Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN QUỐC HỖ TRỢ CÔNG TY KHỞI NGHIỆP THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Đăng ngày:

Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò hết sức quan trọng với số lượng tăng từ 99,2% vào năm 2000 lên 99.9% tổng số các doanh nghiệp vào năm 2019, tạo ra việc làm cho 82,7% tổng số lao động và doanh thu đạt hơn 27.320.000 won. Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng công ty khởi nghiệp tại Hàn Quốc đã tăng đều đặn từ 1.256.267 công ty vào năm 2017 lên tổng số 1.484.667 công ty vào năm 2020. Bên cạnh đó, các công ty đầu tư mạo hiểm cũng gia tăng từ 29.910 công ty vào năm 2014 lên 39.511 công ty vào năm 2020. Trong số đó,18,5% các công ty này tập trung vào lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như sáng tạo phần mềm và xử lý thông tin [1].

Trước sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp ở Hàn Quốc, vào ngày 8/9/2022, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm Hàn Quốc đã mở Hội nghị Bộ trưởng kinh tế khẩn cấp, công bố “Chiến lược xúc tiến ra toàn cầu của K-startup (thương hiệu đại diện cho các công ty khởi nghiệp và mạo hiểm Hàn Quốc)” để hỗ trợ khu vực tư nhân và công ty khởi nghiệp trong nước tiến ra nước ngoài dẫn đầu nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Theo đó, từ năm 2023, Bộ này sẽ cùng với các tập đoàn toàn cầu như Google, Airbus hỗ trợ để 270 công ty khởi nghiệp trong nước phát triển và tiến ra nước ngoài. Số lượng tập đoàn trong nước hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài cũng sẽ tăng từ 5 lên 10 tập đoàn.[2] Không chỉ Google, công ty Microsoft Hàn Quốc đã ra mắt nền tảng 'Microsoft Launcher' để hỗ trợ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong nước vào ngày 29/8/2022. Theo đó, bất kỳ công ty khởi nghiệp nào có ý tưởng việc phát triển một sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên phần mềm đều có thể đăng ký Microsoft Launcher. Đồng thời, công ty Mocrosoft sẽ cung cấp các lợi ích bao gồm  hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng, và giấy phép sử dụng hiệu ứng đám mây của Microsoft (Azure) với trị giá lên đến 500 triệu won cho mỗi công ty khởi nghiệp thông qua ứng dụng này. Ngoài ra công ty Microsoft còn cung cấp nhiều cơ hội học tập như một số buổi học và giáo dục định hướng khởi nghiệp cho các công ty khởi nghiệp. Đồng thời, các công ty này còn nhận được phản hồi lời khuyên về lộ trình phát triển sản phẩm, kế hoạch kinh doanh v.v… của ban cố vấn Microsoft.[4]

Bên cạnh đó, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm Hàn Quốc sẽ xúc tiến “Dự án kỳ lân toàn cầu” vào năm 2023 bao gồm dự án hỗ trợ các doanh nghiệp liên doanh và khởi nghiệp có tiềm năng phát triển thành công ty kỳ lân toàn cầu, hỗ trợ việc xây dựng chiến lược toàn cầu hóa, huy động vốn và mạng lưới cho các công ty này thông qua các công ty tư vấn. Công ty kỳ lân ở đây được hiểu là doanh nghiệp mạo hiểm không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán có giá trị doanh nghiệp đạt trên 1 tỷ USD. Bộ này cũng nhấn mạnh rằng, việc toàn cầu hóa các công ty khởi nghiệp trong nước là một nhiệm vụ thiết yếu. Bởi vì, trên thực tế, có tới 18 trong số 23 công ty kỳ lân của Hàn Quốc là công ty hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số và nền tảng, chủ yếu tập trung khai thác nhu cầu nội địa. Điều này sẽ tạo ra sự cọ xát với các ngành công nghiệp truyền thống của nước này và làm gia tăng xung đột xã hội do quy mô thị trường nội địa bị hạn chế.

Ngoài ra, Bộ này sẽ hợp tác cùng các Bộ ban ngành khác, chọn ra 140 công ty khởi nghiệp có tiềm năng để hỗ trợ tiến ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm Hàn Quốc dự kiến tổ chức sự kiện kết nối và hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp trong nước, tập đoàn toàn cầu và quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu thông qua sự kiện Khởi nghiệp Hàn-Mỹ tại Mỹ trong tháng 9. Thêm vào đó, sự kiện khởi nghiệp lớn nhất tại Hàn Quốc “Comeup” để quảng bá thương hiệu 'K-Startup' dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 11 năm nay và được giao cho đơn vị tư nhân có chuyên môn quản lý với mục tiêu phát triển thành một trong 5 lễ hội khởi nghiệp hàng đầu thế giới.

