Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỐNG THAM NHŨNG Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Việc bắt giam các con của Tổng thống Kim Dae-jung cho thấy giíi lãnh đạo Hàn Quốc đã rÊt nỗ lực chống tham nhũng, nhưng cũng minh chứng rằng quốc gia có điểm số khá tốt về chế độ quản lý hiệu quả có thể vẫn gánh chịu nạn lũng đoạn nhà nước. Hàn Quốc rõ ràng cần phải thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và tính tự chịu trách nhiệm nhất là đối với các nhà tư bản lớn. Về mặt này, một xã hội công dân tham gia tích cực và một đội ngũ công chức chuyên nghiệp có năng lực là hai trụ cột trong mối quan hệ nền tảng giữa nhà nước và xã hội. Hai điều đó là tối cần thiết cho chiến lược nâng cao các rủi ro phải gánh chịu hậu quả của hành vi tham nhũng và giảm bớt các cơ hội và lợi ích có được do tham nhũng.

Bất kể những điều đạt được, cho đến nay, năm 2000, 75% dân chúng Hàn Quốc vẫn xem tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù đã giảm xuống 16% so với năm trước đó, nhưng vẫn là một con số rất cao. Hơn nữa, tỷ lệ bản án tham nhũng giảm xuống không có nghĩa là tham nhũng ít xảy ra hơn mà chính là hoạt động truy tố đã trở nên kém hiệu qủa hơn.

Có lẽ hệ thống các chính sách và chương trình chống tham nhũng hiện hành ở Hàn Quốc quy mô hơn các nước khác, nhưng để cho hệ thống hoạt động có hiệu lực thực sự thì cũng quan trọng như xây dựng chính hệ thống đó, kinh nghiệm chỉ ra rằng phải liên tục củng cố và kiện toàn hệ thống. Không thể thanh lọc những viên chức tham nhũng nếu không loại bỏ các cơ hội tham nhũng và đảm bảo rằng các viên chức trung thực được bổ nhiệm vào các vị trí tin tưởng.

Điều cần nhấn mạnh là, với những giải pháp nêu trên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Hàn Quốc đã thu được những kết quả khả quan. Và từ những phân tích trên có thể rút ra những kết luận sau:

Thứ nhất là, Chính phủ đang tiến hành một chiến lược chống tham nhũng có hệ thống và toàn diện. Trước đây, nhiều luật và cơ chế được đưa ra nhưng chúng được ban hành mà không có kế hoạch và cơ chế thi hành hữu hiệu;

Thứ hai là, các phương pháp khoa học và khách quan đang được áp dụng để tạo ra nền tảng cho hoạt động phòng chống tham nhũng và cải tổ cơ chế chẳng hạn như các biện pháp quy định trong Luật Phòng chống Tham nhũng và Luật Ngăn ngừa rửa tiền;

Thứ ba là, Chính phủ đang chú trọng ngăn ngừa cũng như trừng phạt tham nhũng. Để làm được điều đó, Chính phủ đang phát huy tối đa các biện pháp xử nghiêm các vụ án tham nhũng bất kể chức vụ của người vi phạm và áp dụng mức hình phạt ngang bằng đối với bên đưa và bên nhận hối lộ trong các giao dịch tham nhũng;

Thứ tư là, các hoạt động đánh giá và đảm bảo thi hành đang được thực hiện để đảm bảo cho các biện pháp chống tham nhũng được thực hiện. Chính phủ đang kiểm tra hiệu lực và hiện trạng của các biện pháp trên bằng phương thức đánh giá chúng một cách chi tiết thông qua các tổ chức có trách nhiệm và các cơ quan tự quản địa phương;

Và thứ năm là, sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ đã tăng cường tính độc lập của KICAC và giúp ban hành đạo luật mới trong đó có vấn đề bảo vệ những người cầm cân nảy mực. Các tổ chức phi chính phủ đã phát động chiến dịch phản đối các ứng cử viên chính trị và thực hiện phong trào bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số đã dẫn đến sự cơ cấu lại chế độ quản lý doanh nghiệp và cải cách các thực tiễn kế toán còn nhiều vấn đề trước đây. Cải cách khu vực doanh nghiệp đã góp phần cải cách chế độ quản lý doanh nghiệp và việc áp dụng bộ quy tắc đạo đức kinh doanh.

