NHỮNG CẢI CÁCH KINH TẾ CHỦ YẾU CỦA TRIỀU TIÊN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (Phần 1)
Đăng ngày:
Có thể nói, cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, nền kinh tế Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Tư tưởng Chủ thể (Juche) trong đó nhất mạnh tính tự lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự túc, tự cấp. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành đưa ra khẩu hiệu Chủ thể (Juche), vào ngày 28 tháng 12 năm 1955, đến năm 1996 thì bổ sung thêm nguyên tắc Tiên quân (先軍, songun, có nghĩa là quân đội trước tiên) làm một phần của thuyết Chủ thể. Các nguyên tắc đó là: Độc lập về chính trị; Tự chủ về kinh tế; Tự vệ về quốc phòng. Với chính sách Tiên quân, Triều Tiên hiện có đội quân hùng mạnh thứ 5 thế giới, với 1,2 triệu binh sỹ. Để tăng cường khả năng quốc phòng, ban lãnh đạo Triều Tiên tập trung nguồn lực quan trọng cho các mục đích quân sự. Theo đó, hơn 1/4 ngân sách nhà nước được chi cho quân đội.[1] Từ tháng 7/2002, Triều Tiên thực hiện một số điều chỉnh chính sách giá, lương tiền để khắc phục khó khăn về kinh tế. Trong năm 2005, 2006, Triều Tiên chủ trương chú trọng và tập trung vào phát triển nông nghiệp, coi đây là mặt trận chủ đạo để phát triển nền kinh tế quốc dân. Gần đây, kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thiếu lương thực và năng lượng nghiêm trọng.[2] Năm 2009, Hiến pháp Triều Tiên có sự sửa đổi, theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò của giới quân sự trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Như vậy, Triều Tiên đã tạo lập một cơ sở pháp lý rộng rãi cho việc quân sự hóa đất nước hơn nữa, cho quyền lực vô hạn của bộ máy quân sự, đồng thời sử dụng lực lượng vũ trang như là quân đội của lãnh tụ tối cao của đất nước. 1. Cơ cấu nền kinh tế Triều Tiên Công nghiệp Trước năm 1945, Triều Tiên là một quốc gia công nghiệp. Từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Triều Tiên ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Các ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, hoá chất, xây dựng cơ bản, công nghiệp quốc phòng, dệt may, chế biến thực phẩm và du lịch là những lĩnh vực ưu tiên phát triển. Giai đoạn 1960 -1990, Triều Tiên đã tranh thủ viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc. Dựa trên các ước tính vào năm 2002, ngành chiếm ưu thế trong nền kinh tế Triều Tiên là ngành công nghiệp (43,1%), kế đến là ngành dịch vụ (33,6%) và nông nghiệp (23,3%). Năm 2004, người ta ước tính rằng nông nghiệp sử dụng 37% lực lượng lao động trong khi ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng 63% còn lại.[3] Năm 2010, Chính phủ Triều Tiên đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của công tác kinh tế là đưa công nghiệp nhẹ và nông nghiệp trở thành trận tuyến mũi nhọn của toàn bộ nền kinh tế. Chính phủ yêu cầu các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nhẹ sản xuất vượt mức những mặt hàng thiết yếu đảm bảo cho sinh hoạt, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.[4] Bên cạnh các loại hình công nghiệp truyền thống, các sản phẩm công nghệ cao cũng được Triều Tiên chú ý, nhất là giai đoạn gần đây. Điện thoại di động được giới thiệu ở Triều Tiên vào cuối năm 2008 thông qua một liên doanh với hãng viễn thông Orascom của Ai Cập mang tên Koryolink. Liên doanh này nói rằng họ có 2 triệu người tiêu dùng ở Triều Tiên. Koryolink là nhà mạng duy nhất ở Triều Tiên và người dân nước này vẫn chưa thể dùng di động để gọi đi quốc tế. Năm 2002, một mạng Internet nội địa đã ra mắt và một số cơ quan nhà nước đã có trang web riêng. Triều Tiên không phổ biến rộng rãi mạng Internet mà chỉ có mạng Intranet, một hệ thống mạng nội bộ trong nước, được phát triển từ năm 2002 để các trang web của một số cơ quan của nhà nước tuyên truyền thông tin. Mạng Internet gần như không xuất hiện ở Triều Tiên. Internet chỉ được cung cấp cho khoảng 1.000 người ở Triều Tiên và đó đều là những quan chức cấp cao của nhà nước.