Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC HÀN QUỐC (TÓM TẮT)

Đăng ngày:

I. Lịch sử phát triển

Có thể tóm tắt các dấu mốc chính trong lịch sử phát triển giáo dục Hàn Quốc hiện đại như sau:

  • Hệ thống giáo dục hiện đại được hình thành từ thế kỷ 19 (bao gồm giáo dục tư và công) bởi các nhà truyền giáo đạo cơ đốc, và từ đó đã có rất nhiều trường tư thục được hình thành ở Hàn Quốc bởi các nhà truyền giáo Phương Tây.
  • Năm 1945 (sau 36 năm bị Nhật Bản thống trị), quĩ dành cho giáo dục dân chủ đã được thiết lập.
  • 1945 – 1950, Luật giáo dục đã được ban hành để chuẩn bị cho một sự tự chủ về giáo dục và thực thi giáo dục bắt buộc.
  • 1960 – 1970, Hệ thống giáo dục Hàn Quốc phát triển mạnh về số lượng (học sinh, cơ sở vật chất, giáo viên...)

=> hệ thống giáo dục không đáp ứng kịp sự gia tăng về số lượng này

=> cải cách cơ chế thi cử đầu vào (bãi bỏ kỳ thi vào trung học cơ sở)

  • Những năm 1980 chú trọng tăng trưởng về chất lượng
  • Giáo dục suốt đời
  • Bãi bỏ các kỳ thi tuyển đầu vào; chú trọng hơn đến các kết quả học tập đã đạt được ở trường phổ thông.
  • 1985, một Uỷ ban Cải cách giáo dục đã được thành lập trực thuộc Tổng thống.
  • Những năm 1990 chú trọng giáo dục nhân văn.

1. Cơ cấu tổ chức quản trị giáo dục

Cơ cấu quản trị giáo dục của Hàn Quốc bao gồm Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ ở cấp quốc gia và Sở Giáo dục địa phương ở cấp tỉnh họăc thành phố.

a. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực (MOEHRD) http://moe.go.kr

Bộ Giáo dục và Phát triển Nguồn nhân lực là cơ quan trực thuộc chính phủ chịu trách nhiệm hoạch định và thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động khoa học và giáo dục công. Bộ còn đảm trách việc lên kế hoạch và phối hợp các chính sách giáo dục, các ý tưởng xây dựng chương trình cho: các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, xét duyệt và xuất bản sách giáo khoa, quản lý và cấp kinh phí cho tất cả các cấp học nêu trên, cho các cơ sở giáo dục địa phương và các đại học quốc gia; điều hành hệ thống đào tạo giáo viên và chịu trách nhiệm về giáo dục suốt đời và phát triển chính sách nguồn nhân lực.

Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực được chia thành 2 Sở, 4 Vụ, 4 Hội đồng và 34 phòng. Dưới sự kiểm soát của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực là Viện Lịch sử Hàn Quốc, Viện Phát triển Giáo dục Quốc tế, Uỷ ban khiếu nại dành cho các giáo viên và Viện Giáo dục đặc biệt. MOEHRD còn giám sát cả Viện hàn lâm khoa học quốc gia.

b. Các sở giáo dục địa phương

Năm 1991, Luật tự chủ về giáo dục đã được ban hành. Vì vậy, các sở giáo dục địa phương đã được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Mỗi một sở giáo dục địa phương có một hội đồng thành viên, làm nhiệm vụ giám sát và ra quyết định, quản lý giáo dục một cách độc lập. Số lượng các thành viên hội đồng tối thiểu là 7 người và tối đa là 15 người phụ thuộc vào qui mô của tỉnh và thành phố đó.

2. Các Uỷ ban tư vấn về chính sách giáo dục

Về các tổ chức tư vấn giáo dục, Uỷ ban Tổng thống về đổi mới giáo dục có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng thống, trong khi đó Uỷ ban Trung ương về giáo dục thì hỗ trợ cho Phó Thủ tướng và Bộ trưởng MOEHRD.

a. Uỷ ban tư vấn về chính sách phát triển nguồn nhân lực và giáo dục.

