Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐÔI NÉT VỀ HỌC TẬP CHỮ HÁN VÀ VĂN HỌC CHỮ HÁN THỜI CHOSEON (1392-1910) (Phần 1)

Đăng ngày:

1. Chế độ học tập chữ Hán và khoa cử đi vào nề nếp, Nho học độc tôn

Đến cuối thế kỷ XIV, năm 392, triều đại Koryeo bị diệt vong, YiSeong-gye  (Lý Thành Quế) lập triều đại mới, lấy lại tên của Cổ ChoSeon, đặt quốc hiệu là ChoSeon (Triều Tiên) với ý nghĩa Buổi sớm thanh bình. Ông cũng quyết định dời đô về Hanseong (Hán thành), tức Seoul ngày nay.

Sau khi dời đô về Hán thành được mấy năm, năm 1397, SeongGunGwan (Thành Quân Quán) được xây dựng, gồm hai phần chính là Văn Miếu ở phía trước, Minh luân đường ở phía sau. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, từ kiến trúc đến bài trí tượng thờ, hoành phi câu đối đều có sự gợi ý từ Khổng Miếu ở Khúc Phụ, Sơn Đông - quê hương Khổng Tử. Ở giữa là Đại thành điện thờ tiên thánh Khổng Tử, hai bên tả hữu thờ các vị tiên hiền. Minh luân đường là nơi dạy và học, hai bên tả hữu là hai dãy nhà cho nho sinh nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn có Thư viện và Dưỡng hiền khố.

Ngoài trường Quốc học này ra, ở kinh đô Hán thành còn có 4 trường lớn nữa: Trường Đông, Trường Tây, Trường Trung, Trường Nam, là phân hiệu của trường Quốc học. Những trường này chỉ có Minh luân đường, không có Văn Miếu. Mỗi dịp tế lễ Khổng Tử, học sinh các trường này nhập với học sinh Quốc học cùng vào tế lễ. Thày dạy ở trường này cũng do thày dạy ở Quốc học kiêm nhiệm; sách giáo khoa cũng tương tự như trường Quốc học.

Ở địa phương, tên trường học gọi là Hương hiệu. Trường này khi xây dựng ở các cấp phủ, quận, huyện, đều phải theo hình mẫu của Quốc học nhưng quy mô nhỏ hơn.

Thứ tự các môn học trong các trường được bắt đầu từ Đại học rồi đến Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Kinh thi, Kinh Xuân thu, Lễ ký và cuối cùng là Chu dịch. Khi thi đỗ vào Hương hiệu rồi lên Tứ trường hoặc Quốc học, học sinh đều học theo như vậy nhưng cấp độ khác nhau. Các nho sinh mỗi kỳ học một quyển, mục đích yêu cầu ở cấp Quốc học không chỉ dừng lại ở chỗ thuộc lòng, hiểu nghĩa từng câu từng chữ trong sách kinh điển mà còn phải nắm vững được hoàn cảnh lịch sử, xuất xứ vấn đề, tư tưởng chủ đạo, ý tại ngôn ngoại... Khi kiểm tra, học sinh phải đạt yêu cầu mới được chuyển tiếp và học xong Chu dịch mới được thi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, đến những năm tý, ngọ, mão, dậu dự thi Hương và kế ngay đó, có thể thi Hội vào những năm thìn, tuất, sửu, mùi. Mỗi một kỳ thi, học sinh phải thi ba trường, trường một thi Tứ thư, Ngũ kinh; trường hai thi phú và biểu; trường ba thi văn sách. Mỗi kỳ thi Hội lấy 33 người thi đỗ tiến sĩ rồi vào điện thí (dự thi trong cung đình, do nhà vua trực tiếp chấm thi) chọn 3 người đỗ đầu, gọi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Thí sinh đỗ kỳ thi Hội được nêu tên bảng vàng, được cấp Hồng bài, bổ nhiệm làm quan và được xếp vào tầng lớp yangban (quý tộc).

Ngoài số thí sinh học ở các trường công ra, tất cả thí sinh trường tư đều được đăng ký dự thi và bình đẳng như nhau. Quan Tri Cống Cử (tức quan chủ khảo) được chọn kỹ lưỡng, được đánh giá là công tâm hơn hẳn thời Koryeo.

Nhìn chung, chế độ học tập và khoa cử ChoSeon đã đi vào nề nếp, ổn định kéo dài và ngày một nâng cao, duy chỉ một thời gian ngắn gián đoạn vào lúc chiến tranh với Nhật Bản năm Nhâm Thìn và giặc Hồ năm Bính Tí vào những năm cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.

Chính sách, chế độ học tập và khoa cử Nho giáo đó cộng với chính sách tôn Nho hạ Phật của chính quyền ChoSeon đã đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn và kéo dài suốt nhiều thế kỷ.