[5] Năm 2013, Triều Tiên đã sản xuất được điện thoại di động và cho ra mắt điện thoại thông minh (smartphone) mang tên Arirang theo tên một bài dân ca cổ Triều Tiên, có màn hình cảm ứng cùng máy ảnh (camera) độ phân giải cao ở phía sau và có sử dụng hệ điều hành Android của Google. Chiếc smartphone đầu tiên chính hãng Triều Tiên đã được đưa vào sản xuất đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân trong nước và có thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Kim Jong-un đã đích thân đi thị sát nhà máy điện thoại di động, thăm một dây chuyền lắp ráp điện thoại di động, nơi mới sản xuất một dòng điện thoại nội địa có tên Arirang. Tuy nhiên, một số chuyên gia nước ngoài thì cho rằng, toàn bộ quá trình sản xuất Arirang có thể được tiến hành ở Trung Quốc, còn nhà máy trên chỉ phụ trách công đoạn lắp ráp hoặc đóng hộp.[6] Nông nghiệp Nhìn chung, nền kinh tế của Triều Tiên là nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, với khoảng 20 đến 25% cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp. Theo một đánh giá thì 2/3 tăng trưởng kinh tế Triều Tiên đến từ lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy quy mô nhỏ bé của kinh tế Triều Tiên, nền kinh tế dễ chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như thời tiết hay hỗ trợ từ bên ngoài. Triều Tiên được đánh giá là một trong những nước có mức độ bất ổn lương thực cao nhất toàn cầu. Khoảng 1/3 dân số nước này trong tổng số ~ 25 triệu dân, thiếu thực phẩm tiêu dùng hay thực phẩm thiết yếu. Triều Tiên cần đến 5,5 triệu tấn ngũ cốc để nuôi được số dân 25 triệu của mình nhưng những năm cao nhất cũng chỉ thu hoạch được khoảng 4 đến 4,5 triệu tấn. Vì vậy, Bình Nhưỡng đã phải kêu gọi 40 quốc gia trợ giúp lương thực cho mình và thường phụ thuộc vào một phần viện trợ quốc tế. Sản lượng nông nghiệp Triều Tiên tăng 10,9% trong năm 2008 sau khi giảm 12,1% trong năm 2007, bởi năm đó, nước này phải gánh chịu nhiều trận lụt và hạn hán. 2. Tình hình kinh tế Triều Tiên kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 Năm 2008, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Triều Tiên vẫn đi lên, lúc này, kinh tế Triều Tiên đã trở lại với mức tăng trưởng dương. Giới quan sát bất ngờ và khó tin vì Triều Tiên vốn còn nhiều khó khăn yếu kém do các chương trình hạt nhân của nước này.[57] Cụ thể là vào năm 2008, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,7% sau hai năm suy giảm liên tiếp.[7] Một số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Triều Tiên công bố, trong năm 2008, kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ 3,7%. Tuy nhiên, sau đó kinh tế Triều Tiên lại gặp khó khăn, GDP giảm 0,9% năm 2009 và 0,5% năm 2010. Tính chung từ năm 2009 đến năm 2011, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 506 USD mỗi năm và 25% dân số luôn thiếu đói.