Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC GIA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Đây là ý kiến của GS Hunamjin,6 giảng viên Triết học Đại học tổng hợp quốc gia Sê-un. Thống kê chính thức của chính phủ Hàn Quốc cho thấy, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ học sinh các cấp đăng ký học và tỷ lệ người biết chữ cao nhất thế giới. Nhờ đó đã tạo ra một nguồn nhân lực có trình độ cao, không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế mà còn dư thừa. Bên cạnh đó, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức cho người công dân, và đây được coi là cơ sở dọn đường cho việc xây dựng một thể chế dân chủ ở Hàn Quốc. Nói cách khác, giáo dục giúp người dân nâng cao trình đô dân trí và thúc đẩy họ quan tâm nhiều hơn đến chính trị tạo cơ hội cho họ đấu tranh, xây dựng thể chế dân chủ ở quốc gia này.

Tuy nhiên sự gia tăng quá mức về số lượng, nhất là ở các cấp học trước đại học đã dẫn đến nhiều hệ luỵ, nhất là quan hệ giữa số lượng và chất lượng đào tạo, giữa qui mô lớp học với số lượng giáo viên, và cả vấn đề chương trình đào tạo và học phí, vv.. Đây là những bất cập trong giáo dục ở Hàn Quốc và cũng được coi là một loại vấn đề xã hội nổi cộm ở quốc gia này.

Người ta nhận thấy một thực tế là, hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc hiện nay đã không thực hiện được chức năng nuôi dưỡng và phát triển tính cách tốt đẹp của con người Hàn Quốc cũng như phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nói đến giáo dục nhiều người nghĩ rằng, đó là một gánh nặng cho gia đình và xã hội, bởi người ta không nhìn thấy được những kết quả mang tính hữu hình. Sự quá tải ở các trường Đại học thể hiện ở chỗ, nhu cầu vào học đại học của sinh viên lớn hơn khả năng thu nhận của các trường này bởi những hạn chế mà họ phải đối mặt nhất là cơ sở vật chất và tài chính. Điều đó đã tạo ra “một ngõ hẹp” giữa các trường trung học phổ thông và trường đại học, ở đó nhiều học sinh trung học muốn học cao hơn đã không còn cơ hội. Thậm chí ở cấp tiểu học mầm non, nhà nước đã tỏ ra rất bất lực trong việc hỗ trợ tài chính và hành chính. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non công cộng đã bị đóng cửa và gây khó khăn cho các cháu và bố mẹ các cháu ở cấp học này. Dường như nền giáo dục thuần khiết theo đúng nghĩa đen của từ này đã bị thay thế bằng việc chuẩn bị dồn dập cho kỳ thi đại học và những giáo viên được tôn vinh nhiều nhất là những người cho học sinh điểm cao nhất trong các bài thi không tốt nhất của học sinh.

Trên thực tế, giáo dục sau trung học phổ thông ở Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào đào tạo nghề. Các trường trung học dạy nghề nhận tất cả những học sinh không đỗ đại học hoặc con em của các gia đình có thu nhập thấp. Và kết cục là, các trường này không thể tạo ra những lao động có kỹ năng cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển của quốc gia. Đó là một nghịch lý song không còn sự lựa chọn nào khác bởi các em này không thể vào đại học và các em này không thể không được đào tạo nghề. Nghịch lý đó tồn tại đã hơn 2 thập kỷ qua ở Hàn Quốc.

