Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BỐI CẢNH HÌNH THÀNH GIG ECONOMY Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Hòa nhập với xu thế của toàn cầu, từ đầu năm 2010, nền kinh tế Gig đã hình thành ở Hàn Quốc với sự tăng trưởng của nền tảng lao động kỹ thuật số. Gig Economy là thuật ngữ mô tả một hình thức kinh tế, trong đó các công ty tạm thời ký hợp đồng và thuê người bất cứ khi nào họ cần.

Tại Hàn Quốc, Gig Economy vẫn giữ nghĩa gốc và được chuyển thể sang tiếng Hàn với hai cách viết 긱경제 (긱 là Gig, 경제 là từ thuần Hàn, nghĩa là Kinh tế) hoặc 긱이코노미 (với긱 là Gig và이코노미 là phiên âm của từ Economy sang tiếng Hàn Quốc) (Jeong Seonbi, 2020). Theo đó, 긱경제 (Gig Economy) có nghĩa là một hình thái kinh tế trong đó các công ty tăng cường tuyển dụng lao động tạm thời thay vì tuyển dụng lao động thường xuyên cho các dự án hoặc nhiệm vụ cụ thể. Kèm theo đó, thuật ngữ được nhắc tới là 긱워커 (Gigworker) chỉ những lao động ngắn hạn được thuê theo cách này và nhận công việc một lần, không liên tục, còn được gọi là người lao động hợp đồng (Kim Da-som, 2022).

Bối cảnh xuất hiện Gig Economy ở Hàn Quốc

- Quan niệm “công việc trọn đời” dần phai nhạt

Trong năm 2020, một cuộc điều tra trực tuyến do một website Hàn Quốc thực hiện với 1.800 người lao động về tình trạng duy trì công việc đầu tiên, đã phản ánh phần nào sự thay đổi về công việc trọn đời đối với người Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, chỉ có 12,4% số người trả lời đang tiếp tục công việc đầu tiên trong khi 87,6% số người đã rời bỏ công việc (Yu, 2020). Theo kết quả một cuộc khảo sát do Saramin công bố năm 2021, có tới 58,4% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trở thành nhân viên hợp đồng. Tỷ lệ số người phản hồi như sau: Có thể làm việc linh hoạt bao nhiêu tùy thích (72,1%); Có thêm thu nhập theo khả năng (39,7%); …(Kim Da-som, 2022). Đặc biệt, trong số những người được hỏi, có tới 74,5% trả lời cho rằng, nền kinh tế hợp đồng sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Sự cải thiện các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho lao động gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ vay trong khu vực tài chính hiện có và dịch vụ báo cáo thuế thu nhập cho lao động hợp đồng,… đang gia tăng, khiến người lao động thiện cảm hơn với công việc hợp đồng. Đồng thời, quan niệm về “N Jobs”, chỉ những người làm nhiều nghề cũng một lúc phổ biến hơn. Hình ảnh về nhân tài mà xã hội mong muốn đã chuyển từ một người chỉ giỏi một nghề thành một người có năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau (Kim Seon-jae, 2019). Dĩ nhiên, sự chuyển đổi nhận thức của xã hội Hàn Quốc về ưu tiên lựa chọn công việc diễn ra trong một thời gian dài và là sự tổng hợp của nhiều yếu tố tác động đan xen. Một trong những lực đẩy chính khiến “công việc trọn đời” dần biến mất là sự gia nhập thị trường lao động của thế hệ MZ.

