Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Ý NGHĨA CỦA HÀN LƯU ĐỐI VỚI XÃ HỘI VIỆT NAM (Phần 1)

Đăng ngày:

Ý NGHĨA CỦA HÀN LƯU ĐỐI VỚI XÃ HỘI VIỆT NAM

Trước năm 2000, người Việt Nam, trong đó có giới trẻ chỉ biết đến một đất nước có tên gọi là Nam Triều Tiên, miền nam thù địch của ngưởi bạn anh em Bắc Triều Tiên. Xa xưa hơn, trước 1945, người ta biết đến Triều Tiên với tên gọi là xứ Cao Ly, một xứ sở xa xôi, nơi trồng các loại nhân sâm nổi tiếng. Người Việt Nam chỉ biết rằng, đất nước ấy bị chia cắt làm hai. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa do Kim Nhật Thành lãnh đạo, miền Nam theo tư bản chủ nghĩa do Park Chung-hee lãnh đạo. Và ký ức gần nhất về đất nước Hàn Quốc của người Việt Nam là những người lính đánh thuê do Mỹ chiêu mộ và đưa sang Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Không một ai biết đầy đủ về một đất nước Nam Triều Tiên hay Hàn Quốc như thế nào? Nền văn hóa ấy ra sao? Thế mà chỉ sau năm 1998, người Việt đã biết đến đất nước ấy thực sự rõ ràng, biết rõ nền văn hóa ấy như thế nào và người Việt yêu thích những gì đến từ nền văn hóa ấy?

Hàn lưu du nhập vào Việt Nam những giá trị của một xã hội hiện đại, những giá trị ấy cũng mang các đặc điểm văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Việt Nam cùng nằm ở ngoại vi ngoài cùng của vòng văn hóa Hoa Hạ, Trung Hoa. Do đó, hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng và lịch sử cũng có những điểm tương đồng. Về mặt tư tưởng, văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Việt Nam đều mang nặng tính nhân nghĩa. Tuy nhiên, tính nhân nghĩa trong văn hóa Hàn Quốc hướng đến sự hài hòa, còn tính nhân nghĩa trong văn hóa Việt Nam mang nặng tình yêu thương đồng loại, dân tộc và cố kết cộng đồng, song hai tư tưởng này không đối lập nhau mà ngược lại chúng lại gần nhau. Những bộ phim của nền điện ảnh Hàn Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường thương mại hoặc theo con đường giao lưu kinh tế đều thể hiện giá trị nhân văn về tình yêu nam nữ, về đạo lý ở hiền gặp lành, về tương lai sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai... Những điều ấy phù hợp với lối suy nghĩ của người Việt Nam nên chúng dễ dàng được đón nhận, trong đó, có các bạn trẻ, những khán thính giả trung thành của truyền hình.

Từ sau năm 1998, những bộ phim được trình chiếu trên kênh của Đài truyền hình Việt Nam đã đem đến cho khán giả Việt sự thích thú và yêu mến đặc biệt. Câu chuyện tình yêu của Yumi trong phim Yumi tình yêu của tôi, chuyện tình yêu tay ba trong Anh em nhà bác sĩ hay câu chuyện tình buồn của hai người bạn với một cô gái trong Trái tim mùa thu đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả Việt. Người già chăm chú theo dõi, thanh niên khóc thương cảm thông cho số phận cô gái mồ côi trong phim. Những cảnh quay lãng mạn, những lời thoại nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người đã lấy được cảm xúc của người xem. Khán giả Việt yêu mến điện ảnh Hàn Quốc từ ấy. Thanh niên Việt đã thích thú văn hóa Hàn Quốc từ ấy. Văn hóa Hàn Quốc đã chọn cách thâm nhập vào Việt Nam rất nhẹ nhàng và “từ tốn”. Bắt đầu từ thể loại phim truyền hình, một thể loại giải trí nghe nhìn tác động lâu dài tới người xem và có thể được trình chiếu theo khung thời gian mềm dẻo. Có thể nói, cũng bắt đầu từ phim truyền hình, các clip quảng cáo ngắn xen giữa những đoạn phim truyền hình đã quảng bá hàng hóa Hàn Quốc có hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhờ có điện ảnh, nhiều thanh niên Việt đã hiểu hơn về những vấn đề tình yêu của lứa tuổi mình, một chủ đề mà điện ảnh Việt Nam đã không khai thác tới. Các bậc cha mẹ đã cảm thấy nên quan tâm hơn nữa đến đời sống riêng tư của mình và cũng có dịp so sánh vai trò làm cha làm mẹ của mình với những nhân vật cha mẹ trong phim theo văn hóa Hàn Quốc. Đó là sự tương đồng về bổn phận làm cha mẹ, nhưng khác biệt trong cách suy nghĩ và thể hiện tình cảm với con cái. Sự thể hiện tình yêu trong các bộ phim Hàn trái ngược với các thể hiện tình yêu ấy trong phim của Hollywood, của Việt Nam mà khán giả Việt vẫn xem. Tình yêu trong các bộ phim Hàn là tình yêu nam nữ thuần túy, bị chi phối bởi những vấn đề của tâm lý lứa tuổi và đan xen không nhiều là sự xung đột giữa các tầng lớp xã hội. Sự nhẹ nhàng, trầm lắng, lãng mạn và trong sáng là cách thể hiện tình yêu trong các bộ phim Hàn Quốc. Điều này trái ngược với cách thể hiện tình cảm trong các bộ phim của Việt Nam, của Hollywood cũng như các phim của các nước xã hội chủ nghĩa trước đó mà người Việt Nam vẫn xem. Trong những phim của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa được trình chiếu trên truyền hình, tình yêu lứa đôi gắn với các hành động yêu nước cụ thể, chiến đấu và hi sinh vì tổ quốc, tình yêu bị đặt sau tình yêu đất nước và cách thể hiện có phần khô cứng. Điều ấy giống như một khẩu hiệu. Tình yêu trong một vài bộ phim Hollywood mà khán giả Việt Nam được xem gắn liền với tình dục, bạo lực, với chủ nghĩa cá nhân thực dụng đầy toan tính. Cả hai thứ tình yêu ấy không còn hợp với người Việt Nam, những con người đã chán ghét chiến tranh và ưa thích cuộc sống hòa bình. Rõ ràng cách thể hiện tình yêu trong phim Hàn đã khiến nhiều bạn trẻ thích thú và phù hợp với họ trong cuộc sống hòa bình, đầy đủ vật chất. Sự tiếp nhận ấy đã được thể hiện trong một số màn tỏ tình ấn tượng của các bạn sinh viên được báo chí và trên internet đăng tải gần đây. Để có thể có được những màn tỏ tình ấy, các bạn trẻ chấp nhận tốn kém chút ít.

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Lê Như Hoa (2003), Bản sắc dân tộc trong lối sống hiện đại, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

2. Lê Như Hoa (Chủ biên) (1998), Văn hóa tiêu dùng, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

3. Mai Quỳnh Nam (2000), Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình, Xã hội học (72), tr.31-35.

4. Nguyễn Bá Thành (1996), Tương đồng văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Ngọc Thơ, Giá trị Hàn lưu trong nền văn hóa đương đại Việt Nam, http://qlkh.hcmussh.edu.vn/3cms/?cmd=130&art=1368437843925&cat=1359336673857, 14/5/2013.

6. Nguyễn Chí Tình (2012), Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

7. Thomas L.Friedman (2005), Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

8. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

9. Trần Ngọc Thêm (2004), Vai trò của tính cách dân tộc trong tiến trình phát triển ở Hàn Quốc (có so sánh với Việt Nam), T/c Nghiên cứu con người, số 6 (15), tr. 53-60.

10. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội.

11. 서동훈, 박영균 (2007), 한류가 베트남 청소년의 문화의식에 미치는 영향, 한국청소년정책연구원.

12. 이한우, Lê Thị Hoài Phương(2013), 베트남 한류 를 보는 한국 과 베트남 의 시각, 이매진 출판사.

 


Scroll To Top