Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌM HIỂU GIÁ TRỊ CỦA HYANGKA (HƯƠNG CA) HÀN QUỐC (Phần 3)

Đăng ngày:

Thứ ba, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần sâu sắc của người Shilla

(1) Phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tâm linh phong phú

Hương ca được sáng tác bằng ngôn ngữ Hàn, có nghĩa là từ cách tư duy, tiếp cận, sử dụng công cụ giao tiếp để sáng tác thuận lợi hơn nhiều so với sử dụng ngôn ngữ ngoại lai (cụ thể là chữ Hán), bởi vậy, Hương ca dễ dàng phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của người Shilla tinh tế và sâu sắc. Hơn nữa, như trên vừa nêu, tam giáo cùng tồn tại và phát triển ở Shilla, đó chính là chất liệu phong phú tạo cho dòng Hương ca phản ánh văn hóa tâm linh đương thời. Trong tam giáo nêu trên, Phật giáo phát triển mạnh nhất thì lẽ đương nhiên văn hóa tâm linh Phật giáo được phản ánh đậm nét nhất. Tiếp sau đó, dòng Quốc tiên cũng được thể hiện rõ nét, trong đó, nổi bật nhất là bài Mộ Trúc chỉ lang ca, Đâu suất ca, Tán Kỳ bà lang ca cùng nhiều ý tứ tâm linh trong một số bài khác. Văn hóa Nho giáo cùng văn hóa tín ngưỡng dân gian cũng được thể hiện đan xen trong một số bài ca như An dân ca, Oán ca, Tế vong muội ca...

(2) Thể hiện sự lãng mạn của người Shilla

Một số bài Hương ca như Thự đồng dao, Hiến hoa ca được coi là những bài ca lãng mạn nhất, thậm chí được coi như những chuyện lạ kỳ, hư cấu mang tính tưởng tượng chứ không thể xảy ra trong đời thường. Tác giả của bài ca thứ nhất vốn chỉ là anh chàng nghèo khó bán khoai lang ở đầu phố lại si mê công chúa xinh đẹp quý phái. Anh ta sáng tác bài ca trên rồi vừa cho trẻ con ở đầu phố khoai lang vừa dạy chúng hát bài đồng dao đó. Nội dung bài đồng dao tiết lộ câu chuyện tình lén lút của công chúa mà hoàng tộc nghiêm cấm. Bài ca lan truyền rộng rãi rồi lọt vào cung cấm. Công chúa Seon Hwa (Thiện Hoa) bị đuổi khỏi cung. Khi đó, anh chàng mới gặp được công chúa, thổ lộ tình cảm và hai người yêu nhau. Câu chuyện chỉ có thể là truyền thuyết  và để hiện thực hóa, dân gian truyền rằng anh chàng đó là Baekje Vũ Vương cho xứng đôi với công chúa Shilla. Điều đó phản ánh niềm mơ ước và khát khao một tình yêu tự do, không bị ràng buộc bởi thân phận  sang hèn và quốc tịch khác nhau.

Câu chuyện được coi như xuất xứ của bài Hiến hoa ca còn lãng mạn hơn nữa. Phu nhân Suro (Thủy Lộ) được coi là tuyệt sắc mỹ nhân trên đường cùng chồng đi nhận chức Thái Thú ở Kangneung trông thấy một cành hoa đỗ quyên nở rất đẹp trên vách đá cheo leo bên bờ biển. Phu nhân truyền cho binh lính tháp tùng lên hái nhưng không ai dám mạo hiểm. Lúc đó, một ông lão dắt con bò đi ngang qua, ông đã không sợ hiểm nguy trèo lên hái hoa rồi vừa đưa tặng nàng vừa hát bài Hương ca trên. Sự tuyệt vời của ông lão là ở chỗ đó! Trước sự quyến rũ của vẻ đẹp tuyệt trần, ông lão đã mang hết công sức và lòng nhiệt tình để làm sao có thể quyến rũ người đẹp. Lòng nhiệt thành ấy đã biến ông trở thành chàng trai trẻ cường tráng để có thể trèo lên vách đá hiểm trở hái một nhành hoa tặng nàng[1].

(3) Phản ánh đời sống văn hóa dân gian đa dạng

Trong những câu chuyện tạo bối cảnh cho bài Hương ca và nội dung cụ thể bài ca, người đọc thấy rõ, nhiều mặt của đời sống dân gian đã được khắc họa rõ nét. Những câu chuyện thần bí về nhà sư Nguyệt Minh, nhà sư Trung Đàm, Vĩnh Tài; Câu chuyện và bài Hương ca Xử Dung; Nội dung bài Tế vong muội ca đã phản ánh nhiều mặt, đa chiều, vừa kỳ ảo vừa hiện thực trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và các vong linh là người thân của tác giả.

Giá trị về nghệ thuật

Về mặt thể tài, Hương ca được sáng tác theo 3 thể: 4 câu, 8 câu và 10 câu. Nếu nhìn về thể 4 câu và 8 câu thì nhiều nhà nghiên cứu thơ ca sẽ liên tưởng ngay đến thể thơ tứ tuyệt và thất ngôn bát cú rất thịnh hành vào đời nhà Đường Trung Quốc. Thời Shilla cũng tương đương với thời kỳ nhà Đường, bởi vậy, ảnh hưởng của thể thơ Đường sang Shilla là không thể phủ nhận. Song, ở đây, ta thấy có một sự độc đáo mà không thể liên tưởng, đó là thể 10 câu của riêng Hương ca Shilla. Theo thể này, bài ca được chia làm 3 đoạn: 4-4-2. Đoạn đầu được coi như phần nhập đề, thường nêu triết lý, luận điểm và nội dung chủ yếu. Đoạn giữa thường nêu cảm xúc, bình luận. Hai câu cuối là phần kết luận. Nét độc đáo thể hiện ở hai câu cuối này. Ở đầu câu thứ 9, luôn luôn phải có từ cảm thán “A…” đưa cảm xúc thơ ca lên cao và sau đó, đến câu thứ 10 thì hạ dần cung bậc, kết thúc toàn bộ bài ca. Bởi nét độc đáo của thể Hương ca 10 câu mà hầu hết các bài ca mang tính nghệ thuật cao đều được sáng tác theo thể này.

Lời kết

Ngay từ trước thế kỷ X, trong khi nhiều nước ở khu vực Đông Á còn chưa hình thành triều đại phong kiến, văn học viết còn chưa phát triển thì ở bán đảo Hàn, văn học đã phát triển khá cao, trong đó, Hương ca được ghi chép bằng ngôn ngữ của dân tộc Hàn (chữ Hương trát) đã rất thịnh hành. Sử liệu đã ghi rõ như vậy và số lượng 25 bài Hương ca tìm được trong thư tịch cổ là minh chứng cho sử liệu đã ghi.

Giá trị của Hương ca được biểu hiện rõ ở các mặt nội dung và nghệ thuật. Giá trị về nội dung rất phong phú mà bài viết dẫu đã nêu ở trên nhưng chưa thể đề cập hết. Giá trị về nghệ thuật đã khẳng định nét riêng của văn chương Hàn Quốc và sự sáng tạo nghệ thuật cao của các văn nhân thời Shilla.Hương ca thực sự là những viên ngọc quý trong thi ca cổ điển Hàn Quốc!

 

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011.

2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

6. Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 

 



[1] Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006, tr.58-59.


Scroll To Top