Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHÍNH SÁCH GIẢM GIỜ LÀM Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Bất chấp việc đã rút ngắn thời gian làm việc theo luật định, thời gian lao động thực tế của Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong số các quốc gia thành viên OECD do: làm việc ngoài giờ cũng như làm việc vào cuối tuần và ngày lễ quá mức. Vào năm 2010, thời gian làm việc hàng năm của những nhân viên được trả lương ở Hàn Quốc lên tới 2.111 giờ, dài bằng khoảng 2,5 tháng so với mức trung bình của các nước OECD là 1.692 giờ.

Thêm vào đó, mặc dù các lao động Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng tỉ lệ có việc làm và năng suất làm việc của họ lại đứng ở mức thấp hơn so với các nước khác thuộc OECD. Điều này có nghĩa rằng, môi trường làm việc ở Hàn Quốc vẫn còn trong tình trạng khá lạc hậu, khi mà năng suất lao động thấp được bù lại bằng thời gian làm việc dài. Làm việc trong thời gian dài như vậy gây ảnh hưởng bất lợi đến người lao động và gia đình họ, cũng như các doanh nghiệp và quốc gia nói chung.

Nhưng trên hết, làm việc trong thời gian dài đặt sức khỏe của người lao động vào một mối đe dọa nghiêm trọng. Những phát hiện trong nghiên cứu do Đại học Yonsei tiến hành vào năm 2008 đã cho biết, làm việc quá 11 giờ/ngày có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên 2,94 lần. Mới đây, Cục An toàn Lao động và Sức khỏe Hàn Quốc đã đưa ra các kết quả nghiên cứu nói về việc lao động hơn 52 giờ/tuần có thể tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm và rối loạn lo âu lên 2,7 lần. Ngoài ra, vào năm 2007, Cơ quan quốc tế Nghiên cứu Ung thư đã phân loại làm việc luân phiên cả ngày lẫn đêm là một trong những chất gây ung thư Nhóm 2A.

Thời gian làm việc nhiều giờ cũng gây khó khăn cho người lao động để có thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, làm suy yếu sức khỏe của mỗi gia đình. Theo một cuộc khảo sát toàn diện về giới trẻ Hàn Quốc được Bộ Bình Đẳng Giới & Gia Đình Hàn Quốc ủy nhiệm vào năm 2011, 42,1% các ông bố dành ít hơn 30 phút/ ngày để trò chuyện với các con của họ; khoảng 6,8% không duy trì việc chuyện trò với các con. Chừng nào mà họ tiếp tục còn phải làm việc trong thời gian dài thì có thể hoàn toàn chắc chắn rằng chỉ số hạnh phúc ở Hàn Quốc sẽ không bao giờ được nâng cao. Hạnh phúc sẽ được cải thiện chỉ khi các thành viên trong gia đình dành thời gian bên nhau nhiều hơn.

Hiểu theo đúng nghĩa thì mục đích chính của việc cải thiện giờ làm là để bảo vệ các điều kiện làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chỉ số hạnh phúc quốc gia.

Đồng thời, thời gian làm việc dài sẽ dẫn tới gia tăng tai nạn lao động và giảm cơ hội phát triển tiềm năng cá nhân, khiến cho năng suất lao động giảm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp suy yếu. Vào năm 2010, mức năng suất trên một lao động của Hàn Quốc bằng 46,2% so với Mỹ, bằng 61,9% so với mức trung bình của OECD. Hàn Quốc cũng chỉ đứng thứ 28 trong số 30 nước thành viên OECD về năng suất lao động.

Sự thật là có nhiều ý kiến lo ngại rằng, rút ngắn thời gian lao động có thể làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bây giờ là lúc tìm ra cách nhằm đẩy mạnh năng suất bằng việc giải quyết những ảnh hưởng bất lợi của giờ làm việc kéo dài hơn là vẫn theo một quan niệm lỗi thời cho rằng người lao động phải làm việc nhiều giờ để bù lại năng suất lao động thấp. Đây là một biện pháp trực tiếp nhằm nhanh chóng dẫn đầu về sức cạnh tranh. Đổi lại việc cắt bớt thời gian làm việc người lao động cũng như nhà quản lý phải cùng nhau tìm ra cách sử dụng thời gian lao động một cách có hiệu quả hơn nữa. Dựa trên những cố gắng này, nếu họ nỗ lực để có được một chế độ trả lương dựa trên sức sản xuất, thay thế cho chế độ trả lương hiện tại dựa theo thâm niên, thì cả người lao động cũng như nhà quản lý đều cùng có lợi.