Uỷ ban tư vấn về chính sách phát triển nguồn nhân lực và giáo dục được thành lập vào tháng 3 năm 2001. Uỷ ban bao gồm 96 thành viên là các chuyên gia về giáo dục. Uỷ ban bao gồm 8 tiểu ban trực thuộc.

b. Uỷ ban Tổng thống về đổi mới giáo dục

Uỷ ban này được thành lập vào 23/6/2003 và bao gồm 23 thành viên, có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng thống về đường hướng chiến lược, chính sách phát triển giáo dục và nguồn nhân lực, đổi mới hệ thống giáo dục, quản lý tài chính giáo dục và phúc lợi, tổng kết và đánh giá kết quả của việc thực hiện các chính sách mà Tổng thống đã đề ra.

3. Ngân sách dành cho giáo dục

Theo các thể chế giáo dục của Hàn Quốc, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đều chịu sự kiểm soát của sở giáo dục địa phương, ví dụ như, sở giáo dục tỉnh và thành phố. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc; chính phủ chi trả gần như toàn bộ lương cho giáo viên và các khoản khác. Trung học phổ thông, trung cấp và cao đẳng phải đóng học phí để nộp vào quỹ của chính phủ và các quỹ đóng góp của cha mẹ học sinh và các cơ quan địa phương.

Quỹ dành cho giáo dục của Hàn Quốc được hình thành từ chính quyền trung ương, từ chính quyền địa phương và từ các trường tư khác.

Ngân sách giáo dục trung ương cấp kinh phí cho các sở giáo dục quản lý giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, cho các hoạt động tài chính của các trường đại học quốc gia, một số cho các trường đại học tư, cho các tổ chức quản lý và nghiên cứu giáo dục khác. Ngân sách giáo dục trung ương được lấy từ thuế quốc gia. Các quỹ giáo dục địa phương được cấp cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; các nguồn tài chính chủ yếu (90%) là từ trung ương (bao gồm phụ cấp, trợ cấp, thuế nội bộ, quỹ hỗ trợ) và chỉ có 10% là từ địa phương.

Giáo dục tư tồn tại ở tất cả các cấp giáo dục, từ tiểu học cho tới đại học. Các trường cao đẳng và đại học tư chiếm tới 75%. Nguồn tài chính cho các trường này lấy chủ yếu từ các khoản đóng học phí của cha mẹ học sinh, các quỹ của địa phương và quốc gia, và từ các tài trợ bên ngoài khác…

Ngân sách trung ương (cấp cho các sở giáo dục trích từ thuế quốc gia)

Ngân sách địa phương (cấp cho cấp tiểu học và THCS, chủ yếu lấy từ ngân sách trung ương 90% và ngân sách địa phương (10%).

Tài chính cho giáo dục tư nhân (Trích từ các khoản đóng học phí, phí nhập trường, tài trợ khác.)

Các cấp tiểu học và THCS là bắt buộc và được chính phủ bao cấp hầu như toàn bộ học phí; các cấp THPT trở lên phải đóng học phí.

Ngân sách dành cho giáo dục của Hàn Quốc chiếm tỷ trọng khá cao (~ 18%) trong tổng chi ngân sách (đứng thứ 2 sau Mỹ = 25%)

TS. Võ Hải Thanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đất nước mà chúng ta hướng tới. Lee Chin Moo. NXB Báo kinh tế Hàn Quốc. 1996.

2. Cải cách hành chính giáo dục Hàn Quốc hướng tới thế kỷ XXI. Kim Hong Won. Vấn đề cải cách hành chính Hàn Quốc. NXB Văn hóa Châu á. 1998.

3. Lịch sử hành chính giáo dục Hàn Quốc. Cho Song, Kim Yong Chun. NXB Chipmuntang, Seoul, 1996.

4. Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc. Viện nghiên cứu phát triển giáo dục. NXB Giáo dục. 1999.

5. Các bài nói chuyện của Tổng thống Kim Yong Sam trong các cuộc họp về Toàn cầu hóa.

6. Giáo dục và đào tạo ở Hàn Quốc. Hoàng Văn Hiển. NXB Lao động. 1998.

7. Kỷ yếu "Hội thảo khoa học quốc tế về giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc". Tháng 12/ 1994.

8. Văn hóa, thể chế và tăng trưởng kinh tế: nghiên cứu so sánh với Hàn Quốc với Thái Lan. Yoshihara Kunio. NXB Chính trị quốc gia. 1996.

9. Những chính sách văn hóa giáo dục của nước ta, cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành. Bộ giáo dục Nhật Bản. 1999.


Scroll To Top