. Vả lại, nếu tồn tại thời đại Vị Trâu Vương, thì việc này phải xuất hiện ở Cao Cú Lệ trước năm Giáp Tuất khoảng 100 năm. Lúc này, ở Kê Lâm chưa có văn vật và lễ giáo, quốc hiệu cũng chưa định, chẳng lẽ vào lúc nào đó, A Đạo đến và xin thờ phụng Đức Phật? Cũng có ý kiến không hợp cho rằng, ông ta không tới Cao Cú Lệ, chỉ đi qua để đến Tân La.

Dẫu cho Phật giáo trỗi dậy trong thời gian ngắn rồi bị phế bỏ, nhưng tại sao trong khoảng thời gian đó lại yên ắng, tịch mịch, thậm chí cả tên hương cũng không biết? Có thể một là quá muộn, hai là quá sớm?

Theo thiển nghĩ, Phật giáo có xu thế mở rộng sang phía Đông, chắc chắn phải bắt đầu ở Cao Cú Lệ, Bách Tế và dừng lại ở Tân La. Thời đại Nột Kỳ Vương và Tiểu Thú Lâm Vương của Tân La gần nhau, nên việc A Đạo đến Tân La sau khi rời khỏi Cao Cú Lệ là phù hợp với thời Nột Kỳ Vương trị vì.

Lại nữa, câu chuyện chữa khỏi bệnh cho Công chúa đều có trong chuyện A Đạo thì tên gọi là Mặc Hồ không phải là tên thật, mà là biệt hiệu . Chẳng hạn như, người nhà Lương gọi Đạt Ma[10] là Bích Nhãn Hồ; người nhà Tấn chế giễu gọi nhà sư Đạo An là Thất Đạo Nhân. Sở dĩ như vậy là để tránh nguy hiểm trên đường chu du và nhà sư A Đạo không nói tên thật của mình ra. Đại để là dân chúng ở đây cứ theo như điều họ nghe được hai tên Mặc Hồ và A Đạo nên cho rằng là hai người. Vả lại, có thuyết cho rằng “hình dáng, phong thái của A Đạo giống với Mặc Hồ” nên chỉ cần dựa vào chi tiết này cũng có thể đoán đó là một người mà thôi.

Việc Cao Đạo Ninh chỉ ra thứ tự bảy nơi dựng chùa chính là lời tiên đoán và các chùa đã được xây dựng theo đúng thứ tự đó, tiếc rằng cả hai truyện đều bị mất, cho nên, ở đây chỉ còn lại ngôi chùa thứ năm Sa Xuyên Vĩ. Thời gian 3.000 tháng là điều không đáng tin. Từ thời Nột Kỳ Vương lên ngôi đến  năm Đinh Mùi (năm 527) đời Pháp Hưng Vương là khoảng 100 năm, cho nên, nếu nói là 1.000 tháng thì có thể đúng. Họ là A, tên lại chỉ có một chữ, có lẽ theo kiểu nước ngoài, điều này khó biết tường tận.

Lại nữa, nếu căn cứ theo Thích Đàm Thủy truyện có thuyết gọi là Huệ Thủy, ở thời Nguyên Ngụy, thì thấy Đàm Thủy người Quan Trung, nay là Tràng An, sau khi xuất gia, có nhiều giai thoại kỳ dị. Trong niên hiệu Thái Nguyên cuối đời Hiếu Vũ Đế nhà Tấn, ông mang theo mấy chục bộ kinh luật đến Liêu Đông truyền bá Phật giáo. Ông truyền dạy Tam thừa[11] rồi quy y ở đó, vì thế, dân chúng coi ông là người đầu tiên đắc đạo ở Cao Cú Lệ.

Năm đầu niên hiệu Nghĩa Hi[12](năm 405), Đàm Thủy trở lại Quan Trung truyền bá Phật giáo ở Tam phụ[13]. Đàm Thủy có bàn chân trắng hơn mặt, lội bùn không bị bẩn, cũng không bị ướt, vì thế, dân chúng gọi ông là Bạch Túc Hòa thượng.

Cuối thời nhà Tấn, giặc Hung Nô Hách Liên Bột Bột ở phương Bắc tấn công Quan Trung, nhiều người thiệt mạng. Đàm Thủy cũng gặp họa, nhưng giặc không thể giết ông được. Bột Bột ngao ngán, liền ra lệnh tha cho các sư tăng, cuối cùng, không ai bị giết. Đàm Thủy bỏ trốn vào núi và tu ở đó. Thác Bạt Đào[14] chiếm lại Tràng An, uy thế lan tới tận Quan Trung và Lạc Dương. Lúc này, Thôi Hạo Bác Lăng đã học được chút ít về tả đạo[15] và đem lòng đố kỵ, ganh ghét Phật giáo. Hắn leo lên đến chức Tể tướng và nhận được sự tín nhiệm của Thác Bạt Đào. Hắn liền cùng Thiên sư[16] Khấu Khiêm Chi thuyết phục Thác Bạt Đào:

- Phật giáo vô ích, không mang đến cho dân chúng ích lợi gì cả.

