ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA GIA ĐÌNH HÀN QUỐC HIỆN ĐẠI (Phần 3)
Đăng ngày:
1.2. Ảnh hưởng tiêu cực Đối với văn hóa gia đình, ảnh hưởng tiêu cực dễ nhận biết nhất và từng bị phê phán rất nhiều, đó là tính gia trưởng. Gia đình Hàn Quốc đã và đang biến đổi mạnh mẽ. Gia đình lớn hay gọi là gia đình truyền thống gồm ba bốn thế hệ chung sống đang yếu đi rõ rệt và gia đình nhỏ, trong đó, vợ chồng là trung tâm đang mạnh lên theo sự phát triển nhanh của xã hội Hàn Quốc. Sự tách chia nhỏ ra như vậy đã hạn chế rất nhiều “quyền uy gia trưởng” của các bậc bề trên như cha ông, huynh trưởng. Nếu như trước đây, họ cùng chung sống trong một ngôi nhà thì con, em phải luôn luôn tuân theo cha, anh, bất kể là qui phạm đạo đức lớn hay qui định nhỏ trong nhà. Nhưng ngày nay, cuộc sống riêng rẽ, độc lập đã vô hình trung tạo cho họ một sự tự do thoải mái nhất định. Hơn nữa, văn hóa gia đình hiện đại nêu cao tự do, bình đẳng phát triển mở rộng càng tạo thêm sự tự do cho con người. Có điều, tính gia trưởng trong văn hóa Hàn Quốc có cội rễ sâu xa trải hàng nghìn năm không thể biến mất nhanh chóng chỉ sau vài chục năm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngay như thời Tổng thống Parkjung – hee nắm quyền, dẫu ông có ra lệnh phá bỏ những thứ bị cho là hủ lậu, hết thời nhưng tính gia trưởng không nằm trong số đó và chính bản thân ông cũng là một nhân vật mang đậm tính gia trưởng, thậm chí còn được gọi là độc tài, quân phiệt. Gia đình Hàn Quốc không chỉ biến đổi về hình thái mà cự ly khoảng cách về mặt địa lý cũng xa ra. Thông thường, ông bà già cả vẫn sống ở quê hương, các con cháu lên thành phố làm ăn, an cư lạc nghiệp. Anh chị em tuy cùng ra thành phố sinh sống nhưng mỗi người mỗi nơi. Dẫu họ không còn phải ra thưa vào chào các bậc bề trên như chung sống trong gia đình lớn nhưng tính gia trưởng của người đàn ông trong nhà (tức người chồng) đối với vợ và con cái vẫn hiện hữu. Sự ngược đãi, bạo hành gia đình do tính gia trưởng tạo nên không thể nói là đã hết. Điều này càng trầm trọng hơn đối với những người đàn ông có trình độ học vấn thấp, sống ở nông thôn, ít giao tiếp và bảo thủ. Điều đó càng thể hiện rõ rệt trong các gia đình đa văn hóa hiện nay ở Hàn Quốc.[1] Ngoài tính gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong văn hóa gia đình cũng như xã hội Hàn Quốc ngày nay. Dưới chế độ phong kiến Chosun, tư tưởng trọng nam khinh nữ thể hiện rõ trong đạo Tam tòng, tứ đức. Phụ nữ Chosun nhất nhất phải tuân theo đạo Tam tòng: Ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và Tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh. Đây là nguyên tắc rất cứng nhắc của nhà nước Chosun. Nếu người phụ nữ nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt, bị dư luận làng xã lên án; thậm chí, trong cách ăn nói thưa gửi, người phụ nữ phải sử dụng kính ngữ một cách mềm mại, dễ nghe, nếu không sẽ bị coi là thiếu giáo dục, không hiểu tứ đức là gì. Về phía nhà nước, nhằm “tuyên dương” những người phụ nữ thực hiện “xuất sắc” những điều trên, họ được phong danh hiệu là Liệt nữ.