HÀN QUỐC – TRUNG QUỐC – NHẬT BẢN ĐỒNG Ý ĐÀM PHÁN FTA TRONG TƯƠNG LAI GẦN
Đăng ngày:
Trong một thông báo chung, ba nước Hàn – Trung – Nhật cho biết các cuộc đàm phán nhằm tiến tới một hiệp định thương mại tự do giữa ba quốc gia Đông Bắc Á sẽ được bắt đầu sớm. Các cuộc đàm phán nhằm hình thành một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực sẽ bắt đầu vào đầu năm tới. Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đã theo đuổi tiến trình đàm phán FTA ba bên suốt gần 10 năm qua, kể từ khi Bắc Kinh đề xuất sáng kiến thành lập khu vực thương mại tự do vào cuối năm 2002. Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa ba nước đã tăng hơn năm lần và hiện đã vượt quá 690 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm vị trí thứ tư và thứ sáu trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản, Hàn Quốc vào Trung Quốc tương ứng là 80 tỷ và 50 tỷ USD. Khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào hai nước này cũng xấp xỉ như vậy. Cùng ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có tổng số dân và tổng sản lượng kinh tế chiếm 22% toàn cầu. Ba nước này cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Khối hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trở thành ba khối kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc và Nhật Bản hiện là các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, còn Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc cho biết, vào 19 tháng 11, họ đã tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán FTA ba bên sau khi tổ chức một cuộc họp các bộ trưởng thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 20 tháng 11. Đầu tháng 5, ba nước đã nhất trí tại cuộc họp ở Bắc Kinh để chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán FTA trước khi kết thúc năm 2012. Tuy nhiên, vẫn có một số trở ngại như việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, hai nước đã đi đến thống nhất khi nhận thấy tỷ trọng trao đổi thương mại hai chiều và tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau. Lịch trình đàm phán sẽ được xác định vào tháng đầu tiên sau một cuộc họp của các bộ trưởng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, hiện Seoul đang có chiến lược ưu tiên đàm phán FTA song phương và phản ánh kết quả đàm phán song phương vào FTA 3 bên Hàn-Trung-Nhật. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ phản ánh kết quả đàm phán 3 bên vào Hiệp định đối tác toàn diện khu vực. Đối với việc đàm phán FTA Hàn-Trung-Nhật, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các bên sẽ khởi động đàm phán đồng thời tất cả các lĩnh vực như sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác, song riêng lĩnh vực sản phẩm thì sẽ tiến hành đàm phán song phương. Lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, các văn bản quy phạm sẽ tiến hành đàm phán 3 bên và thúc đẩy áp dụng kế hoạch cắt giảm thuế một cách tổng thể, nhưng việc đàm phán cắt giảm thuế cho các sản phẩm sẽ được thực hiện song hành với đàm phán song phương và 3 bên để Hàn Quốc có thể sẽ áp dụng kế hoạch cắt giảm thuế khác đối với các mặt hàng của Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với Hiệp định đối tác toàn diện khu vực, Hàn Quốc sẽ không đặt đến mức độ tự do hóa sản phẩm mà đưa ra quyết định sau khi triển khai đàm phán, song Seoul sẽ chỉ áp dụng ưu đãi đặc biệt đối với khu vực ASEAN. Đối với phạm vi đàm phán của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, khác với lập trường của ASEAN về việc giới hạn đối với lĩnh vực sản phẩm, đầu tư và dịch vụ, Hàn Quốc dự kiến sẽ thảo luận theo hướng bao quát đến cả lĩnh vực quy phạm như quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ xem xét để các lợi ích ưu đãi đặc biệt của mình không bị xâm phạm. Các nhà phân tích cho rằng, Hiệp định FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là một yếu tố chính để hướng tới Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng vừa được đưa ra ở Phnom Penh liên quan đến 16 nước châu Á-Thái Bình Dương. RCEP sẽ bao gồm tất cả 10 thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đông Hưng, tổng hợp từ nhiều nguồn.
Tuy nhiên, mức độ nhất thể hóa kinh tế Trung-Nhật-Hàn lại kém xa hai khối còn lại, thậm chí không bằng ASEAN và Nam Mỹ. Tuy nhiên, là ba nền kinh tế lớn và đóng vai trò quan trọng tại Đông Bắc Á cũng như Đông Á nên nếu tăng cường các quan hệ đầu tư và thương mại với nhau, Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có thể hợp thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới.