CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TRIỂN VỌNG CẢI CÁCH KINH TẾ CỦA TRIỀU TIÊN VÀ MỘT VÀI GỢI Ý TỪ KINH NGHIỆM VIỆT NAM (Phần 2)
Đăng ngày:
II. CÁC NHÂN TỐ CẢN TRỞ 1. Tư tưởng chính trị và ý thức hệ của những người lãnh đạo vẫn còn mang nặng tính bảo thủ, chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ Nếu như ở trên đã đề cập đến những tư tưởng kinh tế tiến bộ của Kim Jong-un thì về mặt tư tưởng chính trị và ý thức hệ, ông này vẫn chịu ảnh hưởng và tuân thủ những quy tắc vốn có của cha ông, nhất là tư tưởng tiên quân. Bên cạnh đó, giả sử Kim Jong-un có những tiến bộ nhất định về tư tưởng và ý thức hệ so với cha, ông mình, thì bên cạnh ông ta, bộ máy chính quyền mang nặng tính bảo thủ, chuyên quyền độc đoán, vốn đã tồn tại hơn nửa thể kỷ vẫn là những trở ngại rất lớn cho những quyết sách của Chính phủ, nhất là lực cản của bộ máy lãnh đạo trong quân đội. 2. Quan hệ quốc tế còn bị nhiều ràng buộc, trở ngại; - Về nguyên lý, Triều Tiên và Hàn Quốc mới ký Hiệp định đình chiến chứ chưa có Hiệp định hòa bình. Quan hệ giữa hai miền luôn ở trong tình trạng lúc nóng, lúc lạnh và nguy cơ chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào nếu không biết kiềm chế. Có thể nói rằng, mặc dù Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ hơn hai thập kỷ nay nhưng tình trạng chiến tranh lạnh vẫn hiện hữu trên bán đảo Hàn, trực tiếp là giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, còn nói rộng hơn là giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. - Do vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nước này khó có thể cải thiện quan hệ với Mỹ. Có lúc tưởng chừng mối quan hệ này đã được cải thiện đáng kể, song chỉ trong chốc lát nó lại quay trở về điểm xuất phát. Mỗi bên đều có những lập luận theo cách lý giải riêng của mình. Vì vậy, câu hỏi “quả trứng có trước, hay con gà có trước” sẽ không bao giờ có được câu trả lời cả. - Ngoài ra, vấn đề bắt cóc con tin của Nhật Bản cũng là một trở ngại trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao của Triều Tiên với quốc gia này. 3. Chi phí quân sự quá lớn Chính sách ưu tiên quân sự (tiên quân) của Triều Tiên là “Chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tiêu chí coi quân sự là ưu tiên hàng đầu” được giới thiệu trong những năm 2000. Chính sách này cho rằng sự tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng cần phải được ưu tiên và sự phát triển của các ngành công nghiệp nhẹ sẽ dựa trên sự gia tăng các yếu tố về quân sự. Mặc dù khi giải thích các chính sách được thông qua vào tháng 3 năm 2013 (Điểm 2: Nuôi dưỡng một ngành công nghiệp hạt nhân độc lập và phát triển các lò phản ứng nước nhẹ), Kim Jong-un nói rằng điều này sẽ cho phép Triều Tiên tập trung vào "phát triển nền kinh tế và cải thiện đời sống của người dân bằng cách dứt khoát tăng cường hiệu quả của sức mạnh răn đe và khả năng phòng thủ mà không cần thiết phải tăng chi tiêu quốc phòng." Chính sách này như “một mũi tên trúng hai con chim” nhằm đạt được mục tiêu bao gồm việc tăng trưởng kinh tế và an ninh. Triều Tiên tin rằng việc tiến hành ba vụ thử hạt nhân đã mang lại cho nước này vị thế như một nhà nước hạt nhân thực sự và sự răn đe hạt nhân của mình sẽ giúp đảm bảo an toàn mà không phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chính sách mới cho phép các nguồn tài nguyên có thể được tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân nếu đầu tư vào vũ khí