- Thế hệ Millennials tham gia thị trường lao động

Không giống như trong quá khứ, quan điểm theo đuổi “công việc trọn đời”, trở thành lao động thường xuyên trong các doanh nghiệp lớn, không còn là lựa chọn của thế hệ trẻ. MZ 세대 hay thế hệ MZ, là cụm từ chỉ thế hệ M (Millennials) và thế hệ Z, những người sinh từ năm 1981 đến 2010 (Namuwiki, 2022) ở Hàn Quốc. Năm 1997, khi thế hệ M sắp gia nhập thị trường lao động thì khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra khiến các tập đoàn gặp khó khăn đề nghị nhân viên “nghỉ hưu danh dự”, tạo ra lượng lớn lao động tham gia hoạt động tự kinh doanh trên thị trường. Không chỉ có vậy, chặng đường cạnh tranh của thế hệ M tìm kiếm việc làm ở các công ty lớn, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng trở nên chông gai hơn do những tác động tiêu cực kể trên. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kèm với những biến đổi mạnh mẽ từ thị trường lao động, phong trào “quay lưng” với công việc trọn đời dần xuất hiện. Cùng với đó, đông đảo người dân Hàn Quốc bắt đầu công việc tự kinh doanh hoặc trở thành lao động tự do. Hiện nay, khoảng 25% tổng số lao động ở Hàn Quốc là lao động tự do, tỷ lệ cao thứ 6 trong tổng số 38 quốc gia thuộc khối OECD (Lee, 2022).

Làn sóng “Gig worker” (긱워커) hay người lao động hợp đồng từ thế hệ MZ trở nên phổ biến, thúc đẩy sự ra đời của nền kinh tế Gig ở Hàn Quốc. Người lao động hợp đồng, lao động hợp đồng đề cập đến công việc theo hợp đồng bán thời gian, một công việc ngắn hạn thay vì toàn thời gian, đang là cách thức làm việc mới cho thế hệ MZ ở Hàn Quốc (Hong Sung-yong, 2021). Một trong những nguyên nhân chính lý giải hiện tượng này là thế hệ thanh niên coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ưa thích giờ làm việc linh hoạt và có xu hướng lựa chọn công việc ít rào cản (khi thay đổi công việc) trong quá trình làm việc. Thêm vào đó, hiện tượng này phù hợp với chủ nghĩa cá nhân ngày càng dâng trào trong thế hệ trẻ.

- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số

Ở chiều cạnh khác, trong bối cảnh phát triển công nghệ số như vũ bão, thế giới được kết nối thông qua các mạng kỹ thuật số, sự hội tụ của các ngành thông qua cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trở nên sôi động, thúc đẩy nền tảng lao động kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng. Mức độ tự động hóa làm giảm nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất do nhiều người dịch chuyển sang dịch vụ trực tuyến (Kwon, 2021). Đổi mới trong công nghệ thông tin có nguy cơ phá vỡ ngành dịch vụ trực tiếp như phục vụ ăn tại nhà hàng, mua sắm tại siêu thị... Điều này thúc đẩy sự ra đời và phát triển các phân ngành mới, sản sinh ra nhiều công việc, nhiệm vụ theo yêu cầu. Loại hình việc làm này có thể thực hiện được bởi trí tuệ nhân tạo (AI), đang dần thay thế tất cả các tác vụ do con người thực hiện trong quá khứ. Ví dụ, điển hình là công việc phân loại bưu kiện, kiểm soát khối lượng giao hàng và gửi đi. Kết quả là công việc giao hàng, dịch vụ giao đồ ăn, app giao hàng mọc lên như nấm. Năm 2019, thị trường giao đồ ăn của Hàn Quốc được xếp hạng lớn thứ ba trên thế giới. Trong vòng 3 năm từ 2017 đến 2020, các giao dịch vụ ăn uống ở nước này đã tăng 85,4% (Moon, 2021). Tương tự như các quốc gia phát triển trên thế giới, dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng, đặt đồ ăn,…bùng phát, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế hợp đồng tăng trưởng sâu rộng ở Hàn Quốc. Mặt khác, sự hội tụ của các ngành thúc đẩy sự gia tăng N-job trong thị trường lao động.