Đồng thời, Bộ này đang thúc đẩy việc hồi sinh hệ thống thị thực và thiết lập các chương trình chuyên biệt để thu hút các tài năng nước ngoài xuất sắc như người nước ngoài và sinh viên quốc tế đến Hàn Quốc bằng cách phối hợp với Bộ Tư pháp để gia hạn thị thực khởi nghiệp công nghệ nước ngoài (D-8-4) thêm hai năm, thúc đẩy hệ thống giới thiệu của Bộ, ngành đối với visa lao động tay nghề cao (E-7-1), để người nước ngoài được miễn các yêu cầu về bằng cấp học vấn, kinh nghiệm khi xin cấp thị thực nếu có giấy giới thiệu của Bộ trưởng các Bộ, ngành. Từ năm sau, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm Hàn Quốc sẽ vận hành thí điểm “dự án hỗ trợ mạng lưới K-Startup của cơ quan ngoại giao tại nước ngoài”, tận dụng mạng lưới cơ quan ngoại giao ở nước ngoài nhằm giúp các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp trong nước ổn định tại thị trường quốc tế.

Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm Hàn Quốc đã mở rộng cơ sở tại nước ngoài hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp và mạo hiểm như mở trung tâm khởi nghiệp (K-Startup) tại Việt Nam bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của các công ty nội địa như công ty đầu tư mạo hiểm Lotte Ventures, mở trung tâm đầu tư khởi nghiệp mạo hiểm Hàn Quốc tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore, dự kiến mở rộng thêm cơ sở khác ở Châu Âu. Bộ này sẽ lập quỹ đầu tư toàn cầu mở rộng để thu hút đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và mạo hiểm, đồng thời, tổ chức tọa đàm trực tiếp kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp này.

Khi nhận xét về tình hình phát triển của các công ty khởi nghiệp trong nước, Bộ trưởng Lee của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gay gắt với nền kinh tế số chiếm ưu thế, vai trò của các doanh nghiệp kỳ lân ngày càng trở nên nổi bật và các nước tiên tiến trên thế giới đang có xu hướng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp toàn cầu.

Ông còn cho biết thêm, các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Hàn Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu trong nền kinh tế số toàn cầu. Bộ trưởng Lee cũng hy vọng rằng, sự kiện khởi nghiệp Hàn – Mỹ vào tháng 9 sẽ bước đầu giúp cho công ty khởi nghiệp Hàn Quốc không chỉ phát triển tốt ở thị trường trong nước mà còn tích cực xâm nhập thị trường nước ngoài dựa trên các mặt hàng tốt với công nghệ xuất sắc và vượt trội.

 

Nguyễn Ngọc Mai

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật

 

Theo nguồn

1. Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021), Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, (중소기업중앙(2021), 2021년 중소기업 위상지표)

2. Phóng viên Newsis, Tạo ra công ty kỳ lân toàn cầu…. Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường nước ngoài nhờ việc hợp tác với Google (글로벌 유니콘 기업' 만든다…구글 등과 해외진출 지원)

Newsis: https://mobile.newsis.com/view.html?ar_id=NISX20220908_0002007263

3. Ký giả Shin Seon Mi, Chính phủ cùng với Google hỗ trợ các công ty khởi nghiệp (K-startup) thâm nhập thị trường nước ngoài... để bồi dưỡng tạo ra “Công ty kỳ lân toàn cầu” (구글 등과 K-스타트업 해외진출 지원…'글로벌 유니콘'도 키운다)

Yonhapnews: https://www.yna.co.kr/view/AKR20220908019000003

4. Ký giả Yonhapnews, Công ty phẩn mềm Microsoft ra mắt nền tảng 'Microsoft Launcher' hỗ trợ công ty khởi nghiệp Hàn Quốc(마이크로소프트, 한국 스타트업 지원 플랫폼 'MS런처' 출범)

Yonhapnews: https://www.yna.co.kr/view/AKR20220829063900017

5. Ký giả Cheong Seo Yeong, Chính phủ Hàn Quốc bắt tay với Google để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thâm nhập thị trường nước ngoài(정부, 구글 등과 손잡고 스타트업 해외진출 지원)

Donga: https://www.donga.com/news/article/all/20220908/115382386/1

.


Scroll To Top