Thực trạng làm việc nhiều giờ của số ít người lao động sẽ thúc đẩy việc nghỉ hưu non hay xóa bỏ dần nền tảng của việc phân chia công việc đối với các lao động nữ cũng như những người trẻ và cao tuổi. Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì một số lượng tối thiểu các lao động thường xuyên, tận dụng hết mức các lao động hiện tại để bắt họ làm thêm giờ, làm việc vào cuối tuần và các ngày lễ. Về phần các tổ chức công đoàn, dường như họ cũng rất hưởng ứng với chuyện làm thêm giờ hay công việc ngoài giờ hơn là việc rút ngắn giờ làm và cải thiện năng suất lao động.

Các tập đoàn lớn đã có trách nhiệm đóng góp một cách đáng kể cho xã hội, nhằm giúp giải quyết vấn đề việc làm trên. Về mặt này, sẽ rất khó để phủ nhận sự thật rằng, chế độ làm việc nhiều giờ đều được cả hai phía là người lao động và nhà quản lý tuân theo. Nếu một số ít các lao động tiếp tục làm việc nhiều giờ, trong khi một số lượng lớn lại bị từ chối công việc, thì sẽ rất khó để có thể tăng tỷ lệ việc làm, khiến cho hiện tượng tăng trưởng cao nhưng việc làm vẫn thiếu càng thêm trầm trọng. Vì thế, để đạt được một sự phát triển bền vững vẫn còn là điều khá xa vời.

Không có gì đảm bảo rằng những công việc mới sẽ ngay lập tức được tạo ra cùng lúc với việc cắt giảm giờ làm. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian lao động rõ ràng sẽ còn phải đi một con đường dài để có thể tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp ở Hàn Quốc, nơi mà làm việc nhiều giờ đã được nhiều người coi là chuyện đương nhiên.

Tác động tích cực của việc cắt giảm giờ làm đã bắt đầu được thấy rõ. Năm ngoái, khi Bộ Lao động đưa ra giới hạn quy định về giờ làm thêm, 403 doanh nghiệp đã phải thuê cũng như lập kế hoạch tuyển dụng thêm 5.282 lao động để tránh việc vi phạm đạo luật mới trên. Điều này chứng tỏ một sự thật rằng, chừng nào các đạo luật được tuân thủ một cách nghiêm túc thì chừng đó mới có thể gia tăng các công việc mới, nhất là khi thị trường lao động Hàn Quốc bị chi phối rất lớn bởi chế độ làm việc hai ca, nơi mà người lao động làm một ca ngày hoặc một ca đêm theo cơ chế hoạt động 24 giờ. Trong số các doanh nghiệp hoạt động dựa trên cơ sở làm việc theo ca, 63,5% các công ty công nghệ thông tin và 77% các hãng sản xuất, phân loại các nhân viên của họ ra theo hai nhóm và yêu cầu mỗi nhóm làm một ca. Nếu những doanh nghiệp này lựa chọn một chế độ ca làm việc mới bằng việc phân lại nhân viên theo ba nhóm luân phiên làm 2 ca, nhiều công việc bổ sung sẽ được thêm vào cho phù hợp.

Trong khi đó, chế độ trả lương theo thời gian làm việc sẽ giúp người lao động có thể cân đối giữa công việc và cuộc sống gia đình mà không bị phân biệt đối xử. Khác với nhiều nước phát triển, ở Hàn Quốc chỉ có một số ít công ty đi theo chế độ làm việc này, cái mà được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cùng với việc cải thiện thời gian lao động. Hơn nữa, việc rút ngắn giờ làm cũng cho phép người lao động có thêm nhiều ngày nghỉ. Điều này sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp dịch vụ và khuyến khích sức tiêu thụ trong nước. Nói cách khác, nó được mong chờ có thể chuyển đổi ra nhiều công việc mới.

Trong mối quan hệ này, Chính phủ, người lao động và nhà quản lý đã đạt tới một thỏa thuận vào tháng 6/2010 nhằm cùng nhau phối hợp cố gắng giảm giờ làm xuống còn khoảng 1.800 giờ vào năm 2020.

