CHƯƠNG TRÌNH TÊN LỬA VÀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN: Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ CHUYÊN GIA (Phần 2)
Đăng ngày:
3. Các biện pháp trừng phạt “không phát huy hiệu quả” Triều Tiên đã hứng chịu 5 đợt trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ lần đầu tiên thử thiết bị hạt nhân vào năm 2006, trong đó có cả những biện pháp cấm vận được coi là khắc nghiệt nhất từ trước tới nay. Thế nhưng các đòn trừng phạt này dường như không mấy phát huy hiệu quả.[1] Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia John Park tại Đại học Harvard và Jim Walsh thuộc Đại học MIT cho thấy: các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc “không phát huy hiệu quả, và trên một số phương diện, lệnh cấm vận lại còn cải thiện khả năng mua sắm vũ khí của Triều Tiên”. Hai chuyên gia này chỉ ra rằng sau khi bị áp đặt lệnh cấm vận, Triều Tiên đã gần như ngừng giao thương với các quốc gia khác, ngoại trừ Trung Quốc. Cụ thể là, Bắc Kinh đã cho phép hàng loạt công ty quốc doanh của Bình Nhưỡng hoạt động trên lãnh thổ của mình và các công ty này đã tìm ra biện pháp thích ứng với lệnh cấm vận. Các quản lý Triều Tiên phụ trách những công ty này đã thuê những tay trung gian người Trung Quốc có trình độ hơn, chuyển địa điểm làm ăn tới Trung Quốc để tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng hoạt động mua sắm vũ khí và các nguyên vật liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua các đại sứ quán trên khắp thế giới. John Delury, Phó Giáo sư ĐH Yonsei (Hàn Quốc) cũng cho rằng các biện pháp cấm vận trong suốt 8 năm qua không có tác dụng: “Bây giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ bàn thảo một chính sách nghiêm túc về việc: Làm thế nào để xem xét lại kế hoạch không hiệu quả đang áp dụng với Bình Nhưỡng”. Tạp chí Diplomat gợi ý: sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa qua, các bên sẽ cần một phương án mới nếu muốn “khống chế” Bình Nhưỡng. Còn Daniel Pinkston, giảng viên ĐH Troy (Mỹ) nhận định rằng các bên vẫn còn có thể gây sức ép với Bình Nhưỡng: “Chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa. Hãy tăng cường các biện pháp cấm vận. Hãy kiểm soát xuất khẩu”. Tuy nhiên, “Nếu muốn họ giải trừ vũ khí hạt nhân thì phải dùng tới vũ lực”, ông Pinkston nói, “Nhưng chuyện này có đáng với cái giá phải trả cho vũ lực hay không? Tôi nghĩ là không”. 4. Trung Quốc giữ vai trò then chốt Trung Quốc là hàng xóm, đồng minh và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Dù đã lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên và đã nhất trí với các biện pháp cấm vận do Liên Hợp Quốc áp đặt sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 của Bình Nhưỡng nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ có những biện pháp thực tế, mạnh mẽ để kiềm chế quốc gia đồng minh này. Chuyên gia Michael Madden, chuyên nghiên cứu về lãnh đạo Triều Tiên, nhận định có nhiều khả năng Triều Tiên đã báo trước với Trung Quốc và Nga về vụ thử hạt nhân lần thứ 5. Theo ông Madden, ngay trước vụ thử hạt nhân, chuyên gia thương lượng hạt nhân Triều Tiên Choe Son-hui có đến Bắc Kinh (Trung Quốc) còn Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Triều Tiên Yun Tong-hyon cũng dẫn đầu một phái đoàn quân sự Triều Tiên đến thăm Nga. Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C., cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Triều Tiên vẫn tiếp tục tham vọng hạt nhân của mình là chính phủ Trung Quốc không kiểm soát hết tất cả mọi thứ diễn ra trên lãnh thổ của mình. Còn việc Trung Quốc không thể ra tay mạnh với Triều Tiên, theo chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa (Trung Quốc), điều này là có lý do. Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc vô tình đã có lợi cho Triều Tiên khi biến Triều Tiên trở thành một vùng đệm giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ (nơi có gần 30.000 lính Mỹ thường xuyên đồn trú). Nếu đe dọa từ phía Mỹ và Hàn Quốc càng cao thì giá trị của Triều Tiên cũng sẽ càng tăng lên. Scott Snyder, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói: “Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là duy trì sự ổn định ở biên giới. Điều đó có nghĩa là họ không hề muốn đặt sự tồn vong của Triều Tiên vào vòng nguy hiểm”. Ngoài ra, các động thái khiêu khích của Triền Tiên cũng sẽ kéo Mỹ bớt chú ý đến các vấn đề nóng khác của khu vực, như Biển Đông, do đó, Triều Tiên có thể thoải mái hành động mà không sợ mất đi mối quan hệ với Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề, Scott Snyder nêu ý kiến: “Cộng đồng quốc tế muốn thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chấm dứt tham vọng hạt nhân của mình, họ cần phải cho ông Kim thấy được rằng ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ”. Nguy cơ đó chỉ có thể đến từ người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Tương tự, nhiều nước cũng tin rằng: điều duy nhất có thể khiến ông Kim Jong-un thoái lui là liệu chính quyền Tập Cận Bình của Trung Quốc có gây sức ép kinh tế lớn hơn đối với Triều Tiên hay không. Đồng ý với quan điểm này, Gordon G. Chang, luật sư kiêm bình luận viên truyền hình, tác giả cuốn “Màn trình diễn hạt nhân của Triều Tiên với thế