Điều đó cũng có nghĩa học sinh đang bị tước mất cơ hội đạt tới sự thể hiện khả năng tối đa của mình trên thị trường lao động nơi mà sự đa dạng kỹ năng là một đòi hỏi thực sự. Hình ảnh của họ đang bị lu mờ trong một thế giới không đáng tin cậy, nơi mà chỉ số thành công trong học tập được người ta nhấn mạnh ở điểm số bài thi. Thực ra ở nhiều quốc gia khác ở Đông á, việc coi trọng điểm số thi cử cũng giống với Hàn Quốc song có lẽ ở Hàn Quốc, điều đó trở nên nặng nề hơn. Nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc nhận thức rằng, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một tất yếu và là động lực của nền kinh tế thị trường song khi nó được đẩy lên thái quá thì hậu quả mà nó tạo ra không phải là nhỏ và xã hội phải gánh chịu. Điều này được thể hiện ngay cả trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Hiện nay, mức độ cạnh tranh trong thi cử để được vào một trường đại học ở Hàn Quốc là quá cao và nó vượt khỏi giá trị đích thực của nó; điều đó có nghĩa là giá trị nhận biết được của việc đỗ vào một trường đại học đã vượt quá giá trị của giáo dục do trường đại học đó tạo ra như một con đường dẫn đến thành công trong nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sức ép muốn con em mình thi vào trường đại học danh tiếng khiến nhiều bậc phụ huynh định ra các mục tiêu không thực tế cho con em họ. Và điều này đã tạo ra sức ép tâm lý rất lớn tới giới trẻ bởi họ phải học, phải hành động theo ý chí của phụ huynh chứ không phải bằng nỗ lực và nguyện vọng cá nhân. Rất có thể điều đó làm thui dột sự sáng tạo của học sinh.

Có một tình hình khá phổ biến là ở cấp tiểu học cho tới khi tốt nghiệp phổ thông trung học gần như không học sinh nào thoát khỏi tình trạng lớp học quá đông, với một thầy giáo và một cái bảng. Hiện trạng này đang đòi hỏi phải thay đổi bởi nó không tạo ra một môi trường thuận lợi cho học sinh phát huy tính sáng tạo, vươn tới những chân trời mới của khoa học và công nghệ. Cho dù Hàn Quốc được biết tới như là một quốc gia có truyền thống đào tạo ra những học sinh giỏi đạt được thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế về toán học và các khoa học khác, song điều đó vẫn chưa tạo đủ điều kiện đảm bảo đất nước này có một nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh quốc tế mới, có thể cạnh tranh thành công với những quốc gia tiên tiến khác. Không ít người cho rằng để đáp ứng được đòi hỏi đó, có nhiều việc Hàn Quốc phải làm, trong đó cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục ở quốc gia này; Sự đổi mới đó còn được gọi là cải cách giáo dục và phải nhằm tới ra một lớp người có tính sáng tạo cao và có khả năng giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh.

Những bất hợp lý trong cơ cấu môn học, thời lượng môn học, v.v… ở các cấp học phổ thông cũng trở thành vấn đề thời sự tại các cuộc họp của Hội đồng giáo dục quốc gia do Tổng thống đứng đầu. Có ý kiến cho rằng, cần gia tăng thời lượng môn tiếng Hàn và một số môn thuộc khoa học xã hội cho học sinh tiểu học, tất nhiên cần coi trọng môn tiếng Anh, bởi những môn học này giúp học sinh ở lứa tuổi này có thêm kiến thức xã hội, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, nhân ái và nhân văn ngay từ lứa tuổi mới lớn. Đây cũng là nội dung được người ta chú trọng trong chương trình cải cách giáo dục quốc gia của Hàn Quốc.

Những thành công trong lĩnh vực kinh tế trong mấy thập niên qua đã đưa Hàn Quốc vào hàng ngũ các nước công nghiệp hoá mới; điều đó đồng nghĩa với việc những khó khăn về ngân sách giáo dục không còn là một trở ngại trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Vấn đề nổi cộm ở đây là cơ chế quản lý và huy động vốn cho giáo dục. Thực tế cho thấy đầu tư cho giáo dục từ ngân sách nhà nước vẫn gia tăng qua các năm song phương thức đầu tư và đối tượng đầu tư vẫn được nhiều người quan tâm. ở Hàn Quốc, các bậc phụ huynh vẫn phàn nàn về mức đầu tư của gia đình cho giáo dục chiếm một phần lớn trong ngân sách gia đình. Điều này tạo ra gánh nặng cho các thế hệ cha mẹ học sinh và với những gia đình có thu nhập cao thì khả năng đầu tư cho giáo dục lớn nên con em của học có cơ hội lớn hơn để vào các trường danh tiếng còn các gia đình eo hẹp về kinh tế sẽ gặp khó khăn và con em của họ sẽ có ít cơ hội hơn trong giáo dục. Trong khi đó học phí tại các trường tư quá cao cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình có con em học ở những trường này, kể cả các gia đình khá giả. Và cho dù nhà nước đã có chính sách cho vay ưu đãi (tín dụng học đường) cho các gia đình để đầu tư cho giáo dục song sự bình đẳng trong giáo dục ở phương diện này vẫn không thể đạt được.