[2] Điều đó có nghĩa là, ngoài việc pháp luật bắt buộc phụ nữ Chosun phải tuân theo các đạo luật trên, làng xã, nhà nước Chosun còn có những biện pháp “mềm dẻo” để khuyến khích họ, coi điều đó là vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả dòng họ, làng xã. Còn đối với nam giới, người con trai dù có hèn kém thì cũng được coi trọng hơn con gái, dù có nhỏ tuổi cũng được tôn trọng hơn, được hưởng nhiều quyền lợi hơn người con gái lớn tuổi; người vợ dù có đảm đang nuôi nấng chăm lo gia đình thì cũng phải phụ thuộc vào người chồng dù lười biếng, bất tài, người đàn ông có thể lấy nhiều vợ cũng là chuyện thường tình, còn người phụ nữ “chỉ thờ một chồng”, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được tái giá. (Tài trai năm thê bảy thiếp/ Gái ngoan gái thờ một chồng.) Một quan điểm nổi bật nữa cũng phản ánh rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ, đó là coi trọng việc sinh con trai nối dõi tông đường. Tư tưởng nho giáo cho rằng: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh được một con trai thì coi là có con, sinh được mười con gái thì cũng coi là không), hoặc: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Tội bất hiếu thì có ba,[3] song không có con trai nối dõi là lớn nhất.) Ngày nay, trong xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, quá trình dân chủ hóa đã làm biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Quan hệ vợ chồng trong gia đình đã bình đẳng hơn trong sinh hoạt gia đình và nuôi dạy con cái. Tuổi kết hôn của phụ nữ đã cao lên, xấp xỉ 30 tuổi đã tạo ra một khoảng thời gian nhất định từ khi trưởng thành, đi làm và có thu nhập của người phụ nữ, bởi vậy, sau khi thành hôn, phụ nữ cũng có một số tiền trong tài khoản, tức không bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự bình đẳng hơn trong gia đình. Về mặt nhà nước và pháp luật, bộ luật về gia đình ban hành năm 1991 đã có nhiều điều mục liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ; Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã được thành lập ngày 23 tháng 6 năm 2005, chuyên giải quyết chính sách về phụ nữ, gia đình. Các đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ không chỉ lên tiếng bênh vực quyền bình đẳng, quyền lợi cá nhân của phụ nữ mà còn có những biện pháp, việc làm thiết thực bảo vệ phụ nữ. Các Bộ có liên quan như Bộ Y tế và Phúc lợi; Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và Việc làm đều có những giải pháp thiết thực giúp người phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng. Tuy nhiên, tất cả những điều nêu trên cũng chỉ đang trong quá trình hướng tới sự bình đẳng nam nữ thực sự mà thôi. Ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo chỉ có thể nói rằng đang dần thu hẹp lại chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Hơn nữa, trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, người phụ nữ dẫu có tinh thần tham gia tích cực vào công việc xã hội, dẫu chỉ sinh ít con nhưng do phải đảm bảo thiên chức làm vợ, làm mẹ nên gánh nặng công việc nội trợ, chửa đẻ, nuôi con vẫn đè lên vai người phụ nữ. Công việc vì thế bị gián đoạn, các công ty ở Hàn Quốc không chấp nhận giữ chỗ chờ đợi họ cho tới lúc có thể đi làm. Thực tế xảy ra trong các gia đình Hàn Quốc hiện nay khi có con nhỏ thì chi phí thuê người giúp việc, chăm sóc con nhỏ còn cao hơn cả tiền lương của người phụ nữ đi làm. Thế là mô hình gia đình xưa kia ở Hàn Quốc là người chồng ra ngoài kiếm tiền nuôi đủ cả gia đình, người vợ ở nhà chăm lo công việc nội trợ, dạy dỗ con cái lại lặp lại, hoặc nói cách khác, vẫn là một mô hình tốt. Và lẽ tất nhiên, người vợ trong gia đình Hàn Quốc hiện đại nhiều lúc, nhiều nơi vẫn không thể bình đẳng với chồng. Hơn thế nữa, xin nói thêm rằng, xã hội Hàn Quốc hiện đại vẫn cho rằng, công việc nội trợ là của phụ nữ, là bổn phận, trách nhiệm của người mẹ, người vợ và chăm sóc dạy dỗ con cái học hành thành đạt là trách nhiệm lớn lao và họ coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người phụ nữ. Kết luận (1) Dẫu gia đình Hàn Quốc lấy gia đình nhỏ làm trung tâm nhưng lễ nghi lễ giáo vẫn được duy trì, sự thể hiện đạo Hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ vẫn rất đậm nét, có điều, nó chỉ diễn ra theo những thời điểm cụ thể chứ không mang tính thường trực như xưa. (2) Văn hóa tôn ti, văn hóa trọng tình trong gia đình vẫn được giữ gìn trong xã hội Hàn Quốc hiện nay tuy có phải xa cách về địa lý. (3) Những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo như tính gia trưởng, nam tôn nữ ti, bạo hành gia đình đang dần bị thu hẹp lại chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn. (4) Gia đình Hàn Quốc hướng tới văn minh cả về vật chất và tinh thần kết hợp với những giá trị truyền thống đã tạo nên một sự hài hòa mang bản sắc riêng của gia đình Hàn Quốc. TS. Lý Xuân Chung, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc. Tài liệu tham khảo 1. Ngô Xuân Bình – Phạm Quý Long (đồng chủ biên): Hàn Quốc trên đường phát triển; Bài: Tìm hiểu một vài khía cạnh về văn hóa truyền thống Hàn Quốc (Lý Xuân Chung viết); Nxb. Thống kê – Hà nội năm 2000. 2. Trần Thị Thu Lương; Đặc trưng văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại; Nxb Tổng hợp Tp HCM 2011. 3. Ngô Xuân Bình (Chủ biên): Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc; Nxb.LĐXH 2007. 4. Đại học Quốc gia Seoul: Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Nxb. ĐHQG Hà nội 2008. 5. Chu Hy: Tứ thủ tập chú; Nxb Văn hóa thông tin 1999. 6. Phan Ngọc; Bản sắc văn hoá Việt Nam; Nxb Văn học, 2006. 7. Trần Ngọc Thêm; Cơ sở văn hoá Việt Nam; Nxb Giáo dục, 2000. 8. Lý Xuân Chung; Tìm hiểu vấn đề Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc, T/c Nghiên cứu ĐBÁ, số 3 (33) tháng 6 – 2001. 9. Lê Thị Thu Giang; Ý thức gia đình Nho giáo trong cách suy nghĩ của người Hàn Quốc; T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 6 (48), tháng 12 – 2003. 10. Nguyễn Văn Hồng; Nhận thức về giá trị văn hóa Nho giáo truyền thống Hàn Quốc với xã hội hiện đại; T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 3 (45), tháng 6 – 2003. 11. Nguyễn Bá Thành (chủ biên); Tương đồng văn hoá Hàn Quốc-Việt Nam, Nxb Văn hoá, 2002. 12. Choe Je-mok: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. Hakjin, Hàn Quốc, 2004. 13. Hwang Ui-dong: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. YeMun, Hàn Quốc, 2002. 14. Keum Jang-tae; Tìm hiểu Nho giáo Hàn Quốc, Nxb Văn hoá dân tộc; Seoul; 1989. [1] Xem thêm Gia đình đa văn hóa Hàn Quốc; Trần Thị Nhung (chủ biên), Nxb ĐHQG Hà Nội, 2014, tr.86 – 87. [2] Ở Việt Nam thời phong kiến cũng có trường hợp tương tự, nhưng danh hiệu được phong gồm 4 chữ Tiết hạnh khả phong. [3] Ba tội bất hiếu là: A dua làm việc xấu đến nỗi hại đến cha mẹ; bố mẹ già rồi mà chưa có bổng lộc, chưa làm quan; không có con trai để nối dõi.