Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MÚA MẶT NẠ (TALCHUM)

Đăng ngày:

1.Múa mặt nạ - môn nghệ thuật đại chúng

Múa mặt nạ lưu hành rộng rãi dưới thời Joseon (1392-1910), điều đó chứng tỏ nó đã đạt đến đỉnh cao của loại hình kịch bình dân của Hàn Quốc. Như tên gọi của môn nghệ thuật này trong tiếng Hàn Quốc, Talchum có nghĩa là đeo mặt nạ (tal) vào nhảy múa (chum). Đó cũng là cách người chơi che giấu bản thân mình trong chiếc mặt nạ để thỏa sức giải tỏa những bức xúc, uất hận hàng ngày. Cũng có khi, trong những bộ trang phục của tầng lớp quý tộc, pháp sư (mutang), người vợ, người thiếp hoặc người hầu, những người dân thường có thể tìm thấy niềm vui thực sự của cuộc sống. Chính vì vậy, múa mặt nạ của Hàn Quốc không cần diễn viên nghiệp dư như trong các loại hình kịch của Trung Quốc, Nhật Bản. Hơn nữa, ở đây có điểm rất khác biệt, đó là sân khấu và khán giả không bị tách rời như ở loại hình ca vũ kịch của các nước khác. Đây là trò chơi mà diễn viên và khán giả được cùng nhau vui chơi một nơi.

Múa mặt nạ phát triển đến nay như là một trò chơi nói lên tâm tình của đại bộ phận dân chúng. Chẳng hạn, với nhân vật Maltugi-  kẻ đầy tớ thấp hèn, lúc thì kịch liệt lên án sự dối trá, đạo đức giả của tầng lớp quý tộc bằng những cử chỉ táo bạo, hài hước; lúc thì bằng những lời nói sắc bén, hành động tự do nhằm châm biếm việc các nhà sư phá giới, trêu ghẹo phụ nữ và nhiều vấn đề xã hội khác.

Múa mặt nạ được phục hồi là do có sự tiếp nối với phong trào đấu tranh dân chủ của giới học sinh sinh viên Hàn Quốc những năm 80. Ngày nay, nó được đại chúng hóa như là một trò chơi dân gian, thu hút nhiều người đến xem và thưởng thức. Các chương trình dành cho người dân yêu thích mặt nạ truyền thống và nghệ thuật múa mặt nạ cũng được xây dựng. Người hâm mộ có thể trực tiếp tham gia làm mặt nạ, hoặc tham gia học về nghệ thuật múa mặt nạ. Mục tiêu của chương trình là mang đến cho người dân những cảm nhận, những trải nghiệm của họ về văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Múa mặt nạ gần như bị gián đoạn từ lâu, nhưng ngày nay nó đã trở thành một môn nghệ thuật đại chúng diễn ra hằng ngày, phổ biến và có thể tận mắt xem ngay tại Seoul Madang ở thủ đô Seoul.

2. Các trò múa mặt nạ tiêu biểu

Múa mặt nạ cuả Hàn Quốc phân bố trải rộng trên khắp các vùng miền của cả nước. Múa mặt nạ xuất hiện trong nghi thức tôn giáo Shaman ở làng Hahoe, thành phố An Dong; lễ hội múa mặt nạ Danoje ở Gangneung; Yang Ju Byeolsandae Nori, Song Pa Sandae Nori ở Seoul, Gyeonggi; hoặc múa mặt nạ ở Bongsan, Gangnyeong, Eunyul thuộc vùng biển phía Tây biển Hoàng Hải; Ya Yu, O Kwang Dae ở khu vực phía Đông và phía Tây sông Nakdong.

Byeolsandae Nori ở Gangneung và Hahoe có quan hệ rất mật thiết với nghi thức thờ cúng các vị thần thành hoàng của làng, được người dân trong làng tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng tại miếu thờ thành hoàng làng và được tiến hành như một nghi lễ thần thánh, không tách rời với nghi lễ của Shaman giáo và được coi là nghi lễ cầu mong sự yên vui cho dân làng.

Múa mặt nạ Yayu và Okwangdae được cho là những vở diễn của gánh diễn lưu động Daegwang-daepae từng biểu diễn dọc sông Nakdong truyền lại, cho nên, nó có tính chất giải trí đơn thuần chứ không mang nghi thức thần thánh. Tuy nhiên, căn cứ vào các kiểu mặt nạ, các điệu nhảy và việc tổ chức chủ yếu cùng với lễ hội của làng mà nó được coi là hành vi chứa đựng tình quê hương cố hữu hơn là hoạt động mang tính thương mại.

Yangju Byoelsandae Nori và Songpa Sandae Nori ở khu vực Seoul, Gyeonggi có nguồn gốc từ Bonsandae Nori – trò múa mặt nạ từng được gánh diễn lưu động chuyên nghiệp biểu diễn. Yangju Byoelsandae Nori bắt nguồn từ Bonsandae Nori còn Songpa Sandae Nori phỏng theo Gupabal Bonsandae Nori.

