SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG NAM NGHỈ VIỆC CHĂM SÓC CON TĂNG NHANH Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Theo số liệu mới nhất quý 1 năm 2015 của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, số nam giới nghỉ việc chăm sóc con và số lao động giảm giờ làm để chăm sóc con đều có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ gia tăng tương ứng lần lượt là 55% và 113%[1]. Theo đó, tổng số người nghỉ làm chăm sóc con đã tăng từ 16.180 người (quý 1 năm 2014) lên 19.743 người (quý 1 năm 2015). Số lao động nam nghỉ chăm sóc con đã tăng từ 564 người (quý 1 năm 2014) lên 879 người (quý 1 năm 2015), tức tăng 55,9%. Số người giảm giờ làm trong giai đoạn chăm sóc con đã tăng từ 178 người (quý 1 năm 2014) lên 380 người (quý 1 năm 2015), tức tăng 113,5%. Việc sử dụng nghỉ phép chăm sóc trẻ đã tăng lên đáng kể ở phụ nữ so với trước đây. Song, điều đáng khích lệ hơn là số nam giới nghỉ chăm sóc con và số lao động giảm giờ làm để chăm sóc con đều tăng theo thời gian. Sự gia tăng về số lượng nam giới nghỉ chăm sóc con dường như được thúc đẩy bởi những thay đổi trong nhận thức xã hội, là kết quả của các chương trình kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của nam giới trong việc chăm sóc con. Từ ngày 1/10/2014, lần đầu tiên “Tháng của cha” có hiệu lực ở Hàn Quốc, đánh dấu một sự thay đổi từ quan điểm “việc chăm sóc con chỉ là trách nhiệm của người phụ nữ”. “Tháng của cha” là một chính sách nhằm tăng cường việc sử dụng nghỉ phép chăm sóc con đối với nam giới. Nếu cả bố mẹ cùng nghỉ phép liên tục để chăm sóc một người con thì người thứ hai nghỉ chăm sóc con sẽ nhận được khoản phúc lợi lên tới 100% (tương đương 1,5 triệu won) mức lương (của bố/mẹ) trong tháng đầu tiên nghỉ phép. Xét theo quy mô của doanh nghiệp, số lượng nam giới nghỉ chăm sóc con tăng mạnh nhất trong các công ty lớn (từ 300 nhân viên trở lên), cao hơn nhiều so với số lượng nam giới nghỉ chăm sóc con trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ nam giới nghỉ chăm sóc con đã tăng từ 46,9% (265/564 người) trong quý 1 năm 2014 lên 54,3% (478/879 người) trong quý 1 năm 2015. Số lao động nữ nghỉ chăm sóc con cũng tăng từ 48,5% (7.584/15.616 người) lên 48,2% (9.102/ 18.864 người) trong thời gian tương ứng. Số nam giới nghỉ phép chăm sóc con đang làm việc trong ngành sản xuất, xuất bản, phát thanh truyền hình, viễn thông và dịch vụ thông tin, và các ngành công nghiệp thương mại bán buôn và bán lẻ. Chi tiết xin xem bảng sau: Ngành Quý 1/2014 Quý 1/2015 Tăng (%) Sản xuất 127 218 72 Xuất bản, điện ảnh, phát thanh truyền hình, viễn thông và dịch vụ thông tin 73 122 67 Bán buôn & bán lẻ 72 94 31 Y tế và các dịch vụ phúc lợi xã hội 10 32 220 Số lao động nam nghỉ phép chăm sóc con cao nhất trong ngành sản xuất (218 người), tiếp theo là ngành xuất bản, điện ảnh… (122 người), ngành bán buôn, bán lẻ (94 người), y tế và các dịch vụ phúc lợi xã hội (32 người). Tuy nhiên, ngành có tỷ lệ gia tăng lớn nhất là ngành y tế và dịch vụ phúc lợi xã hội, lên tới 220%, cao hơn nhiều so với 72% của ngành sản xuất. Được giới thiệu chính thức từ tháng 9 năm 2011, “Đề án giảm giờ làm” đã thể hiện tính hiệu quả rõ rệt qua sự gia tăng đều đặn số lao động đăng ký giảm thời gian làm việc. Nếu năm 2012, chỉ có 437 người đăng ký giảm giờ làm, thì đến năm 2013 đã tăng lên 736 người và đạt 1.116 người trong năm 2014. Tính đến hết quý 1 năm 2015, số người đăng ký giảm giờ làm đã đạt 380 người. Theo đề án này, nếu một nhân viên chọn giảm giờ làm thay vì nghỉ phép chăm sóc con, phần tiền lương của nhân viên (60% mức lương cố định) được giảm theo tỷ lệ giảm thời gian làm việc (15-30 giờ mỗi tuần) và trợ cấp thông qua bảo hiểm việc làm. Người lao động được phép giảm giờ làm để chăm sóc cho con với thời gian tối đa là 1 năm. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thúc đẩy điều luật sửa đổi để có thể kéo dài thời hạn tối đa lên đến 2 năm. Ngay cả sau khi kết thúc nghỉ chăm sóc con, người lao động có thể nhận được hỗ trợ giảm thời gian làm việc trong vòng tối đa 2 năm thông qua một chương trình được giới thiệu vào năm 2015 nhằm hỗ trợ người lao động chuyển đổi sang lịch trình làm việc bán thời gian. Chi tiết về các mức hỗ trợ như sau: - Hỗ trợ cho chuyển đổi lịch trình làm việc bán thời gian: 50% số tiền trả cho người lao động như tiền lương, phụ cấp, v.v…, vượt quá tỷ lệ lương của người lao động dựa trên số giờ làm việc thực tế. - Hỗ trợ cho chi phí lao động gián tiếp: 200.000 won/người/tháng cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tầm trung. - Hỗ trợ cho việc thuê lao động thay thế: 50% tiền lương của người lao động, nhưng tối đa không vượt quá 600.000 won/tháng (300.000 won trong trường hợp các công ty lớn). Trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh đề án giảm thời gian làm việc, từ cuối năm 2014, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã trình lên Quốc hội bản sửa đổi Luật Bình đẳng Việc làm và Hỗ trợ Hài hòa công việc-gia đình. Theo đó, thời hạn tối đa áp dụng giảm giờ làm có thể lên đến 2 năm[2]. Từ tháng 7/2015, số tiền trợ cấp hàng tháng trả chủ doanh nghiệp cho phép nhân viên giảm giờ làm trong giai đoạn chăm sóc trẻ sẽ tăng thêm 100.000 won mỗi tháng. Theo đó, khoản tiền trợ cấp đối với doanh nghiệp lớn sẽ tăng từ 100.000 won lên 200.000 won mỗi tháng, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng từ 200.000 won lên 300.000 won mỗi tháng. Ngoài ra, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ thông tin phù hợp cho lao động nữ mang thai và các doanh nghiệp thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu Beautiful Mom Card[3]. Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sự cân bằng công việc-cuộc sống, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cũng sẽ triển khai một chiến dịch cân bằng công việc-cuộc sống có sự tham gia của các cơ quan chính phủ khác. Ông Na Young-don, người đứng đầu Cục Chính sách Việc làm của Phụ nữ và Thanh niên” cho biết: “Nhiều người thể hiện thái độ tiêu cực khi chính phủ giới thiệu chương trình nghỉ làm chăm sóc con dành cho lao động nam. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều ông bố hăng hái đăng ký nghỉ chăm sóc con. Chương trình này sẽ góp phần giảm sự gián đoạn nghề nghiệp ở nữ giới và cân bằng công việc và cuộc sống gia đình”. Ông cũng cho biết thêm: “Đề án giảm thời gian làm việc có lợi thế gấp đôi, bởi nó cho phép người lao động duy trì công việc cũng như chăm sóc con cái của họ. Bởi vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực để các chương trình trên phổ biến ở nhiều doanh nghiệp”. Tống Thùy Linh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Dịch từ nguồn: “Number of men taking childcare leave and number of people working reduced hours to care for their children up 55% and 113% respectively in Q1 2015” tại trang http://www.moel.go.kr/english/poli/poliNewsnews_view.jsp?idx=1118 [1] Số liệu trên không bao gồm công chức, giáo viên, .v.v… [2] Nếu một lao động giảm giờ làm việc để chăm sóc con, thời gian họ không sử dụng hết trong thời gian nghỉ chăm sóc trẻ (1 năm) thì thời gian giảm giờ làm của học có thể được nhân đôi. (Thời gian giảm giờ làm cho phép=Số ngày chưa sử dụng trong thời gian nghỉ chăm sóc trẻ (tối đa là 1 năm) x2). [3] Lao động nữ mang thai sẽ nhận được 500.000 won trong quyền lợi bảo hiểm y tế cho mỗi lần sinh đẻ để họ có thể trang trải chi phí liên quan tới mang thai và sinh con (các chi phí do họ tự chi trả).