Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN QUỐC TRONG QUAN HỆ VỚI ASEAN: TỪ ĐỐI TÁC ĐỐI THOẠI ĐẾN ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN (1991 - 2009) (Phần 2)

Đăng ngày:

3. Hàn Quốc trong quan hệ đối thoại với ASEAN (1991-2004)

3.1. Hàn Quốc trong quan hệ với ASEAN giai đoạn 1991 - 1997

Đầu những năm 90, tình hình quan hệ quốc tế thế giới xoay chuyển theo hướng hòa dịu. Sau chiến tranh lạnh, thế giới bước vào giai đoạn hỗn loạn, khi mà các quốc gia sẽ trở thành người quyết định cuối cùng cho vận mệnh của mình. Tình trạng hỗn loạn hay tình trạng vô chính phủ[1] làm cho các nước vừa và nhỏ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh, nhưng đồng thời cũng tạo cho họ cơ hội để họ chủ động hơn trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế, với sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực theo hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại sau một thời gian dài căng thẳng bởi cục diện chiến tranh lạnh, hầu hết các nước đều tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân hơn là chạy đua quân sự. Cũng trong xu thế này, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành nhiều điều chỉnh trong chính sách đối với khu vực Đông Á cũng như đối với ASEAN.

Đối với Hàn Quốc, sự kết thúc của chiến tranh lạnh cộng với thành công của quá trình thống nhất nước Đức làm cho người dân Hàn Quốc hy vọng hơn vào việc giải quyết vấn đề bán đảo Hàn. Điều này là động lực để chính phủ Hàn Quốc trong thời điểm này tiến hành chính sách ngoại giao phương Bắc, tập trung nhiều hơn đến việc cải thiện quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc để trung lập sự ủng hộ của hai quốc gia này đối với CHDCND Triều Tiên. Mặc dù không đề cao mối quan hệ với ASEAN nhưng Hàn Quốc vẫn chủ trương duy trì quan hệ với khu vực này. Đặc biệt, Hàn Quốc cũng không muốn bị tụt lại trong cuộc chạy đua với Nhật Bản và Trung Quốc trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hợp tác thương mại cho khu vực có tiềm năng kinh tế này. Bên cạnh đó, ngoài việc phát triển kinh tế, việc nâng cấp quan hệ với ASEAN còn giúp Hàn Quốc nâng cao được vị thế của mình tại các diễn đàn khu vực trong tương quan với các nước lớn và tạo được động lực cho sự hợp tác. Đặc biệt, với ảnh hưởng đang lên của ASEAN thì đây là một đối tác lớn trong quan hệ quốc tế của Hàn Quốc. Với ASEAN, quan hệ với Hàn Quốc sẽ giúp đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và củng cố vị thế chủ chốt của mình trong các vấn đề khu vực. Xét trên quan hệ quốc tế khu vực, mối quan hệ này được đánh giá là phản ánh xu hướng kết hợp của các thực thể vừa và nhỏ nhằm cân bằng quyền lực của các nước lớn và hạn chế những tác động tiêu cực của khả năng phân tầng trong khu vực (Hoàng Khắc Nam, 2012).

