NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠO HIẾU TRONG TAM QUỐC DI SỰ
Đăng ngày:
Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, ở những quốc gia có sự xuất hiện của đạo Phật, nhất là những nước ở Châu Á thì các Phật tử đều được nghe giảng về đạo Hiếu nhân ngày lễ Vu Lan rằm tháng 7. Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu tổ tiên, gần gũi nhất là báo hiếu cha mẹ, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Ở Hàn Quốc, từ cuối thế kỷ XIII, vào triều đại Koryeo (Cao Ly), nhà sư Il Yeon (Nhất Nhiên) đã viết tác phẩm Tam quốc di sự. Tam quốc di sự có nghĩa là những sự kiện, sự việc hoặc câu chuyện thời tam quốc còn để lại, lưu lại. Với cái tâm sáng của một vị quốc sư, tác giả đã dày công ghi chép những điều đã đọc, đã thấy, đã biết và chiêm nghiệm trong cuộc đời về đất nước, con người, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng Hàn Quốc mà trọng tâm là thời Tam quốc ở bán đảo Hàn rồi viết thành bộ sách. Bởi thế, tác phẩm Tam quốc di sự mang tính đa dạng. Dẫu sao, tác giả cũng có chủ ý và chia thành từng quyển, từng mục, cụ thể là có 5 quyển chia thành 9 mục: Quyển 1 có một mục là Kỷ Dị đệ nhất. Quyển 2 cũng chỉ có một mục là Kỷ Dị đệ nhị. Quyển 3 có hai mục là : Hưng Pháp đệ tam; Tháp Tượng đệ tứ. Quyển 4 có một mục là Nghĩa Giải đệ ngũ. Quyển 5 có bốn mục là:Thần Chú đệ lục; Cảm Thông đệ thất; Tỵ Ẩn đệ bát;Hiếu Thiện đệ cửu. Như vậy, những câu chuyện về chữ Hiếu được đặt ở cuối tác phẩm. Trước khi đọc những câu chuyện nêu trên, chúng ta cùng tìm hiểu về nhà sư Nhất Nhiên và bối cảnh, xuất xứ câu chuyện. Theo Kim Won-jung, người khảo cứu và biên dịch Tam quốc di sự từ Hán ngữ sang tiếng Hàn cho biết, nhà sư Nhất Nhiên sinh năm 1206, tức năm thứ 2 đời cua Heuijong (Hy Tông) triều đại Koryeo (Cao Ly). Ông tên thật là Gyeonmyeong (Kiến Minh), họ Kim. Khi mới đi tu lấy tên là Hoeyeon ( Hối Nhiên), đến tận cuối đời mới đổi tên là Nhất Nhiên. Ông mồ côi cha từ nhỏ, chỉ được một mình mẹ nuôi nấng dạy dỗ, Khi lên 9 tuổi, ông được mẹ đưa đến chùa Muryang (Vô lượng) theo học các vị sư. Ở đây, ông vừa học chữ Hán vừa học nhập môn Phật pháp. Năm 14 tuổi, ông tới Jin jeon ở Yangyang thuộc Ganghwado và xuống tóc trở thành nhà sư theo phái Thiền Tông. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ tăng khoa. Trải qua hơn hai mươi năm tu tâm theo Phật và nghiên cứu lý lẽ huyền diệu của Phật pháp đến năm 44 tuổi, ông được mời làm trụ trì chùa Jeongnim (Định Lâm) ở Namhae và ở lại đây 6 năm. Từ đây, ông được nhà vua trao cho trách nhiệm đảm trách những công việc chủ yếu liên quan tới Phật giáo. Đây là một vinh dự, đồng thời cũng là một công việc hệ trọng liên quan đến quốc gia, trăm họ. Bởi thời này, Phật giáo Cao Ly thịnh hành, Phật giáo là quốc giáo và nhà sư không chỉ chăm lo việc kinh kệ, trau dồi Phật pháp mà còn tham gia chính sự, giữ những chức vụ cao trong triều. Năm 54 tuổi, ông chuyển tới am Gilsang ở Namhae. Năm 59 tuổi, ông xuống phía Nam và ở lại chùa Inheung ở Posan. Năm 1277, tức năm thứ 3 đời vua Chungnyeol (Trung Liệt), theo lệnh của nhà vua, ông chuyển tới chùa Unmun (Vân Môn) và tu hành ở đó trong 3 năm. Trong thời gian này, ông có công hộ giá nhà vua khi lánh nạn ở Gyeongju (Khánh Châu) và được ban sắc phong là quốc sư. Ông là một người con chí hiếu đối với người mẹ một mình dốc lòng chăm nom dạy dỗ từ khi ông còn nhỏ. Lòng hiếu thảo của ông được dân gian truyền tụng và tới tai nhà vua. Nhà vua cảm động với tấm lòng chí hiếu đó, đã cho tu sửa chùa Ingak (Lân Giác) để ông chủ trì và phụng dưỡng mẹ già. Năm đó, ông đã 79 tuổi, ở ngôi chùa này, ông đã soạn bộ sách Tam quốc di sự. Năm 84 tuổi, ông viên tịch trong tư thế ngồi thiền, tay cầm ấn Kim cương như đang bàn luận về Phật pháp.[1] Căn cứ vào những ghi chép trên, chúng ta biết những câu chuyện về đạo Hiếu trong trong Tam quốc di sự được ông viết trong thời gian phụng dưỡng mẹ già ở chùa Lân Giác. Trong số 5 truyện thuộc mục 9 Hiếu Thiện trong tác phẩm, chúng tôi chỉ tuyển dịch 2 truyện. Câu chuyện thứ nhất: ĐỨC HIẾU VÀ THIỆN CỦA NHÀ SƯ CHÂN ĐỊNH ĐỀU ĐẸP Pháp sư Jin Jeong (Chân Định) là người Shilla (Tân La). Trước khi trở thành nhà sư, từng sống ở KunJon, nhà nghèo, không lấy vợ. Ngoài thời gian làm lao dịch, Chân Định đi làm công để kiếm gạo nuôi mẹ. Gọi là tài sản trong nhà thì duy nhất chỉ có cái nồi bằng sắt gãy chân. Một hôm, có một nhà sư đến trước cửa, xin những đồ kim loại cần thiết đề làm chùa, bà mẹ đem cái nồi đó hiến tặng. Chẳng bao lâu sau, Chân Định ở ngoài trở về nhà thì bà mẹ nói hết sự tình và muốn xem ý của con trai thế nào. Chân Định mừng vui hiện ra mặt nói: - Hiến tặng đồ vật vì Phật sự chẳng phải là điều may mắn lắm sao? Cho dù không có nồi sắt thì có gì đáng lo cơ chứ? Thế rồi lấy cái nồi đất nấu ăn dâng lên mẹ. Chân Định từng gia nhập quân ngũ và được nghe nói về pháp sư Ui Sang (Nghĩa Tương) ở núi Thái Bạch thuyết pháp làm lợi cho người nên đã có lòng ngưỡng mộ, bèn thưa với mẹ: - Dốc lòng vì đạo Hiếu thì phải xin làm đệ tử của pháp sư Nghĩa Tương, xuống tóc học đạo. Bà mẹ nói: - Phật pháp nan ngộ mà đời người trôi đi nhanh lắm. Thế nhưng, nếu dốc lòng vì đạo Hiếu thì chẳng bao giờ muộn. Liệu rằng trước khi ta chết, ta có được nghe nói là con đã học đạo rồi chăng? Đừng chần chừ gì nữa, hãy đi mau đi! Chân Định thưa: - Mẹ đã đến lúc xế chiều, duy chỉ có con bên cạnh, con lại dám bỏ mẹ để xuất gia làm sư được