THÚC ĐẨY QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM – HÀN QUỐC: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG LĨNH VỰC NGOẠI GIAO VÀ HỢP TÁC KINH TẾ
Đăng ngày:
Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Quan hệ giữa hai nước chỉ sau một khoảng thời gian ngắn đã nhanh chóng chuyển từ đối tác thông thường (1992) sang đối tác toàn diện (2001) và trở thành đối tác chiến lược (2009). Có thể nói rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 1992 là một quyết định lịch sử của chính phủ hai nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại và với lợi ích của hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới, hướng tới tương lai, hợp tác cùng phát triển. Trong hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã duy trì đều đặn hàng năm việc trao đổi đoàn và các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao. Kết quả của mỗi lần thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao này không chỉ là hàng loạt các văn bản và thỏa thuận hợp tác được ký kết, mà mức độ chặt chẽ của quan hệ song phương giữa hai nước lại được tăng thêm một mức. Trong số rất nhiều quốc gia mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức trong những năm đầu thập kỷ 1990, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Đây là một sự phát triển hết sức nhanh chóng và ngoạn mục. Việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” chính là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ song phương, đồng thời cũng là sự thể hiện quyết tâm chung của Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn nữa. Trong lĩnh vực kinh tế, có thể nói, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong hơn 20 năm qua. Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc và cũng là nước nhận được nhiều nhất trong tổng vốn viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Giá trị của các khoản viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam cũng tăng nhanh qua từng năm. Đến nay, Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản). ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam tăng nhanh không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt hơn 37 tỷ USD và hơn 4.000 dự án đầu tư còn hiệu lực. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam phần lớn (tới 70%) là vào các ngành công nghiệp chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp lớn có tên tuổi của Hàn Quốc như Samsung, Daewoo, LG, Huyndai... đều đã có mặt tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu mở cửa thu hút FDI của Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng đã và đang tăng cường đầu tư và đầu tư thành công tại Việt Nam. Về thương mại, kể từ những năm 1980, Việt Nam đã có sự trao đổi mậu dịch với Hàn Quốc. Song quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ thực sự phát triển nhanh kể từ đầu những năm 1990, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, tốc độ tăng trưởng thương mại song phương giữa hai nước luôn đạt mức hai con số. Đặc biệt, giai đoạn kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007 đến nay), tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt bình quân hơn 40%/năm. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong năm 2014 đạt gần 28 tỷ USD. Hai nước đang tiếp tục đẩy mạnh quan hệ thương mại để phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch thương mại hai chiều 70 tỷ USD vào năm 2020; đồng thời, tích cực hợp tác nhằm giảm dần và hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Sau hơn 5 năm nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, sâu sắc hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. Về triển vọng phát triển trong thời gian tới, có thể khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, để đạt được điều này, chắc chắn quan hệ hai nước sẽ phải vượt qua một số những trở ngại không nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó dự báo. Trước hết, đó là vấn đề củng cố lòng tin và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. - Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự thay đổi chiến lược và phương thức phát triển của quốc gia này với những yêu sách ngày càng gia tăng ở Biển Đông đã và đang đặt một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trước những thách thức nghiêm trọng về chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các quần đảo và vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông. Với tư cách là một đối tác chiến lược của Việt Nam, sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Việt Nam trong việc giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế những vấn đề này là hết sức quan trọng. - Bán đảo Hàn đã trải qua 70 năm chia cắt. Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Hàn đều có chung một nguyện vọng chính đáng là thống nhất đất nước. Do hoàn cảnh lịch sử để lại mà cho đến nay bán đảo Hàn vẫn tồn tại hai quốc gia với hai thể chế chính trị khác nhau. Tiến trình để đi đến thống nhất vẫn còn khá nhiều khó khăn. Việt Nam cũng đã từng bị chia cắt 30 năm và đã thống nhất được 40 năm. Việt Nam cần chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ Hàn Quốc trong tiến trình đi tới thống nhất hòa bình trên bán đảo Hàn. Thứ hai, đó là việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa. - ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam trong những năm gần đây đã gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng. Song, nhìn chung các dự án ODA của Hàn Quốc còn mang tính dàn trải, chưa có những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn tầm cỡ quốc gia cho Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc nên quan tâm đến vấn đề này trong chính sách ODA dành cho Việt Nam. - FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đã có những thành tựu rất ngoạn mục. Song, các dự án quy mô lớn không nhiều, phần lớn là các dự án ở quy mô vừa và nhỏ với 100% vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, mức độ chuyển giao công nghệ chưa cao. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư Hàn Quốc cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Đây chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần thu hút vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phía Việt Nam cũng cần có các chính sách tích cực trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể đầu tư và đầu tư thành công tại Việt Nam. - Thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Song, vấn đề mất cân đối trong cán cân mậu dịch giữa hai nước theo hướng thâm hụt mậu dịch của Việt Nam cần được hai nước nghiêm túc nhìn nhận và có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Với việc kết thúc thành công các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 12/2014, hy vọng rằng, sau khi FTA giữa hai nước được chính thức ký kết, quan hệ thương mại Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh hơn nữa và cán cân mậu dịch sẽ ngày càng được cải thiện theo hướng cân bằng hơn. - Hợp tác lao động cũng là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, do một số bất cập về phía người lao động Việt Nam mà trong mấy năm gần đây tình hình hợp tác lao động giữa hai nước chưa thực sự được đẩy mạnh. Cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc cần thực hiện các giải pháp hữu hiệu trong việc tuyển chọn và quản lý người lao động Việt Nam đưa sang Hàn Quốc làm việc để có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước trong những năm tới. Trên đây là một số vấn đề tôi muốn chia sẻ cùng quý vị tại Diễn đàn Hàn – Việt lần thứ hai này. (Bài viết tham gia Diễn đàn Hàn – Việt lần thứ hai, tổ chức tại Seoul, ngày 19/3/2015) TS. Trần Quang Minh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam