Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC HÀN QUỐC

Đăng ngày:

1. Chính sách và tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của giáo dục, nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng đã nảy sinh. Để giải quyết các vấn đề đó, hoạt động nghiên cứu đã được thúc đẩy một cách toàn diện trên các mặt như: tiêu chuẩn, mục tiêu giáo dục, chương trình, phương pháp giảng dạy, hệ thống quản trị vv…

Các Viện Nghiên cứu thuộc trường đại học và các Trung tâm Nghiên cứu giáo dục của tỉnh và thành phố là những cơ sở chủ yếu nghiên cứu hỗ trợ cho cải cách giáo dục. Chính phủ cấp kinh phí cho các Viện Nghiên cứu thuộc các trường đại học để thực hiện các nghiên cứu này, trong khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cấp kinh phí nghiên cứu cho các Trung tâm Nghiên cứu giáo dục của tỉnh và thành phố. Mặt khác, các hoạt động nghiên cứu của các viện nghiên cứu tư nhân thì nhận được kinh phí từ các nhà tài trợ. Các trường thực nghiệm được Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực lựa chọn trong số các trường tiểu học và trung học phải cam kết cải cách giáo dục và trang thiết bị thì mới được cấp kinh phí thử nghiệm trong vòng 2 năm.

2. Các Viện Nghiên cứu giáo dục và nghiên cứu trường học

2.1. Các Viện Nghiên cứu giáo dục

  1. Viện Nghiên cứu chương trình và đánh giá giáo dục (KICE) http://www.kice.re.kr

Viện được thành lập 1/1/1998 với mục đích cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục trường học bằng cách nghiên cứu, triển khai chương trình và sách giáo khoa cho mỗi cấp học và thực hiện các phương pháp đánh giá giáo dục tổng hợp.

  1. Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI) http://eng.kedi.re.kr

Viện được thành lập năm 1972 dưới sự tài trợ của chính phủ nhưng hoạt động nghiên cứu và triển khai một cách độc lập, tập trung chủ yếu vào giáo dục Hàn Quốc. Nhiệm vụ chủ yếu của KEDI là điều hành các dự án nghiên cứu và thực hiện các dự án được giao. Ví dụ như: phân tích hệ thống giáo dục trường học; đánh giá giáo dục trường học, giáo dục quốc tế và nghiên cứu so sánh; đề xuất ý tưởng về chính sách giáo dục và chuẩn mực giáo dục; các vấn đề giáo dục hiện tại vv...

  1. Hệ thống phổ biến giáo dục Hàn Quốc (EBS)

EBS được thành lập vào 12/1990, phối hợp với Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI) nhằm hỗ trợ cho giáo dục trường học, mở rộng cơ hội giáo dục thường xuyên, góp phần vào sự phát triển giáo dục quốc gia. EBS có một kênh TV riêng, một kênh đài FM và 2 kênh vệ tinh, 30% kinh phí hoạt động của EBS là do chính phủ tài trợ, còn lại là do kinh phí tự thu từ các dự án và tài trợ.

  1. Viện Nghiên cứu khoa học ứng xử (KIRBS)

KIRBS được chính phủ cấp phép thành lập vào 14/9/1967 với tư cách là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề thuộc về hành vi ứng xử của con người nhằm đáp ứng những quan tâm chung về xã hội cũng như sự phát triển của quốc gia.

  1. Các viện nghiên cứu giáo dục của tỉnh và thành phố.

Đây là các tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập theo các qui định của sở giáo dục tỉnh và thành phố với mục đích chỉ đạo các nghiên cứu quan trọng về hỗ trợ giáo dục, khám phá phát triển lý thuyết và triển khai các phương pháp hỗ trợ thực hành.

2.2. Các viện nghiên cứu giáo dục và khoa học hàn lâm

Có rất nhiều tổ chức liên quan đến các hoạt động khoa học hàn lâm, điển hình nhất là Viện Hàn lâm khoa học quốc gia (NAS), được thành lập năm 1954, nhằm mục đích khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động khoa học cho các nhà khoa học; NAS có tổng cộng 150 nhà khoa học, tất cả họ đều là các nhà khoa học xuất sắc, ưu tú của Hàn Quốc; Thứ hai là, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS) là cơ quan đầu não về nghiên cứu Hàn Quốc. Đây cũng là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu về Hàn Quốc học của Hàn Quốc. AKS được thành lập 30/6/1978 do chính phủ tài trợ, với mục đích phát triển tinh thần và văn hoá quốc gia. http://www.aks.ac.kr

2.3. Viện lịch sử quốc gia Hàn Quốc (NIKH)

Viện Lịch sử quốc gia Hàn Quốc là một viện nghiên cứu toàn diện và biên soạn lịch sử Hàn Quốc; thực hiện công việc khám phá, sưu tập, tổ chức và bảo vệ các tư liệu lịch sử để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc một cách có hệ thống, đồng thời thực hiện các nghiên cứu về lịch sử Hàn Quốc và biện soạn sách giáo khoa. http://www.history.go.kr

2.4. Viện nghiên cứu gắn kết với các trường đại học

Dưới sự tài trợ của Bộ Giáo dục và Phát triển Nguồn nhân lực, Bộ khoa học và công nghệ, Quỹ Sanhak Hàn Quốc, Quỹ Nghiên cứu Hàn Quốc, các viện này đã đóng góp vào việc phát triển nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học, …

3. Các tổ chức liên quan khác

a. Quỹ tài trợ nghiên cứu Hàn Quốc (KRF)

KRF là một tổ chức hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hoạt động theo Luật thúc đẩy nghiên cứu khoa học năm 1981. Quỹ có nhiệm vụ tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, các hoạt động phối hợp, trao đổi nghiên cứu khoa học với nước ngoài, theo dõi các thông tin nghiên cứu khoa học, đào tạo và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế trong việc thực hiện các nghiên cứu khoa học. Các dự án chủ yếu bao gồm Tài trợ cho các Nghiên cứu khoa học cơ bản (xây dựng nền tảng cho khoa học cơ bản và hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ kế cận), Hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu hàng đầu và hỗ trợ cho các nghiên cứu phối hợp (đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu xuất sắc), Hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu của các giáo sư mới, Hỗ trợ cho các nghiên cứu về Hàn Quốc ở nước ngoài, Hỗ trợ dịch thuật, xuất bản sách, tạp chí về Hàn Quốc …

b. Hội đồng giáo dục đại học Hàn Quốc (KCUE)

KCUE là một tổ chức tư vấn của các trường đại học Hàn Quốc nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hợp tác giữa các đơn vị thành viên. KCUE là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ và là trung gian giữa chính phủ và các trường đại học. Trong những năm gần đây, KCUE đã nỗ lực thúc đẩy phát triển giáo dục sau phổ thông bằng cách mở rộng quyền tự quyết của các trường đại học, đa dạng và linh hoạt trong giáo dục đại học, hợp tác giữa các trường đại học. Hiện tại KCUE có khoảng 200 trường đại học thành viên.

 

TS. Võ Hải Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo

1. Open Learning System in Korea. Korea Observer. Vol 31. No 2. Summer.2000.

2. Education System. A handbook of Korea. Korean Overseas Information Service. 1993.

3. Education in Korea. 1999-2000; 2000-2001. Ministry of Education Republic of Korea. NIED.

4. Study in Korea. Accredited Universities and Colleges. Ministry of Education Republic of Korea. 2000.

5. Education in Korea 1999 - 2000; Ministry of Education, Republic of Korea.

6. Education in Korea 2000 - 2001; Ministry of Education, Republic of Korea.

7. National Profile on Technical and Vocational Education in Korea, Published by: Korea Research Institute for Vocational Education and Training (KRIVET).

8. Reform and Inovation of Techical and Vocational Education in Korea, (KRIVET).

9. Education in Korea 1999 - 2000; Ministry of Education, Republic of Korea.

10. Korea's Contennal History of Vocational Education and training, Research Material 99-6, Published by: KRIVET, 4/1999.

 

 


Scroll To Top