- Những tác động từ đại dịch Covid - 19

Không tránh khỏi các ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19, Chính phủ Hàn Quốc bắt buộc phải thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch từ đầu năm 2020. Mặc dù trong giai đoạn đầu, Hàn Quốc gánh chịu nhiều thiệt hại về người trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, nhưng sau đó, nước này trở thành một trong những hình mẫu điển hình trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Do thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tương tác xã hội, quy định số giờ mở cửa và hoạt động kinh doanh, số lượng doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng kinh doanh trên đường phố đóng cửa càng nhiều. Theo số liệu của Viện Phát triển Hàn Quốc, tổng số nợ của khu vực kinh doanh tự do đã đạt 827 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tính trung bình mỗi tháng giai đoạn này, khoảng 20.000 người đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh (Lee, 2022). Do đó, mặc dù người làm công việc tự do ở Hàn Quốc là chủ doanh nghiệp, doanh nhân trên danh nghĩa nhưng họ chỉ là những lao động không có bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn lao động (Tại Hàn Quốc, bốn bảo hiểm bắt buộc đối với mọi người cư trú và làm việc ở Hàn Quốc, gồm: bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm tuyển dụng). Ngược lại, hệ quả trên tạo động lực tăng trưởng cho thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến bùng nổ và các doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Các biện pháp phòng tránh dịch, khuyến nghị người dân shopping trực tuyến hơn là mua sắm trực tiếp tại các siêu thị…tạo sức bật cho nền kinh tế Gig phát triển. Phía người lao động, mong muốn một môi trường làm việc linh hoạt trong bối cảnh bất trắc từ đại dịch Covid - 19, số người tham gia nền tảng kinh tế hợp đồng gia tăng. Dễ nhận thấy tác động tiêu cực của Coronavirus tới hoạt động kinh doanh nói chung song điều đó đồng thời tạo thêm động lực phát triển của Gig Economy ở Hàn Quốc. Trong khi nhân viên tìm kiếm sự độc lập, linh hoạt hơn trong môi trường làm việc, công ty hy vọng duy trì thời hạn hợp đồng làm việc ngắn hơn để nhanh chóng thích ứng với thay đổi của thị trường thời đại dịch (Park, 2021).

- Quy định tuần làm việc 52 giờ của Hàn Quốc

Nổi tiếng là quốc gia có thời gian làm việc trung bình cao nhất trên toàn thế giới, mỗi lao động Hàn Quốc làm việc khoảng 2.052 giờ/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1.707 giờ/năm của các quốc gia thuộc khối OECD. Ngày 1/7/2018 đánh dấu sự kiện lịch sử khi Luật Tiêu chuẩn lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực ở Hàn Quốc. Đây là một trong những cam kết của cựu Tổng thống Moon Jae-in đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2017 nhằm giảm số giờ làm việc xuống còn 1.800 giờ/năm, tiệm cận với mức của các nước OECD vào năm 2020. Theo luật mới, số giờ làm việc tối đa trong một tuần sẽ giảm từ 68 giờ xuống 52 giờ (주52시간제 – Tuần làm việc 52 giờ), rút ngắn tới 16 giờ (KBS World, 2018). Tiến độ áp dụng tuần làm việc 52 giờ có sự khác biệt về thời gian, tùy theo loại hình và quy mô của cơ quan, tổ chức trên cả nước. Do tác động của đại dịch Covid - 19, có sự gia hạn đối với một số loại hình doanh nghiệp. Luật quy định tuần làm việc 52 giờ được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Người lao động Hàn Quốc sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, cải thiện năng suất lao động, cân bằng giữa công việc việc và cuộc sống đồng thời, hy vọng luật mới sẽ tạo cú hích giúp cải thiện tiêu dùng, thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch và giáo dục.

Theo một khảo sát do công ty tuyển dụng trực tuyến Job Korea thực hiện với tổng số 780 người lao động năm 2019, hơn 50% số người cho biết từ khi áp dụng quy định mới, số lượng giờ làm việc thêm đã giảm xuống (Hương Trần, 2019). Tuy nhiên, ở chiều cạnh khác, quy định 52 giờ làm việc trong một tuần đã được ấn định nên mức thu nhập của người lao động sẽ bị cắt giảm. Điều này, dẫn tới hiện tượng làm 2 công việc cùng lúc (투잡– two jobs). Do ngày càng nhiều công ty phải tuân thủ luật mới nên lương và phụ cấp công việc chính của người lao động sẽ giảm, hiện tượng two jobs ngày càng phổ biến hơn. Chính vì vậy, quy định làm việc mới không những tạo điều kiện cho người lao động Hàn Quốc cân bằng công việc-cuộc sống hơn trước mà còn mở ra cơ hội việc làm khác. Bởi vậy, đây cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hợp đồng ở Hàn Quốc.