Với nhận thức như vậy, quan hệ Hàn Quốc – ASEAN bước sang đầu thập niên 90 đã có nhiều biến chuyển đáng kể tạo tiền đề cho những bước phát triển sau này. Tháng 8. 1990, Hàn Quốc và ASEAN thiết lập Ủy ban Hợp tác lĩnh vực chung ASEAN – Hàn Quốc (ASEAN – ROK Joint Sectoral Cooperation Comittee - JSCC) tập trung vào ba lĩnh vực hợp tác là thương mại, đầu tư và du lịch. Việc hình thành Ủy ban hợp tác lĩnh vực chung ASEAN – Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn đánh dấu điểm khởi đầu cho quan hệ giữa Hàn Quốc với ASEAN với tư cách là một tổ chức. Tháng 6 năm 1991, Hàn Quốc chính thức trở thành đối tác đối thoại đầy đủ (full dialogue partner) đầu tiên của ASEAN kể từ năm 1977. Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành đối tác đối thoại Đông Bắc Á thứ hai của ASEAN sau Nhật Bản[2]. Sự kiện này cho thấy, Hàn Quốc cũng như ASEAN đã có được vị trí quan trọng hơn trong nhận thức và trong chính sách hợp tác khu vực của mỗi bên. Tiếp đó, tháng 7.1992, Hàn Quốc đã tham gia Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN bàn về các vấn đề an ninh khu vực và sau đó, Hàn Quốc trở thành một trong 18 thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF – ASEAN Regional Forum)[3] tổ chức tại Băng Cốc tháng 7.1994. Việc tham gia vào diễn đàn khu vực này đã giúp cho Hàn Quốc đạt được một thành công ngoại giao sau này khi các thành viên diễn đàn đã thống nhất “hoan nghênh sự tiến triển của hội đàm 4 bên về bán đảo Hàn và cần thiết phải duy trì Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953 cho đến khi một thể chế hòa bình vĩnh cửu được thiết lập trên bán đảo”[4] tại Diễn đàn khu vực lần thứ 4 được tổ chức tại Kuala Lumpur tháng 7. 1997. Đồng thời với việc CHDCND Triều Tiên tham gia của vào Diễn đàn này (tháng 7. 2000), có thể nói, Hàn Quốc đã gắn được vấn đề bán đảo Hàn vào mối quan tâm chung của Diễn đàn trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, nếu trong thập niên 80, Hàn Quốc chỉ tập trung đầu tư cho 4 nước có quan hệ truyền thống thì sang thập niên 90, đầu tư của Hàn Quốc đã mở rộng ra mười nước ASEAN. Tổng số vốn đầu tư tăng từ 340 triệu đô giai đoạn 1980 – 1989 lên 4,662 tỷ đô la giai đoạn 1990 – 1996. Hỗ trợ ODA cũng tăng từ 1,465 triệu đô la năm 1991 lên 9,055 triệu đô la năm 1996, tăng gần 8 lần. Tổng gia dịch thương mại tăng 8 lần từ 2,623 tỷ đô la năm 1980 lên gần 18 tỷ đô la năm 1995.

Bảng 4. Tình hình đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN (1990 - 1996)

(Đơn vị: nghìn đô la)

 

HÀN QUỐC TRONG QUAN HỆ VỚI ASEAN:  TỪ ĐỐI TÁC ĐỐI THOẠI ĐẾN ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN (1991 - 2009) (Phần 2)

(Nguồn: 한국수출입은행, http://www.koreaexim.go.kr)

Như vậy, có thế nói, mối quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trước năm 1997 có cơ sở ban đầu được xác định là do nhu cầu đảm bảo tìm kiếm đồng minh và kiềm chế sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực trước sự biến động của tình hình thế giới. Hàn Quốc và ASEAN trong thời gian này đều chưa phải là đối tác chính trị – ngoại giao quan trọng của đối phương khi cả hai đều đang hướng tới việc củng cố và tăng cường quan hệ với các nước lớn. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cục diện thế giới có nhiều biến động cộng với sự canh tranh quyền lực của các nước trong khu vực buộc các lực lượng nhỏ như ASEAN và Hàn Quốc phải có những bước đi chủ động để đảm bảo quyền lợi của mình. Đây chính là giai đoạn Hàn Quốc có những bước tiến tích cực hơn trong quan hệ với ASEAN nói riêng và hội nhập khu vực nói chung. Điều đáng nói trong mối quan hệ này là ASEAN đã thiết lập quan hệ với Hàn Quốc với tư cách là một thực thế chính trị thống nhất và với ảnh hưởng ngày càng lớn của mình, ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng trong nhận thức của Hàn Quốc.

3.2. Hàn Quốc với ASEAN trong quan hệ đối tác + 3 (1997 - 2004)

Trên thực tế, ý tưởng thiết lập một cơ chế hợp tác giữa các nước trong khu vực Đông Á được coi là tiền thân của ASEAN + 3 đã được đưa ra từ năm 1990 nhưng không thể hiện thực hóa[5].  Phải đến tháng 12.1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bắt đầu từ Thái Lan lan ra toàn khu vực và tác động đến không chỉ các nền kinh tế Đông Nam Á mà cả các nước Đông Bắc Á trong đó có Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng đã làm cho ASEAN nhận thấy cần phải có sự liên kết với các nước khu vực Đông Bắc Á để ổn định nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy điểm yếu trong cơ cấu của từng nền kinh tế thành viên ASEAN cũng như tính kém hiệu quả của các cơ chế hợp tác nội khối (Đỗ Hoài Nam. Võ Đại Lược, 2004: 129). Yêu cầu cải cách nội bộ, tăng cường liên kết kinh tế giữa các thành viên cũng như tăng cường liên kết với bên ngoài nhằm củng cố hội nhập nội khối và duy trì sức cạnh tranh được đặt ra, Đồng thời, sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc cùng với việc cạnh tranh ảnh hưởng của Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực đang có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua mới. Vì thế, liên kết với các nước Đông Bắc Á là hướng đi hữu hiệu để ASEAN đảm bảo quyền lợi và sức mạnh của mình. Với việc mời thêm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tham dự vào cuộc họp thượng đỉnh không chính thức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tổ chức ASEAN, ASEAN + 3 được coi là chính thức hình thành. Mặc dù không có một thỏa thuận hay tuyên bố nào được thông qua trong cuộc gặp này nhưng đây được coi như điểm khởi đầu cho việc hình thành khuôn khổ hợp tác ASEAN + 3 như một tổ chức hợp tác khu vực của riêng Đông Á. Tháng 12 năm1998, hội nghị thượng đỉnh ASEAN +3 chính thức được tổ chức tại Hà Nội. Thông qua sự kiện này, Diễn đàn kinh tế Đông Á vốn không thực hiện được do sự phản đối của Mỹ và sự không nhiệt tình của Nhật Bản đã được hiện thực hóa bằng một khuôn khổ mới và cơ chế mới.

Đối với Hàn Quốc nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung, vấn đề nổi bật trong thời gian này làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn. Việc giải quyết vấn đề này đã lôi kéo sự tham gia và chi phối của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu và lợi ích theo đuổi khác nhau của các bên tham gia đã làm cho quá trình giải quyết vấn đề gặp nhiểu trở ngại và nhiều lúc rơi vào bế tắc. Ngày 30.1.1992, sau khi nhận được viện trợ từ Mỹ theo đúng cam kết, CHDCND Triều Tiên đã ký Hiệp định đảm bảo an toàn hạt nhân với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhưng ngay sau đó lại phế bỏ hiệp định và đe dọa rút khỏi “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” và cho khởi động lại chương trình hạt nhân. Diễn biến này không chỉ làm cho tình hình bán đảo Hàn trở nên căng thẳng và phản ứng khác nhau giữa các bên liên quan cũng làm cho nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh. Dưới thời Tổng thống Kim Young Sam, chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách ngoại giao tứ cường nhằm tăng cường quan hệ với các nước lớn nhằm tìm sự đảm bảo an ninh. Nhưng những mâu thuẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong lịch sử giữa Nhật Bản – Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc cùng với sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản cũng làm cho chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng cục diện an ninh – chính trị của khu vực đang có nhiều thay đổi và Hàn Quốc cần phải có những chính sách ngoại giao phù hợp với hoàn cảnh và vị thế của mình. Trước những mâu thuẫn này, Chính phủ Hàn Quốc cần tìm một tiếng nói có sức thuyết phục nhưng đồng thời phải đảm bảo tính trung lập.