và đạn dược thông thường được cắt giảm. Theo quan điểm của Triều Tiên, một kho vũ khí hạt nhân có thể rẻ hơn, hiệu quả hơn và mạnh hơn các lực lượng phản ứng thông thường, vì thế, các quốc gia sở hữu một kho vũ khí hạt nhân dù là cực nhỏ cũng không cần quan tâm đến sự gia tăng các lực lượng phản ứng thông thường của đối thủ. Trong khi tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện lực lượng phản ứng thông thường của mình, quốc gia này dường như cũng tin rằng chi tiêu quốc phòng của họ sẽ không cần tăng bây giờ vì Triều Tiên đã sở hữu khả năng về hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng tính toán của Triều Tiên có thể được chứng minh là sai lầm. Thứ nhất là cùng việc phát triển hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Cái giá phải trả cho vấn đề này không hề nhỏ. Thứ hai là việc gia tăng dự trữ vũ khí hạt nhân đòi hỏi họ phải hy sinh đáng kể nền kinh tế bổ sung, bao gồm cả chi phí cho vũ khí hạt nhân, hệ thống phân phối, khả năng phòng thủ chủ động để ngăn chặn kẻ thù vũ khí hạt nhân và khả năng phòng thủ thụ động để trốn tránh kẻ thù trinh sát và giảm thiểu sự hủy diệt. Ngay cả khi một quốc gia sở hữu khả năng vũ khí hạt nhân như có một kho vũ khí chẳng hạn thì điều này cũng trở nên vô nghĩa nếu không có một cơ sở hạ tầng cung cấp cảnh báo về một cuộc tấn công, bảo vệ bệ phóng tên lửa và cung cấp các thành phần bảo vệ khác. Một phần quan trọng của cơ quan bảo vệ chính là một hệ thống vệ tinh quân sự. Hiện nay, Triều Tiên còn phụ thuộc vào vệ tinh của Nga. Tuy nhiên, họ không thể tiếp tục sử dụng hệ thống vệ tinh của Nga ngay sau khi triển khai vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là Triều Tiên cần phát triển hệ thống vệ tinh riêng của mình và điều này đòi hỏi chi phí nhiều hơn so với những gì nó đã đầu tư vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Như vậy, với chính sách “tiên quân” và phát triển khả năng răn đe hạt nhân của mình, Triều Tiên không thể tập trung vào phát triển kinh tế. Đây cũng là một trở ngại lớn cho triển vọng cải cách kinh tế của quốc gia này. 4. Nhận thức của đông đảo người dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế của đất nước vẫn còn rất hạn chế Mặc dù xã hội Triều Tiên đã trở nên mở hơn, thông thoáng hơn kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền đến nay, về cơ bản Triều Tiên vẫn là một xã hội khép kín. Những thông tin từ bên ngoài rất khó đến được với những người dân bình thường. Họ chỉ biết tôn sùng vị lãnh tụ tối cao, Chủ tịch vĩnh viễn... Đây cũng có thể coi là một trở ngại không nhỏ cho công cuộc cải cách của quốc gia này. III. MỘt vài gỢI ý tỪ kinh nghiỆm cỦa ViỆt Nam 1. Triều Tiên cần tiến hành đồng thời các cải cách kinh tế trong nước với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế Thứ nhất, để tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế của đất nước và các lợi ích của việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Triều Tiên cần tiến hành đồng thời các cải cách trong nước với mở cửa và hội nhập kinh tế. Nền kinh tế sa sút của Triều Tiên với máy móc sản xuất cũ kỹ, thiếu hụt năng lượng, vốn, nguyên liệu, kỹ thuật và mối quan hệ cung ứng gãy chuỗi đã gây trở ngại cho việc huy động các nguồn lực thị trường để cải thiện sản xuất cơ bản. Vì vậy, Triều Tiên tiến hành cải cách trong nước, đồng thời, nhất định phải mở cửa đối ngoại rộng hơn, mạnh dạn hơn, chứ không nên chỉ tiến hành sửa chút ít thể