chăng? Bà mẹ nói: - Ta mà làm cản trở việc xuất gia của con thì sẽ rơi xuống địa ngục. Cho dù con phụng dưỡng ta bằng tam lao thất đỉnh[2] thì đâu có phải là đạo Hiếu. Dù ta tới trước cửa nhà người khác xin cơm áo thì cũng có thể giữ được mạng này. Nếu như con giữ đạo Hiếu với mẹ thì đừng nói như thế. Chân Định trầm tư suy nghĩ về chuyện này. Bà mẹ liền đứng dậy nhìn vào thùng gạo thì thấy còn bảy thăng[3] gạo. Ngày hôm đó, bà mẹ nấu hết chỗ gạo, dọn cơm rồi nói: - Mẹ lo rằng con nấu cơm chín ăn xong rồi đi thì chậm mất. Ngay trước mắt mẹ đây, con hãy ăn một thăng rồi gói sáu thăng còn lại và đi ngay đi. Chân Định nuốt nước mắt hồi lâu, từ chối thưa rằng: - Bỏ mẹ xuất gia thì không phải là đạo làm con. Huống hồ số gạo mấy ngày ăn và tương trong hũ còn lại đều gói đựng mang đi thì người đời nói con thế nào đây? Thế rồi, ba lần từ chối và bà mẹ ba lần khuyên bảo. Chân Định không thể làm trái ý mẹ được nữa liền ra đi, đi suốt ba ngày đêm thì đến được núi Thái Bạch, xin làm môn hạ của Nghĩa Tương rồi xuống tóc làm đệ tử, được đặt tên là Chân Định. Chân Định tu hành ở đó được ba năm thì có tin buồn về mẹ tới. Chân Định ngồi thiền nhập định[4] liền trong bảy ngày mới đứng dậy. Có người thuyết giảng về chuyện này rằng: “Nỗi buồn thương mẹ lên đến đỉnh điểm, không thể kiên nhẫn được nữa nên nhập định để giải tỏa nỗi đau thương”. Cũng có người nói rằng: “Thiền định để quan sát nơi mẹ sống”. Cũng có người nói rằng: “Điều này cũng như cầu phúc cho mẹ ở cõi vĩnh hằng”. Sau thời gian thiền định, Chân Định thưa chuyện với Nghĩa Tương. Nghĩa Tương dẫn các đệ tử vào động Trùy ở núi Tiểu Bạch kết cỏ làm nhà, tập trung ba nghìn đệ tử, giảng Hoa Nghiêm đại điển trong khoảng 90 ngày. Các đệ tử còn tham dự các buổi giảng của Trí Thông, ghi lại những điều chính yếu hợp thành hai quyển, lấy tên là Trùy Động ký, lưu truyền ở đời. Buổi thuyết giảng kết thúc thì bà mẹ Chân Định hiện lên trong giấc mộng báo rằng: - Ta đã hoàn sinh ở trên trời. Câu chuyện thứ hai: CÔ CON GÁI NHÀ NGHÈO PHỤNG DƯỠNG MẸ[5] Hiếu Tông Lang[6] du ngoạn ở đình Bão Thạch (còn gọi là Tam Hoa Thuật) trên núi Nam thì các môn khách đều nhanh chóng tới đông đủ, duy chỉ có hai khách đến muộn. Hiếu Tông Lang hỏi nguyên do. Họ trả lời rằng: “Ở ngôi làng phía Đông chùa Phấn Hoàng có một cô gái khoảng chừng 20 tuổi ôm bà mẹ mù cùng kêu khóc. Vì thế mới hỏi người trong làng thì biết rằng, cô gái đó nhà nghèo nên đi xin cơm nuôi mẹ đã được mấy năm. Đúng vào năm mất mùa đói kém, việc xin ăn rất khó khăn, bèn vào làm công cho nhà giàu kiếm được 30 thạch[7] ngũ cốc và gửi ở nhà chủ rồi đi làm việc. Cuối ngày, cô gói gạo mang về nhà nấu cơm ăn cùng với mẹ rồi đến rạng sáng hôm sau, lại đến nhà