TÌM HIỂU GIÁ TRỊ CỦA HYANGKA (HƯƠNG CA) HÀN QUỐC (Phần 2)
Đăng ngày:
2. Những giá trị của Hương ca Thứ nhất, phản ánh sâu sắc sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Từ đầu thời Ba vương quốc (Koguryeo, Baekje, Shila), vào năm 372, tức năm thứ 2 đời vua Sosurim, vua Phù Kiên của nhà Tấn Trung Quốc đã cử sư Thuận Đạo sang Koguryeo để truyền kinh sách và tượng Phật. Năm 374, nhà sư A Đầu của nhà Tấn cũng đến Koguryeo. Triều đình Koguryeo đã cho xây dựng Chomunsa (Thiếu môn tự) và IBunllasa (Y Phật Lan tự) để làm nơi tu hành và truyền đạo của hai nhà sư trên. Đây được coi là mốc thời gian mà Phật giáo truyền vào bán đảo Hàn. Bởi Baekje và Shilla tiếp nhận Phật giáo muộn hơn Koguryeo. Dẫu thời gian du nhập Phật giáo vào 3 vương quốc có khác nhau nhưng có một điểm chung là đều được chính quyền trung ương tiếp nhận, hoàng thất công nhận và phát triển thành một thứ tôn giáo chính thống của quốc gia. Đây là nguyên nhân chính tạo nên sự phát triển nhanh của Phật giáo thời bấy giờ. Sau khi Shilla thống nhất đất nước (năm 668) thì Phật giáo hưng thịnh. Sự hưng thịnh đó được thể hiện rõ trong việc mở rộng chùa chiền, tăng nhanh tín đồ, in ấn, phát hành các sách giải nghĩa kinh Phật. Đó là nhìn từ góc độ quốc gia. Còn trong dân gian, để tìm hiểu xem trăm họ có ủng hộ, sùng bái Phật giáo hay không thì không thể không nghiên cứu, phân tích tư liệu dân gian, trong đó, Hương ca là tư liệu quý hiếm. Trong số 14 bài Hương ca trong Tam quốc di sự[1], ta thấy có tới 9 bài do nhà sư hoặc tín đồ Phật giáo sáng tác. Bởi tác giả là sư sãi nên nội dung đều mang màu sắc tôn giáo mà họ dốc lòng tin, trong đó, đặc biệt có những bài riêng chỉ ca ngợi Phật giáo hoặc bày tỏ lòng thành kính với đức Phật như Thiên thủ Quan âm ca, Nguyện vãng sinh ca. Còn 11 bài Hương ca trong Quân Như truyện thì tất cả đều có nội dung liên quan đến Phật giáo,ca ngợi đức Phật và tuyên truyền giáo lý nhà Phật. Đó là nói về tỷ lệ số lượng bài có liên quan đến Phật giáo. Còn nói về “uy lực” có tính chất thần thánh thì ta có thể chiêm nghiệm qua nội dung và xuất xứ các bài như Thiên thủ Quan âm ca, Đâu suất ca, Ngộ tặc ca, Nguyện vãng sinh ca. Xin nêu 2 ví dụ điển hình: Bài Đâu suất ca, còn có tên gọi là Tán hoa ca được sáng tác trong bối cảnh như sau: Ngày mùng 1 tháng 4 năm Canh Tý (năm 760), tức năm thứ 19 đời vua Cảnh Đức, có hai mặt trời cùng xuất hiện suốt cả mười ngày mà không lặn. Quan coi thiên văn tâu rằng: - Mời nhà sư có nhân duyên tán hoa công đức[2] thì mới hóa giải được tai ương này. Vì thế, nhà vua cho lập đàn thanh khiết ở điện Triều Nguyên rồi ngự giá tới lầu Thanh Dương chờ đợi nhà sư có nhân duyên tới. Bấy giờ, nhà sư Nguyệt Minh đang đi trên con đường phía Nam giữa cánh đồng. Nhà vua liền sai người vời gọi rồi ra lệnh mở đàn và viết bài cầu nguyện. Nhà sư Nguyệt Minh liền làm bài Hương ca nêu trên rồi hát ngâm trước đàn cầu nguyện thì một mặt trời biến mất. Bài Ngộ tặc ca được sáng tác trong bối cảnh như sau: Nhà sư Vĩnh Tài lúc tuổi xế chiều có ý định sống ẩn cư ở Nam Nhạc. Khi đi tới Đại Hiện Lĩnh (đỉnh Đại Hiện) thì gặp toán cướp hơn 60 tên. Bọn đạo tặc định sát hại ông, lấy dao kề tận cổ mà ông không hề sợ hãi, khí sắc điềm nhiên như không. Bọn đạo tặc thấy kỳ lạ bèn hỏi họ tên, ông đáp là Vĩnh Tài. Bọn chúng lúc bình thường từng được nghe danh của ông nên bảo ông làm một bài ca. Ông liền xuất khẩu thành chương rồi hát ngâm cho chúng nghe. Bọn đạo tặc cảm động bởi bài ca đó, đưa cho hai tấm lụa. Ông vừa cười vừa tiến lên phía trước từ chối mà rằng: - Ta hiểu được của cải là cái căn của địa ngục, nay muốn lánh trong núi sâu để gửi gắm cuộc đời thì đâu dám nhận. Nhà sư Vĩnh Tài liền vứt xuống đất. Bọn đạo tặc lại cảm động vì lời nói đó liền vứt bỏ giáo mác, xuống tóc làm sư, cùng với Vĩnh Tài vào ẩn cư trong núi Trí Dị, không trở lại thế gian nữa. Qua hai ví dụ nêu trên, có thể nhiều người cho là “duy tâm, phi hiện thực”, không phù hợp trong xã hội ngày nay. Nhưng, sự biến đổi kỳ lạ cũng như sự lôi cuốn kỳ diệu trong phần trích dẫn trên là được ghi trong sử sách của Hàn Quốc. Phải chăng, tôn trọng giá trị tư liệu, ta thấy, chúng đã phản ánh sự phát triển sâu rộng của Phật giáo ở xã hội Shilla bấy giờ? Phản ánh đức tin thành kính của người Shilla đương thời đối với Phật giáo? Thứ hai, phản ánh sự hòa hợp tam giáo Tam giáo ở đây là Phật giáo, Nho giáo và Đạo Hoa lang.Vào thời Shilla thống nhất và thời sơ kỳ Koryeo, Phật giáo hưng thịnh và chiếm vị trí quan trọng. Song, Nho giáo và Đạo Hoa lang vẫn cùng tồn tại và phát triển đan xen. Thông qua hai bộ sách Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự cùng tư liệu bi ký, các sử gia cho biết, năm 372, năm thứ hai đời vua Sosurim, cùng đồng thời với việc du nhập Phật giáo thì ở Koguryo, nhà Thái học đã được xây dựng. Nhà Thái học là trường đào tạo nho sinh. Sự xuất hiện trường này phản ánh một điều rằng, sự phát triển của việc học chữ Hán và tư tưởng Nho học đã đạt tới một mức độ nhất định, đồng thời, nó cũng khẳng định chỗ đứng chính thức của Nho học ở đây. Tư liệu viết về Baekje còn cho biết, vào thời vua Geunchogo trị vì (346-375), nho sĩ nổi tiếng đương thời là Wang In (Vương Nhân) đã mang sách Luận ngữ và Thiên tự văn sang Nhật Bản để giảng dạy. Ở Shilla, tư liệu còn phong phú hơn và cho biết rõ Shilla đã sử dụng niên hiệu theo Trung Quốc, thiết lập thể chế quận huyện và chế độ tang phục theo như Trung Quốc. Từ khi Shilla thống nhất bán đảo, Nho học phát triển rất mạnh. Những nhà nho nổi tiếng đương thời có công lớn truyền thụ Nho học như Gang su (Cường Thủ: ?-692), Seol Chong (Tiết Thông:655-?), Choe Chi won (Thôi Trí Viễn:857-?)…đã được ghi danh trong sử sách Hàn Quốc. Vào thời kỳ này,cơ quan giáo dục Nho giáo lớn nhất là nhà Quốc học đã chính thức được thành lập vào năm thứ 2 đời vua Sinmun (năm 682). Các chức quan trong trường Quốc học như Khanh, Bác sĩ, Trợ giáo, Đại xá đã được đặt ra và tài liệu để giảng dạy, học tập gồm Lễ ký, Chu dịch, Luận ngữ, Văn tuyển..vv đã được sử dụng… Những điều nêu trên tuy còn khái quát nhưng cũng chỉ muốn nêu rõ một điều rằng, Nho học, Nho giáo thời kỳ này phát triển song hành với Phật giáo. Dẫu rằng Nho giáo không hưng thịnh và phát triển như Phật giáo nhưng đã được áp dụng trong thể chế chính trị, được sử dụng trong việc đào tạo đội ngũ quan lại và sắp xếp lại trật tự xã hội theo hướng Nho giáo. Cũng vào thời kỳ này, cùng với sự phát triển của Phật giáo và Nho giáo, có một đạo nữa mang đặc trưng riêng của Shilla cùng tồn tại và phát triển. Trong Loan Lang bi tự (Lời tựa bia Loan Lang), Choe Chi won (Thôi Trí Viễn) viết: “Nước ta có thứ đạo rất huyền diệu gọi là Pung nyo (Phong lưu). Căn nguyên đạo ấy đã được nêu cụ thể trong sử sách trước đây, trên thực tế, nó bao hàm cả 3 đạo và tiếp nối mà giáo hóa chúng sinh. Trong nhà thì giữ đạo hiếu với cha mẹ, ra ngoài thì trung thành với đất nước, đó là lời dạy của đức Khổng tử. Xử lý sự việc bằng vô vi, thực hiện cái đạo bất ngôn, đó là tông chỉ của Lão tử. Không làm điều ác, ủng hộ và làm việc thiện, đó là lời dạy của đức Phật”.[3] Ngoài tên gọi Pung nyo do (Phong lưu đồ) ra, còn có một số tên gọi khác như Pung wol do (Phong nguyệt đồ); Guk seon do (Quốc tiên đồ)[4]. Tới năm thứ 37 đời vua Jin heung (năm 576), tên gọi thống nhất “thứ đạo huyền diệu” đó là Hwa rang do (Hoa Lang đạo). Tới đây, đạo này đã được hoàn bị về mặt thể chế ở cấp độ quốc gia và là một tổ chức chuyên giáo dục các thanh thiếu niên phấn đấu hoàn thiện nhân cách, rèn luyện tinh thần và thể chất theo giáo lý đã nêu ở trên, sẵn sàng tham gia chiến đấu, hi sinh khi đất nước cần. Trong nội dung các bài Hương ca và câu chuyện dẫn giải, được coi như bối cảnh hoặc xuất xứ bài Hương ca, ta thấy rõ sự hòa hợp tam giáo nêu trên. Tác giả một bài Hương ca vốn là nhà sư danh tiếng ,nhà sư Trung Đàm nhưng thể theo mong muốn của nhà vua đã làm ngay một bài Hương ca rồi hát ngâm cho vua nghe. Bài đó có tên là An dân ca, nội dung mang đậm triết lý nhà Nho, trong đó, hai câu kết nói rõ: Vua ra vua, quan ra quan, dân xứng là dân; Đất nước sẽ mãi hưởng thái bình. Lại nữa, trong câu chuyện về nhà sư Wol myong (Nguyệt Minh) sáng tác bài Đâu suất ca cũng phản ánh rõ sự hòa hợp tam giáo. Khi nhà vua ra lệnh mở đàn và viết bài cầu nguyện thì nhà sư Nguyệt Minh tâu: - Thần tăng thuộc nhóm Quốc tiên nên chỉ biết hương ca chứ không thông thạo Phạn thanh[5]. Nhà vua nói: - Đã xem quẻ chọn được nhà sư có nhân duyên thì dùng hương ca cũng được. Theo nội dung trên, Nguyệt Minh thuộc nhóm Quốc tiên nhưng lại được gọi là sư, xưng là Thần tăng, lại sáng tác bài Đâu suất ca dâng lên đức Phật. Đoạn sau ghi tiếp và càng làm sáng tỏ ý tứ vừa nêu trên: “Điều đó đủ biết Nguyệt Minh chí đức và chí thành, có thể cảm động đến đức Phật như vậy đó! Trong triều ngoài nội ai ai cũng biết chuyện này, nhà vua càng kính trọng nhà sư Nguyệt Minh, lại tặng cho một trăm tấm lụa để biểu thị tấm lòng trọng vọng.” Hàn Quốc có hai bộ sử rất quan trọng là Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự.Tam quốc di sự xuất hiện muộn hơn bộ sử ký và đã bổ sung nhiều tư liệu trong dân gian mà bộ sử ký còn thiếu. Các học giả Hàn Quốc xưa nay đều khẳng định rằng 14 bài Hương ca trong Tam quốc di sự phản ánh đa chiều trong dân gian thời Ba vương quốc, trong đó, sự hòa hợp tam giáo như đã nêu trên cũng thống nhất và là sự bổ sung cần thiết cho bộ sử ký. TS. Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011. 2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006. 3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992. 4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986. 5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997. 6. Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum. [1]Nội dung cụ thể 14 bài Hương ca này đã được đăng trên trang web Nghiên cứu Hàn Quốc của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á [2] Tán hoa: dâng hoa niệm Phật; công đức: một hành vi có tâm có đức theo giáo lý nhà Phật. [3] Dẫn lại Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011, tr650. [4] Chữ do (đồ) ở đây có thể hiểu là nhóm, phái, cũng có thể hiểu theo ý nghĩa rộng hơn là đạo như lời Thôi Trí Viễn đã giải thích ở trên. [5] Phạn thanh: tức Phạn bối, chỉ bài hát ca ngợi đức Phật, ý nói việc niệm Phật bằng tiếng Phạn.