chế hiện tại. Chỉ có lợi dụng lực lượng bên ngoài, Triều Tiên mới phá vỡ được cơ cấu kinh tế trước mắt, đổi mới các thiết bị cũ kỹ, làm cho thị trường trở thành một cơ chế hữu hiệu kích thích sản xuất, đồng thời giải quyết được khó khăn trong thiếu hụt nguồn cung ứng bức thiết nhất. Chính phủ Triều Tiên nên lựa chọn các chính sách mở cửa đối ngoại hơn nữa, bởi vì các biện pháp cải cách có được thành công bước đầu, ngoài việc dựa vào các nguồn đầu tư trong nước còn phụ thuộc vào việc phá vỡ “nút thắt cổ chai” thiếu hụt năng lượng. Triều Tiên có thể thiết lập các chính sách linh hoạt để thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, việc mở cửa đối ngoại của Triều Tiên nhất định phải được tiến hành cùng lúc với cải cách về mặt chính trị, cần mạnh dạn lựa chọn biện pháp cải cách trên phương diện hình thái ý thức để loại bỏ tư tưởng bó hẹp về hệ tư tưởng chính trị vốn có; Thứ ba, Triều Tiên cần thực hiện đa dạng hóa vốn và cơ cấu quản lý của ngành công nghiệp. Nếu như cho phép tư bản tư nhân và tư bản nước ngoài được đầu tư vào doanh nghiệp quốc doanh thì ngành công nghiệp đang chết dần của Triều Tiên có thể giảm thiểu được tổn thất, nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm được con đường sinh tồn của mình. Cuối cùng, Triều Tiên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng đất đai. Để giải quyết vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện điều kiện sống của người dân, hỗ trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển công nghiệp thì Chính phủ nên vận dụng việc cho thuê đất làm đòn bẩy kinh tế, kể cả cho thuê đất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 2. Hai miền Nam – Bắc Hàn cần sớm đi đến một Hiệp định hòa bình, đưa đất nước ra khỏi tình trạng đối đầu như hiện nay Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo cấp cao hai nước. Quyền lực chính trị và lợi ích cá nhân chắc chắn sẽ là trở lực lớn cho vấn đề này. 3. Triều Tiên nên sớm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, tiến tới ký kết các hiệp định đối tác kinh tế, và thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ quốc tế Kể từ khi Kim Jong-Il nắm quyền ở Triều Tiên, nguyện vọng của ông luôn là cải thiện quan hệ với Mỹ, tiến tới xóa bỏ cấm vận, đồng thời, có được khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Triều Tiên và Mỹ không tin tưởng lẫn nhau, Triều Tiên vẫn kiên trì phát triển hạt nhân, còn Mỹ nhất định cũng có tính đến các chính sách của hai nước Nhật, Hàn với Triều Tiên. Vì vậy, quan hệ Mỹ -Triều thời Kim Jong Il khi nóng khi lạnh, không có đột phá. Để có thể thực hiện cải cách thành công và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, điều thiết yếu đối với Triều Tiên là tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và tiến tới ký kết các hiệp định hữu nghị, hợp tác. 4. Hàn Quốc cần tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển của Triều Tiên qua ODA, FDI, đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai miền, và nâng cao sự hiểu biết của người dân Bắc Hàn. 5. Thống nhất hai miền Nam – Bắc Hàn là điều kiện tiên quyết nhất cho sự thành công của cải cách kinh tế ở Bắc Hàn nói riêng (từ kinh nghiệm của Đức) và sự phát triển hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Hàn nói chung. TS. Trần Quang Minh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo (bài viết: Các nhân tố tác động tới triển vọng cải cách kinh tế của Triều Tiên)