Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SEONG HYEN (THÀNH HIỆN: 1439-1504): CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

Đăng ngày:

Seong Hyen tên tự là Khánh Thúc; hiệu Dung Trai, Hư Bạch Đường, Phù Hưu Tử, Cúc Ô; thuỵ hiệu là Văn Tải, quê ở Chang Nyeong, là con trai thứ 3 của Yom Cho, từng giữ chức Tri trung khu phủ sự.

Năm 1462 (năm thứ 8 đời vua Sejo), thi đỗ tiểu khoa, năm 1466, dự kỳ thi Bạt Anh đỗ Tiến sĩ, được cử giữ chức Tư lục.

Năm 1468 (Vua Yejong lên ngôi), ông được chuyển sang làm việc ờ Nghệ Văn quán, giữ chức Tu Soạn. Sau đó, ông từng cùng người anh trai sang sứ nhà Minh. Trên đường đi sứ, ông ghi chép cẩn thận những điều tai nghe mắt thấy, đồng thời cũng sáng tác thi ca. Sau khi đi sứ về, ông chỉnh sửa và chép lại thành một quyển, đặt tên là Quan Quang tập.

Năm 1475, ông lại cùng với Han Myeong-hue sang sứ nhà Minh. Ngay sau khi trở về, ông liền dự kỳ thi gọi là Văn khoa trùng thí, đỗ cao và được nhà vua trao cho nhiều trọng trách trong triều.

Năm 1485, với chức danh là Thiên thu sứ, ông lại được cử đi sứ nhà Minh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông được nhà vua ban chức Tham phán Bộ Hình rồi cử làm Quan Án sát ở Pyeng An-do. Khi đó, sứ thần nhà Minh là Đổng Việt và Vương Xưởng tới Choseon, ông đuợc nhà vua vời tới đối đáp và xướng hoạ thi ca. Sứ thần nhà Minh vô cùng thán phục. Bởi vậy mà thanh thế của Choseon được nâng cao. Nhà vua ban cho ông chức Đồng Tri trung khu phủ sự, sai sang sứ nhà Minh với tư cách là Tạ ân sứ. Sau khi trở về, ông được thăng chức Lễ bộ phán thư.

Yeon San -gun lên ngôi bèn ban cho ông chức Công bộ phán thư kiêm chức Đại đề học.Chẳng bao lâu sau thì ông mất (năm 1504). Sau khi ông mất được mấy tháng thì xảy ra sự kiện thảm sát nhân sĩ năm Giáp Tý (nguyên văn là Giáp Tý sĩ hoạ), ông bị xử phạt bật quan tài lên trảm vào thi thể. Sau này, nhà vua lại giải oan cho ông, ghi danh là Thanh bạch lại trong Lục tuyển.

Ông trước tác nhiều, để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó, tác phẩm Nhạc học quỹ phạm mà ông cùng với Yuja-kwang biên soạn khi ông kiêm chức Chưởng nhạc viện đề điệu đã được quan chức triều đại Choseon đánh giá rất cao, được coi là chuẩn mực của nhạc cung đình thời Choseon. Ông còn san định những tác phẩm về ca dao thời Koryeo theo lệnh của nhà vua như Song hoa điếm, Lý sương khúc, Bắc điện v.v… Tác phẩm tiêu biểu của riêng ông viết là Dung Trai tùng thoại, được coi là tài liệu quan trọng để nghiên cứu các mặt như chính trí, xã hội, văn hoá, chế độ, phong tục tập quán thời sơ kỳ Choseon. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm khác như Hư Bạch đường tập, Phong nhã lục, Phù Hưu Tử đàm luận, Tấu nghị bài thuyết, Cẩm nang hành tích, Nhu du bị lãm, Phong tao quỹ phạm, Kinh luân đại quỹ, Thái bình thông tải v.v…

Như vậy, Seong Hyen vừa là văn nhân vừa là quan chức, nhiều lần được nhà vua tin cậy cử sang sứ nhà Minh, từng giữ các chức vụ cao nhất cả về quan chức và học thuật, thông thạo cả về văn chương lẫn âm luật, thông hiểu cả về nội tình Choseon lẫn quang cảnh, chế độ, phong tục tập quán của Trung Quốc. Ông từng bị xử oan, nhưng sự thanh cao trong quan trường đã giải oan cho ông và ông được vinh danh Thanh bạch trong số quan lại thời Choseon. Số tác phẩm do ông sáng tác tuy lưu giữ được không đủ nhưng cũng cho thấy tài năng xuất chúng của ông về mọi vấn đề trong cả thi ca lẫn học thuật và âm nhạc.

 

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại; Hong Sun –sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009
  2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.
  3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.
  4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

 

 

 


Scroll To Top