2. Đông văn tuyển - thành quả rực rỡ của văn học chữ Hán Hàn Quốc

Năm 1478, vua Seongjong (Thành Tông) ra lệnh cho ban văn trong triều biên soạn một bộ sách mang tính chất nhà nước, tập hợp thơ văn hay, xếp niên đại song song với Trung Quốc. Việc biên soạn bộ sách này mất 7 năm, có tới 23 học giả nổi tiếng đương thời tham gia, đứng đầu là SeoGeo-jeong (Từ Cư Chính).

Bộ sách lấy tên Đông văn tuyển, đề cập tới hơn 500 nhân vật, bắt đầu từ Ất Chi Văn Đức của Koguryo đến Tiết Thông, Thôi Trí Viễn của Shilla, Kim Phú Thức, Lý Nhân Lão, Lý Khuê Báo... của Koryeo gồm 4302 thiên. Thơ văn trong các thiên được phân chia thành 55 loại văn thể, bố cục sắp xếp rất chặt chẽ. Lối văn chương được chọn là văn biền ngẫu hoa mỹ. Nội dung phong phú, đa dạng. Tư tưởng chính thống là Nho giáo.

Đây là một bộ tập đại thành văn học chữ Hán Hàn Quốc từ thời Ba vương quốc đến đầu thời ChoSeon. Có bộ sách này, người Hàn Quốc tự hào rằng Trung Quốc có văn tuyển thì Hàn Quốc có Đông văn tuyển, khẳng định tính độc lập của một quốc gia văn hiến, ngang hàng với Trung Quốc.

3. Ba dòng văn học chữ Hán chủ đạo

(1) Văn học Quán các:

Quán các là tên gọi chung của địa điểm quán sảnh quản lý sách vở thư tịch như Hoằng văn quán, Nghệ văn quán, Khuê chương các... Đây là nơi đảm nhiệm công việc của nhà vua, soạn thảo văn thư ngoại giao với Trung Quốc, nghiên cứu kế sách và học thuật...

Văn học quán các về đại thể có nội dung chủ yếu ủng hộ và ca tụng triều đình, sắp đặt điển lệ, chỉ đạo phương hướng văn học của thời đại ChoSeon, nhấn mạnh giá trị độc quyền của văn học chữ Hán. Thiên hướng của văn học quán các chủ yếu là ca tụng, ủng hộ, chú trọng hình thức, kỹ xảo văn chương nên đã sinh ra cái gọi là văn học phái từ chương. Người đứng đầu chỉ đạo phái này trong nhiều năm là Đại đề học Từ Cư Chính. Ông là người từng trong một thời gian dài tới 23 năm vừa là Đại đề học vừa chỉ đạo công việc biên soạn các bộ sách lớn, trong đó có Đông Văn tuyển.

(2) Văn học Sĩ lâm:

Sĩ lâm là tên gọi chung các nho sĩ vùng Yeong - Nam đã thi đỗ và làm quan trong triều.

Văn học Sĩ Lâm chủ trương văn học phải chứa đựng tinh hoa của văn học và đạo đức, phản đối văn học từ chương. Nhìn chung, phái này có quan điểm hết sức thực dụng, nhấn mạnh đến nội dung hơn là hình thức, cho rằng văn học chỉ khi nào cống hiến cho xã hội, phản ánh thực tế thì mới có thể phát huy được giá trị của nó. Người đứng đầu phái này là KimJong-jik (Kim Tông Trực).

Với nhận thức khác nhau như vậy nên mâu thuẫn giữa hai phái trên rất gay gắt và kéo dài.

(3) Văn học Phương ngoại nhân:

Phương ngoại có nghĩa là không gian thoát ra khỏi trung tâm quyền lực. Phương ngoại nhân là chỉ những văn nhân chống lại thể chế, sống tự do tự tại và tự do sáng tác. Họ không tham gia vào hai phái kia và sống ẩn dật nơi rừng núi, thôn dã. Tác phẩm văn học của họ không theo hình thức mang tính quan liêu và cũng không theo chủ nghĩa đạo đức, thực dụng của phái Sĩ Lâm. Họ viết về chủ đề mà hai phái kia không đề cập tới, thông qua tác phẩm để giải toả nỗi buồn không thực hiện được hoài bão của mình ở thế giới hiện thực. Tư tưởng trong tác phẩm của họ bao gồm cả Nho, Phật, Đạo và luôn có ý thức giải phóng bản thân mình khỏi sự áp bức. Kim Si-Seup (Kim Thời Tập) là tác gia tiêu biểu của văn học Phương ngoại nhân.

 

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011.

2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.


Scroll To Top