Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VĂN HÓA ẨM THỰC HÀN QUỐC THỜI TÂN LA

Đăng ngày:

 

Tam quốc di sự chép: “Vị vua thứ 29 của vương quốc Shilla (Tân La, năm 57TCN-935) là Thái Tông Vũ Liệt Vương (602-661), tên thật là Kim Chun Chu (Kim Xuân Thu) một ngày ăn hết 3 đấu gạo, 9 con gà. Sau khi tiêu diệt Baekje (Bách Tế) năm Canh Thân (năm 660), nhà vua không ăn bữa sáng, chỉ ăn bữa trưa và bữa tối, nhưng tính ra một ngày ăn hết 6 đấu gạo và 10 con gà”.

Qua các tư liệu ghi chép và tư liệu khảo cổ học, trong bài “Nghiên cứu về văn hóa ẩm thực thời Tân La thống nhất với trọng tâm là văn hóa ẩm thực cung đình”, giáo sư Kwon Ju Hyun, Trường đại học Keimyung đưa ra những nhận định như sau:

Lượng lương thực chủ đạo cho một bữa ngự thiện của Thái Tông Vũ Liệt Vương thời Tân La thống nhất đã tăng lên nhiều kể từ sau khi Bách Tế bị diệt vong. Số bữa ăn một ngày của nhà vua giảm từ 3 xuống 2 bữa, nhưng số lượng gạo và gà lại tăng, ngoài ra, nhà vua còn dùng thêm 6 vò rượu. Như vậy, số lượng thức ăn một ngày của nhà vua từ khi mới bắt đầu chinh phạt thống nhất Tam quốc là gạo từ mỗi ngày 3 đấu tăng lên 6 đấu, gà từ mỗi ngày 9 con, tăng lên 10 con cộng thêm 6 vò rượu.

Bữa ăn của nhà vua có thêm rượu là do lượng thức ăn tăng cùng với cách chế biến đa dạng. Lúc bấy giờ, cuộc chiến tranh thống nhất Tam quốc (Bách Tế, Cao Cú Lệ, Tân La) chưa kết thúc mà bữa ăn của nhà vua đã có sự đổi khác, vậy nên, sau khi bình định xong ba nước, xã hội ổn định, lãnh thổ được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa ẩm thực, nhất định bữa ăn của nhà vua cũng có nhiều điều thú vị.

Sau khi ba nước thống nhất, mọi sản vật của Cao Cú Lệ, Bách Tế đều được đưa về Gyeong Ju (Khánh Châu) thủ đô của Tân La, cho nên, món ăn dành cho nhà vua cũng gia tăng cả về chủng loại và số lượng. Sự du nhập văn hóa ẩm thực từ Bách Tế, Cao Cú Lệ vào Tân La chủ yếu qua dân di cư đã góp phần làm cho văn hóa ẩm thực cung đình thời Tân La thống nhất trở nên phong phú, đa dạng. Như vậy, chiến tranh không chỉ gây ra xung đột văn hóa giữa các dân tộc với nhau mà còn là cơ hội để họ tiếp cận văn hóa của nhau và văn hóa ẩm thực thời Tân La thống nhất là một minh chứng.

Theo Tam quốc sử ký, trong hoàng cung Tân La có 24 chức vị đảm trách các công việc liên quan đến bữa ăn, cách ăn uống trong cung như: “Thực xích điển” là chức quan đảm trách cách chế biến thức ăn, “Đậu thốn than điển” phụ trách việc cung cấp than để chế biến thức ăn trong cung…, tổng cộng lên đến 104 người.

Nguyên liệu chế biến thức ăn thời kỳ này cũng rất đa dạng. Tại di tích Anapji (hồ nhân tạo từ thời Tân La thống nhất ở Gyeong Ju) và trong Bảo tàng quốc gia Gyeong Ju có nhiều loài động thực vật được khai quật và trưng bày ở đây như trâu, ngựa, lợn, chó, hươu nai, sơn dương, lợn rừng, gà vịt, ngỗng, các loại trai hến, thỏ, các loại chim, cá chép, cá diếc, cá hồi, cá quả, cá thu, cá mập, nấm, hạt thông, hạt dẻ, quả đào, thậm chí có cả những loài vật mà người Hàn Quốc ngày nay không ăn như: ếch, chuột, chuột chũi, mèo, rắn, diều hâu, quạ… Người Tân La còn xuống biển sâu bắt bào ngư về chế biến thức ăn.

Những món ăn vua Shin Mun Wang (Thần Văn Vương) mang đến nhà tân nương khi đón vương phi gồm rượu cất từ ngũ cốc, dầu, mật ong, các loại tương, thịt khô…lên tới 135 xe ngựa. Ngoài ra, thực phẩm lên men như cá đuối muối, lợn muối, món ăn chế biến từ cá đuối, từ nai cũng được đưa đến nhà tân nương.

Giáo sư Kwon phân tích: “Văn hóa ẩm thực của Tân La vừa là sự kết hợp độc đáo của văn hóa ẩm thực Bách Tế, Cao Cú Lệ trong giai đoạn chiến tranh thống nhất và trong quá trình bình định, vừa là sự truyền bá văn hóa ẩm thực đặc sắc của Cao Cú Lệ nức tiếng một thời do chính các cư dân Cao Cú Lệ di cư đến lãnh thổ của Tân La trước khi Tân La thống nhất Tam Quốc”.

(Tiêu đề do chúng tôi đặt).

Phan Thị Oanh

Nguồn: http://news.hankooki.com/lpage/culture/201211/h2012110712023486330.htm


Scroll To Top