MƯỜI SỰ KIỆN NỔI BẬT Ở HÀN QUỐC NĂM 2014
Đăng ngày:
1. Thảm họa chìm tàu Sewol, hồi chuông cảnh báo vấn đề an toàn tại Hàn Quốc Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 16/4/2014, tàu khách Sewol, trọng tải 6.825 tấn xuất phát từ cảng Incheon đang trên đường đến đảo Jeju đã bị lệch trọng tâm gây mất cân bằng và chìm dần tại vùng biển gần đảo Byeongpung, huyện Jindo, tỉnh Nam Jeolla. Trên tàu có tất cả 476 người, gồm 325 học sinh Trường Phổ thông Trung học Danwon ở thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi) đang trong chuyến du lịch thực tế, các hành khách khác và thủy thủ đoàn. Ngay khi tai nạn xảy ra đã có 172 người được cứu sống. Sau hơn 7 tháng, ngày 11/11/2014, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố kết thúc công tác tìm kiếm nạn nhân. Tổng cộng 295 nạn nhân thiệt mạng đã tìm được xác, còn 9 người vẫn chưa được tìm thấy. Nguyên nhân tai nạn là do tàu bị cơi nới quá mức, chở quá tải, hàng hóa và xe cộ trong các khoang hàng không được giữ cố định chắc chắn, lượng nước dằn tàu bị thiếu. Ngoài ra là do người điều khiển bánh lái tàu khi đó thiếu kinh nghiệm, đã có hành động bẻ lái đột ngột. Bên cạnh đó, thuyền trưởng đã không ra hiệu lệnh rời tàu đúng lúc khiến hầu hết hành khách ngồi chờ trong khoang đã không kịp thoát ra ngoài. Cuối cùng, công tác cứu hộ của các lực lượng chức năng đã không nhanh chóng, khẩn trương và hậu quả khiến thiệt hại về người của tai nạn này lại càng trầm trọng. Tai nạn đường thủy trên đã tác động tiêu cực tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội … ở Hàn Quốc. Quốc hội nước này có 150 ngày với mọi hoạt động bị tê liệt do các nghị sĩ hai phe cầm quyền và đối lập đối đầu căng thẳng. Bầu không khí tang thương ngay sau thảm họa khiến tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đóng băng và tiến trình hồi phục kinh tế chững lại. Nhiều biện pháp quyết liệt nhằm xây dựng một đất nước an toàn đã được thực hiện: giải thể lực lượng cảnh sát biển, thông qua Luật sửa đổi bộ máy chính phủ… Theo đó, thành lập Cơ quan an toàn quốc dân với người đứng đầu là cấp Bộ trưởng,trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, đảm trách bao quát các chức năng của lực lượng cảnh sát biển và Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia (NEMA) trước đó. Bên cạnh đó, Luật xử lý hành vi che giấu tài sản phi pháp cũng đã được Quốc hội thông qua và được chính thức ban hành. 2. Đảng Tiến bộ hợp nhất (Tonghap Jinbo-dang) bị giải thể Năm 2011, Đảng Tiến bộ hợp nhất, là sự tập hợp của 3 đảng gồm đảng Lao động dân chủ, đảng Nhân dân tham gia và đảng Tiến bộ mới, chính thức ra mắt. Tháng 4/2012, trong cuộc tổng tuyển cử khóa 19, đảng này đã hợp nhất ứng cử viên với đảng Dân chủ thống nhất (nay là đảng Liên minh dân chủ chính trị mới) trong phe đối lập và giành được 6 vị trí nghị sĩ theo tỷ lệ ủng hộ đảng, 7 nghị sĩ đại biểu khu vực. Tuy nhiên, Đảng Tiến bộ hợp nhất đã lâm vào tình trạng bị chia rẽ do những vấn đề như: gian lận trong việc rà soát danh sách ứng cử viên nghị sĩ theo tỷ lệ ủng hộ, sự khác biệt về quan điểm giữa những người mới và cũ trong ban lãnh đạo. Nghị sĩ Lee Seok-gi của đảng này đã bị cáo buộc kích động nổi loạn và có âm mưu gây rối ren tình hình trong nước, vi phạm Luật an ninh quốc gia. Tháng 11/2013, Chính phủ Hàn Quốc đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu giải thể đảng Tiến bộ hợp nhất. Sau hơn một năm, ngày 19/12/2014, tòa đã ra phán quyết giải thể đảng này với 8 trong 9 thẩm phán tán thành. Theo đó, 5 nghị sĩ thuộc Đảng Tiến bộ hợp nhất cũng bị mất tư cách. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tại Hàn Quốc có một chính đảng bị giải thể theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp. 3. Phe đối lập thất bại hoàn toàn trong bầu cử năm 2014 Cuộc bầu cử địa phương Hàn Quốc lần thứ 6 diễn ra hôm 4/6/2014 kết thúc với kết quả khá cân bằng giữa đảng cầm quyền Thế giới mới (Saenuri-dang) và đảng đối lập. Trong cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương bổ sung 30/7 sau đó, đảng cầm quyền Thế giới mới đã giành chiến thắng áp đảo, qua đó củng cố được lực lượng điều hành đất nước. Mặc dù người dân Hàn Quốc bất bình về chính sách đối phó không kịp thời và nhiều thiếu sót của Chính phủ trong thảm họa chìm tàu Sewol, nhưng đảng đối lập Liên minh dân chủ chính trị mới đã không thể tận dụng hết được sự ủng hộ của cử tri và đành chấp nhận thất bại. Do vậy, nhìn chung, phe đối lập thất bại hoàn toàn trong bầu cử ở Hàn Quốc năm 2014. Trong 6 khu vực quanh thủ đô Seoul đảng cầm quyền Thế giới mới chỉ để mất một nơi, dù để mất hết các tỉnh Nam và Bắc Chungcheong. Đặc biệt, sau 18 năm, đảng này đã giành chiến thắng tại khu vực Suncheon-Gokseong (tỉnh Nam Jeolla), một trong những "thành trì" của đảng Liên minh dân chủ chính trị mới. 4. Nhiều điểm sáng trong hoạt động ngoại giao thời Tổng thống Park Geun-hye Năm 2014, năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Tổng thống Park đã 6 lần công du nước ngoài, thăm chính thức 14 nước, thực hiện 70 cuộc gặp với nguyên thủ các nước. Tháng 1, bà thăm các nước Ấn Độ và Thụy Sĩ, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos (Thụy Sĩ). Trong tháng 3, Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Hà Lan và Đức, tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hague (Hà Lan) và nhóm họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề sự kiện này. Các hoạt độngcủa bà Park đều tập trung xoay quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thống nhất bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, trong chuyến thăm thành phố Dresden ở Đức, Tổng thống Park Geun-hye đã đưa ra Sáng kiến Dresden, chính là Sáng kiến thống nhất hòa bình đán đảo Hàn Quốc, với ba nội dung là giải quyết vấn đề nhân đạo, thịnh vượng chung và khôi phục lại tính đồng nhất của hai miền Nam-Bắc để cùng xây dựng nền tảng thống nhất một cách hòa bình. Trong tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc đã tới Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, dự lễ lắp đặt lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân số 1 theo mô hình Hàn Quốc do tổ hợp các công ty Hàn Quốc mà Tổng công ty điện lực (KEPCO) đứng đầu thực hiện. Bà đã hội đàm thượng với Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, quốc phòng, an ninh, y tế phúc lợi và giáo dục. Đến tháng 6, bà Park đã thăm ba quốc gia Trung Á là Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan. Chuyến đi này đã mở ra con đường để các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập thị trường Trung Á, không chỉ về tài nguyên mà còn sang cả các lĩnh vực đường sắt, nhà ở, môi trường, công nghệ thông tin … Bên cạnh đó, Tổng thống Park Geun-hye còn thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao đa phương như: tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Milan (Ý) vào tháng 10; công du Trung Quốc, Myanmar, Úc và tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, tức các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản; tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và G20. Cuối cùng là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN nhân kỷ niệm 25 năm hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối thoại tại Busan hôm 11/12. Đường lối ngoại giao của Tổng thống Park Geun-hye tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhờ vậy, Hàn Quốc đã củng cố vững chắc hơn sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với các chính sách về an ninh cũng như thống nhất bán đảo. Về kinh tế, chỉ riêng năm 2014, Hàn Quốc đã hoàn thành đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam. Qua đó, Hàn Quốc đã mở rộng thêm “lãnh thổ kinh tế FTA”, tức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cộng với GDP của các nước đối tác FTA. 5. Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mới cứng rắn hơn về nhân quyền tại Triều Tiên Ngày 18/12/2014, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết mới về nhân quyền tại Triều Tiên với 116 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Nội dung của nghị quyết lần này được đánh giá là có nhiều khác biệt và rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong đó có nội dung tố cáo tội ác vi phạm nhân quyền tại miền Bắc lên Tòa án hình sự quốc tế và xử phạt đích danh cá nhân vi phạm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết có nội dung tố cáo lên Tòa án Hình sự quốc tế. Tiếp đó, ngày 22/12/2014, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu về bản thảo chủ đề nhân quyền ở Triều Tiên. Kết quả, 11 nước đồng thuận về điều này, 2 phiếu chống của Nga và Trung Quốc, 2 phiếu trắng của Cộng hòa Chad và Nigeria. Động thái này dự kiến sẽ là nền tảng để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận việc tố cáo người chịu trách nhiệm về tình hình nhân quyền tại miền Bắc để Tòa án hình sự quốc tế xử phạt, đồng thời gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng phải cải thiện nhân quyền. Trong quá trình Liên Hợp Quốc bàn và ra quyết định về nghị quyết này, Triều Tiên cho rằng, đây là động thái hùa theo những chính sách của Nhà Trắng nhằm phá hoại thể chế tại miền Bắc chứ hoàn toàn không có lợi ích gì trong cải thiện tình trạng nhân quyền. 6. Hàn Quốc mở rộng lãnh thổ kinh tế FTA Trong năm 2014, Hàn Quốc đã hoàn thành đàm phán hoặc chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 5 nước: Trung Quốc, Canada, Úc, New Zealand và Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc đã mở rộng “lãnh thổ kinh tế FTA”, tức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cộng với GDP của các nước đối tác FTA và nâng số nước đối tác FTA với Hàn Quốc lên 52. Vì vậy, “lãnh thổ kinh tế FTA” của Hàn Quốc đã vươn lên chiếm đến 73,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới. FTA được quan tâm nhất là hiệp định với Trung Quốc được Tổng thống Hàn Quốc ký kết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 10/11/2014, kết thúc 30 tháng đàm phán kể từ tháng 5 năm 2012. Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành đối tác FTA với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Đối tác cuối cùng hoàn thành đàm phán FTA với Hàn Quốc trong năm 2014 là Việt Nam. Hàn Quốc đã ký FTA với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một nước thành viên. Do vậy, cùng với việc đạt được thỏa thuận về FTA song phương với Việt Nam lần này, mức độ mở cửa thị trường giữa hai nước sẽ tăng lên rõ rệt. 7. Kim ngạch thương mại Hàn Quốc đạt mốc 1.000 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất Ngày 28/11/2014, kim ngạch thương mại Hàn Quốc đã vượt mức 1.000 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu là 520,2 tỷ USD và nhập khẩu là 479,8 tỷ USD. Đây là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2011 và là năm kim ngạch thương mại Hàn Quốc đều vượt mốc 1.000 tỷ USD với thời gian kỷ lục: 11 tháng. Theo Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2014 sẽ đạt 575 tỷ USD và nhập khẩu đạt 530 tỷ USD, tăng lần lượt là 2,8% so với năm 2013. Như vậy, Hàn Quốc sẽ đạt thặng dư thương mại là 45 tỷ USD, vượt thặng dư thương mại 44,1 tỷ USD năm 2013. Với kết quả này, Hàn Quốc sẽ 3 năm liên tiếp lập ba kỷ lục thương mại gồm tổng giá trị giao dịch, kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2014 tăng mạnh nhất sang thị trường Trung Quốc là 8,6%, tiếp đó là Mỹ tăng 6% và sang các nước Đông Nam Á tăng 3,6%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang nước láng giềng Nhật Bản lại giảm 10,6% và sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 1%. 8. Nhiệm vụ cải cách quân ngũ Ngày 18/12/2014, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cải cách quân ngũ dựa trên những khuyến cáo của Ủy ban Cải cách Văn hóa quân ngũ phối hợp giữa người dân, chính quyền và quân đội (thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2014). Kế hoạch bao gồm các nội dung chính: hoàn thiện các quy định luật pháp trong quân đội và cho phép một bên thứ ba kiểm tra những việc làm của cơ quan Nhà nước xâm phạm quyền của một cá nhân nào đó. Kế hoạch trên được đưa ra sau một loạt các vụ việc như: nổ súng bắn đồng đội, bắt nạt tân binh dẫn đến chết người. Tháng 6/2014, binh nhất họ Lim (thuộc Sư đoàn 22) đã nổ súng vào các đồng đội khiến 5 người chết và 7 người khác bị thương. Sau đó, binh nhất Lim đã bỏ trốn mang theo súng, đạn dược và trong quá trình đó đã xảy ra cuộc đọ súng với lực lượng truy đuổi trước khi bị bắt vào ngày 23/6/2014.Vụ việc gây xáo trộn tới đời sống của người dân ở khu vực lân