Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HÓA ẨM THỰC HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Điều kiện cơ bản nhất quyết định đến đời sống của con người chính là môi trường tự nhiên hay phong thổ, những yếu tố mà người ta thường xuyên phải đối mặt. Môi trường tự nhiên có tác động như một nhân tố hình thành nên môi trường xã hội như tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và rộng lớn hơn nữa, nó còn góp phần hình thành tạo nên văn hóa lối sống độc đáo của từng vùng miền, từng dân tộc. Đặc biệt, nhân tố này còn có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành văn hóa ẩm thực cũng như phương pháp chế biến và nấu thức ăn hay phương thức thưởng thức món ăn.

Bán đảo Hàn nằm ở phía Đông Bắc châu Á, trải dài từ 33 đến 43 độ vĩ Bắc với kinh độ từ 124 đến 132 độ. Phía Bắc bán đảo giáp với lục địa Trung Quốc bằng đường bộ, phía đông và nam giáp với biển đảo Nhật Bản và phía Tây là biển Hoàng Hải đối diện với lục địa Trung Quốc.

Với vị trí địa lý như thế, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng trước tiên của văn hóa đại lục Trung Quốc, đồng thời, đất nước này còn đóng vai trò cầu nối truyền bá văn hóa đại lục tới Nhật Bản. Ngoài ra, thông qua ba mặt giáp biển, nơi này cũng du nhập thêm văn hóa biển nên có thêm khả năng về giao dịch thương mại và cũng là nơi có một nguồn tài nguyên dồi dào về thủy hải sản, nông nghiệp với các kĩ thuật trồng trọt lúa phát triển từ rất lâu đời.

Là đất nước thuộc vùng ôn đới, có khí hậu mát mẻ quanh năm nên ở Hàn Quốc, người ta nuôi trồng và sản xuất được rất nhiều loại thực phẩm theo mùa – chẳng hạn như các loại hạt, các loại đậu, rau củ quả và hải sản. Cũng bởi vậy, người Hàn nổi tiếng với rất nhiều món ăn từ các thực phẩm kể trên, với cách chế biến và bảo quản đặc biệt như các loại nước chấm, kimchi, hải sản muối.…

Ngoài những ảnh hưởng về khí hậu, địa hình như trên, khi xem xét một cách cụ thể về thói quen ăn uống của người Hàn, ta còn có thể nêu một số đặc trưng sau đây:

Món chính và món phụ được bày biện và phân chia một cách rõ ràng.

Việc phân chia các món chính – phụ khác hẳn với sự không rạch ròi của món ăn phương Tây hoặc món ăn Trung Quốc. Ở đây, món cơm được nấu bằng gạo, lúa mạch, kê và được coi là món chính. Còn các món ăn kèm thường được làm bằng các loại nguyên liệu như rau, rong biển, cá và các động vật nhuyễn thể có vỏ, các loại đậu v..v. Qua đó, ta có thể thấy số lượng của các món phụ khá nhiều.

Phương pháp nấu và chế biến các loại ngũ cốc được phát triển đa dạng.
Để có thể sử dụng các ngũ cốc làm lương thực chính, người ta đã chế biến nhiều món ăn đa dạng như canh, cháo, bánh teok, xì dầu, đậu phụ, mạch nha, các loại bánh có trộn dầu, nước gạo v..v và làm phong phú thêm cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày

Phát triển các loại thực phẩm đóng gói bảo quản
Với khí hậu 4 mùa có sự khác nhau rõ rệt nên từ lâu, người Hàn đã lưu truyền phương pháp bảo quan, đóng gói các loại thực phẩm đa dạng giúp đóng gói và chế biến các sản phẩm được sản xuất nhiều theo từng mùa mà điển hình là việc muối kim chi. Tùy theo từng vùng quê và từng gia đình, những món ăn có thể ăn theo từng mùa như món muối, cá khô, thịt khô cũng được phát triển nhiều với tư cách là thực phẩm đóng gói, bảo quản.

