Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KA RAK KUK KI (GIÁ LẠC QUỐC KÝ) (Phần 2)

Đăng ngày:

Một hôm, nhà vua nói với quần thần:

- Cửu can là những người đứng đầu bá quan của triều đình. Chức vị và danh xưng đó chỉ xứng với bọn tiểu nhân hay nông phu, không xứng với quyền cao chức trọng của Cửu can. Ngộ nhỡ người nước ngoài nghe được họ sẽ cười chê.

Thế rồi, nhà vua liền đổi A Do (Ngã đao) thành A Koong (Ngã Cung), Yo Do (Nhữ Đao) thành Yo Hae (Nhữ Hài), Pi Do (Bỉ Đao) thành Pi Jang (Bỉ Tàng), O Do (Ngũ Đao) thành O Sang (Ngũ Thường), Yoo Soo (Lưu Thủy) và Yoo Cheon (Lưu Thiên) đổi thành Yoo Kong (Lưu Công) và Yoo Deok (Lưu Đức). Còn Shin Cheon (Thần Tiên) đổi thành Shin Do (Thần Đạo), O Cheon (Ngũ Thiên) đổi thành O Neung (Ngũ Năng), Shin Wui (Thần Quỷ) thì không đổi âm đọc, chỉ sửa ý nghĩa là Thần Quý. Nhà vua cũng theo hệ thống quan chức của Kê Lâm, đặt cấp bậc của Kak Kan (Giác can), A Jil Can (A sất can), Keup Kan (Cấp can), quan cấp dưới thì phân theo chế độ của nhà Chu, nhà Hán. Điều đó chẳng phải là sửa cái cũ thành cái mới, sắp đặt quan chức và phân chia trọng trách hay sao?

Thế là Thủ Lộ Vương “tề gia trị quốc”, thương trăm họ như con. Sự giáo hóa đó tuy chưa đầy đủ nhưng hàm chứa vẻ uy nghiêm. Chính sự đó tuy không nghiêm khắc nhưng trị vì được dân chúng. Hơn nữa, việc nhà vua sống cùng Hoàng hậu có thể so sánh với việc dưới trời có đất, có mặt trời cũng cần có mặt trăng, trong dương có âm. Công lao của Hoàng hậu giống như Đồ Sơn thị giúp nhà Hạ, các con gái của vua Liêu chấn hưng họ Kiều. Năm đó, Hoàng hậu mơ bắt được con gấu, việc đó giống như điềm báo trước nên đã sinh Thái tử Ko Deung Kong (Cư Đăng công). Ngày 1 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (năm 189), là năm thứ 6 niên hiệu Trung Bình của Hậu Hán Linh Đế, Hoàng hậu qua đời, thọ 157 tuổi.

Trăm họ trong nước than khóc như trời đất đổ sụp và đem an táng tại ngọn đồi phía Đông Bắc Quy Chỉ phong. Trăm họ không quên tình yêu thương của Hoàng hậu dành cho họ, bèn gọi nơi bà đặt chân đến đầu tiên ở Gia Da quốc là Độ Đầu thôn thành Chủ Phố thôn, ngọn đồi cao nơi bà cởi bỏ chiếc quần gấm là Lăng huyện, bờ biển nơi chiếc thuyền có cờ hiệu màu đỏ đi vào là Kỳ Xuất biên.

Hai tỳ thiếp là Tuyền Phủ khanh Thân Phụ và Tông Chính giám Triệu Khuông, là các thị thần theo hầu Hoàng hậu, đến Gia Da quốc đã được 30 năm, mỗi người sinh được hai người con gái, vợ chồng họ đều qua đời sau đó một hai năm. Các đầy tớ đến Gia Da quốc đã bảy tám năm nhưng không sinh được con cái, chỉ ôm nỗi buồn nhớ cố quốc và quay đầu về quê nhà mà chết, ngôi quán khách họ từng sống trở nên hoang vắng, không có người ở.

Nhà vua bi lụy triền mien, ngày ngày ôm gối lẻ bóng khóc than. 25 năm sau,  ngày 23 tháng 3 năm Kỷ Mão (năm 199), năm thứ 4 niên hiệu Lập An[1] [Kiến An] của Hán Hiến Đế, vua băng hà, thọ 158 tuổi. Người dân trong nước đau buồn như cái chết của cha mẹ mình, còn thương tiếc hơn cả khi Hoàng hậu qua đời. Họ xây tẫn cung[2] ở khu bình địa phía Đông Bắc cung điện, chiều cao một trượng, chu vi 300 bộ để an tángvà gọi là Thủ Lăng Vương miếu. Từ khi Cư Đăng Vương lên ngôi đến Cừu Hoành, hậu duệ thứ 9 đều cất giữ bài vị tổ tiên ở miếu này. Hàng năm, vào các ngày 3 và 7 tháng Giêng, mùng 5 tháng 5, mùng 5 và 15 tháng 8 đều đặn dâng đủ lễ vật làm lễ tế.

Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 



[1]Kiến An là niên hiệu của Lưu Hiệp nhà Hậu Hán là đúng, chứ không phải Lập An

[2] Cung điện đặt lăng mộ của vua.


Scroll To Top