giới”, cho rằng: Chương trình hạt nhân của Triều tiên sẽ không chấm dứt bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế nếu không có những phản ứng mạnh mẽ từ đồng minh Trung Quốc. Ông gợi ý: Liên Hợp Quốc và Mỹ cần phải áp đặt lệnh cấm vận đối với các công ty Trung Quốc có hành vi hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên: “Điều quan trọng nhất là đặt ra cái giá phải trả đối với các công ty Trung Quốc”, “Điều đó có thể bất lợi cho chúng ta, nhưng phải nhớ rằng Triều Tiên đang nhanh chóng phát triển năng lực hạt nhân để gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới lục địa Mỹ”. Tuy nhiên, theo chuyên gia Tong Zhao, hiện tại, “Trung Quốc không có cây gậy nào để dọa Triều Tiên. Trung Quốc trước sau cũng sẽ không cắt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc dễ tổn thương hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên”, CNN dẫn lời. “Điều đe dọa họ không phải là chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà là phản ứng đối với chương trình hạt nhân đó, đặc biệt là từ Mỹ”, chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh. 5. Dự đoán: Năm 2020, Triều Tiên sẽ có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại tên lửa khác nhau với tần suất chưa từng có tiền lệ trong năm nay và khả năng đưa được đầu đạn hạt nhân vào một tên lửa của họ là vấn đề thật sự đáng lo ngại với hai quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hãng thông tấn KCNA (CHDCND Triều Tiên) cho biết: “Các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật của họ đã tiến hành thử nghiệm vụ nổ hạt nhân để đánh giá sức mạnh của một đầu đạn hạt nhân” và vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa qua đã chứng tỏ Triều Tiên có khả năng đặt một đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, về phía Mỹ, ông Gary Ross, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, cơ quan này chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã có thể thu nhỏ được một vũ khí hạt nhân. Không đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu kỳ cựu Yang Uk tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, và là cố vấn chính sách của lực lượng Hải quân Hàn Quốc, cho biết: “Tôi cho rằng Triều Tiên có đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Song họ chưa chế tạo thành công đầu đạn đủ tiêu chuẩn để lắp vào tên lửa. Họ vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và rút kinh nghiệm từ các vụ thử để chế tạo một đầu đạn đủ tiêu chuẩn”. Giới chuyên gia dự đoán thiết bị mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng sẽ là tên lửa tầm trung Rodong, vốn có thể bắn đầu đạn 1 tấn đi xa khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, bất chấp những mối đe dọa trong việc có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ, nhiều người cho rằng còn lâu Triều Tiên mới có thể chế tạo được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đủ sức mang theo đầu đạn hạt nhân. “Khả năng Triều Tiên có thể sản xuất thành công tên lửa có tầm bắn bao phủ phần lớn nước Mỹ là thấp. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá xác suất thấp này đang tăng dần và Mỹ cần phải đầu tư để cải thiện khả năng phòng thủ trước nguy cơ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân”, William E. Gortney, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ, cảnh báo. Ông Gary Ross cũng thận trọng cho rằng: “Việc nhận định sai có thể gây ra những hậu quả khôn lường, do đó, một nhà chiến lược quân sự cần thận trọng để lên kế hoạch ứng phó với những tình huống tồi tệ nhất”. Dự đoán: Báo New York Times dẫn quan điểm của các chuyên gia quân sự cho rằng tới năm 2020, Bình Nhưỡng gần như chắc chắn sẽ sở hữu những kỹ thuật có thể tạo ra được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đáng tin cậy có trang bị đầu đạn hạt nhân.[2] Và họ cũng ước tính tới thời điểm đó, Triều Tiên cũng đã tích lũy đủ lượng vật liệu hạt nhân để chế tạo khoảng 100 đầu đạn. Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. http://plo.vn/quoc-te/han-quoc-chuan-bi-ke-hoach-xoa-so-trieu-tien-651930.html 2. http://infonet.vn/trieu-tien-chinh-thuc-tuyen-bo-thu-nhiem-hat-nhan-thanh-cong-post208632.info 3. http://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/chuong-trinh-hat-nhan-va-ten-lua-cua-trieu-tien-dang-o-giai-doan-nao-20160902194805802.htm 4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=32397¤t_page=4 5. http://sggp.org.vn/thegioi/2016/9/433034/ 6. http://soha.vn/vu-thu-hat-nhan-cua-trieu-tien-lam-lo-diem-yeu-cua-phuong-tay-20160910004322334.htm 7. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/trieu-tien-moi-hoa-huy-diet-ngay-cang-tang-cua-my-3467006.html 8. http://soha.vn/thu-hat-nhan-trieu-tien-tro-thanh-vu-khi-tranh-cu-o-my-20160910204518156.htm 9. http://baodauthau.vn/quoc-te/trieu-tien-moi-hoa-huy-diet-ngay-cang-tang-cua-my-26941.html 10. http://www.sggp.org.vn/hosotulieu/2016/6/425217/ [1] Một trong các lý do là Bình Nhưỡng gần như tách biệt với hệ thống thương mại và tài chính quốc tế. [2] Hiện nay, theo quan điểm của một số chuyên gia quân sự, Bình Nhưỡng chưa làm chủ được công nghệ phức tạp cần thiết để ngăn chặn đầu đạn hạt nhân bốc cháy do sức nóng mà nó tỏa ra khi lao từ vũ trụ xuống mục tiêu.