Thôi Hạo ra sức khuyên Thác Bạt Đào xóa bỏ Phật giáo.

Đến năm cuối niên hiệu Thái Bình[17], Đàm Thủy biết đã đến lúc cảm hóa Thác Bạt Đào, bèn nhằm ngày mùng Một tháng Giêng, bỗng nhiên ông chống gậy tích trượng đến cửa cung. Thác Bạt Đào ra lệnh chém đầu Đàm Thủy. Nhưng quân lính không thể nào chém được. Thác Bạt Đào trực tiếp ra tay chém cũng không được. Sau đó, hắn liền sai đem Đàm Thủy cho hổ nuôi ở Bắc Nguyên ăn thịt, nhưng hổ cũng không đến gần. Thác Bạt Đào vừa xấu hổ vừa sợ hãi, cuối cùng lâm bệnh. Thôi Hạo và Khấu Khiêm Chi cũng liên tiếp mắc bạo bệnh. Thác Bạt Đào cho rằng, vì hai người đó mà gây ra họa, nên giết hết gia quyến cả hai nhà rồi tuyên bố khắp trong nước phải hoằng dương Phật pháp. Đàm Thủy, sau đó viên tịch và đến nay không rõ nơi mất.

Có lời bình như sau:

Vào năm cuối niên hiệu Thái Nguyên, Đàm Thủy đến Hải Đông. Đến năm đầu niên hiệu Nghĩa Hi, ông trở lại Quan Trung rồi lưu lại nơi này khoảng 10 năm, như vậy chẳng phải đã góp phần tạo nên lịch sử Đông Quốc sao? Đàm Thủy vốn là người có nhiều chuyện lạ lùng, kỳ quặc, khó hiểu, nên khi xem xét các sử tích liên quan tới A Đạo, Mặc Hồ, Ma Ra Nan Ta, ngờ rằng trong ba người, tất có một người đổi danh tính.

Cho đến nay Phật giáo đã xuất hiện ở Hàn Quốc khoảng 1.600 năm và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người dân Hàn Quốc. Trong suốt quá trình lịch sử hơn nghìn năm đó, Phật giáo đã tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho đất nước Hàn Quốc và là một trong những tôn giáo chủ yếu tại Hàn Quốc hiện nay.

Phan Thị Oanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn: Tam Quốc di sự (bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 

 

 

 

 



[1] Là vị vua thứ 17 của Cao Cú Lệ, nhưng trong Cao Cú Lệ bản ký lại ghi là vị vua thứ 6.

[2] Niên hiệu từ năm 371 đến năm 372 của Giản Văn Đế Tư Mã Dục nhà Đông Tấn.

[3]Tên của vị vua thứ ba nhà Tiền Tần (tại vị từ năm 357 đến năm 385).

[4] Có tên khác là Ngã Đạo hay A Đầu-người truyền bá đạo Phật tại vương quốc Shilla.

[5] Dịch sang tiếng Hàn là Dong Hak.

[6] Vốn vốn từ Ấn Độ đến Trung Quốc rồi đến quận Young Kwang, tỉnh Cheon La Nam và dựng Kap sa.

[7] Niên hiệu từ năm 376 đến năm 396 của Hiếu Vũ Đế Tư Mã Xương Minh nhà Đông Tấn.

[8] Ý nói nhà sư đã xuống tóc, quy y cửa Phật và đắc đạo.

[9] Niên hiệu từ năm 240 đến năm 248 của Tề Vương Tào Phương nhà Ngụy thời Tam Quốc, Trung Quốc.

[10] Là sơ tổ của Thiền Tông Trung Quốc, vốn là vương tử của Hương Chí quốc ở Nam Ấn Độ. Năm 526 nhà Ngụy, lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn tu 9 năm và đắc đạo.

[11] Ý nói tới 3 loại giáo pháp của Phật giáo là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa.

[12] Niên hiệu dùng từ năm 405 đến năm 418 của An Đế Tư Mã Đức Tông nhà Đông Tấn.

[13] Tên gọi vùng phụ cận Tràng An thời nhà Hán.

[14] Là Thái Vũ Đế vị vua thứ 3 của triều Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, Trung Quốc.

[15] Gọi Phật giáo là “chính đạo”, thì “tả đạo” ở đây có thể coi là trái với “chính đạo”.

[16] Ý nói tới chức Giáo chủ của Đạo giáo.

[17] Niên hiệu từ năm 556 đến năm 557 của Kính Đế Tiêu Phương Trí nhà Lương.


Scroll To Top