SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ CỦA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
1. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc Trong “Báo cáo về triển vọng kinh tế năm 2011”, chính phủ Hàn Quốc đưa ra kết luận rằng: Sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội cho Hàn Quốc hơn là các mối đe dọa. Chính vì thế, Hàn Quốc cần phải tận dụng lợi thế này để mang đến các cơ hội mới cho đất nước. Đầu tiên cần phải nói đến thực trạng giao lưu kinh tế Trung-Hàn. Một trong những chính sách ngoại giao của Trung Quốc là “dùng kinh tế để nâng cao địa vị chính trị”. Chính sách này nhằm phát triển quan hệ với các quốc gia khác từ quan hệ thương mại. Chính sách này nhắm đến các quốc gia có thể nảy sinh mâu thuẫn với Trung Quốc về mặt chính trị hoặc an ninh. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, do ý thức hệ của Trung Quốc và Hàn Quốc có sự khác biệt nên đã có một thời gian dài tự cô lập nhau. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo muốn lấy chính sách “dùng kinh tế để nâng cao địa vị chính trị” làm bàn đạp để kiến thiết kinh tế trong nước thì chắc chắn phải giao lưu hợp tác với Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, với chính sách “Ngoại giao phương Bắc” dưới thời tổng thống Roh Tae-woo, năm 1992, chính phủ Hàn Quốc buộc phải “cắt đứt” quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển hướng sang Trung Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư và là quốc gia nhập khẩu nhiều thứ 3 của Trung Quốc. Còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, quốc gia đầu tư nhiều nhất và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Theo số liệu của Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc, năm 1992, kim ngạch thương mại của hai nước đạt 6,38 tỷ USD, nhưng 20 năm sau đã lên đến 220,6 tỷ USD, tăng 34,6 lần (số liệu tháng 7 năm 2012). Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc lớn hơn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Một thực tế không thế phủ nhận rằng, trong tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng, việc Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8%, đã mang lại nhiều lợi ích cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của xuất khẩu Hàn Quốc vào Trung Quốc quá cao, nước này cần phải mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu. 2. Chính sách của Hàn Quốc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc Quan hệ thương mại song phương Trung – Hàn cần tiếp tục duy trì ổn định và phát triển thêm các thị trường tiềm năng khác. Do sự phụ thuộc thương mại của Hàn Quốc vào Trung Quốc khá cao, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố của kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, sức mạnh của kinh tế Hàn Quốc đang phụ thuộc vào “con dao hai lưỡi” Trung Quốc. Theo bài viết “Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Hàn, xuất khấu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, kết quả và vấn đề”, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt 24,2%, đứng thứ 2 sau Đài Loan (27,2%). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như tivi LCD, linh kiện bán dẫn và máy tính chiếm trên 30%. Nếu kinh tế Trung Quốc dừng tăng trưởng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến Hàn Quốc. Do đó, Hàn Quốc cần phải khai thác các thị trường mới nổi khác có thể thay thế Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cần phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, hướng đến nhu cầu thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc. Lý do là cho đến nay, 70% sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc là hàng hóa trung gian giá trị gia tăng cao (sản phẩm ngành công nghiệp nặng, hóa chất, thiết bị bán dẫn, sản phẩm công nghệ thông tin…), nhưng từ năm 2008, Bộ Giáo dục Trung Quốc bắt đầu kế hoạch thu hút nhân tài hải ngoại nhằm phát triển các ngành công nghệ cao. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong lĩnh vực này là không thế tránh khỏi. Tuy hiện tại Hàn Quốc có ưu thế hơn nhưng tình hình có thể đảo ngược trong 10 năm tới. Vậy Hàn Quốc cần chuẩn bị thế nào để đối phó với vấn đề này? Hàn Quốc cần phải chuyển hướng sang thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc. Phó Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc- Vu Quảng Châu phát biểu tại “Diễn đàn phát triển Trung Quốc năm 2008”: “Thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ là một cơ hội lớn cho các nền kinh tế trên thế giới”. Theo báo cáo “tác động của chính sách tăng trưởng Trung Quốc đến xuất khẩu của Hàn Quốc” do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố, trong tháng 7,8 năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tương lai xuất khẩu sang Trung Quốc có chiều hướng giảm rõ rệt. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển hướng phương thức tăng trưởng kinh tế từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Vì vậy, Hàn Quốc cũng nên điều chỉnh chính sách xuất khẩu cho phù hợp. Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán của Samsung, cùng với sự gia tăng mức độ đô thị hóa, sự mở rộng của các tầng lớp trung lưu, chính phủ tích cực mở rộng nhu cầu trong nước, tích lũy cao nên tiềm năng tiêu thụ cũng tăng cao, vì thế, Trung Quốc dần trở thành một quốc gia tiêu thụ. 3. Kết luận Sự trỗi dậy của Trung Quốc đem lại nhiều gợi ý cho chính sách ngoại giao của Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc có mối quan hệ mật thiết về kinh tế, chính trị với Trung Quốc. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến bán đảo Hàn rất lớn. Nếu Hàn Quốc muốn duy trì hòa bình, ổn định và tiến tới là thống nhất bán đảo thì Hàn Quốc nhất định phải có sự ủng hộ tích cực từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, để đưa Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ tiến đến một cộng đồng Châu Á thống nhất, Hàn Quốc cần phải tìm kiếm chiến lược phát triển phù hợp với trật tự thương mại mới. Nói cách khác, trong tương lai xa, Hàn Quốc cần cải thiện quan hệ với các nước, củng cố quan hệ Hàn – Trung. Do vậy, bất kể ở cấp chính phủ hay giao lưu hợp tác kinh tế phi chính phủ, Hàn Quốc vẫn cần xây dựng một chiến lược dài hạn để phù hợp với trật tự thương mại mới mà Trung Quốc đang dẫn đầu. Kiều Dung, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tổng hợp tin từ nguồn: http://www.faobserver.com/NewsInfo.aspx?id=9482 http://www.haijiangzx.com/wshaijiangzx/generalTrend/20141230/721590.html http://wenku.baidu.com/view/55e0d567168884868662d61d.html