Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TRIỂN VỌNG CẢI CÁCH KINH TẾ CỦA TRIỀU TIÊN VÀ MỘT VÀI GỢI Ý TỪ KINH NGHIỆM VIỆT NAM (Phần 1)

Đăng ngày:

I. CÁC NHÂN TỐ TÍCH CỰC

1. Tư tưởng kinh tế tiến bộ của người đứng đầu mới, Kim Jong-un, so với những người tiền nhiệm

- Khi cố lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời vào tháng 12 năm 2011 để lại cho con trai một nền kinh tế kiệt quệ, nhưng nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un đã áp dụng nhiều chính sách mở cửa để thay đổi bộ mặt đất nước. Tư tưởng của nhà lãnh đạo trẻ đã thoáng hơn so với người cha “bảo thủ” của mình nhờ những năm tháng du học ở nước ngoài, cũng như tiếp thu được nhiều thành tựu trên thế giới.

- Từ sau khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo của cha mình, Kim Jong-un đã “phát đi” một loạt các tín hiệu “thay đổi mang tính tích cực” với thế giới. Ngoài việc nhắc lại về “chính sách tiên quân”, đưa Triều Tiên trở thành “quốc gia có lực lượng quân sự hàng đầu thế giới”, Kim Jong-un đã chú trọng hơn đến những dự định phát triển kinh tế trong tương lai của Triều Tiên.

- Kim Jong-un nói: “Hiện tại, Triều Tiên cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng một quốc gia phồn thịnh”. Trong các bài diễn văn kể từ khi trở thành người đứng đầu Chính phủ Triều Tiên, Kim Jong-un đã nhiều lần nhắc đến cụm từ xây dựng “quốc gia phồn thịnh”.  Theo nhận định của giới quan sát, đây là lần hiếm hoi một nhà lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên trình bày về vấn đề kinh tế một cách có hệ thống. Nó chứng tỏ một sự thay đổi quan trọng trong tư duy kinh tế của nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên so với cha và ông mình.

- Về kinh tế đối ngoại, tháng 7/2012, trong một lần đi thị sát công xưởng và các công trình đang xây dựng, Kim Jong-un đã nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến “xu hướng thế giới”, yêu cầu cán bộ và quần chúng nhân dân dựa trên “xu hướng thế giới” để phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất, mạnh dạn tiếp thu những điểm tốt của nước ngoài, đồng thời biến nó trở thành những thứ mình cần.

- Về đời sống chính trị - xã hội, Kim Jong-un thường xuất hiện cùng với vợ là Lee Sol-chu trước đám đông hoặc tại nhiều sự kiện quốc gia. Sự thay đổi này đã phá vỡ thông lệ “không công bố tên tuổi và phu nhân của lãnh đạo cũng không xuất hiện trong các hoạt động trước công chúng” như trong thời Kim Jong-il. Hơn nữa, quần áo và phụ kiện nhãn hiệu phương Tây được Lee Sol-chu dùng và trong màn biểu diễn hai vợ chồng xem có xuất hiện nhân vật hoạt hình của Mỹ đã làm bên ngoài cảm thấy được sự thay đổi về ý thức hệ của nhà lãnh đạo này.

- Nhận định du lịch là một ngành mang tại nhiều lợi nhuận và ngoại tệ cao, nhà lãnh đạo trẻ đã tận dụng sự bí ẩn của đất nước và con người nơi đây trở thành điểm du lịch quốc tế hấp dẫn. Theo đó, Triều Tiên phát triển sáu khu du lịch, đồng thời chuyển đổi ba sân bay quân sự sang mục đích dân sự;

- Trong một nỗ lực nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã nới lỏng một loạt lệnh cấm mà trước đây cha mình từng áp đặt, trong đó cho phép du nhập văn hóa phương Tây. Cụ thể, người dân được ăn pizza, dùng di động, phụ nữ được mặc quần tây, đi giầy cao gót và đeo khuyên tai ở nơi công cộng; Nhiều cửa hàng bán các mặt hàng xa xỉ như quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất, nước hoa, đồng hồ, trang sức cao cấp, rượu, bơ, pho mát, thịt bò…cũng được mở ra.

- Ngoài ra, nhà lãnh đạo trẻ tuổi còn khuyến khích người dân tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và đặc biệt quan tâm đến đời sống của giới trẻ. Ông cho phép trẻ em được đến thăm sở thú hay công viên và các khu vui chơi miễn phí.

- Một số chuyên gia đánh giá rằng, với sự kiện này, có thể ông Kim Jong-un muốn bày tỏ cho người dân thấy ông luôn sẵn sàng tiếp thu những yếu tố của văn hóa nước ngoài, ngay cả từ Mỹ, nếu nó phù hợp với nhu cầu của người dân. Những thay đổi mang tính bước ngoặt trên có thể là dấu hiệu tốt đẹp cho một Triều Tiên hướng đến xã hội hiện đại, hòa nhập với thế giới.

- Cộng đồng quốc tế cũng chứng kiến một Triều Tiên khác khi lần đầu tiên Bình Nhưỡng thừa nhận thất bại trong việc phóng tên lửa hồi tháng 4/2012. Dưới thời Kim Jong-il, các vụ thử tên lửa tầm xa luôn được tuyên bố là thành công tuyệt đối cho dù chúng có rơi xuống trước khi đến đích. Nhưng lần này, với CNN truyền hình trực tiếp từ quảng trường Kim Il Sung, Bình Nhưỡng đã thừa nhận vụ phóng tên lửa đã thất bại vì một số nguyên nhân kỹ thuật. Đây chính là sự khởi đầu của một tinh thần mới dám thừa nhận sự thật. Ông Kim Jong-un cũng đã công khai nói về vấn đề lương thực, hàng tiêu dùng và tầm quan trọng của “việc giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân”.

Trong một bài phát biểu trước các quân nhân, ông Kim còn đưa ra vấn đề quân đội cần phải “tự lo”, gợi ý về cắt giảm chi tiêu quân sự để tập trung vào “nền kinh tế của người dân”. Hình ảnh những người lính kiêm thợ xây xuất hiện ở công trường xây dựng là hết sức phổ biến ở Triều Tiên hiện nay.

Ông Kim cũng để cho các thị trường tư nhân nhỏ phát triển, khuyến khích các đặc khu kinh tế và gửi các quan chức ra nước ngoài để học hỏi. Cùng với chương trình xuất khẩu lao động cho phép hàng chục nghìn người Triều Tiên sang Trung Quốc để kiếm được nhiều tiền hơn.

Ông Kim Jong-un cũng chủ trương xây dựng một loạt các công trình, cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế . Theo các hình ảnh vệ tinh hay các bức ảnh do khách du lịch tới Triều Tiên cung cấp, hoạt động xây dựng của Triều Tiên diễn ra khá nhộn nhịp, chứ không đơn thuần chỉ bao gồm khu nghỉ mát trượt tuyết, công viên giải trí hay các tòa nhà chung cư.

Giờ đây, cây cầu treo bắc ngang con sông Áp Lục, nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với thành phố Sinuiju của Triều Tiên, đã trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch, giúp hoạt động thông thương giữa hai nước thêm thuận lợi hơn. Trước đó, tuyến đường sắt dài 54 km, bắt đầu từ thị trấn biên giới phía Đông Khasan và kết thúc ở cảng Rajin ở Triều Tiên, cũng đã được mở lại. Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy, đường cao tốc dọc bờ biển phía tây của Triều Tiên, nối Hamhung tới một khu vực du lịch ở thành phố cảng Wosan, đang được xây dựng.

Như vậy, có thể nói, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng đất nước phồn thịnh là một thay đổi lớn trong chính sách kinh tế của Kim Jong-un. Điều này hứa hẹn một triển vọng sáng cho tiến trình cải cách kinh tế của Triều Tiên.

2. Một số chủ trương cải cách đang đi đúng hướng

+ Vào ngày 31/3/2013, Triều Tiên đã thông qua một "chính sách chiến lược mới" kêu gọi xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn và kho vũ khí hạt nhân.

Chính sách này công bố năm mục tiêu kinh tế:

1) Ổn định đời sống của người dân tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ;

2) Nuôi dưỡng một ngành công nghiệp hạt nhân độc lập và phát triển các lò phản ứng nước nhẹ;

3) Phát triển và phóng vệ tinh tiên tiến, bao gồm các vệ tinh thông tin liên lạc;

4) Chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tri thức, đa dạng hóa các đối tác thương mại nước ngoài và thúc đẩy đầu tư nước ngoài; và

5) Cải thiện và hoàn thiện quản lý kinh tế của Triều Tiên

Trong 5 mục tiêu nói trên, ngoại trừ mục tiêu (3) và (4), tôi cho rằng các mục tiêu còn lại đều rất phù hợp và đúng hướng trong điều kiện của Triều Tiên hiện nay.