Trên một góc độ nhất định, những bất cập kể trên của hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc là những vấn đề bên trong - những vấn đề của nền giáo dục Hàn Quốc. Đó là cơ sở đầu tiên, điểm xuất phát để Hàn Quốc đẩy mạnh cải cách giáo dục. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế mới cũng đặt ra những đòi hỏi bức xúc cho cuộc cải cách này.

Không ít nhà nghiên cứu giáo dục Hàn Quốc cho rằng, đối với bất kỳ xã hội nào, những cố gắng cải cách giáo dục chỉ có thể thành công nếu như quốc gia đó có những đánh giá đúng những đặc thù của nền văn hoá đương thời và cuộc cải cách đó đặt trên cơ sở nhận biết những đòi hỏi bên trong và bên ngoài của mỗi nền giáo dục. ở Hàn Quốc cuộc cải cách giáo dục tiếp theo còn cần phải được nhận diện từ những đổi thay của môi trường quốc tế. Chính sự đổi thay đó buộc người ta phải đổi mới toàn diện và cập nhật nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và cải cách hành chính giáo dục.

Những thay đổi của môi trường quốc tế trong thế kỷ 21 được dự đoán là sẽ có những bước ngoặt mới và chúng đã lộ diện. Chính nó sẽ làm biến đổi thế giới. Những rào cản quốc gia về sắc tộc, tôn giáo, đạo đức và văn hoá sẽ bị lu mờ và toàn cầu hoá với những giá trị chung sẽ xuất hiện. ở đó khái niệm cộng đồng toàn cầu sẽ phát triển cùng với những tiến bộ xa hơn trong cách mạng thông tin. Quan niệm về thời gian và không gian sẽ thay đổi. Các quốc gia đã và đang bước vào kỷ nguyên phụ thuộc và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Trong những thập niên tới, tài sản tri thức sẽ có vai trò lớn hơn tài sản vật chất và đó là cơ sở để người ta xây dựng xã hội tri thức hay xã hội thông tin. Và điều đó cũng có nghĩa là nhân tố quyết định trong việc chiếm được thị phần thế giới không phụ thuộc ở khả năng sẵn có nguồn tài nguyên thiên nhiên và vốn mà nó phụ thuộc vào cách tiếp cận, cách khai thác thông tin và công nghệ mới.

Xã hội thông tin tạo ra cơ hội, mở rộng khả năng làm thay đổi vai trò của giáo dục và chức năng của các trường học. Vai trò truyền thống của nhà trường sẽ bị lu mờ và biến mất trong xã hội thông tin. Điều đó buộc các nhà giáo dục tìm kiếm cách thức đánh giá, cách thức giảng dạy, lựa chọn và vận dụng tri thức truyền thống để hướng học sinh của mình vươn tới những khám phá mới. Vai trò của truyền tải thông tin thuộc về các phương tiện truyền thông đại chúng và nhờ đó các nhà giáo dục sẽ tự do bày tỏ quan điểm về đạo đức, đánh giá cái đẹp, cái thiện và cả những vấn đề về hoà bình, chiến tranh, toàn cầu hoá, khu vực hoá và ổn định xã hội. Điều này cũng có nghĩa là sự tiếp thu của người học cũng mang tính tự giác cao và sự lựa chọn thông tin của họ không chỉ phục thuộc vào khả năng nhận thức của mình mà nó còn phụ thuộc vào nhu cầu tự thân của họ.

Và có thể nói khác đi rằng, cải cách giáo dục của Hàn Quốc vừa phải nhằm tới khắc phục những vấn đề nổi cộm trong nền giáo dục của nước này và vừa phải hướng tới đáp ứng những đòi hỏi, những thách thức của môi trường quốc tế mới.



Tác giả: Ngô Xuân Bình

Biên tập: nhóm website

Scroll To Top