Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PHÁT TRIỂN INTERNET VẠN VẬT (IoT) Ở HÀN QUỐC HIỆN NAY

Đăng ngày:

IoT (Internet of Things/internet vạn vật) là một phần tích hợp của internet tương lai bao gồm các phát triển internet, mạng hiện tại và tiến hóa và có thể được định nghĩa theo khái niệm là một cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu với các khả năng tự định hình dựa trên các giao thức liên lạc tiêu chuẩn và tương tác, ở đó “vạn vật” hữu hình và ảo, có các đặc tính, thuộc tính vật lý, và tính cá nhân ảo, sử dụng các giao diện thông minh và được tích hợp vào mạng thông tin một cách thông suốt[1].

IoT sẽ không chỉ giúp tăng năng suất bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra các ngành công nghiệp mới, do đó thị trường IoT chắc chắn sẽ phát triển đáng kể trong tương lai gần. Với triển vọng thị trường sáng sủa, các quốc gia lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các nỗ lực thúc đẩy IoT như một ngành công nghiệp cốt lõi. Phù hợp với xu hướng toàn cầu, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định IoT là một trong những ngành công nghiệp cốt lõi và đề ra những chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển của IoT.

Thiết lập và mở rộng thị trường dịch vụ IoT sáng tạo

Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích tập trung phát triển các dịch vụ IoT đầy hứa hẹn dựa trên nhu cầu của chính phủ, khu vực tư nhân và người dân như chăm sóc sức khỏe, nhà thông minh, thành phố thông minh, giao thông, hậu cần, năng lượng, an toàn... Thành phố thông minh của Hàn Quốc bao gồm các phân ngành như giao thông thông minh (ví dụ dự án K-City được xây dựng để kiểm tra hiệu suất của các phương tiện tự hành trong môi trường thực tế), quản lý tài nguyên thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh (bao gồm các giải pháp cho bệnh nhân và trung tâm y tế). Trong các phân ngành này chính phủ Hàn Quốc xây dựng một sự hợp tác xuyên suốt giữa chính quyền, tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các tập đoàn nhằm cung cấp nền tảng và mạng lưới cần thiết, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đảm nhận phát triển phần cứng và phần mềm liên quan.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển một nền tảng mở dựa trên sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn và các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, những đối tác này sẽ đồng thời hợp tác trong việc xây dựng và tiêu chuẩn hóa môi trường thử nghiệm. Đồng thời Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các trường đại học (thường có có ý tưởng mới)để  hỗ trợ phát triển dịch vụ kinh doanh. Điều này là do mặc dù sự phát triển của hệ sinh thái IoT đang được thúc đẩy và định hình bởi các công ty điện tử và viễn thông lớn nhưng vẫn có đến 83,8% sản phẩm liên quan đến IoT thuộc về các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 300 nhân viên) và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Để khuyến khích khu vực doanh nghiệp này, Chính phủ Hàn Quốc đã đơn giản hóa các thủ tục bắt buộc đối với các nhà khai thác IoT giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển các công nghệ liên quan đến IoT và hạn chế sự thống trị của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn tập trung nhiều vào việc hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh. Nhờ các chính sách mở rộng hỗ trợ, kết hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo và đám mây để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực sản xuất, Hàn Quốc hiện nay đã có hơn 20.000 nhà máy thông minh đang hoạt động. Xu hướng mới cho thấy ngày càng nhiều nhà máy ở Hàn Quốc áp dụng các giải pháp thông minh dựa trên công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu đưa vào sử dụng hệ thống đo lường thông minh trên toàn quốc vào năm 2022 và đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc thành một trung tâm thử nghiệm IoT toàn cầu[2]. Tầm nhìn của Chính phủ Hàn Quốc là thiết lập một hệ sinh thái mở và sáng tạo, trong đó bất kỳ ai cũng có thể phát triển các dịch vụ IoT bằng cách sử dụng các nền tảng dựa trên 5G và IoT.

Thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu chuyên về IoT

Hàn Quốc đã thành lập “Hội đồng toàn cầu về các lĩnh vực công và tư cho IoT” và “Trung tâm đổi mới IoT” để cải thiện quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp phần mềm, thiết bị hoặc người dùng và các doanh nghiệp lớn/doanh nghiệp vừa và nhỏ (tháng 5 năm 2014). Động thái này của Hàn Quốc nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp IoT nhỏ nhưng thường có những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới hướng đến mở rộng ra thị trường toàn cầu bằng cách hỗ trợ đào tạo kinh doanh,thúc đẩy sáng tạo vàgiúp khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận thực hiện các dự án hợp tác vớicác doanh nghiệp lớn.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đi tiên phong trong việc thúc đẩy ngành thiết bị thông minh bằng cách khuyến khích sản xuất các thiết bị có chi phí thấp và dẫn dắt tăng trưởng chung bằng cách kết nối doanh nghiệp sản xuất thiết bị với cáctrung tâm phát triển dịch vụ IoT mới[3].Để thúc đẩy ngành công nghiệp cảm biến thông minh, Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích và làm cầu nối liên kết các dự án R&D liên quan đến cảm biến thông minh với các dự án thí điểm của chính phủ (được chủ trì bởi Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc). Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cảm biến (tháng 12 năm 2012) được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đảm nhận phát triển các công nghệ ứng dụng và thương mại hóa cảm biến công nghệ cao, áp dụng trong các ngành công nghiệp chính từ năm 2015.

