CẢI CÁCH KINH TẾ TRIỀU TIÊN: THĂM DÒ CON ĐƯỜNG THỨ BA VÀ TƯƠNG LAI CHƯA XÁC ĐỊNH CỦA NÓ1 (phần 2)
Đăng ngày:
3. Ảnh hưởng và hạn chế của cải cách: Đánh giá có tính so sánh và phê phán Cho đến nay, công tác cải cách của Triều Tiên vẫn chưa có biện pháp thúc đẩy hữu hiệu và thuận lợi. Thị trường tự do và chợ ven đường trở nên náo nhiệt nhưng không mang lại lợi nhuận cho số đông người dân Triều Tiên. Một số nhà đầu tư và hàng hóa nước ngoài không ngừng nhập vào, làm lạm phát ở Bắc Triều Tiên thêm trầm trọng, làm giảm tiền lương của Nhà nước trả cho công nhân. Giá gạo tăng cao, cộng thêm sự thiếu hụt các loại ngũ cốc13 thịt, trứng, thực phẩm giàu protein, dầu thực vật14. Sự mất giá liên tục của đồng tiền làm cho họ rất khó chi trả được giá cao của các nhu yếu phẩm thường ngày. Rất nhiều gia đình vẫn phải sống nhờ vào cháo ngô và hạt dẻ15. Cải cách của Triều Tiên mang lại cho xã hội một số tiêu cực không thể xem nhẹ. Đầu tiên, số lượng những người được hưởng lợi (bao gồm cả nông dân và người bán hàng) tuy có tăng nhưng đại đa số đều là con cháu của các cán bộ cấp cao, họ kiếm được nhiều tiền và trở thành nhóm người giàu đầu tiên, điều này có lợi với sự chuyển hình của xã hội độc tài nhưng lại có hại với sự công bằng xã hội. Những người này lợi dụng địa vị của mình, thông qua người thân, hối lộ, các thủ đoạn, thêm vào đó là các mối quan hệ xã hội, đầu óc khéo léo để đạt được lợi nhuận lớn. Sự mở rộng thế lực của họ sẽ dẫn đến hiện tượng mài mòn và dần phá hủy xã hội độc tài ở Triều Tiên. Thứ hai, từ khi bắt đầu cuộc cải cách tháng 7 năm 2002, số lượng hàng hóa trong nước bán ra của Triều Tiên ngày càng gảm, còn lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì tăng lên rõ rệt. Do đó, cải cách của Triều Tiên không mang lại nhiều hiệu quả để kích thích thị trường trong nước, ngược lại còn làm tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác. Xét trong thời gian ngắn, số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không ngừng tăng lên và sẽ làm yếu sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian dài, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí tiêu thụ của bộ phận người giàu, một mặt có thể thúc đẩy bán lẻ, một mặt có lợi cho việc điều chỉnh phương hướng phát triển công nghiệp nhẹ và thúc đẩy đầu tư cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động vào Triều Tiên. Thứ ba, công nhân ở thành phố gần như lại chính là người chịu thiệt lớn nhất từ cuộc cải cách. Lương của họ không còn được Nhà nước bảo hộ, họ chỉ có thể hy vọng xí nghiệp kinh doanh tốt để có thể chi trả được tiền lương cho họ. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển hình một số công nhân bắt buộc phải đi tìm con đường mưu sinh mới, một số khác sẽ thấy rằng điều kiện sống của họ ngày một xấu đi, làm cho họ càng trở nên nghèo túng. Tất cả những điều này đều tạo thành áp lực cho Chính phủ, thúc đẩy thành lập một hệ thống an sinh xã hội. Thứ tư, quan niệm của người dân sẽ có thay đổi. Một mặt, sau khi chính sách cải cách được thực thi, người dân Triều Tiên sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc và Hàn Quốc (như băng đĩa, radio v.v…) từ đó, có được những tri thức và kiến thức mới từ thế giới bên ngoài; một mặt là ý thức về thương mại hóa được phát triển, nhiều người lấy kiếm tiền trở thành việc trọng yếu, đồng thời, nỗ lực tìm nhiều cách và cơ hội có thể kiếm tiền. “Mùi vị của đồng tiền” đã đi vào mọi ngõ ngách trong xã hội Triều Tiên, cùng với sự thay đổi này, người dân bắt đầu tìm hiểu giá thành hàng hóa và dịch vụ, tức là có khái niệm giá trị. Mặc dù ở một mức độ nào đó, ý nghĩa tích cực của cuộc cải cách kinh tế Triều Tiên trong thời gian ngắn sẽ có các điểm tương đồng với cải cách của Trung Quốc, nhưng chúng ta nên thấy rằng, nếu căn cứ vào các yêu cầu của cải cách như mức độ cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao năng lực sản xuất và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng cường các nhu yếu phẩm hàng ngày, hoạt động của nhà máy vận hành bình thường thì cải cách vẫn chưa đạt được thành công rõ rệt. Cải cách của Triều Tiên còn thiếu sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và tính “mở cửa” thật sự. Nó chưa giải quyết được vấn đề tự do tiếp cận tài nguyên và nguồn vốn của thị trường, cải cách ở các doanh nghiệp quốc doanh mới tiến hành được rất ít. Tuy giá cả thay đổi cơ hồ phản ánh được quan hệ cung cầu của thị trường nhưng sự phản ánh này vẫn chưa thực sự đúng vì giá cả thị trường vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ sự định giá của Chính phủ. Bàn về vấn đề mở cửa kinh tế, các quốc gia mà Triều chọn chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc, phạm vi này quá nhỏ hẹp. Nguyên nhân dẫn đến việc Triều Tiên cải cách “không tới” khá phức tạp. Thứ nhất, cải cách giá cả và tiền lương được coi là một bước đi cần thiết và cấp bách vì giữa khoảng cách giữa giá cả thị trường và giá Nhà nước định ra, giữa cung và cầu. Tuy nhiên quá trình cải cách tiền lương và giá cả của Triều Tiên ít nhất đã phạm ba lỗi kỹ thuật. Một là, sự thay đổi của giá cả và tiền lương quá lớn, tốc độ điều chỉnh quá nhanh (thậm chí có thể gọi là “liệu pháp sốc”). Tiền tệ của Triều Tiên đột ngột mất giá khoảng 70 lần sẽ giúp thu hẹp khoảng cách lớn giữa giá cả thực của hàng hóa nhập khẩu với giá tiêu thụ trên thị trường, tuy nhiên, nó lại làm tiền của Triều Tiên mất giá nghiêm trọng. Trên thực tế, nền kinh tế của Triều Tiên luôn là sản lượng thấp, lạm phát cao, cực kỳ khan hiếm hàng hóa xuất khẩu để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Trung Quốc cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, so sánh với tỷ giá hối đoái chính thức ban đầu, đồng Nhân dân tệ đã mất giá khoảng 4 đến 5 lần so với Đôla Mỹ. Cho đến giữa những năm 90, Trung Quốc duy trì chính sách tỷ giá, đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Ngược lại, Triều Tiên không có giai đoạn thử nghiệm, cũng không thiết lập một chính sách ổn định tiền tệ, kết quả là khi Chính phủ Triều Tiên đột ngột thông báo mất giá tiền, người sản xuất, thương nhân và cả thị trường đều bị bất ngờ, lầm tưởng rằng Chính phủ không có khả năng khống chế sự ổn định của tiền tệ. Do đó, lạm phát là không thể tránh khỏi. Hai là, quá tin tưởng vào tác dụng điều tiết cân bằng nền kinh tế của thị trường. Trong một hệ thống kinh tế thiếu thốn do một nền công nghiệp lạc hậu tạo nên, chỉ duy nhất dựa vào tác dụng điều tiết của thị trường là có vấn đề. Trước khi tiến hành cải cách giá cả và tỷ giá, Chính phủ Triều Tiên nên kiểm soát nguồn cung ứng thực phẩm và hàng hóa chủ yếu để điều chỉnh sự biến động của thị trường và đặt ra một mức giá trần để khống chế tăng giá. Ba là, Triều Tiên không lợi dụng tốt các đòn bẩy kinh tế như thuế, các khoản trợ cấp. Triều Tiên nên khuyến khích nông dân phát triển sản xuất ngũ cốc, đồng thời, cho nông dân bán lại lương thực cho Chính phủ theo giá cả thị trường hoặc cho phép một phần sản lượng được bán trên thị trường tự do theo giá cả Chính phủ kiểm soát. Do điều kiện trước mắt, Triều Tiên không thể sản xuất đủ lương thực để phục vụ nhu cầu trong nước, cho nên, vẫn cần một thời gian dài nữa nước này mới có thể nâng cao được sản lượng lương thực. Đối với Triều Tiên, việc áp dụng thể chế “bao tiêu sản phẩm gia đình” của Trung Quốc để kích thích tính tích cực của nông dân, sản xuất ra thêm nhiều lương thực, được coi là một phương pháp tốt. Thứ hai, Triều Tiên không thể thông qua cơ chế thị trường để thiết lập một nền kinh tế có sức sống, để đạt được sự cân bằng tương đối giữa cung và cầu. Nguyên nhân của nó là vì trước khi khởi động cải cách, đã không thể giữ vững được mức sản xuất tối thiểu của nền kinh tế bình thường. Nói cách khác, nền kinh tế sa sút của Triều Tiên với máy móc sản xuất cũ kỹ, thiếu hụt năng lượng, vốn, nguyên liệu, kỹ thuật và mối quan hệ cung ứng gãy chuỗi đã gây trở ngại cho việc thông qua điều chỉnh chính sách và nguồn lực thị trường để cải thiện sản xuất cơ bản. Triều Tiên tiến hành cải cách trong nước đồng thời nhất định phải mở cửa đối ngoại rộng hơn, mạnh dạn hơn, chứ không nên chỉ tiến hành sửa chút ít thể chế hiện tại. Chỉ có lợi dụng lực lượng bên ngoài, Triều Tiên mới phá vỡ được cơ cấu kinh tế