Coi trọng bữa sáng và bữa tối

Câu nói “Ngày ba bữa”, nghĩa là về nguyên tắc, một ngày sẽ chia làm ba bữa ăn, ngoại trừ tiệc sinh nhật và các bữa tiệc khác. Việc làm bữa tiệc mừng vào buổi sáng bắt nguồn từ phong tục của thói quen ăn uống truyền thống là phải ăn cơm sáng cho chắc bụng. Điều này có liên quan đến cơ cấu kinh tế của xã hội Hàn Quốc truyền thống. Trong xã hội trọng nông, thời gian buổi sáng là thời gian thảnh thơi, đồng thời, sau bữa ăn, khi cân nhắc về việc phân công lao động, vai trò trung tâm của bữa sáng càng được đánh giá cao. Ngoài ra, bữa tối cũng được bày biện và chuẩn bị kỹ hơn so với bữa trưa. Khi làm việc nặng nhọc, thì ngoài ba bữa chính, còn có thêm thời gian nghỉ ngơi nên người ta chia một ngày có năm bữa. Tuy nhiên, so với thói quen sinh hoạt ăn uống thông thường thì cơ bản vẫn là ba bữa chính, trong đó, bữa sáng và bữa tối được chú trọng hơn bữa trưa. Thói quen ăn uống này đang bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của lối sống thành thị và xã hội công nghiệp nên đã thay đổi dần theo xu thế coi nhẹ bữa sáng.

Sau mỗi dịp lễ, người Hàn lại thưởng thức các món ăn ngon theo mùa.
Với 4 mùa rõ rệt và các sản vật theo mùa, cộng với các lễ hội mang tính tín ngưỡng của người nông dân, nên mỗi mùa lại có những món ăn đa dạng, nhiều màu sắc.

Yêu thích các món ăn có ướp gia vị đậm đà.
Người Hàn Quốc yêu thích các món canh nóng và lại ưa dùng các loại gia vị đậm đà. Mặt khác, chế độ ăn với món cơm chính có vị thuần khiết và đạm bạc cũng chính là nguyên nhân yêu cầu món phụ phải có vị đậm thì mới có sự phối hợp hài hòa giữa các vị khi thưởng thức các món ăn Ngoài ra, các thứ như ớt, tỏi, gừng, hành, mù tạt đều được sử dụng cho từng món ăn. Những loại gia vị này góp phần kích thích sự thèm ăn, đồng thời, lại có vai trò quan trọng trong việc đóng gói và bảo quản thức ăn.

Coi trọng gia vị mặn.
Người Hàn rất coi trọng các yếu tố cơ bản làm nên hương vị là muối và các loại tương. Có câu nói rằng ‘Chỉ cần nếm thử nước tương thôi là bạn có thể biết được khẩu vị của gia đình đó”, do vậy, những loại nước xì dầu, nước tương, tương ớt được xem là đại diện cho toàn bộ phong cách ẩm thực trong một ngôi nhà. Chính vì thế, những bí quyết làm tương truyền thống cũng được lưu truyền đến ngày hôm nay. Đây là những thực phẩm được đóng gói, bảo quản thể hiện được tinh thần tiết kiệm của các bà nội trợ.

⑧    Món ăn truyền thống của người Hàn được chia làm hai loại chính.

Thứ nhất là các  món “eumyangohaeng” ( 음양오행), đây  là các món ăn kết hợp hài hòa giữa năm loại nguyên liệu với năm màu sắc hoặc năm loại gia vị khác nhau. Thứ hai là “yaksikdongwon” (약식동원) nghĩa là “Thực phẩm cũng như thuốc quý” (các món ăn tốt cho sức khỏe).Người Hàn quan niệm rằng, món ăn đưa vào cơ thể và giúp cơ thể phòng bệnh cũng như có khả năng làm cho cơ thể hồi phục. Đây là điều được coi trọng trong chế độ ăn, do đó, đến cả rau cũng phải được kết hợp hài hòa với món ăn. Vì thế, rất nhiều thứ như nhân sâm, gừng v.v… cũng được cho vào món ăn và người ta đã truyền lại phương pháp nấu ăn đa dạng này cho đến ngày nay.

Có thể nói, các đặc điểm này cũng phần nào phản ánh những nét độc đáo và đa dạng của văn hóa ẩm thức Hàn Quốc, đất nước chịu ảnh hưởng của đạo Khổng với những quy tắc sắp xếp và tổ chức bàn ăn theo chuẩn mực và khắt khe.

Tổng thuật: Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Theo nguồn:

http://www.dietnet.or.kr/fculture/fculture1_1.html

http://koreanfood.rda.go.kr/board/TF_board4_01.aspx.

http://duhochanquoc.org/net-dac-biet-trong-van-hoa-am-thuc-han-quoc

 

 

 


Scroll To Top