JEONG KEUK-IN (ĐINH KHẮC NHÂN) – TÁC GIẢ SÁNG TÁC KASA (CA TỪ) ĐẦU TIÊN CỦA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Đinh Khắc Nhân ( 1401 – 1481) có hiệu là Bất Ưu Hiên được sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong thời kỳ thịnh trị nhất của triều đại phong kiến Choseon dưới sự trị vì của nhà vua anh minh Sejong (1418-1450). Vốn được học hành tới nơi tới chốn, lại có tư chất thông minh, đĩnh đạt, ông lần lượt thi đỗ tiểu khoa rồi đại khoa, làm quan trải qua các đời vua Munjong (Văn Tông:1450-1452), Danjong (Đoan Tông: 1452-1455), Sejo (Thế Tổ: 1455-1468) mà không gặp trở ngại gì. Đến đời vua Seongjong (Thành Tông: 1469-1495), do tuổi đã cao, ông từ quan về quê mở trường dạy học và sáng tác thơ văn. Ông sáng tác nhiều, cả thơ chữ Hán và chữ Quốc ngữ, tập hợp lại thành một tập, đặt tên là Bất Ưu Hiên văn tập. Trong văn tập. có bài Thưởng Xuân khúc được viết theo thể tài ca từ và các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến cho rằng, đây là bài ca từ xuất hiện sớm nhất và tác giả là người đầu tiên sáng tác ca từ. Thưởng Xuân khúc được sáng tác trong thời kỳ tác giả đã nghỉ hưu, về quê vui hưởng tuổi già với thiên nhiên sông núi. Phong cảnh mùa xuân muôn màu sắc với trăm hoa đua nở được tác giả cảm nhận với một tâm tư nhẹ nhõm, thanh thản và từ đó, dòng thơ cứ tuôn trào, bộc bạch hết tâm sự của người thi sĩ với sông núi gió trăng. Trước khi xuất hiện thể tài Kasa (Ca từ), ở Hàn Quốc đã xuất hiện một thể tài được gọi là Sijo (Thời điệu), thể tài Sijo đã được các thi nhân sử dụng để ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên. Có điều, Sijo là thể thơ ngắn, dẫu đã có nhiều cải biến, mở rộng nhưng không thể đáp ứng được sự thể hiện tâm tư tình cảm cũng như dòng cảm xúc tuôn trào của thi sĩ. Bởi thế, ca từ với hình thức cởi mở hơn đã xuất hiện mà Thưởng Xuân khúc là bài tiêu biểu. Thưởng Xuân khúc được kết cấu gồm 3 phần là tự sự mở đầu, phần chính và lời kết. Lời tự sự mở đầu: Cuộc đời ta, Bụi hồng che phủ, Thử hỏi ra sao? Sự phong lưu ấy, Bằng người xưa chăng? Kém người xưa chăng? Tác giả tự hỏi mình về cuộc đời đã trải qua có khiếm khuyết gì chăng? Tự hỏi về cuộc sống hiện tại được sống với quê hương, hòa mình với thiên nhiên liệu có phong lưu như người xưa chăng? Đoạn tiếp theo miêu tả sự hứng thú cao độ của tác giả, say sưa với phong cảnh hoa nở và ruộng nương trong mùa xuân mới: Hoa hồng hạnh, hoa đào thắm, Đua nở trong nắng chiều tà. Cây liễu xanh, đồng cỏ xanh, Gặp mưa xuân càng thêm xanh mướt. Ở phần kết,tác giả bộc bạch hết tâm sự chỉ có thể sống và kết bạn vối thiên nhiên sông núi, gió mát trăng thanh, ghét bỏ vinh hoa phú quý. Từ đây, ca từ là một loại văn vần có đặc trưng mang nội dung đa dạng, cởi mở, cấu tạo nên những câu chuyện dài với hình thức có bốn nhịp liên tục. Câu cuối cùng cần phải có bốn tiết nhịp giống như chương cuối của Sijo. Thể tài này thường được gọi là ca từ chính cách, liên quan sâu sắc với khuynh hướng mang tính chất trữ tình và Đinh Khắc Nhân là người khởi xướng. Vào khoảng thế kỷ XVII, các vấn đề mang tính hiện thực đã xâm nhập vào ca từ chính cách và làm phong phú thêm về mặt nội dung. Tuy vậy, về mặt hình thức, dẫu có sự biến đổi đôi chút với khuynh hướng mở rộng hơn nhưng ở câu cuối vẫn giữ bốn tiết nhịp bình thường như ban đầu. Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo 1. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006. 2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992. 3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986. 4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.