Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HIỀN TÀI CỦA CÁC THỜI ĐẠI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Văn chương của nước ta phát triển rực rỡ bắt đầu từ Choi Chi Won (Thôi Trí Viễn). Thôi Trí Viễn sang nhà Đường đỗ đạt thành tài, văn danh sáng chói. Ngày nay, ông vẫn được phối thờ ở Văn miếu[1]. Lúc bấy giờ, nếu ai hiểu được văn phong thì mới có thể hiểu rõ văn chương của ông. Ông có tài viết theo thể văn tứ lục[2], các thuật ngữ ông dùng không dễ chỉnh sửa. Chữ nghĩa như của Kim Boo Sik (Kim Phú Thức) phóng khoáng nhưng không hoa mĩ. Chữ nghĩa của Jeong Ji Sang (Trịnh Tri Thường) sáng sủa nhưng không được truyền bá rộng; của Lee Kyu Bo (Lý Khuê Báo) thì ghép vần khéo nhưng không kiệt xuất; của Lee In Ro (Lý Nhân Lão) thì tinh tế nhưng không được biết đến; của Im Choon (Lâm Xuân) tỉ mỉ, song không linh hoạt; của Ga Jeong (Giá Đình)[3] thì chất phác mà không sáng sủa; của Ik Jae (Ích Trai) thì lão luyện nhưng không có vẻ đẹp; của Do Eun (Đào Ẩn) thì ôn từ nhưng không sâu sắc; của Po Eun (Phố Ẩn) thì trong sáng mà không mạnh mẽ; của Sam Bong (Tam Phong)[4] thì vĩ đại nhưng thiếu khiêm nhường.

Nhân gian phong Mok Eun (Mục Ẩn)[5] là tập đại thành bởi chữ nghĩa và thơ ca của ông xuất chúng. Nhưng, người này tính cách nhỏ nhen, thô lỗ nên không thích hợp với luật lệ của nhà Nguyên. Sao có thể vượt qua được quy định của nhà Đường, nhà Tống?

Yang Chon (Dương Thôn), Choon Jeong (Xuân Đình)[6] có thể nói là nắm vững văn bỉnh[7], song không sánh được với Mục Ẩn; riêng Xuân Đình có phần kém hơn. Ban đầu, vua Se Jong (Thế Tông) xây dựng Jip Hyun Jeon (Tập Hiền điện) để đón các bậc hiền tài có học vấn như Go Ryeong (Cao Linh), Shin Sook Joo (Thân Thúc Chu), Yeong Seong (Ninh Thành), Choi Hang (Thôi Hằng), Yeon Seong (Diên Thành), Lee Seok Hyeong (Lý Thạch Đình)[8], In Soo (Nhân Tẩu), Park Peng Nyeon (Phác Bành Niên), Geun Bo (Cận Phố) Seong Sam Moon (Thành Tam Vấn), Thái Sơ Yoo Seong Won (Liễu Thành Nguyên), Lee Gae (Lý Khởi) Baek Go (Bạch Cao), Joong Jang (Trọng Chương) Ha Wui Ji (Hà Vĩ Địa), vì vậy, tên tuổi của họ nổi danh khắp chốn. Văn chương của Cận Phố phóng khoáng, trôi chảy như thơ nhưng không hay. Trọng Chương tinh thông đối sách văn[9], sớ chương[10] nhưng không biết về thơ. Thái Sơ có tài năng trời phú nhưng tri thức không rộng. Chữ nghĩa của Bạch Cao rõ ràng, xuất chúng, thơ cũng tuyệt diệu. Các bậc hiền tài đều coi văn thơ của Park In Soo (Phác Nhân Tẩu) là tập đại thành, bởi ông tinh thông cả kinh thuật, văn chương, bút pháp. Song, tất cả đều bị tru sát[11] nên các sáng tác của họ không được truyền bá trong thiên hạ.