Múa mặt nạ ở vùng biển phía Tây tỉnh Hwang Hae (nay thuộc Bắc Hàn) về mặt nội dung không khác với Sandae Nori là mấy, đặc điểm của các nhân vật và nội dung các vở diễn cũng tương tự nhau.

3. Đặc trưng của mặt nạ Hàn Quốc

Mặt nạ của làng Ha Hoe được chạm khắc từ gỗ cây Dương đỏ làm khô hoàn toàn dưới bóng râm. Đặc trưng của loại mặt nạ này là phần cằm tách rời với khuôn mặt. Nhưng, không phải người ta chạm khắc khuôn mặt và chiếc cằm riêng lẻ mà sau khi công việc chế tác toàn bộ khuôn mặt hoàn tất, thì chiếc cằm được tách ra và đính với khuôn mặt bằng một sợi dây để nó có thể tự do di chuyển.

Nét mặt của mặt nạ Ha Hoe thay đổi theo sự di chuyển và từ các góc nhìn. Ví dụ, loại mặt nạ lưỡng ban (quý tộc) được chạm khắc với phần lông mày và sương gò má nhô lên để nét mặt có thể thay đổi tự do theo sự di chuyển lên xuống. Hay mặt nạ của nhân vật đầy tớ Choraengi lại có cái miệng được vẽ đối lập nhau giữa bên phải với bên trái, nét mặt cười hay giận giữ thay đổi theo sự di chuyển sang phải hay sang trái.

Mặt nạ Okwangdae và Yayu là những chiếc mặt nạ hơi khác với mặt nạ trong Sandae Nori. Đặc trưng của loại mặt nạ này là các đường kẻ to, đơn giản, thô, tính châm biếm được thể hiện mạnh mẽ.

Nét đặc trưng và tính chất châm biếm mạnh mẽ của mặt nạ Tongyeong Ogwangdae thể hiện ở các loại mặt nạ như mặt nạ người bị bệnh hủi, mặt nạ có khuôn mặt trắng hồng, mặt nạ có khuôn mặt đen, mặt nạ người khách, mặt nạ người đầy tớ Maltuggi, tất cả đều bắt nguồn từ con quỷ trong tưởng tượng của người dân.

Mặt nạ ở vùng biển phía Tây được làm chủ yếu bằng nguyên liệu giấy. Chính điều đó mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc từ màu sắc tới tạo hình nhân vật.

Trước đây, mặt nạ Hahoe có tất cả 12 loại, nhưng 3 loại đã bị thất lạc dưới thời Nhật Bản đô hộ và chỉ còn lại 9 loại, gồm mặt nạ cô dâu, quý tộc, đầy tớ Choraengi, con hát, nhà nho, người hầu, đồ tể, lão bà, nhà sư.

Mặt nạ Tongyeong Ogwangdae là loại mặt nạ xuất hiện trong các vở múa mặt nạ ở khu vực Chungmu (Tong Yeong). Nó được coi là trò múa mặt nạ Okwangdae phát triển ở phía Tây khu vực sông Nak Dong. Múa mặt nạ Okwangdae Tong Yeong mang tính giải trí cao, gồm 5 màn diễn (cảnh): con hủi, châm biếm, quý tộc hung ác, cô dâu, thợ săn.

Mặt nạ Bongsan là loại mặt nạ về tầng lớp quý tộc gồm các nhân vật như quý ông, đức lang quân, cậu tú sinh trưởng trong gia đình danh giá với cái miệng ngoác, cong vẹo.

Mặt nạ Suyeong Yayu Malddugi mang ý nghĩa châm biếm sự xảo trá của giới quý tộc với nhân vật chính là tên đầy tớ Maldugi.

Mặt nạ Cheoyong là loại mặt nạ bắt nguồn từ thần thoại Cheoyong, có vai trò xua đuổi con quỷ gây nên bệnh đậu mùa. Trên mũ treo hoa mẫu đơn, quả và cành đào. Hoa mẫu đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý, cây đào mang ý nghĩa không ốm đau, bệnh tật.

Mặt nạ tướng quân Yeongcheon được cất giữ trong đền thờ thành hoàng ở làng Sinnyeong, huyện Yeongcheon, tỉnh Gyeongsangbuk. Hàng tháng, vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch, mặt nạ này được các pháp sư dùng làm lễ vật trong các nghi thức lễ.

Mặt nạ bàn chân là trò múa mặt nạ mà người chơi nằm chéo phía sau bức màn, điều khiển mặt nạ đeo ở chân. Mặt nạ này xuất hiện trong trò múa mặt nạ của gánh diễn lưu động nam ở Anseong.

Mặt nạ 12 con giáp là loại mặt nạ được làm phỏng theo 12 con giáp trong hệ Can Chi, người chơi đeo mặt nạ của loài vật tương ứng với tuổi của mình.

Phan Thị Oanh

Nguồn: http://www.mcst.go.kr/html/symbolImg/kor/talchum/sec03.html


Scroll To Top