+ Kể từ năm 2012, Triều Tiên đã thông báo thử nghiệm cải cách được áp dụng bởi Trung Quốc vào đầu những năm 1980 ở các trang trại hợp tác xã và các nhà máy loại ba hoặc thấp hơn. Đồng thời, Kim Jong-un đã cho chuyển quyền sở hữu của công ty thương mại từ quân đội vào Nội các để cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho tăng trưởng kinh tế.

3. Các yếu tố cơ bản của một nền kinh tế thị trường đã được thiết lập

a. Đặc khu kinh tế (SEZ) theo mô hình Trung Quốc

Trước khi qua đời nửa năm, từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 5 năm 2011, Kim Jong-Il đã có chuyến thăm Trung Quốc để tìm hiểu các kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Kim Jong-Il đã lần lượt đến Mẫu Đơn Giang, Trường Xuân, Dương Châu, Nam Kinh, Bắc Kinh tham quan khảo sát các hạng mục liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân sinh. Sau chuyến thăm này, Triều Tiên đã phát động xây dựng các đặc khu kinh tế (SEZ). Mùa hè năm 2011, Triều Tiên đã hợp tác với Trung Quốc, khởi động hai dự án là khu thương mại tự do La Tiên (Rason) và đảo Hoàng Kim Bình (Hwanggeumpyeong) ở hạ lưu sông Áp Lục (Yalu). Chính phủ Triều Tiên đã có nhiều chính sách ưu đãi cho đặc khu La Tiên. Tháng 4 cùng năm, Triều Tiên tuyên bố tái phát triển khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) vốn do tập đoàn Huyndai Asan đầu tư và đến tháng 5 đã đưa ra “luật định khu du lịch núi Kim Cương”, cho phép pháp nhân nước ngoài, cá nhân và tổ chức kinh tế đến khu du lịch núi Kim Cương đầu tư.

Cùng với việc cải thiện và mở rộng thêm công trình du lịch núi Kim Cương và xây dựng khu tổ hợp công nghiệp Khai Thành, Triều Tiên còn xây dựng thêm các đặc khu kinh tế ở nhiều vùng khác nhau, thiết lập các trung tâm công nghiệp và vành đai công nghiệp có chức năng và định vị khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, như cùng thiết lập ngành sản xuất thâm dụng lao động, khu công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch và thúc đẩy khu kinh tế nông nghiệp.

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, các đặc khu kinh tế, nếu được xây dựng và phát triển thành công, sẽ là những đầu tầu kinh tế của đất nước cả về kinh tế đối nội lẫn đối ngoại. Những đặc khu kinh tế đã được xây dựng ở Triều Tiên (theo mô hình Trung Quốc), sẽ là những cơ sở kinh tế quan trọng cho công cuộc cải cách kinh tế của Triều Tiên trong những năm tiếp theo.

b.Sự hình thành ngày càng vững chắc của tầng lớp thương nhân trong xã hội Triều Tiên

Từ những năm 1990, những thay đổi trong xã hội Triều Tiên đã mở đường cho sự xuất hiện của một tầng lớp mới. Cùng với sự phục hồi của thị trường Triều Tiên, tầng lớp thương nhân đã phát triển nhanh về số lượng. Mặc dù chưa được chính thức thừa nhận, nhưng sự ra đời của họ là một tất yếu khách quan, và họ chính là những mắt xích trung gian của một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Hiện tại, tính trung bình cứ khoảng 30 làng ở Triều Tiên thì có ít nhất một cửa hàng (hoặc một đơn vị thị trường). Như vậy, theo ước tính hiện có có khoảng 500.000 đến một triệu thương nhân chuyên nghiệp ở Triều Tiên.

