JEONG CHEOL (TRỊNH TRIỆT: 1536-1593) – MỘT ĐẠI GIA VỀ KASA (CA TỪ) TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Jeong Cheol (Trịnh Triệt), tự là Quý Hàm, hiệu Tùng Giang sinh ra ở Hán Thành (Seoul ngày nay) vào năm 1536. Ông sinh sống ở kinh đô được 10 năm thì xảy ra cuộc thảm sát kẻ sĩ năm Ất Tỵ. Do chồng chị gái ông có liên quan nên gia đình ông bị liên lụy. Bởi thế, nhà ông phải chuyển sang tỉnh Jeon Nam. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, lanh lợi, tính tình cuơng trực và được giáo dục, học hành chu đáo. Năm 27 tuổi, tức vào năm 17 đời vua Meongjong (Minh Tông), ông thi đỗ Trạng Nguyên và ra làm quan, đảm trách các chức vụ như Phụ trách Tư hiến phủ, Lại tào phán thư, Đại Tư hiến. Cuộc đời làm quan của ông gặp nhiều trắc trở. Sự trắc trở đầu tiên là sự kiện người anh họ nhà vua là Yong Yang–kun đã giết em trai vợ rồi chiếm đoạt tài sản nhà vợ. Ông là người chịu trách nhiệm xử lý vụ này. Nhà vua đã nhiều lần nói với ông muốn giảm nhẹ tội cho kẻ phạm pháp nhưng ông vẫn theo pháp luật xử tội tử hình. Ông được ca ngợi là người chính trực, có tính quyết đoán, nhưng mặt khác, ông bị một số quan lại trong triều bài xích. Sự trắc trở tiếp theo còn nặng nề hơn. Đó là từ khhi ông trở thành nhân vật trung tâm của đấu tranh giành quyền lực. Khi đó, trong triều chia ra hai phái Đông Tây. Ông là người đứng đầu phái Tây đối lập với phái Đông và trong vòng xoáy đấu tranh quyền lực khắc nghiệt ấy, ông đã nhiều lần thất bại và cũng nhiều lần phản kích lại phái kia. Năm 1589, tức năm thứ 22 đời vua Seonjo ( Tuyên Tổ), xảy ra loạn Jeong Yeo-rip ( Trịnh Nhữ Lập). Vua Seonjo cử ông xử lý vụ này. Trong quá trình làm án, ông đã thảm sát nhiều nho sĩ phái Đông. Bởi thế, ông lại có nhiều đối thủ hơn trong triều. Cuối cùng, do phái kia phản kích mạnh trở lại, ông bị buộc phải từ chức và bị lưu đày[1] ra đảo Kang Hwa (Giang Hoa). Ông mất ở đó vào năm 1593, tức năm thứ 2 xảy ra sự kiện Nhâm Thìn Oa loạn. Ông sáng tác nhiều thơ văn, cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ, hiện còn lưu giữ được Tùng Giang tập và Tùng Giang ca từ. Phong cách thơ chữ Hán của ông phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi tư tưởng Nho giáo khắt khe, nội dung trong sáng và nêu ra những điều mới lạ so với tư tưởng Nho giáo bấy giờ. Giá trị thi ca của ông nằm trọn trong ca từ. Tổng cộng số bài còn lại gồm 5 bài: Quan Đông biệt khúc, Tư mỹ nhân khúc, Tục tư mỹ nhân khúc, Tinh sơn biệt khúc, Tương tiến tửu. Trong đó, 3 bài đầu rất nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Quan Đông biệt khúc là ca khúc nổi bật nhất trong ca từ của Tùng Giang Trịnh Triệt. Đây là bài ca được viết năm ông 44 tuổi[2] khi đi nhận chức quan Án sát tỉnh Gangwon. Thực chất, đây là bài ca kỷ hành, ghi lại cảm xúc hứng khởi của tác giả trên đường nhậm chức, được nhà vua vời ra làm quan sau một thời gian ẩn cư ở quê nhà. Mỗi khi bắt gặp cảnh đẹp trên đường, với tâm tư tràn đầy tự hào ấy cộng với tài thơ xuất chúng đã khiến ông tung hoành ngọn bút viết nên những vần thơ đẹp nhất, hay nhất. Bởi vậy, khi đọc bài ca, đôi khi ta quên mất đây là bài ca kỷ hành mà nhập hồn vào dòng ca trữ tình[3]. Đặc biệt, cảnh đẹp núi Kim Cương đã được ông thể hiện với bút pháp điêu luyện, chữ nghĩa bóng bẩy, khiến độc giả như cùng ông hòa vào thiên nhiên, hưởng thụ chung cảnh đẹp hoa lệ của phong cảnh núi Kim Cương. Kim Sang-hyon (Kim Thượng Hiền:1570-1652) đã so sánh tầm vóc thi ca của ông ngang với Lý Bạch đời Đường Trung Quốc cũng qua cách đánh giá bài ca này. Tư mỹ nhân khúc và Tục Tư mỹ nhân khúc đã thể hiện lòng trung thành đối với nhà vua được diễn tả bằng tiếng Hàn Quốc tinh tế và bình dị nên đã đạt đến đỉnh cao của một bài ca ngưỡng mộ nhà vua. Hơn nữa, nét đẹp của những bài ca này đã thể hiện được tình cảm mang tính phổ biến của con người là biệt ly và nỗi nhớ. Vì thế, đến cuối thời Chosun, Tục tư mỹ nhân khúc đã thoát ra khỏi quan niệm mang tính chất kẻ sĩ và trở thành một bài ca ái tình bi ai được phổ biến rộng rãi trong dân gian[4]. Tư mỹ nhân khúc đã sử dụng hình thức được gọi là miêu tả mối hận của người đẹp bị người yêu ruồng bỏ. Chủ đề ca khúc này nói về một mối tình cho dù phải