Hàn Quốc chính thức gia nhập hợp tác đa phương ASEAN + 3 dưới thời chính quyền Tổng thống Kim Dae Jung. Cùng với sự phát triển trong quan hệ đa phương, quan hệ Hàn Quốc – ASEAN đã có những phát triển đáng kể. Chính quyền Tổng thống Kim Dae Jung được đánh giá là thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự hình thành liên kết Đông Á. Điều này được xem là có xuất phát từ hai nguyên nhân: 1) sự nhận thức về tầm quan trọng của hợp tác khu vực Đông Á trong thời kỳ Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính và quá trình khắc phục khủng hoảng; 2) TTổng thống Kim Dae Jung - người thuộc phe thiểu số trong chính phủ - muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài cho chính sách Ánh Dương đối với CHDCND Triều Tiên mà ông xây dựng. Xét trên phương diện chính trị, ASEAN tuy không có sức ảnh hưởng mang tính quyết định nhưng với việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Hàn Quốc sẽ có thêm sự ủng hộ chính trị trong vấn đề bán đảo Hàn đồng thời cũng là cơ hội để Hàn Quốc tạo dấu ấn của mình trong khu vực. Vì thế, dưới thời Tổng thống Kim Dea Jung, bên cạnh việc duy trì quan hệ với các nước lớn, Hàn Quốc hy vọng sẽ tìm được sự ủng hộ từ cộng đồng khu vực ASEAN trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy quá trình cải cách, mở của của CHDCND Triều Tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thống nhất bán đảo.

Trên khía cạnh kinh tế, tham gia hợp tác ASEAN + 3 sẽ giúp Hàn Quốc hòa nhập vào những thay đổi của tình hình kinh tế khu vực. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ suy thoái sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh; Trung Quốc với chính sách cải cách và mở cửa nền kinh tế đang từng bước khẳng định và mở rộng ảnh hưởng của mình ra khu vực và thế giới thì việc tham gia hợp tác ASEAN + 3 cũng sẽ giúp Hàn Quốc có một đối tác thương mại lớn, một thị trường đầu tư tiềm năng. Tất nhiên, không thể phủ nhận tại thời điểm này, Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là nước đầu tư chủ yếu vào Hàn Quốc trong khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhưng Hàn Quốc không thể không nhận thấy, với thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng như ASEAN thì việc gia tăng giá trị thương mại hai chiều giữa Hàn Quốc và ASEAN trong thời gian tới là điều chắc chắn. Xét trên khía cạnh cạnh tranh quốc tế, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Hàn Quốc cũng muốn thông qua hợp tác ASEAN + 3 tiến tới việc hình thành cộng đồng Đông Á đủ sức cân bằng với các tổ chức khu vực khác trên thế giới như EU hay NAFTA.

Với những mục đích trên, Hàn Quốc đã tham gia rất nhiệt tình vào khuôn khổ hợp tác ASEAN + 3 và đã có những đóng góp nhất định trong tiến trình này. Đầu tiên, có thể thấy Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp trong hoạch định đường lối phát triển cho ASEAN + 3. Thông qua việc đề xuất các sáng kiến quan trọng như sáng kiến thành lập Nhóm tầm nhìn Đông Á (EAVG), Nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG), lập Diễn đàn Đông Á….và xây dựng các biện pháp thực hiện, Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN + 3 và hoạch định tầm nhìn cho sự phát triển của tổ chức này. Không chỉ đề xuất các sáng kiến và xây dựng biện pháp thực hiện về mặt đường lối, Hàn Quốc cũng rất tích cực trong việc hiện thực hóa các biện pháp đó. Sau khi Nhóm nghiên cứu Đông Á đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khối, Hàn Quốc đã tiến hành triển khai thực hiện các biện pháp này trong cơ chế ASEAN – Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và hợp tác phát triển. Trong đó, đáng kể nhất là việc Hàn Quốc ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Thái Lan (tháng 6. 2002), Malaysia (tháng 7. 2002), Indonesia (tháng 12. 2003), Philippin (tháng 8. 2002) với tổng số tiền là 8 tỷ USD, đề xuất thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc với thỏa thuận cho phép các nước thành viên ASEAN bên cạnh việc tham gia vào AKFTA có thể ký FTA song phương với nhau và với Hàn Quốc....(Nguyễn Thu Mỹ, 2008: 150)

Đối với cơ chế cộng 3, xác định việc hợp tác và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và Nhật Bản là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, Hàn Quốc đã rất tích cực tham gia vào tiến trình này ngay từ những ngày đầu. Chính vì thế, Hàn Quốc đã cùng với Trung Quốc, Nhật Bản tham gia vào việc soạn thảo và ký kết “Tuyên bố chung về thúc đẩy hợp tác ba bên” vào tháng 10. 2003. Vì lợi ích quốc gia, Hàn Quốc đã tích cực hợp tác với Nhật Bản và Trung Quốc – hai nhân tố quan trọng trong tiến trình đàm phán 6 bên – trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn. Không những thế, Hàn Quốc còn rất chủ động và tích cực trong việc phát huy vai trò cầu nối giữa hai quốc gia này trong việc giải quyết các vấn đề lịch sử cũng như điều hòa cán cân quyền lợi trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ 4 của ASEAN tổ chức tại Singapore năm 2000, Hàn Quốc và ASEAN đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa, viện trợ y tế và phát triển hạ lưu sông Mê Kông. Hai bên cũng đã thành lập Quỹ đặc biệt ASEAN – Hàn Quốc (SCF) và Quỹ các dự án hướng tới tương lai (FOCPF) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa hai bên.

Những tiến triển trong quan hệ Hàn Quốc – ASEAN còn được thể hiện ở việc triển khai các thỏa thuận đó trên các lĩnh vực cụ thể và hiệu quả của nó. Như đã đề cập, quan hệ Hàn Quốc – ASEAN chủ yếu được tiến hành trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa, đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực, viện trợ y tế….. Trên lĩnh vực chính trị - an ninh, thông qua các Hội nghị nằm trong khuôn khổ ASEAN + 3, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề trong khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Hàn. Chính phủ Hàn Quốc và các nhà lãnh đạo ASEAN đều thống nhất khi cho rằng giải quyết vấn đề này cần thông qua đối thoại và đàm phán.

Trên lĩnh vực kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt 7 – 8%, khu vực ASEAN là một thị trường không thể bỏ qua đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Hàn Quốc. Nhưng trong giai đoạn này, đầu tư của Hàn Quốc không có bước đột phá mà chỉ duy trì mức đầu tư của thời kỳ trước. Các số liệu thống kê cho thấy tổng số vốn đầu tư cho ASEAN của Hàn Quốc trong giai đoạn này là 4,454 tỷ đô la, không thay đổi nhiều so với giai đoạn  1990 – 1996 (4,662 tỷ đô la).

Bảng 5. Tình hình đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN từ 1997 – 2004

(Đơn vị: nghìn đô la)

HÀN QUỐC TRONG QUAN HỆ VỚI ASEAN:  TỪ ĐỐI TÁC ĐỐI THOẠI ĐẾN ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN (1991 - 2009) (Phần 2)

(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc한국수출입은행, http://www.koreaexim.go.kr)

Xét về quy mô thương mại, ASEAN là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Quy mô thương mại của Hàn Quốc và ASEAN có xu hướng tăng liên tục từ 32,4 tỷ đô la năm 1996 lến 38,7 tỷ đô la năm 2003. Trừ giai đoạn 1997 – 1998 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á làm quy mô thương mại giảm đi nhưng sau đó lại quay trở lại xu thế tăng dần. Đến năm 2002, quy mô thương mại đã hồi phục lại được mức trước khủng hoảng. Chỉ số cán cân thương mại luôn duy trì ở mức dương nhưng có xu hướng giảm. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nếu xem xét vào các giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng tăng, có thể thấy việc giao dịch thương mại giữa hai thực thể này đang ngày càng tăng và ASEAN ngày càng có nhiều cơ hội trong việc xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc[6]. Và chắc chắn các tiến trình ASEAN+ 3, ASEAN +1 đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình liên kết và hợp tác giữa các nền kinh tế này.