cận vì phải sơ tán để đảm bảo an toàn và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ tiềm ẩn trong tổ chức quân đội Hàn Quốc. Tiếp theo, vụ việc binh nhì Yoon ở Sư đoàn 28 đã bị các đồng đội đánh đập đến chết vào tháng 4, nhưng phải đến tháng 7 vụ việc mới được đưa ra ánh sáng đã gây phẫn nộ trong dư luận. Bên cạnh đó, nhiều bê bối trong quân đội Hàn Quốc bị phát hiện: quấy rối tình dục trong quân ngũ hay tham nhũng trong các hợp đồng mua bán quân nhu và vũ khí. Bởi vậy, cải cách quân ngũ là một nhiệm vụ cấp thiết mà Hàn Quốc cần đẩy nhanh nhằm giải quyết các vấn đề của quân đội. 9. Đức Giáo hoàng Francis thăm Hàn Quốc Tháng 8/2014, Đức giáo hoàng Francis đã đến thăm Hàn Quốc. Lần gần nhất Hàn Quốc có vinh dự đón người đứng đầu Tòa thánh Vatican là vào năm 1989 khi Đức giáo hoàng John Paul II trị vì. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 3 của Đức Giáo hoàng Francis từ sau khi tựu nhiệm vào tháng 3 năm 2013 và là chuyến thăm đầu tiên của ngài đến một nước châu Á. Mục đích chính thức của chuyến thăm này là cử hành lễ phong thánh cho Paolo Yoon Ji-chung và 123 người tử vì đạo khác vào thế kỷ XVIII và IX tại Hàn Quốc, tham gia lễ cầu nguyện tại Đại hội Thanh niên châu Á lần thứ 6 tổ chức tại thành phố Daejeon. Ngày đầu tiên, Đức cha đã gặp gỡ gia quyến những nạn nhân vụ chìm tàu Sewol, những người thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, dân thường, người lao động nước ngoài. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Đức Giáo hoàng nói hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh hòa bình của khu vực cũng như toàn thế giới và là điều mà mọi người đều mong muốn. Trong suốt thời gian tại Hàn Quốc, Đức cha đã mang đến thông điệp hòa bình trên bán đảo Hàn, luôn thể hiện một hình ảnh gần gũi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Hàn Quốc. 10. Thành tích thể thao của Hàn Quốc trên đấu trường quốc tế Năm 2014, Hàn Quốc tham gia Olympic mùa đông tại thành phố Sochi của Nga và Đại hội thể thao châu Á 2014 tại thành phố Incheon của Hàn Quốc. Đây là một năm đáng nhớ của thể thao Hàn Quốc với các thành tích chói lọi cũng như nhiều tiếc nuối qua các trận tranh tài quốc tế. Mặc dù Hàn Quốc có đội hình Olympic hùng hậu nhất từ trước đến nay nhưng đoàn thể thao Hàn Quốc chỉ đạt vị trí 13 toàn đoàn với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Như vậy, Hàn Quốc đã không đạt được thành tích như mục tiêu đặt ra ban đầu là 4 huy chương vàng và lọt vào Top 10 chung cuộc. Tuy nhiên, thể thao Hàn Quốc đã có được những kinh nghiệm quý giá tại các bộ môn không phải thế mạnh như trượt ván úp sấp mặt trên băng (Skeleton) hay bi đá trên băng (Curling). Đối với Hàn Quốc, những kinh nghiệm này rất quan trọng để nâng cao khả năng thi đấu nhiều môn thể thao khác nhau khi mà huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon là nơi đăng cai tổ chức Olympic mùa đông 2018. Ngược lại, tại Đại hội thể thao châu Á Incheon, Hàn Quốc đã đạt mục tiêu đề ra là xếp thứ 2 toàn đoàn với 79 huy chương vàng. Đặc biệt, tại môn bóng đá nam, các cầu thủ Hàn Quốc đã giành chiến thắng sau 28 năm chờ đợi trước các cầu thủ Triều Tiên. Đây cũng là lần thứ 4 Hàn Quốc đăng quang tại Á vận hội ở môn bóng đá nam. Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Lược thuật từ KBS World Radio tại nguồn: http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=561 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=562 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=563 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=564 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=565 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=566 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=567 http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/top10/index.htm?year=2014
Về mặt hàng xuất khẩu, thiết bị thông tin không dây tăng 21,2%, sản phẩm điện gia dụng tăng 16,8%, chíp bán dẫn tăng 13,3%. Còn các sản phẩm vốn vẫn thuộc danh sách xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như sản phẩm hóa dầu và xe ô tô tăng lần lượt 5,55% và 3,1%. Ngược lại, xuất khẩu gang thép giảm 11,9%, máy vi tính giảm 7,9%.