[8] Người ta gần như không nhận thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu lên kinh tế Triều Tiên. Kinh tế toàn cầu bắt đầu trượt dốc từ cuối năm 2007 trong khi kinh tế Triều Tiên có mức tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ qua. Điều này cho thấy mức độ khép kín của Triều Tiên đối với thế giới. Tuy vậy, dù kinh tế năm 2008 tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ, GDP của Triều Tiên cũng chỉ bằng 1/38 mức GDP 935 tỷ USD của Hàn Quốc, kim ngạch thương mại tương đương 1/224 kim ngạch 857,3 tỷ USD của Hàn Quốc (xem chú thích 6). Tuy nhiên, sau đó, kinh tế Triều Tiên đã phải lao đao sau khi bị trừng phạt kinh tế và ảnh hưởng của cuộc cải cách tiên tệ, sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ của Triều Tiên đều giảm, trong khi mức độ cấm vận của cộng đồng quốc tế lại gia tăng, dẫn đến kết quả Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển trên thế giới. Năm 2010, Triều Tiên tuyên bố mở cửa, nhưng năm 2010 thực sự là một năm khó khăn đối với kinh tế Triều Tiên. Nhiều quốc gia đã cắt các khoản viện trợ cho nước này, đồng thời, phong toả tài khoản tại các ngân hàng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đáng kể. Theo thống kê, trong năm 2010 kim ngạch thương mại liên Hàn-Triều giảm 20% so với năm 2008. Đặc biệt, mức hỗ trợ giảm 83% từ gần 5,7 triệu USD xuống 1 triệu USD. Năm 2011, mức phát triển kinh tế giảm 0,5% so với năm 2010, sau khi suy giảm 0,9% trong năm 2009. GDP danh nghĩa của Triều Tiên đạt 30 nghìn tỷ Won trong năm 2010, tương đương 26,5 tỷ USD, so với mức 1.173 nghìn tỷ Won của Hàn Quốc. Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2010 đạt mức 1,24 triệu Won, so với mức 24 triệu Won của Hàn Quốc. Tính đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên vào khoảng 1800 USD/năm, tương đương với Ghana[9]. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc ước tính thu nhập bình quân của Triều Tiên trong năm này chỉ là 506 USD và tăng trưởng - 0,1%. Một thông tin khác cho biết, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Triều Tiên năm 2011 chỉ ở mức 21 tỷ USD. Một thống kê khác cho thấy kinh tế Triều Tiên tăng trưởng âm trong hai năm 2009-2010, sau nhiều năm tăng trưởng dương xét về tổng GDP, kích cỡ của nền kinh tế Triều Tiên tương đương với Iraq trước khi có chiến tranh. Kim ngạch thương mại Hàn-Triều năm 2011 là 19,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 15% so với năm trước đó, thương mại song phương gần như đều đến từ khu công nghiệp Kaesong.[10] Năm 2012, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) báo cáo kinh tế của Triều Tiên tăng trưởng đạt 1,3% trong năm 2012, năm trọn vẹn đầu tiên dưới thời Kim Jong-un và là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ 2009, sau mức tăng trưởng 0,8% trong năm trước đó, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Triều Tiên khởi sắc và cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm gần đây.[11] Gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều được cải thiện, ngành sản xuất của Triều Tiên tăng 1,6%, còn nông nghiệp và ngư nghiệp (sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản) tăng 3,9% so với 2011 nhờ vào việc sử dụng phân bón để mở rộng và nâng cao sản lượng. Đây là một sự chuyển hướng mạnh sau khi sụt giảm tới 3% trong năm 2011. Có dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế hằng năm của Triều Tiên có thể đạt mức cao hơn nhiều nếu nước này hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, sản xuất lương thực của Triều Tiên cũng có dấu hiệu khả quan, ước tính sản lượng gạo của Triều Tiên đã tăng 11% so với năm 2011, trong khi sản lượng ngô tăng 10%. Dù sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp của Triều Tiên tăng 3,9% trong năm 2012, nhưng thực tế là nước này vẫn không sản xuất đủ lương thực nuôi sống ~ 25 triệu người và chính Liên Hợp Quốc từng khẳng định Bình Nhưỡng đang đối mặt với nạn thiếu lương thực nghiêm trọng.