Cùng với sự gia tăng về số lượng, nhu cầu và phạm vi hoạt động của các thương nhân cũng trở nên đa dạng, các thương nhân đã tự gọi mình là “tầng lớp giữa”.  Họ chiếm vị trí trung tâm không chỉ trong sự thay đổi trong chế độ xã hội của Triều Tiên mà còn trong quá trình quá độ chuyển dần theo hướng thị trường hóa. Khi thị trường bắt đầu mở rộng, các thương gia với khả năng vượt trội đã có thể kiếm được một khoản lợi nhuận lớn, đồng thời, những phương thức kinh doanh đa dạng hơn cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều thương gia bây giờ đã đảm bảo chỗ đứng của họ trong thị trường ổn định lâu dài và đã trở thành thương nhân chuyên nghiệp. Trong tiến trình đó, các thương nhân đã tìm thấy con đường trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả sản xuất để trở thành doanh nhân. Có thể kể đến một số loại hình kinh doanh nhỏ lẻ ở Triều Tiên hiện đang tồn tại và ngày càng phát triển như sau:

(1) Trong lĩnh vực sản xuất: sự hình thành của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, gia công lắp ráp

Xuất phát từ việc nhận hiện vật thay cho tiền lương (do nền kinh tế ảm đạm và hoạt động nhà máy sản xuất khó khăn), những người công nhân Triều Tiên đã trở thành những người sản xuất nhỏ, gia công hoặc lắp ráp trực tiếp các sản phẩm để đưa ra thị trường. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như các sản phẩm giày, động cơ điện, bánh mỳ...

(2) Trong lĩnh vực phân phối: sự hình thành của các thương nhân chuyên nghiệp

Phần lớn các tầng lớp thương nhân ở Triều Tiên làm việc trong khâu phân phối, bán những sản phẩm có chỗ đứng tại thị trường ổn định hoặc gian hàng tại các thị trường mở. Trong số đó, có người sản xuất sản phẩm của họ, có người bán sản phẩm họ thu được từ các nhà máy hoặc các doanh nghiệp thương mại. Lĩnh vực phân phối của Triều Tiên đã được tách ra và dần dần trở thành một khâu trung gian giữa sản xuất và tiêu thụ. Những người bán buôn mua sản phẩm từ các nhà máy, trang trại tập thể hoặc các nhà kinh doanh rồi sau đó phân phối cho các thương gia bán buôn ở cấp thấp hơn tại các chợ để họ bán lại cho những  người bán lẻ.

Trong những năm gần đây, xuất hiện một xu hướng hướng đến kênh phân phối phân đoạn chuyên sâu vào một lĩnh vực như thiết bị điện, quần áo, giày dép và ngũ cốc v.v…

(3) Trong lĩnh vực tài chính : Sự nổi lên của những người cho vay nặng lãi

Vì thương mại phát triển mạnh, việc tiết kiệm và cho vay đã trở thành thiết yếu, tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự xuất hiện của hình thức cho vay nặng lãi. Tương tự như hiệu cầm đồ, những kẻ cho vay nặng lãi coi hàng hoá như tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc cho vay trên cơ sở quen biết. Các khoản vay có lãi suất lên đến 30 %. Mặc dù lãi suất nhiều và rủi ro cao, nhu cầu vay vốn kinh doanh ngày càng tăng và việc thiếu các lựa chọn thay thế đã tạo cơ hội cho việc phát triển và mở rộng hình thức cho vay tư nhân.

(4) Trong lĩnh vực xây dựng: xuất hiện các giao dịch môi giới nhà đất

Việc sở hữu riêng bất kỳ một bất động sản là không hợp pháp ở Triều Tiên. Vì thế, các cá nhân không thể điều hành doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc buôn bán tư nhân và mua căn hộ đã được phổ biến chấp nhận. Giá của một căn hộ 99.18m2 xây theo phong cách của Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng khoảng  từ 100,000 - 300.000 USD. Theo đó, các nhà môi giới bất động sản đã gia tăng về số lượng, cung cấp không chỉ nhà ở mà cả việc làm (để hưởng hoa hồng) nếu cần thiết cho những người di chuyển đến thành phố.

Các tổ chức nhận được cấp phép từ Chính phủ về việc “nâng cao môi trường sống” dành cho các thành viên trong tổ chức. Ban đầu, với các điều khoản, Chính phủ cũng cung cấp các nguyên liệu cần thiết, nhưng bây giờ, các tổ chức phải tự lo lấy các nguyên liệu của mình. Họ cho các cá nhân thầu lại việc xây dựng và cung cấp nguyên vật liệu. Khi tòa nhà được xây xong, mỗi cá nhân tham gia nhận sẽ được từ hai đến ba căn hộ để bán và kiếm lợi nhuận.

"Các công ty tư nhân xây dựng” đang gặt hái được nhiều lợi ích do sự bùng nổ về xây dựng ở Bình Nhưỡng để hướng tới " sự mạnh mẽ và thịnh vượng quốc gia”.

(5) Trong các lĩnh vực khác

- Vận tải tư nhân: Cá nhân mua xe và đăng ký chúng dưới danh nghĩa một tổ chức cụ thể để đóng một khoản phí thường xuyên để vận hành dịch vụ giao thông vận tải.

- Chợ lao động: Cảnh nhiều người đứng ở trước chợ và các nhà ga để chờ việc làm là một hình ảnh quen thuộc ở Triều Tiên hiện nay (Chợ lao động). Cùng với việc thương mại và du lịch từng bước mở rộng, nhiều người cần vận chuyển hành lý, sửa chữa nhỏ...

- Cửa hàng sửa chữa, bán lẻ các thiết bị điện, phụ tùng ô tô..

- Các cửa hàng bách hóa tổng hợp nhỏ lẻ, bán hàng đến tận nhà...

Tóm lại, tầng lớp thương nhân và những cơ sở sản xuất cá nhân nhỏ lẻ của Triều Tiên đang gia tăng mạnh, mặc dù không được công nhận chính thức nhưng sự tồn tại của họ vẫn không thể bị phủ nhận. Sản xuất và phân phối đã được tách ra, các kênh phân phối và các sản phẩm được mở rộng và phát triển hơn. Trong quá khứ, các sản phẩm thủ công bằng tay được bán ở thị trường. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người bán sản phẩm của họ cho các thương nhân, người sẽ lần lượt bán cho chủ cửa hàng. Với sự gia tăng của tầng lớp thương nhân, nhiều người Triều Tiên mơ ước kiếm sống thông qua thương mại. Nếu như tầng lớp thương gia tiếp tục mở rộng với tỷ lệ như hiện nay, bất chấp nỗ lực của mình, Chính phủ sẽ không thể đảo ngược những thay đổi và cuối cùng sẽ phải thừa nhận chúng.

3. Nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác

a. Trong lĩnh vực khai khoáng

Triều Tiên là nước có ưu thế về tài nguyên hơn so với Hàn Quốc. Con đường để Triều Tiên tiến tới mở cửa phát triển kinh tế đất nước đang rộng mở cho việc khai thác và kinh doanh của các công ty khoáng sản năng lượng cả trong nước lẫn nước ngoài.

Triều Tiên chiếm hơn 80% nguồn tài nguyên khoáng sản trên bán đảo. Tài nguyên nước và rừng cũng phong phú hơn Hàn Quốc nhiều. Căn cứ vào thông tin từ bản báo cáo phân tích môi trường Triều Tiên, trước mắt, khu vực trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên chiếm tới 70% diện tích đất, trong đó, các khoáng vật có giá trị khai thác lên đến 200 loại. Trữ lượng vàng và kim loại màu rất phong phú, trữ lượng magie và vonfram hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, trữ lượng quặng sắt của Triều Tiên rất lớn, trong đó, mỏ quặng núi Mậu Sơn (Mu san) có trữ lượng lên đến 280 triệu tấn. Đây là mỏ quặng sắt lớn nhất Triều Tiên với sản lượng đạt đến 8 triệu tấn một năm, có giá trị khai thác cao. Qua điều tra, Triều Tiên còn có nguồn tài nguyên than đá phong phú. Trữ lượng đã thăm dò hiện nay là 150 triệu tấn. Chỉ cần ước tính giá trị của 20 loại tài nguyên khoáng sản chiến lược của Triều Tiên, con số đã lên đến 228 nghìn tỷ won, gấp hơn 24 lần tiềm năng khoáng sản cùng loại của Hàn Quốc.

Quặng uranium và quặng vàng là những loại khoáng sản quý và có giá trị cao ở Triều Tiên. Từ năm 1947, Triều Tiên đã phát hiện uranium ngầm nhờ các chuyên gia Liên Xô. Năm 1964, trữ lượng cơ bản được ước tính khoảng 400 triệu tấn. Hiện tại, Triều Tiên đã có mỏ khai thác và nhà máy chế biến quặng Uranium. Tuy kỹ thuật vẫn còn lạc hậu nhưng là một nhiên liệu hạt nhân quan trọng nên việc tự cung tự cấp và xuất khẩu quặng uranium đã trở thành lá chắn bảo vệ lợi ích và biện pháp đe dọa lớn nhất của Triều Tiên.

Do đó, con đường để Triều Tiên phát triển kinh tế, mở cửa đất nước trong tương lai là chuẩn bị các chính sách cần thiết cho việc mở rộng quyền khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản ở quốc gia này.

b. Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ

Ngoài những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên thì du lịch cũng là ngành không thể thiếu trong quá trình Triều Tiên thực hiện cải cách mở cửa. Sự bí ẩn của Triều Tiên vốn là một điểm mạnh thu hút du khách trên thế giới, hơn nữa, quần thể kiến trúc đài tưởng niệm của thành phố Bình Nhưỡng như Vạn Thọ Đài (Mansudae), tháp Tư tưởng chủ thể (Juche Tower), Bảo tàng Cách mạng…đều có những giá trị độc đáo về mặt thị giác. Bên cạnh đó, các khu du lịch nổi tiếng như Bạch Đầu Sơn (Baekdu san), Diệu Hương Sơn (Myohyang san), Kim Cương Sơn (Kumgang san), Thất Bảo Sơn (Chilbo san), Cửu Nguyệt Sơn (Kuwol san), khu trượt tuyết Mã Tức Linh (Masik Pass) đều là những điểm tham quan hấp dẫn du khách.

Các địa điểm trên sẽ có các tour du lịch trong ngày hoặc lên đến trên dưới 15 ngày. Được biết, trước đây các đoàn du lịch đến Triều Tiên thường kéo dài bốn, năm ngày. Nếu như Triều Tiên thực sự đưa ra hành trình lên đến nửa tháng thì điều này có nghĩa là du khách nước ngoài có thể ở lại Triều Tiên trong thời gian khá dài. Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt về hạn chế điện thoại di động và tiếp xúc với người bản địa cũng có thể được nới lỏng.

Hiện tại, Triều Tiên mới có một số tour mang tính tích hợp văn hóa thể thao cho du khách quốc tế như tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình quy mô lớn. Tuy nhiên, gần đây họ đã nỗ lực phát triển các loại hình du lịch đặc thù bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch cho người thích bay lượn, du lịch bằng xe đạp….

Triều Tiên rất coi trọng ngành dịch vụ, đồng thời, đang cải tạo triệt để nhiều lĩnh vực liên quan du lịch như  giới thiệu du lịch, dịch vụ dịch thuật, giao thông vận tải, dịch vụ khách sạn. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là mùa du lịch truyền thống của Triều Tiên nhưng trong tương lai, chỉ cần du khách có nhu cầu thì có thể mở tour vào những lúc khác nữa.

Triều Tiên có những thay đổi lớn trong chính sách du lịch như vậy cho thấy các nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn thông qua phát triển du lịch để đẩy nhanh tốc độ xây dựng “cường quốc kinh tế”. Trong báo cáo tại phiên họp toàn thể của Đảng Lao động, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh, nên khai thác các địa điểm tại Nguyên Sơn, Thất Bảo Sơn thành các địa điểm tham quan và tích cực phát triển ngành du lịch.

c. Các lĩnh vực khác như xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, nhà ở, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm... đều là những lĩnh vực đầy tiềm năng để phát triển.

4. Sức ép của sự phát triển tự phát trong nước

Quan niệm của người dân Triều Tiên đã và sẽ có những thay đổi. Một mặt, sau khi chính sách cải cách được thực thi, người dân Triều Tiên sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc và Hàn Quốc (như băng đĩa, radio v.v…) từ đó, có được những tri thức và kiến thức mới từ thế giới bên ngoài; một mặt là ý thức về thương mại hóa được phát triển, nhiều người lấy kiếm tiền trở thành việc trọng yếu, đồng thời, nỗ lực tìm nhiều cách và cơ hội có thể kiếm tiền. “Mùi vị của đồng tiền” đã đi vào mọi ngõ ngách trong xã hội Triều Tiên, cùng với sự thay đổi này, người dân bắt đầu tìm hiểu giá thành hàng hóa, dịch vụ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán kiếm lợi sẽ trở thành một xu thế tất yếu, và dù Chính phủ có thừa nhận hay không, các hoạt động này vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Ví dụ, chợ nông thôn của Triều tiên đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước, sự đi lên của nó không phải do Chính phủ trợ giúp hay sắp xếp, mà vốn là sự phát triển tự nhiên do nhu cầu của thị trường hoặc là bản năng phản ứng trước sự đói kém và thiếu thốn. Đối mặt với xu thế phát triển này, Chính phủ đã phải chấp nhận sự tồn tại của nó. Đặc biệt là trong những năm gần đây, Chính phủ Triều Tiên đã phải thay đổi lập trường quan điểm về vấn đề chợ tự do, từ hạn chế đến ủng hộ, bởi chợ đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống của người dân Triều Tiên.