Bảng 6. Sự biến đổi  quy mô thương mại của Hàn Quốc và ASEAN từ 1996 – 2003

(Đơn vị: tỷ đô la)

Năm

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

 

 

ASEAN

Xuất khẩu

20,31

15,31

17,72

20,13

16,11

18,40

20,25

Nhập khẩu

12,55

9,13

12,27

18,17

15,41

16,76

18,46

Tổng

32,86

24,44

29,99

38,30

31,52

35,16

38,71

Chỉ số thặng dư thương mại

77,7

61,8

54,5

19,6

7,0

16,4

17,9

(Nguồn: 한국무역협회 ,www.kita.net[7])

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, các dự án dưới sự hỗ trợ của Quỹ hợp tác đặc biệt ASEAN – Hàn Quốc (ASEAN-ROK SCF – ASEA-ROK Special Cooperation Foundation)[8] và Quỹ các dự án hướng tới tương lai (FOCPF - Future Oriented Cooperation Projects Foundation)[9] đã được thực hiện. Tính từ năm 2000 – 2004, 51 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang thực hiện và 21dự án sẽ được thực hiện. Trong giai đoạn 1990 – 2003, Hàn Quốc đóng góp từ hai tổ chức này lần lượt là 17,7 triệu đô la và 7 triệu đô la (Nguyễn Thu Mỹ, 2008: 68).

Đánh giá quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu thường tập trung vào quan hệ của hai thực thể cũng như vai trò của Hàn Quốc trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + 3. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, cũng như các thành viên khác trong cơ chế cộng 3, việc triển khai các hoạt động hợp tác của Hàn Quốc với ASEAN mới chủ yếu được tiến hành nhiều hơn và đạt hiệu quả cao hơn ở cơ chế ASEAN + 1 chứ không phải ASEAN + 3. Đồng thời, những thành tựu nổi bật của Hàn Quốc trong quan hệ với ASEAN giai đoạn này tập trung nhiều vào việc hoạch định đường lối cho sự phát triển của ASEAN + 3 và Hợp tác Đông Á. Trong đó, các nhà nghiên cứu đánh giá cao những đề xuất của Hàn Quốc là có tầm chiến lược và có giá trị định hướng cho sự phát triển của khu vực Đông Á. Với đề xuất hình thành nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG) mà sau này được cụ thể hóa bằng kế hoạch “thúc đẩy hình thành thể chế đối thoại an ninh đa phương Đông Bắc Á để tăng cường ngoại giao hậu chiến tranh lạnh và tăng cường ý thức cộng đồng Đông Á bao gồm ASEAN và 3 quốc gia Trung, Nhật, Hàn” (최영종, 2007: 202 - 2003) và được hiện thực hóa bằng việc đề nghị thành lập Nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG), Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hình thành cơ chế cụ thể về hợp tác Đông Á, mở đường cho những hợp tác đa phương trong khu vực. Tuy nhiên, những đóng góp của Hàn Quốc đối với ASEAN + 3 sau đó có dấu hiệu giảm xuống. Điều này được lý giải là do mặc dù cùng với Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt tiến trình ASEAN + 3 nhưng Hàn Quốc lại là nước thu được ít lợi ích nhất từ tiến trình này. Mong muốn duy trì tình trạng hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và tạo sức ảnh hưởng để tác động đến CHDCND Triều Tiên tham gia vào chuyển động chung của khu vực vẫn chưa thể thực hiện. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn cũng chưa có chuyển biến tích cực. Điều này làm cho nhiệt tình của Hàn Quốc đối với ASEAN + 3 giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, với những lợi ích không thể phủ nhận, ASEAN vẫn là đối tác mà Hàn Quốc muốn hợp tác và ASEAN + 3 sẽ vẫn là mối liên kết thu hút được sự tham gia của Hàn Quốc và các nước trong cộng đồng Đông Á.