Như vậy, từ đầu năm 2010, cùng với sự tăng trưởng của lao động kỹ thuật số, nền kinh tế Gig ở Hàn Quốc dần hình thành khi quan niệm “công việc trọn đời” dần phai nhạt, thế hệ Millennials tham gia thị trường lao động, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các tác động từ đại dịch Covid - 19 và quy định tuần làm việc 52 giờ của Hàn Quốc.

 

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1. Hương Trần (2019), Từ tháng 1/2020 áp dụng làm việc 52 giờ/tuần: Nhiều doanh nghiệp phản đối, xin hoãn để điều chỉnh, Thông tin Hàn Quốc,  https://thongtinhanquoc.com/tu-thang-1-2020-ap-dung-lam-viec-52-gio-tuan-nhieu-doanh-nghiep-phan-doi-xin-hoan-de-dieu-chinh/.

2. KBS World (2018), Hàn Quốc bắt đầu giảm thời gian làm việc tối đa xuống 52 giờ/tuần, KBS World Vietnamese, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=business&id=&board_seq=336691.

3. Kwon, Y. (2021), South Korea: Picking Winners and Losers in the Information Age, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/10/south-korea-picking-winners-and-losers-in-the-information-age/.

4. Lee, E. (2022), South Korea’s Self-Employment Crisis, The Diplomat, https://thediplomat.com/2022/03/south-koreas-self-employment-crisis/.

5. Moon, G. (2021[C1]), 21,300 won - About 18.50 USD, That’s what delivery driver Jang Hyunk earns in an hour in South Korea, Rest of world, https://restofworld.org/2021/global-Gig-workers-delivery-driver-south-korea/.

6. Namuwiki (2022), Thế hệ MZ, (MZ 세대), https://namu.wiki/w/MZ%EC%84%B8%EB%8C%80.

7. Park, A.J. (2021), Labor market uncertainties cause Gig economy to grow,  The Korea Times, https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2021/12/488_321283.html.

8. Yu, M.R (2020), Gig Worker - Who are they?, Human Consulting Group Insight, https://www.ehcg.com/eng/insight.php?preview=Y&bo_table=gallery_eng&wr_id=18.

9. Kim Seon-jae, 2019, Nền kinh tế hợp đồng đang phát triển, liều thuốc hay độc dược?, (김선재(2019), 갈수록확산되는 ‘긱경제 (Gig Economy)’ …약일까, 독일까?,  M이코노미뉴), http://www.m-economynews.com/news/article.html?no=25748.

10. Kim Da-som, 2022, Mong muốn làm việc hợp đồng trong thời đại gia tăng nhân viên hợp đồng của nền kinh tế Gig, (김다솜(2022),  ‘긱’하게일하고싶은요즘, 긱이코노미시대긱워커↑), Daily Pop, http://www.dailypop.kr/news/articleView.html?idxno=60024.

11. Hong Sung-yong, 2021, Làm việc bán thời gian với thứ sáu ở Coupang, đi chơi vào cuối tuần, lựa chọn thời gian làm việc 2030,    (홍성용(2021), “목금쿠팡알바뛰고주말에놀죠”…근로시간골라일하는 2030, 매일경), https://m.mk.co.kr/news/society/view/2021/12/1131249/?utm_source=&utm_medium=&utm_campaign=&_ga=2.120063368.1280911420.1651250252-2083619452.1651250252.

12. Jeong Seonbi, 2020, Nền kinh tế Gig là gì?, (정선비(2020), 긱이코노미 (Gig Economy) 란무엇일?), Brunch,  https://brunch.co.kr/@mj859833/28.

 


Scroll To Top