Một ví dụ khác có thể thấy rõ liên quan đến sức ép của “chợ đen” là chủ trương cải cách tiền tệ vào năm 2002. Chính sách cải cách tháng 7 năm 2002 thật sự đã thừa nhận một vấn đề: giá cả của thị trường tự do ở một mức độ nào đó sẽ quyết định hoặc chỉ rõ xu thế của nền kinh tế, đồng thời, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh tế của Chính phủ. Trước tháng 7 năm 2002, giá cả nhiên liệu và thực phẩm trên thị trường đã chênh lệch đáng kể so với giá chính thức. Do nhà nước đã không thể khống chế được hệ thống giá cả thực tế nên giá thành trong ngành dịch vụ và điện lực cao hơn giá nhà nước quy định rất nhiều. Tỷ giá chính thức của đồng won Triều Tiên so với đôla Mỹ chỉ tồn tại trên hình thức, không thể có trong giao dịch của tư nhân. Hơn nữa, do Triều tiên phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu thốn đồ dùng nghiêm trọng nên chỉ có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ hoặc đôla Mỹ để tiến hành giao dịch. Bởi thế, Triều Tiên không thể không dùng cách nâng cao giá cả hàng hóa hoặc phá giá tiền tệ để phản ánh giá trị thực của hàng hóa. Do “chợ đen” có thể mang lại lợi nhuận nên nông dân và thương nhân đều muốn bán hàng hóa ở đây, vì thế, chính thị trường không chính thức này cuối cùng lại là nhân tố chủ yếu quyết định sự phân công lao động và phân bổ nguồn tài nguyên.

 

5. Bối cảnh quốc tế và khu vực

Trong lúc quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, hầu hết các nước trong khu vực đều tham gia ngày càng sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, thì Triều Tiên cho đến nay về cơ bản vẫn là một quốc gia nằm ngoài tiến trình này. Tuy nhiên, trước sức ép của sự phát triển và những lợi ích to lớn mà sự tham gia vào hội nhập quốc tế mang lại, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải lựa chọn con đường cải cách và mở cửa hơn nữa nền kinh tế khép kín của mình.

TS. Trần Quang Minh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

(bài viết: Các nhân tố tác động tới triển vọng cải cách kinh tế của Triều Tiên)

 

  1. Bí mật về người con út của Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong Il, http://www.tinmoi.vn/lienquan/Bi-mat-ve-nguoi-con-ut-cua-Chu-tich-Trieu-Tien-Kim-Jong-il-34922.html
  2. Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Kim Jong-un, http://vov.vn/the-gioi/ho-so/hai-nam-cam-quyen-cua-lanh-tu-trieu-tien-kim-jongun-315987.vov
  3. Kim Jong-un tiến thêm một bước tới cải cách, http://kienthuc.net.vn/nong-sau/kim-jongun-tien-them-mot-buoc-toi-cai-cach-229609.html
  4. Sự nổi lên của tầng lớp thương nhân trong xã hội Triều Tiên hiện nay, http://cks.inas.gov.vn
  5. Triều Tiên cải cách kinh tế theo hướng thị trường, http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/the-gioi/trieu-tien-cai-cach-theo-huong-kinh-te-thi-truong-a7118.html
  6. Triều Tiên cải cách theo mô hình Trung Quốc, http://kienthuc.net.vn/nong-sau/trieu-tien-cai-cach-theo-mo-hinh-trung-quoc-237630.html
  7. Triều Tiên cải cách tiền lương, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trieu-tien-cai-cach-tien-luong-2761985.html
  8. Triều Tiên lại khởi động cải cách kinh tế, http://www.time-weekly.com/story/2012-09-13/126796.html
  9. Triều Tiên phát động “cuộc chiến trồng lúa”, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130510/trieu-tien-phat-dong-cuoc-chien-trong-lua.aspx
  10. Triều Tiên sản lượng nông nghiệp tăng 30% nhờ cải cách, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/trieu-tien-san-luong-nong-nghiep-tang-30-nho-cai-cach-826021.htm
  11. Triều Tiên thử nghiệm cải cách kinh tế, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130513/trieu-tien-thu-nghiem-cai-cach-kinh-te.aspx

 

 

 


Scroll To Top