Ninh Thành thạo thể văn tứ lục, Diên Thành thông thạo văn khoa cử. Cao Linh một thời được tôn kính nhờ văn chương và đức hạnh. Lớp người kế tiếp chỉ có Seo Tal Seong (Từ Đạt Thành), Kim Yeong San (Kim Vĩnh Sơn), Kang Jin San (Khương Tấn Sơn), Lee Yeong Seong (Lý Dương Thành), Kim Bok Chang (Kim Phúc Xương) và anh cả của tôi. Văn chương của Đạt Thành[12] hoa mỹ. Khi làm thơ, ông học theo cách của Hàn Thoái Chi[13], bàn tay di chuyển đến đâu nét chữ hiện ra đến đó, không có gì đẹp bằng. Ông phụ trách Moon Hyeong (Văn Hoành)[14] trong một thời gian dài. Vĩnh Sơn[15] đọc sách là thuộc ngay, vì thế mà lĩnh hội được các thể văn, chữ nghĩa thì hùng tráng mạnh mẽ, không ai sánh bằng. Nhưng, tính cách của người này không khiêm tốn nên gây nhiều sự hiểu lầm trong cách ghép vần thi ca, không phù hợp với cách thức lúc bấy giờ. Tấn Sơn[16] thì cả thơ và chữ đều điển nhã, tự nhiên, vì thế được coi là xuất sắc nhất trong các bậc văn nhân. Dương Thành[17] cả thơ và chữ đều đẹp. Chữ viết của ông được gọt giũa, trau chuốt như những người thợ tâm huyết đục đẽo không có tỳ vết. Bá thị[18] lĩnh hội được văn phong thời Vãn Đường[19] nên thi ca mềm mại, uyển chuyển như mây trôi, nước chảy. Phúc Xương sinh ra đã mang khí chất khác người, từng theo học Ban Cố[20], văn chương mạch lạc, lão luyện. Khi biên soạn tác phẩm Thế tổ thực lục, phần tự sự chủ yếu do ông viết. Trên đây là những bậc hiền tài tên tuổi vang danh một thời, nhờ họ mà nền văn học nước nhà phát triển rực rỡ.

 

Người dịch: Phan Thị Oanh- Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại (용재총화); Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009.

 



[1] Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử và các đệ tử của ông – những người đã cống hiến cho Nho học. Triều đại Triều Tiên đã cho xây dựng tượng ông ở bên cạnh để thị uy Seong Gyun Kwan.

[2] Là thể văn biền ngẫu, cứ một câu 4 chữ lại một câu 6 chữ. Thể văn này hưng thịnh vào thời Lục triều Trung Quốc.

[3] Giá Đình là hiệu của Lee Gok (Lý Cốc) (1298-1367).

[4] Tam Phong là hiệu của Jeong Do Jeon (Trịnh Đạo Truyền) (1342-1398).

[5] Là hiệu của Lee Saek (Lý Sắt) (1328-1396).

[6] Hiệu của Byun Gye Ryang (Biện Quý Lương) (1369-1430).

[7] Là bí quyết làm cho văn phong thay đổi.

[8] Một văn thân thời tiền Triều Tiên, quê ở Yeon An (Diên An), tự là Baek Ok (Bạch Ngọc), hiệu là Jeo Heon.

[9] Thể văn hỏi đáp kế sách về chính trị.

[10] Chữ viết dâng lên vua.

[11] Bị giết vì gây nên tội.

[12] Chỉ Đạt Thành quân Từ Cư Chính.

[13] Chỉ Hàn Dũ – một văn nhân nhà Đường Trung Quốc.

[14] Tên khác của Đại đề học.

[15] Tức Yeong San Boo Won Gun (Vĩnh Sơn Phủ Viện quân) Kim Soo On (Kim Thủ Ôn).

[16] Tức Jin San Won Gun (Tấn Sơn Viện quân) Kang Mong Kyeong (Khương Mộng Khanh).

[17] Tức Yang Seong Gun (Dương Thành quân) Lee Seung So (Lý Thừa Triệu).

[18] Tức Seong Im (Thành Nhiệm) là anh trai cả của Seong Hyeon (Thành Hiện) – tác giả cuốn sách này.

[19] Tức cuối thời nhà Đường. Tùy theo phong cách làm thơ chữ Hán người ta chia thơ Đường thành Sơ Đường, Trung Đường, Thịnh Đường, Vãn Đường. Vậy, từ thời Văn Tông đến thời Ai Đế là thời Vãn Đường. Các nhà thơ tiêu biểu cho thời kỳ này như: Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Duẩn, Đỗ Mục…

[20] Người thời Hậu Hán Trung Quốc. Tự là Mạnh Kiên, viết tác phẩm “Hán thư”.


Scroll To Top