xa cách nhưng tình yêu nồng thắm vẫn hướng về người tình trong tuyệt vọng mà không sao bỏ được. Bài ca này miêu tả một cách cụ thể nỗi nhớ của người đẹp hướng về người yêu theo thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân đến, muốn gửi hương thơm hoa mai, mùa hè về, tự mình dệt áo, mùa thu tới, muốn gửi ánh nắng vàng cho sáng hẻm núi, mùa đông lạnh, gửi hơi ấm cho người yêu. Các vật của bốn mùa nêu trên là vật trung gian mang tính tượng trưng chứa đựng tình cảm nồng thắm của người đẹp đối với người yêu. Đến câu kết, câu ca nêu rõ, dù có chết cũng biến thành con bướm để bay theo người yêu mãi mãi. Tục mỹ nhân khúc có thể coi là bài nối tiếp Tư mỹ nhân khúc để thổ lộ tâm tình mà Tư mỹ nhân khúc chưa thể hiện hết. Nhưng đây không phải là bài nối tiếp đơn thuần mà được coi là bài ca độc lập chứa đựng tình cảm được thể hiện nhiều trong đó, Bài ca này được xây dựng theo phương thức thể đối thoại giữa một người đẹp bị người yêu ruồng bỏ với một phụ nữ khác bắt gặp trên đường và bày tỏ nỗi long của mình. Nếu như Tư mỹ nhân khúc sử dụng kỹ xảo hoa mỹ thì Tục mỹ nhân khúc đã sử dụng từ ngữ ca dao giản dị và mộc mạc. Điều đó cho thấy Tục mỹ nhân khúc có liên quan sâu sắc với thực tế hình tượng người đẹp rất năng động và mang tính chất dân nghèo chân thật, Nói cách khác, người đẹp ấy không những chìm trong nỗi buồn ly biệt mà còn suy tính một cách cụ thể từng thứ từng thứ một trong đời sống thường nhật của người yêu. Để muốn biết tin tức về nơi người yêu đang sống, người đẹp đã gắng công đi tìm tận chân trời góc bể. Nhưng, ở trên núi có mây và sương mù bao phủ, ở biển có sóng gió ngăn cản nên càng không tìm được. Hoàn cảnh càng tuyệt vọng thì tình yêu của người đẹp càng mạnh mẽ hơn. Vì thế, cũng như Tư mỹ nhân khúc, ở câu kết nêu rõ người đẹp thà chết để biến thành mặt trăng với niềm khát khao hy vọng muốn chiếu ánh trăng vào trong cửa sổ phòng người yêu.[5] Giáo sư Ko Mi-sook cho dù mới chấm phá những nét độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật của hai bài ca này nhưng cũng đủ cho độc giả nước ngoài thấy rõ được cái hay, nét đẹp của ca từ Hàn Quốc nói chung, hai bài ca nói riêng. Người bình luận cho thấy sự cảm nhận thi ca, cảm xúc thi ca như hòa vào từng câu từng chữ trong hai bài ca mà toát ra những hàng chữ khiến người viết bài này không thể xen chữ nào vào được. Thực là bài ca rất tuyệt mà lời bình của người đời sau cũng thổn thức lòng người! Lịch sử văn hóa Hàn Quốc và dân tộc Hàn ghi nhận cống hiến lớn lao nhất của Trịnh Triệt là đưa ngôn ngữ Hàn lên một bước phát triển mới. Ông được đánh giá là “ nghệ nhân luyện vàng” của ngôn ngữ Hàn. Những câu chữ tiếng Hàn được ông sử dụng, chau chuốt đã trở thành mẫu mực để các văn nhân đời sau noi theo, điển hình là Kim Man-Jung ( Kim Vạn Trọng), tác giả thế kỷ XVIII, viết nhiều bài ca từ hay và hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Cửu Vân Mộng, Tạ thị Nam chinh ký. Tư tưởng xuyên suốt thi ca của Trịnh Triệt là Trung quân, ái quốc. Tư tưởng này thể hiện rõ nét nhất trong hai bài Tư mỹ nhân khúc và Tục tư mỹ nhân khúc. Trong bối cảnh chính trị hỗn loạn thời Chosun bấy giờ, tư tưởng Trung quân, ái quốc mà ông nêu cao có ý nghĩa to lớn đối với sự ổn định đất nước. Những vụ sử kiện hành vi”phản nghịch”, gây rối, bất lương do ông đảm trách, xử lý cương quyết của ông là cũng mong thể hiện tinh thần đó. Tinh thần yêu thiên nhiên, đất nước được thể hiện tài tình qua ca từ đã khẳng định vị thế đại gia ca từ của ông, được các thế hệ sau ca ngợi và học tập, được nhân dân tuyền trụng và sống mãi với thời gian. Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo: 1. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006. 2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992. 3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986. 4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997. [1] Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006, tr.177-178 . [2] Tài liệu đã dẫn, tr.178-179. Triều Tiên văn học sử của Vi Húc Thăng lại chép ông làm bài này năm 45 tuổi, có lẽ là tính theo tuổi âm lịch [3] Tài liệu đã dẫn, tr.180. [4] Tài liệu đã dẫn, tr.183. [5] Tài liệu đã dẫn, tr.182-183.