Các vấn nạn do tham nhũng gây ra ở Hàn Quốc rõ ràng là rất phức tạp, đòi hỏi các giải pháp dài hạn. Việc lên kế hoạch và thực thi một cách thận trọng các cải cách có ý nghĩa quan trọng. Có thể đưa ra nhiều giải pháp nhưng xét về thực tế không phải tất cả các giải pháp đều áp dụng và thử nghiệm. Điều quan trọng là lựa chọn những chính sách phù hợp với nước này và phải xác định các chính sách ưu tiên và lần lượt thực hiện chúng theo hiệu lực mong muốn về kiểm soát tham nhũng.

Hàn Quốc vẫn bị tác động nghiêm trọng bởi tham nhũng ở các mức độ cao nhất. Việc các cơ quan nhà nước có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế lớn đã cản trở quá trình phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn và làm suy yếu các cơ chế chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mặc dù các vấn nạn của tệ lũng đoạn nhà nước ở Hàn Quốc dường như cũng giống với các vấn nạn của tệ nạn này ở các nước chưa phát triển, nhưng thách thức trong việc giải quyết tệ nạn này khác nhau lớn. Dưới nhiều phương diện, Hàn Quốc có nhiều thuận lợi trong đấu tranh chống nạn lũng đoạn nhà nước nhờ có hệ thống các cơ quan quản lý khá mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Các biện pháp chống tham nhũng toàn diện, quy mô được áp dụng thực tiễn ở nhiều phương diện thông qua chế độ quản lý hiệu quả của Hàn Quốc. Cơ quan chống tham nhũng đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong đó phải kể đến việc truy tố các nhân vật cao cấp như hai con trai của Tổng thống Kim Dae-jung. Những sự kiện đó đã cho thấy cam kết của quốc gia này về kiểm soát tham nhũng, đó cũng là dấu hiệu cảnh báo với mọi người rằng các nguy cơ trừng phạt đối với tội tham nhũng sẽ tiếp tục tăng lên và chiếm ưu thế so với các lợi ích mà tham nhũng có thể mang lại. Hơn nữa, chính sách kinh tế mở cửa của Hàn Quốc đồng nghĩa với việc là các nhà đại tư bản sẽ tiếp tục đối mặt với sức mạnh cạnh tranh của tiến trình làm trong sạch đời sống xã hội. Tuy nhiên, vấn đề không thể bỏ qua đối với nước này là sự cần thiết củng cố các cơ quan truy tố, xét xử. Xét cho cùng, đó chính là những cơ quan đảm bảo việc tham nhũng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Việc xây dựng liên minh với các đoàn thể xã hội, việc áp dụng có chiến lược các công nghệ thông tin liên lạc và việc hợp tác toàn diện với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khác đã và đang đạt được những tiến bộ quan trọng về minh bạch trong quản lý hành chính, sự phân cấp, phân quyền quản lý và đảm bảo tính liêm chính thông qua các biện pháp có hệ thống. Tuy nhiên, để khắc phục nạn lũng đoạn nhà nước, Hàn Quốc cần phải thực hiện mạnh mẽ chính sách toàn diện thông qua giáo dục cho dân chúng và làm cho người dân thay đổi về tập tính văn hoá. Mặc dù Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong thực hiện các chính sách và chương trình chống tham nhũng nhưng nhiều cuộc chiến cam go vẫn còn ở phía trước. Nhiều vấn nạn tham nhũng có nguồn gốc sâu xa từ cơ cấu quyền lực chính trị và thể chế của quốc gia này và phải mất nhiều năm thì các cải cách của Chính phủ mới có thể đi vào thực tế và được duy trì thực hiện.

Tác giả: Ngô Minh Thanh

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top