 

Lê Thị Thu Giang

Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Đỗ Hoài Nam. Võ Đại Lược (2004), Hướng tới cộng đồng kinh tế Đông Á, NXB Thế giới.
  2. Hoàng Khắc Nam (2008), Hợp tác đa phương ASEAN + 3 – Vấn đề và triển vọng, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  3. Hoàng Khắc Nam (2007), Hàn Quốc với ASEAN trong chiến tranh lạnh: Từ ASPAC tới quan hệ đối tác, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5.
  4. Lê Thị Thu Giang (2014), Quan điểm và chính sách của Hàn Quốc đối với vấn đề liên kết Đông Á, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (156).
  5. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2009), Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, NXB Chính trị quốc gia.
  6. Nguyễn Xuân Thắng. Đặng Xuân Thanh (2013), Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á giai đoạn 2001 – 2020, NXB Khoa học Xã hội.
  7. Nguyễn Thu Mỹ (chủ biên) (2008), Một số vấn đề cơ bản về hợp tác ASEAN + 3, NXB Khoa học Xã hội.
  8. Nguyễn Trần Quế (2003), 35 năm ASEAN – Hợp tác và phát triển, NXB Khoa học Xã hội.
  9. Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc ký kết tại đảo Jeju vào ngày 2/6/2009. www.nciec.gov.vn
  10. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Văn kiện Hiệp định thương mại tự do, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam http://www.trungtamwto.vn/node/316
  11. Vũ Tuyết Loan (2007), Hợp tác văn hóa đa phương Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với ASEAN, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11.

Tài liệu tiếng Hàn

  1. 김승진(1998), 한국과 ASEAN한국간 무역구조의 변화추이와 대응방향- 제조업부문을 중심으로-, 세계경제연구원.
  2. 권경덕. 정인교(2007), 한국 – ASEAN FTA 경제적 효과에 관한 연구, 한국학술정보(주).
  3. 박광섭 (2002), 한국의 對아세안 외교에 관한 연구, 논문집 (사회과학편) 제21집, p. 219 – 236.
  4. 박광섭. 이요한 (2008), 아세안과 동남아 국가연구, 大經도서출판.
  5. 박명림, 지상현 (2010), 탈냉전기 한국의 동아시아 인식과 구상김대중 사례 연구, 한국정치학회보, 제43집, 제4호.
  6. 박번순 (2009), 한국 아세안 경제협력 현황과 확대 방안, 삼성경제연규소.
  7. 손일태 (2007), 아세안의 교역구조와 동아시아지역에서의 한국의 FTA 저략, 貿易學會誌 제32권 제3호.
  8. 손혁상, 최정호 (2008), 한국의 아세안 공적개발원조(ODA)정책: ‘경제협력개발협력 이중주, 동남아시아연구 18권 2호.
  9. 최영종, 韓國政治外交史論叢 (한국정치외교사론), 동아시아 지역 통합과 한국의 중견국가 외교, 제 32집 2호, pp 189 – 225.
  10. 한국무역협회, www.kita.net
  11. 한국수출입은행, http://www.koreaexim.go.kr

Tài liệu tiếng Anh

  1. Kenneth Walz (2000), Structural Realism after the Cold War, International Security, Vol.25, No.1.
  2. Ku Su Jeong (1999), The secret tragedy of Vietnam, 273th edition of "The Hankyoreh21",  http://legacy.h21.hani.co.kr/h21/vietnam/Eng-vietnam273.html)
  3. Lee, Jaehyon (2009), Historical Review of ASEAN – Korea Relationship: Past, Present and Future, IFANS Review, Vol.17, No. 1, p39 - 57.
  4. ASEAN - Korea Center Introduction, http://www.aseankorea.org/eng.

 

 


[1] Đây là khái niệm được các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế theo trường phái hiện thực mà đại diện là học giả Kenneth Waltz (1924 - 2013) đưa ra để chỉ tình trạng thiếu một quyền lực đứng trên các quốc gia hay tình trạng thế giới không có bất cứ hệ thống thức bậc quyền lực nào. Tình trạng vô chính phủ hay hỗn loạn là đặc điểm xác định của môi trường trong đó các quốc gia có chủ quyền có sự tác động lẫn nhau. Điều này dẫn đến việc các quôc sgia phải dựa vào suwcsmanhj, phải tìm cách duy trì và tăng cường vị thế sức mạnh và quyền lực của mình so với các quốc gia khác. Vì thế, nó thường hay đi kèm với tình trạng thiếu tin cậy giữa các quốc gia do mỗi quốc gia đều phải đối mặt với việc phải tự cứu lấy mình.

[2] Nhật Bản trở thành đối tác đối thoại của ASEAN năm 1977, Trung Quốc năm 1996.

[3] Diễn đàn khu vực ASEAN được các lãnh đạo ASEAN thống nhất thiết lập tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26 tại Singapore (tháng 7. 1993) và được chính thức khai mạc vào tháng 7. 1994 tại Băng Cốc. Diễn đàn bao gồm 25 thành viên gồm 10 nước thành viên ASEAN, 10 nước đối thoại của ASEAN (gồm Úc, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, New Zealand, Nga, Mỹ, Ấn Độ), Papua New Guinea (quan sát viên ASEAN), CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Đông Timor.

[4] 박광섭 (2002), 한국의 對아세안 외교에 관한 연구, 논문집 (사회과학편), 제21집, p. 223.

[5] Cơ sở ban đầu của hợp tác đa phương ASEAN + 3 được xem là hình thành vào năm 1990, khi thủ tướng Mahathia Mohamat của Malaysia đã đưa ra ý tưởng đầu tiên về việc thiết lập một cơ chế hợp tác giữa các nước Đông Á nhằm hình thành nên một tổ chức riêng của Đông Á. Nội dung cụ thể của ý tưởng này là hình thành Nhóm kinh tế Đông Á (EAEG) bao gồm 6 thành viên trong khu vực là ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam. Mặc dù được nhiều nước Đông Á ủng hộ nhưng ý tưởng này đã không thực hiện được do sự phản đối của Mỹ khi lo ngại tổ chức này sẽ làm giảm vai trò của Mỹ và APEC trong khu vực. Mặc dù vậy, tại Hội nghị các quan chức đặc biệt tổ chức tại Bangdung, Indonesia ngày 16.3.1991 và tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 23 họp tại Malaysia vào tháng 10.1991, vấn đề EAEG đã được đưa ra thảo luận chính thức và EAEG đã được cải biến sang hình thức cuộc họp kín được gọi là Diễn đàn kinh tế Đông Á (EAEC). Trong Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lần thứ 26 được tổ chức vào tháng 7.1993 đã quyết định EAEC là một diễn đàn trong APEC nhằm duy trì khuôn khổ hợp tác này. Nhưng trên thực tế, cơ chế này cũng không được thực hiện.

[6] Để tìm hiểu sự phát triển trong quan hệ kinh tế Hàn Quốc – ASEAN, cần khảo sát nhiều thông số khác như: chỉ số cạnh tranh, cơ cấu thương mại, đầu tư trực tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức.... mới có thể có những nhận định xác đáng. Nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác trong những nghiên cứu tiếp theo.

[7] Dẫn theo 권경덕. 정인교(2007), 한국 – ASEAN FTA 경제적 효과에 관한 연구, 한국학술정보(주),  p. 49

[8] Quỹ hợp tác đặc biệt ASEAN – Hàn Quốc được thành lập năm 1990.

[9] Quỹ các dự án hướng tới tương lai được thành lập năm 1997.

[10] Dẫn theo Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên), Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr.121 – 122.

[11] ASEAN - Korea Center Introduction. http://www.aseankorea.org/eng/page10/page12-1.asp

[12] Số liệu từ 한국수출입은행, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc

[13] Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Văn kiện Hiệp định thương mại tự do, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam http://www.trungtamwto.vn/node/316

[14] Chính sách ngoại giao nước trung gian được chính quyền Tổng thống Rho Mu Hyeon đưa ra với tham vọng vươn lên trở thành trở thành trung tâm khu vực Đông Bắc Á thông qua vai trò là cầu nối giữa các nước trong khu vực.


Scroll To Top