CHUSEOK- LỄ TẠ ƠN CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Chuseok thường được so sánh với Lễ tạ ơn của người Mỹ, vì đây cũng là ngày người người Hàn Quốc thể hiện sự cảm ơn đối với trời đất, tổ tiên và một vụ mùa bội thu của năm. Nhưng, Chuseok có lịch sử lâu đời hơn. Chuseok là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Vào ngày này, người ta thường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cùng gia đình, người thân, hàng xóm và thưởng thức các món ăn truyền thống. Chuseok có nhiều tên gọi khác nhau như: Gawi (ngày hội giữa mùa thu), Hangawi (ngày hội lớn giữa mùa thu), Gabae (嘉俳-Gia bài-một tên gọi khác của Gawi). Chuseok là dịp thể hiện các phong tục truyền thống đa dạng của người Hàn Quốc, trong đó, một số phong tục thì trang nghiêm như Charye (tế lễ), một số lại vui vẻ, náo nhiệt như những trò chơi dân gian truyền thống. Công việc quan trọng nhất trong dịp lễ Chuseok của người Hàn Quốc là thể hiện đạo hiếu với tổ tiên qua nghi lễ tưởng niệm tại gian nhà chính nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Người Hàn Quốc chuẩn bị rất nhiều loại thức ăn để bày lên bàn Charye cúng tổ tiên. Thông thường, các gia đình Hàn Quốc làm lễ Charye vào sáng sớm, sau đó, đi viếng mộ tổ tiên. Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng tổ tiên, họ dậy từ rất sớm, mặc lễ phục, đứng trước bàn Charye bày đầy thức ăn được chế biến từ gạo mới, các loại ngũ cốc, hoa quả tươi, bánh songpyeon cùng nhiều loại thức ăn khác. Chuseok còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn vì đó là khoảng thời gian các gia đình và người thân ở cách xa sum họp, đoàn tụ để tưởng nhớ tổ tiên và cùng nhau nghỉ ngơi. Trong xã hội công nghiệp hóa ở Hàn Quốc, các nghi lễ và lễ hội truyền thống đã bị đơn giản hóa hoặc một phần bị biến mất và chỉ còn tồn tại trong lịch sử, nhưng các gia đình và người thân của họ dù ở bất cứ nơi đâu vẫn trở về tụ họp cùng nhau tại chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Và, kết quả là trong suốt thời gian trước và sau dịp nghỉ lễ Chuseok, giao thông ở Hàn Quốc trở thành vấn nạn do những “cuộc hành hương” về với quê hương, với người thân và nó còn được gọi là “cuộc di chuyển lớn của quốc gia”. Chuseok diễn ra đúng vào dịp thu hoạch vụ mùa, cho nên, có rất nhiều loại thực phẩm chế biến từ những sản vật vừa mới thu hoạch được chuẩn bị, tiêu biểu nhất là bánh Songpyeon (bánh gạo hình bán nguyệt), taro guk (canh khoai môn), hwanyang jeok (rau và thịt xiên), nureum jeok, dakjjim (gà luộc). Người Hàn Quốc có câu “Chuseok không có bánh Songpyeon thì không phải là Chuseok”, cũng giống như ở Việt Nam, mặc dù trung thu là ngày tết của trẻ em nhưng nhất định phải có bánh nướng, bánh dẻo. Để làm bánh Songpyeon, người Hàn Quốc phải chuẩn bị các loại nguyên liệu như: bột gạo tẻ, đỗ xanh, hạt dẻ, đậu, lá thông…nặn thành hình bán nguyệt rồi đem hấp. Vào đêm trung thu, mọi người trong gia đình ngồi lại với nhau cùng làm bánh Songpyeon, không khí vi nhộn lạ thường và ai cũng cố gắng làm ra những chiếc bánh đẹp nhất vì người Hàn Quốc quan niệm rằng, phụ nữ nào làm bánh đẹp sẽ sinh được cô con gái xinh xắn, các thiếu nữ thì sẽ tìm được ý trung nhân như ý. Chính vì vậy, phụ nữ Hàn Quốc thường gửi gắm tình cảm của mình vào những chiếc bánh Songpyeon do chính họ làm ra. Trong dịp lễ Chuseok, có rất nhiều hoạt động vui chơi dân gian và các trò giải trí truyền thống được người dân tổ chức như: Geobuk nori (Trò chơi cải trang thành rùa, người chơi chủ yếu là thanh niên. Họ làm con rùa bằng lá ngô, hai thanh niên chui vào trong điều khiển con rùa nhảy múa trong tiếng chiêng trống rộn ràng, mọi người cùng reo hò cổ vũ. Sau đó, đám rước đi một vòng quanh làng, rồi đến gõ cửa từng nhà, chủ nhà mời vào nhà chơi và họ cùng gia chủ ca hát nhảy múa ngay tại sân vườn), Anggamjil ssaum (nhảy lò cò đánh nhau-trò chơi gồm hai người chơi, người này phải tìm cách hạ người kia trong lúc nhảy lò cò), Juldarigi (trò chơi kéo co), Ssierum (đấu vật)… Tại các khu vực phía Nam Hàn Quốc, người dân chơi trò Ganggangsullae (Trò chơi này dành cho phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ và trẻ em nắm tay nhau xếp thành một vòng tròn lớn, nhảy múa dưới ánh trăng) còn ở Uiseong, Gyeongsangbuk-do trẻ em chơi trò Gama ssaum (Trò chơi đánh trận giả). Các hoạt động vui chơi dân gian truyền thống được tổ chức không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân mà còn là để ăn mừng một vụ mùa bội thu. Phan Thị Oanh Nguồn: Korea People and Culture, September 2012.