Thiết lập cơ sở hạ tầng cho sự phát triển an toàn và năng động của IoT

Cơ sở hạ tầng luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, chính vì vậyviệc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc hướng đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng bảo mật thông tin bằng cách xây dựng“Lộ trình an toàn thông tin cho IoT” (năm 2014) và thiết lập một khuôn khổ hợp tác với các quốc gia khác (Mỹ, Nhật Bản, EU…) để phản ứng nhanh chóng và phân tích các sự cố dựa trên chia sẻ thông tin. Hàn Quốc cũngthúc đẩy các dự án thí điểm trong các lĩnh vực bảo mật IoT như chăm sóc sức khỏe và thiết bị điện tử gia dụng

Hàn Quốc cũng khuyến khích mở rộng cơ sở hạ tầng mạng có dây và không dây chẳng hạn như truyền thông di động thế hệ thứ 5 (5G) và giga-internet để có thể ứng dụng IoT trên phạm vi rộng hơn. Hiện nay cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông của Hàn Quốc bị chi phối bởi ba nhà khai thác chính là KT, SK Telecom và LG U +. SK Telecom tập trung chủ yếu vào phát triển các công nghệ mạng di động tốc độ cao (bao gồm các công nghệ LTE-M, LoRa và LTE Cat.M1). Để thúc đẩy cạnh tranh, liên minh KT & LG U+ đã được thành lập và đã đạt được thành công trong việc xây dựng một mạng lưới IoT cụ thể với đầy đủ chức năng dựa trên công nghệ NB-IoT. Đến tháng 7 năm 2017 liên minh KT & LG U+ đã hoàn thành và phủ sóng hơn 80 thành phố trên khắp Hàn Quốc và sử dụng mạng lưới này để cung cấp các dịch vụ như điều khiển từ xa, giám sát điện và khí đốt, theo dõi vận tải và quản lý tài sản[4]. Ba công ty viễn thông lớn này của Hàn Quốc sở hữu mạng lưới rộng khắp và do đó có khả năng định hình thị trường IoT trong nước. Các công ty này hoạt động như các đối tác một cửa để các doanh nghiệp SME IoT (doanh nghiệp vừa và nhỏ) mua chipset, gói dữ liệu và xây dựng ứng dụng bằng cách sử dụng các bộ phát triển phần mềm do họ cung cấp (rất khó để các giao thức khác xuất hiện do sự chi phối quá lớn của ba tập đoàn này).

Về nghiên cứu và triển khai (R&D),Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập “Kế hoạch R&D trung hạn và dài hạn cho IoT” nhằm liên kết các dự án R&D hiện có. Ngoài ra Hàn Quốc còn đẩy mạnh hợp tác R&D giữa khu vực tư nhân và quốc phòng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo khối quân sự theo các tiêu chuẩn quốc tế thông qua nghiên cứu chung với các nước lớn như Mỹ và các nước thuộc khối EU. Ví dụ: Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc hiện đang hợp tác để phát triển một nền tảng công nghệ thông tin hội tụ và cơ sở hạ tầng dịch vụ cho khu vực quốc phòng (MOU tháng 4 năm 2012).

Như vậy, có thể thấyChính phủ Hàn Quốc rất tích cực trong việc hoạch định chính sách liên quan đến các ngành nằm trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm cả IoT. Chính phủ Hàn Quốc đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy và tài trợ cho các dự án IoT trong nước. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách dẫn đầu trong việc thương mại hóa IoT trong các lĩnh vực nhà thông minh, thành phố thông minh, nhà máy thông minh và cải thiện kết nối mạng. Để tạo điều kiện cho sự đổi mới, Tổng thống Moon Jae-in đã thông báo về việc thực hiện miễn giảm quy định và nới lỏng Đạo luật Kinh doanh viễn thông. Chính phủ Hàn Quốc xác định 5 lĩnh vực trọng tâm cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là ICBM+AI, trong đó ICBM là viết tắt của IoT, Cloud (điện toán đám mây), Big Data (dữ liệu lớn) và Mobile (điện thoại di động). Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành cơ sở thử nghiệm toàn cầu trong các lĩnh vực này dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến và việc nới lỏng các quy định pháp luật liên quan.

Bùi Đông Hưng

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Tổng hợp từ tài liệu tham khảo:

1. Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017), “Internet vạn vật: hiện tại và tương lai”, Tổng luận Khoa học Công nghệ Kinh tế, số 5-2017, Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. R Lee (2021), “The Effects of Smart Factory Operational Strategies and System Management on the Innovative Performance of Small and Medium-Sized Manufacturing Firms”, MDPI.

3. Ministry of Sicence, ITC and Feature Planning, Korea.

4. Department for International Trade Report (2018), “Internet of Things South Korea Market Intelligence Report”, Intralink Limited, United Kingdom.

5. R Lee (2021), “The Effects of Smart Factory Operational Strategies and System Management on the Innovative Performance of Small- and Medium-Sized Manufacturing Firms”, MDPI.


Scroll To Top