Để đạt được mục đích trên, vào năm 2010, Chính phủ đã đề ra một chương trình các biện pháp nhằm cải thiện giờ làm. Từ đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực chủ động hướng dẫn và giám sát những nơi làm việc có nhân viên phải làm việc nhiều giờ, cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp để giảm thời gian lao động, xem xét lại các đạo luật và các thể chế hữu quan vì sự tiến bộ của người lao động và giúp nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này.

Đầu tiên, Sở Lao động – Việc làm của 6 địa phương trên cả nước đã thành lập các nhóm đặc nhiệm để giám sát xem những nơi làm việc nào thuộc khu vực của họ tuân thủ giới hạn về giờ làm theo quy định. Các Nhóm đặc nhiệm này giúp các doanh nghiệp tránh khỏi việc vi phạm luật giờ làm thông qua việc chỉ đạo và thanh tra. Trong năm 2011, các nhóm đặc nhiệm đã kiểm tra 505 nơi làm việc, trong đó có các hãng sản xuất ô tô và phát hiện ra 403 trong số này vi phạm luật. Nhờ có cuộc điều tra, các doanh nghiệp bị phát hiện thất bại trong việc thực hiện quy định đã tuyển dụng thêm 5.282 nhân viên mới. Một lần nữa vào năm 2012, Chính phủ tiếp tục giám sát và thanh tra các ngành công nghiệp và nơi làm việc có nhân viên làm việc nhiều giờ hoặc làm hai ca liên tục không nghỉ. Đồng thời, Chính phủ cũng lập kế hoạch thảo luận với các doanh nghiệp và khuyến khích họ cải thiện thời gian lao động.

Thứ hai, Chính phủ đã cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm số lượng giờ làm và nâng cao điều kiện lao động cho nhân viên. Trong năm 2011, 65 doanh nghiệp đã tiếp nhận các dịch vụ nói trên. Qua những kết quả này, Chính phủ đang cố gắng tạo nên những trường hợp thành công và thúc đẩy chúng thành công hơn nữa. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã phát triển một chương trình giáo dục cho các nhân viên cách giảm bớt được thời gian làm việc và bắt đầu cung cấp các khóa học cho các giám đốc, nhà quản lý phụ trách nhân sự và các vấn đề lao động vào năm 2012. Nhưng trên hết, Chính phủ sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng cải thiện điều kiện lao động thông qua việc giảm giờ làm. Chính phủ đã quyết định tăng tiền trợ cấp hàng năm cho các doanh nghiệp nhằm cải cách chế độ ca làm việc của họ từ 7,2 triệu won lên 10,8 triệu won. Bên cạnh đó, Chính phủ còn mở rộng thời gian nhận trợ cấp lên hai năm so với một năm trước đây.

Thứ ba, liên quan đến việc xét duyệt lại luật lao động và các quy định, Chính phủ sẽ thúc đẩy một chính sách đưa ngày làm việc cuối tuần hoặc ngày lễ vào nhóm làm việc ngoài giờ. Theo Luật Lao động hiện hành, làm việc vào cuối tuần hay ngày lễ không thuộc giới hạn quy định về giờ làm thêm hàng ngày hay hàng tuần. Đồng thời, Chính phủ sẽ điều chỉnh một cách hợp lý danh sách các ngành công nghiệp được miễn khỏi quy định giới hạn giờ làm và thay đổi thể chế nhằm mục đích để công tác quản lý nhân sự được linh hoạt hơn. Ngoài ra, Chính phủ còn thông qua các chính sách mới cho phép người sử dụng lao động tạo thuận lợi cho chế độ giờ làm việc linh hoạt, cũng như cho phép người lao động tích lũy thời gian làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ và sử dụng chúng như thời gian nghỉ sau này. Để đạt được mục tiêu trên, một Ủy ban bàn về vấn đề cắt giảm thời gian lao động thực tế, làm việc dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Phát triển Kinh tế - Xã hội đã lắng nghe rất nhiều ý kiến từ người lao động, ban quản lý đến các chuyên gia khác nhau. Đồng thời, Uỷ ban còn đưa ra các kế hoạch cụ thể về công việc mà Chính phủ, người lao động và ban quản trị phải triển khai để giảm giờ làm cũng như cải thiện điều kiện lao động.

Sau cùng, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc để đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng về vấn đề này qua việc đi đầu về giảm giờ làm ở các tổ chức công cộng, thúc đẩy các hoạt động giải trí và phát động một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức xã hội.

 

Tống Thùy Linh

Nguồn: Korea Labor Review, Summer 2012

 

 

 

 

 

 


Scroll To Top