chủ làm việc. Sự việc cứ thế diễn ra trong mấy ngày thì bà mẹ hỏi rằng, trước đây, dù là ăn đồ ăn đi xin nhưng trong lòng thấy thảnh thơi, mấy ngày nay, dù là ăn đồ ăn ngon nhưng thấy lòng bất an như có gì đâm nhói trong gan ruột là cớ làm sao? Cô gái nói rõ sự thật thì bà mẹ khóc rất to. Cô gái than rằng mình chỉ có thể lo cho mẹ được no bụng mà lòng mẹ không vui. Bởi thế, hai mẹ con ôm nhau khóc. Chính vì xem chuyện ấy mà đến muộn”. Hiếu Tông Lang nghe chuyện, rơi nước mắt, liền gửi cho một trăm hộc ngũ cốc. Cha mẹ của Hiếu Tông Lang cũng gửi cho một bộ váy áo và một nghìn lang đồ của Hiếu Tông Lang thu một nghìn thạch lúa tô cũng gửi cho. Câu chuyện thực đó lan đến triều đình, Chân Thánh Vương ban cho năm trăm thạch ngũ cốc và một ngôi nhà lớn, cử quân lính đến canh giữ, không cho trộm cướp đến lấy trộm, dựng cái cổng làng, đề mấy chữ Hiếu dưỡng lý. Sau đó, hai mẹ con dỡ nhà ra làm chùa, đặt tên là Lưỡng Tôn tự.[8] Triết lý sâu xa của nhà Phật cô đọng trong một chữ Tâm, là Tâm từ bi hỷ xả, là lòng hiếu thiện. Triết lý đó được cụ thể hóa trong các bài giảng của các thiền sư, các việc làm cụ thể của các Phật tử. Nhà sư Nhất Nhiên ghi chép những câu chuyện trên cũng nhằm cụ thể hóa triết lý sâu xa đó. Đây là những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thiện, lại được một vị quốc sư ghi lại trong một bộ sách có giá trị cao mang tính đa dạng, trong đó, nổi bật là giá trị Phật giáo đã trở thành những bài học được truyền dạy trong các Thiền viện ở Hàn Quốc, đặc biệt là vào dịp lễ Vu Lan. Có ý kiến cho rằng, nhà sư Nhất Nhiên cũng muốn bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ qua những câu chuyện trên, cho nên, qua đây, các Phật tử cũng như các nhà nghiên cứu có thể hiểu được phần nào tâm sự của nhà sư Nhất Nhiên lúc cuối đời tu hành ở chùa Lân Giác mà một trong những công việc chính là thể hiện lòng hiếu thảo đối với người mẹ đã già yếu. Lý Xuân Chung Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á [1] Theo Kim Won-jung; Bản dịch tiếng Hàn Tam Quốc di sự, 2007, Nxb Mineum, tr. 17-19, Seoul, Hàn Quốc. Hai câu chuyện được tuyển dịch cũng theo tài liệu này. [2] Tam lao là: bò, lợn, cừu; Thất đỉnh: chỉ 7 cái nồi to như cái đỉnh dùng để nấu món ăn tế thần linh. Đỉnh còn là bảo vật ở tông miếu, ý chỉ những món sơn hào hải vị. [3] Thăng: đơn vị đo lường thời cổ. [4] Nhập định: tập trung trí tuệ nhập thiền. [5] Phần Liệt truyện, số 8 trong Tam quốc sử ký cũng có nội dung tương tự nhưng tuổi của JiEun là 32, khác với ở đây. [6] Là Hoa Lang thời Nữ Vương Chân Thánh của Tân La và cũng là con rể của Hiến Khang Vương [7] Thạch: đơn vị đo lường thời cổ. [8] Chỉ ngôi chùa phía Đông chùa Phấn Hoàng ở Kyungju.