trước mắt, đổi mới các thiết bị cũ kỹ, làm cho thị trường trở thành một cơ chế hữu hiệu kích thích sản xuất, đồng thời giải quyết được khó khăn trong thiếu hụt nguồn cung ứng bức thiết nhất16. Thứ ba, việc mở cửa đối ngoại của Triều Tiên nhất định phải được tiến hành cùng lúc với cải cách về mặt chính trị. Khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh dạn lựa chọn biện pháp cải cách trên phương diện hình thái ý thức để loại bỏ tư tưởng bó hẹp về chính trị của Chính phủ và nhân dân. Thứ tư, cải cách của Triều Tiên thiếu thiết kế hệ thống và trình tự đúng đắn. Cải cách là một công trình có tính hệ thống, nó yêu cầu phải điều chỉnh tỉ mỉ và thay đổi tất cả các phần của thể chế. Ví dụ, khi tiến hành cải cách giá cả và tiền lương, còn cần phải có các điều chỉnh đồng bộ trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm (định giá), cung ứng vật tư và tiện ích công cộng. Ở Trung Quốc, sau khi cải cách nông nghiệp, chiến lược được thông qua trước tiên là phải khuyến khích các nhà máy để tăng khả năng tồn tại trên thị trường, thông qua điều chỉnh giá cả dần dần (cơ chế giá song song) để thực thi tự chủ doanh nghiệp, còn cải cách giá cả toàn diện nên để một thời gian sau mới tiến hành. Tuy nhiên, chính sách của Triều Tiên lại ngược lại, đầu tiên tiến hành cải cách giá cả, còn cải cách doanh nghiệp triệt để và việc nhanh chóng đưa giá cả mới vào áp đặt cho thị trường lại chưa theo kịp. Thứ năm, trong hai năm qua, Triều Tiên không tiến hành đa dạng hóa vốn và cơ cấu quản lý của ngành công nghiệp. Nếu như cho phép tư bản tư nhân và tư bản nước ngoài được đầu tư vào doanh nghiệp quốc doanh, thì ngành công nghiệp đang chết dần của Triều Tiên có thể giảm thiểu được tổn thất, nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm được con đường sinh tồn của mình. Đồng thời, Nhà nước cũng nên chú ý đến việc phát triển loại hình nhà máy thâm dụng lao động ở các huyện thị. Những nhà máy này không chiếm dụng quá nhiều tài nguyên quốc gia cũng không thuê quá nhiều các công nhân không hiệu quả để tự tạo gánh nặng cho mình. Những nhà máy này chỉ cần chính sách ưu đãi, các chỉ dẫn từ Chính phủ và khoản vay từ ngân hàng. Đáp lại, họ sẽ tạo thêm được nhiều sản phẩm rẻ hơn, thậm chí có thể xuất khẩu để thu được ngoại hối. Cuối cùng, Triều Tiên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng đất đai. Ở Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Công), để giải quyết vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện điều kiện sống của người dân, hỗ trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển công nghiệp thì Chính phủ nên vận dụng việc cho thuê đất làm đòn bẩy kinh tế. Các thành phố duyên hải Trung Quốc cho các công ty xuyên quốc gia thuê và các ông chủ lớn những “mảnh đất vàng” của mình để đổi lại một khoản tiền lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Triều Tiên dường như đã bắt đầu nhận ra giá trị tuyệt vời của “dùng tiền của ngày mai để làm việc hôm nay”. Từ tháng 3 năm 2005, Nội các Chính phủ, văn phòng thành phố, quận và khu vực đều thành lập các Sở Nhà đất. Chính quyền Trung ương và địa phương đang chuẩn bị bán hoặc chuyển nhượng đất để xây các chung cư hay cho các cơ quan, công ty bất động sản thuê văn phòng hoặc cấp giấy phép thương mại cho các cá nhân có tài sản hoặc có quyền sử dụng tài sản. Trước mắt, hợp tác kinh tế Trung-Triều đang thử nghiệm cải cách chính sách cho thuê cảng biển. Tháng 7 năm 2005, hai doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồn Xuân của Trung Quốc đã ký hợp đồng với Chính phủ Triều Tiên thuê cảng La Tân (Rajin) trong 50 năm (cầu tàu số 3 và số 4) để khai thác và kinh doanh. Cụ thể là được quản lý bởi công ty hợp tác vốn mới, đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn vận chuyển hàng hóa quốc tế La Tiên mà mỗi bên Trung-Triều có 50% cổ phần. Để đáp lại, thành phố Hồn Xuân có kế hoạch xây dựng đường cao tốc từ cảng Rajin đến khu công nghiệp mới La Tiên (Rason), cải tạo cầu tàu số 3. Ngoài ra, trong tương lai không xa, sẽ xây dựng lại ba cầu tàu, một khu vực ngoại quan và một khu công nghiệp. Kiều Thị Dung