KA RAK KUK KI (GIÁ LẠC QUỐC KÝ) (Phần 3)
Đăng ngày:
Một ngày tháng 3 năm Tân Dậu (năm 661), năm đầu tiên niên hiệu Long Sóc[1], vị vua thứ 30 Beop Min Wang (Pháp Mẫn vương) nhà Tân La ra chiếu thư rằng: “Văn Minh Hoàng hậu, mẫu thân của ta là con gái của Seo Un Sang kan (Thứ Vân Táp can). Thứ Vân Táp can là con trai của Sol Woo Kong (Suất Hữu công)[2]. Suất Hữu công lại là con trai của Se Jong (Thế Tông)[3], khi Cừu Hoành Vương, hậu duệ đời thứ 9 của Gia Da quốc quy phục nước ta đã đưa người này sang, do vậy, nguyên quân chính là thủy tổ đời thứ 15 của ta. Nay nước đó đã bị diệt vong, song miếu thờ nguyên quân vẫn còn, bởi vậy, ta hợp miếu thờ nguyên tông vào tông miếu, tiếp tục thờ cúng.” Sau đó, nhà vua sai sứ giả tới vùng đất xưa, cắt 30 khoảnh “thượng điền” gần lăng mộ làm ruộng hương hỏa, gọi là Vương vị điền, coi là đất phụ thuộc bản quốc. Canh Thế Thấp can là hậu duệ đời thứ 17 của Thủ Lộ Vương được giao trọng trách trông nom lễ tế điền. Hàng năm, phải cất rượu, làm bánh Teok, thổi cơm, làm nhiều món dâng lên tế lễ. Ngày tế lễ cũng được Cư Đăng Vương làm theo đúng 5 ngày đã định, tục thành tâm tế lễ vẫn còn đến ngày nay. Sau khi lên ngôi, Cư Đăng Vương lập tiện phòng[4] vào năm Kỷ Mão (năm 199), từ đó đến cuối thời Cừu Hoành Vương, trong thời gian 330 năm, việc thờ cúng ở tông miếu vẫn không đổi. Sau khi Cừu Hoành mất ngôi vương, rời khỏi đất nước, đến năm Tân Dậu (năm 661), năm đầu niên hiệu Long Sóc, tức trong khoảng 60 năm, việc thờ cúng vẫn được thực hiện tại miếu thờ hoặc từ đường. Ôi! Cao đẹp thay! Văn Vũ Vương, tên thụy của Pháp Mẫn Vương! Một người chí hiếu, một lòng tôn kính tổ tiên, không để việc cúng giỗ tổ tiên bị gián đoạn… Cuối thời Tân La, có người là Trung Chí Tạp can đánh cướp thành Keum Kwan (Kim Quan), xưng là Thành Chủ tướng quân. Lại có người tên là Anh Quy A can cậy uy của tướng quân, cướp đồ tế lễ ở tông miếu về tự ý thờ cúng. Trong lúc đang tế lễ nhân ngày Đoan Ngọ, cái xà ngang trong điện bỗng nhiên rơi xuống, đè chết. Nhân chuyện này, Thành Chủ tướng quân tự nhủ: “May nhờ nhân duyên từ kiếp trước, ta được đảm nhận việc thờ cúng ở quốc thành, nơi Thánh vương từng ngự. Bởi vậy, ta sẽ họa một bức chân dung, hương, đèn dâng lễ để báo đáp ân huệ, tỏ lòng thành kính của kẻ bề tôi”. Sau đó, cho vẽ ảnh chân dung trên lụa Nam Hải dài 3 xích rồi treo trên tường, ngày đêm hương nến, thờ cúng một cách kính cẩn. Tướng quân thờ cúng đến ngày thứ ba, bỗng nhiên, huyết lệ từ đôi mắt của bức chân dung ứa ra đọng thành vũng trên mặt đất. Tướng quân sợ hãi, hạ bức chân dung xuống, mang đến miếu đường để hóa rồi lập tức cho gọi Kyu Rim (Khuê Lâm), cháu trực hệ của Thủ Lộ Vương đến rồi nói: - Hôm qua có chuyện không lành, chẳng lẽ việc này lại không xảy ra nữa? Việc này nhất định là do ta vẽ ảnh chân dung thờ cúng, phạm vào uy linh của thần miếu mà chưa thành tâm cúng lễ. Anh Quy đã chết, ta cũng vì quá sợ hãi mà đem đốt ảnh chân dung đi thì nhất định phải chịu cơn thịnh nộ của thần linh giáng xuống. Ngươi là cháu trực hệ của nhà vua nên giữ việc cúng tế như xưa rất hợp lẽ. Khuê Lâm giữ việc cúng tế tổ tiên cho đến lúc qua đời ở tuổi 88, con trai là Kan Won Kyoung (Gian Nguyên Khanh) tiếp tục thay cha thờ cúng tổ tiên. Tết Đoan Ngọ làm lễ cúng tại miếu thờ, con trai Anh Quy là Joon Pil (Tuấn Tất) bị chứng mất trí, đến miếu thờ, vứt hết đồ lễ Gian Nguyên Khanh bày ra rồi đặt đồ lễ của mình lên làm lễ. Lần thứ ba dâng rượu tế chưa dứt thì bỗng nhiên phát bệnh nặng về đến nhà thì chết. Vì vậy, người xưa có câu: “Việc thờ cúng vượt quá phận sự của mình không những không được hưởng phúc mà còn gặp tai ương”. Việc này, trước có Anh Quy, sau là Tuấn Tất, lời nói kia chẳng phải ám chỉ vào hai cha con họ đó sao? Lại nữa, có bọn trộm cho rằng trong miếu thờ có nhiều vàng ngọc nên có ý định đến ăn trộm. Lần đầu, bọn trộm đến từ đường, có một dũng sĩ mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt, đeo cung tên xuất hiện trong từ đường, bắn tên như mưa ra tứ phía, trúng bảy tám tên, khiến bọn trộm sợ bỏ chạy. Mấy hôm sau, bọn trộm lại tới, có một con rắn khổng lồ, dài khoảng 30 thước, ánh mắt như tia chớp, xuất hiện bên cạnh miếu đường, cắn chết tám chín tên. Những tên trộm thoát chết ngã lăn ra rồi chạy tán loạn. Thế mới biết, cả trong lẫn ngoài miếu thờ nhất định có thần linh canh giữ. Từ khi lập miếu đường vào năm Kỷ Mão (năm 199), tức năm thứ 4 niên hiệu Kiến An cho đến năm Bính Thìn (năm 1076), nhằm năm thứ hai niên hiệu Đại Khang, tức năm thứ 31 nhà vua đương thời trị vì, tính ra là 878 năm, nhưng đất sạch chất lên miếu đường không bị sụt, cây trồng vẫn xanh tươi, không bị chết, nhiều mảnh ngọc để trang trí trong miếu đường cũng không bị rơi. Xem ra, Tân Thê Phủ [người nhà Đường] nói rằng: “Từ xưa đến nay, làm sao có nước không bị suy tàn, lăng mộ không bị đổ nát?” có linh nghiệm với Gia Da quốc sớm bị suy tàn, nhưng miếu đường của Thủ Lộ Vương đến giờ vẫn không đổ nát không? Lời nói của Tân Thế Phủ không đủ để tin. Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo: Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.