[12] Năm 2012, kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên lên tới 6,81 tỉ USD, tăng 7,1% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu tăng 3,3% và nhập khẩu tăng 10,2%.[13] Dù Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc vẫn tăng mạnh, thương mại hai chiều đạt 6,3 tỷ USD, tăng gấp bốn lần so với thống kê vào năm 1998 (1,4 tỷ USD). Một con số khác cho biết, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc đã chiếm 5,6 tỷ USD.[14] Đặc biệt là kim ngạch thương mại song phương Trung Triều đã đạt đến mức kỷ lục mọi thời đại là 1,37 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm 2012.[15] Tăng trưởng của kinh tế Triều Tiên năm 2012 chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất. Lĩnh vực sản xuất phát triển phần nào phản ánh khả năng cung ứng điện tốt hơn dưới thời ông Kim Jong-Un, người cũng đã chỉ đạo gia tăng sản lượng chăn nuôi và nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn thu nhập của Triều Tiên chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô cho Trung Quốc, đồng thời, sự khởi sắc của kinh tế Triều Tiên có phần đóng góp không nhỏ từ sự hào phóng của các nhà tài trợ quốc tế, ví dụ như sau cơn bão Bolaven đổ bộ vào bán đảo Triều Tiên tháng 8 năm 2012, Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức cứu trợ khác đã hỗ trợ nước này bằng cách cấp thêm lương thực và phân bón, giúp cho sản lượng gạo và ngô tăng lên. Năm 2013, Hàn Quốc đã công bố kết quả cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2013 là 854 USD, chỉ bằng 3,6% so với mức thu nhập bình quân đầu người 23.838 USD của Hàn Quốc. Sản lượng xi măng và phân bón hóa học của Triều Tiên lần lượt là 6,446 triệu tấn và 476.000 tấn, tương đương với mức 5,822 triệu tấn và 590.000 tấn của Hàn Quốc vào năm 1970. Sản lượng thép và ôtô ở Triều Tiên hiện nay tương ứng chỉ bằng 1,8% và 0,1% của Hàn Quốc.[16] TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] http://baodatviet.vn/quoc-phong/quan-doi-trieu-tien-va-2-cuoc-chuyen-giao-2234364/ [2] http://www.vietnamembassy-slovakia.vn/vi/vnemb.vn/cn_vakv/ca_tbd/nr040819104221/ns071017081205 [3] CIA World Factbook: North Korea [4] Thuongmai.vn [5] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/dien-thoai-trieu-tien-bi-nghi-la-do-made-in-china-2864291.html [6] http://vneconomy.vn/20130814112449295P0C16/dien-thoai-trieu-tien-bi-nghi-la-hang-tau.htm [7] http://vneconomy.vn/20090701044139782P0C99/quanh-muc-tang-truong-bat-ngo-cua-kinh-te-trieu-tien.htm [8] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/kinh-te-trieu-tien-ngay-cang-teo-top-2727538.html [9] CIA Factbook [10] http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/99281/ [11] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-trieu-tien-tang-truong-nhanh-nhat-4-nam-qua-754218.htm [12] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-trieu-tien-tang-truong-nhanh-nhat-4-nam-qua-754218.htm [13] http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/99281/ [14] http://news.zing.vn/Han-Quoc-Kinh-te-Trieu-Tien-dang-khoi-sac-post298146.html [15] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/bat-ngo-lon-tu-kinh-te-trieu-tien-709196.htm [16] http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-danh-gia-ve-nen-kinh-te-trieu-tien-nam-2013/249834.vnp Võ Hải Thanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc
Thời gian gần đây, Triều Tiên đã thực hiện một số cải cách nhằm phát triển kinh tế nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì đột phá đáng kể.