Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH GIỮA HÀN QUỐC VÀ TRUNG QUỐC THỜI GIAN GẦN ĐÂY

Đăng ngày:

Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24 tháng 8 năm 1992 hướng tới mối “quan hệ hợp tác hữu nghị - láng giềng tốt đẹp”. Sau đó, mối quan hệ này đã được phát triển thành “quan hệ đối tác của Thế kỷ XXI” vào năm 1998 và nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào năm 2008. Trải qua gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Hàn - Trung nói chung và quan hệ chính trị - an ninh nói riêng của hai nước Đông Bắc Á này đã trải qua những giai đoạn thăng trầm dưới tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, tình hình thế giới cũng như khu vực đã có những biến động không ngừng, ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, tình hình chính trị nội bộ cũng như những quan điểm, chính sách của mỗi nước đều có tác động đến quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia này. Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ về chính trị - an ninh đã có những lúc “thăng trầm”, bởi chịu tác động từ  những  nhân tố  bên trong và bên ngoài như nhân tố lãnh đạo, nhân tố Mỹ vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên…trong thời gian gần đây.

1. Nhân tố nhà lãnh đạo và chính sách đối ngoại của mỗi nước

Năm 2017, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều có những sự kiện chính trị lớn và có sự chuyển giao lãnh đạo khi ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 19 còn Hàn Quốc bầu ra Tổng thống mới là ông Moon Jae-in. Ngay sau khi lên cầm quyền, cả hai vị lãnh đạo này đều đã có sự điều chỉnh chỉnh sách đối ngoại. Sau khi tái đắc cử vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, trong Đại hội Đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ông Tập Cận Bình nêu rõ chiến lược cơ bản để duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, trong đó Trung Quốc cần “kiên trì xây dựng cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại; kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chiến lược cởi mở cùng có lợi; tuân thủ khái niệm đúng đắn về công bằng và lợi ích; thiết lập một khái niệm an ninh mới toàn diện, hợp tác, bền vững; thúc đẩy sự giao lưu hài hòa nhưng khác biệt và luôn đóng vai trò là một quốc gia xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế”. Có thể thấy, không giống như người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình không còn thực thi chính sách đối ngoại “giấu mình chờ thời” mà chuyển sang “tích cực hành động”, vươn ra thế giới. Chính đường lối đối ngoại mới này sẽ định hướng quan hệ giữa Trung Quốc với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Trong quan hệ với Hàn Quốc, chính quyền ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đang trong giai đoạn quan trọng. Cả hai bên cần tôn trọng các lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính của nhau, duy trì sự tin cậy lẫn nhau về chính trị cũng như tăng cường giao lưu và hợp tác. Việc duy trì và tăng cường quan hệ tương tác cấp cao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có vai trò quan trọng hàng đầu trong quan hệ song phương. Mối quan hệ tốt đẹp Trung - Hàn phù hợp với xu thế chung của lịch sử và thời đại, cũng là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước. Trung Quốc coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và sẵn sàng làm việc với Hàn Quốc để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ song phương.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của Nhà Xanh đã được chuyển giao cho ông Moon Jae-in sau ngày 9 tháng 5 năm 2017. Ông Moon Jae-in từng là trợ lý thân cận của Tổng thống Roh Moo-hyun, nắm giữ nhiều vai trò khác nhau trong chính quyền Tổng thống (từ năm 2003 đến năm 2008). Bởi vậy, sau khi ông Moon Jae-in giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc thì rất nhiều chính trị gia, những người thuộc phe bảo thủ đối lập đã bày tỏ sự nghi ngại trước đường lối chính sách của ông, cho rằng ông sẽ đi theo “cái bóng” của cố Tổng thống Roh Moo-hyun – người đã tuyên bố rằng “sẽ không khuất phục trước người Mỹ[A1] ” (Lee Seong-hyon, 2017). Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức, ông đã thể hiện mình là một nhà lãnh đạo theo tư tưởng tự do, ôn hòa, gần gũi và thân thiện, nhận được sự tín nhiệm cao của người dân Hàn Quốc, nhất là giới trẻ và giới truyền thông trong và ngoài nước. Tổng thống Moon Jae-in được đánh giá là “một nhà lãnh đạo có sự kết hợp mẫu mực giữa khả năng phản ứng nhanh, sự quyết tâm và tính linh hoạt hiếm có trên toàn thế giới”. Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Moon theo đuổi chính sách ngoại giao coi trọng quan hệ với Mỹ, đồng thời cam kết hình thành một cục diện mới trong “ngoại giao hợp tác giữa bốn nước láng giềng hàng đầu”. Theo quan điểm của ông Moon Jae-in, việc củng cố quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc và phá vỡ bế tắc quan hệ Bắc - Nam là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Đồng thời, ông cũng tuyên bố rằng ông coi Mỹ là “người bạn” vì những hỗ trợ của nước này cho Hàn Quốc trong phát triển kinh tế và dân chủ hóa (Choe Sang-Hun, 2017). Có thể thấy, chính sách đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in là theo đuổi “chính sách ngoại giao cân bằng”, nhằm hướng tới kết nối một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và trách nhiệm tại khu vực, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

2. Nhân tố kinh tế

Trong những năm gần đây, tình hình khu vực và thế giới đã chứng kiến những biến động lớn, kinh tế thế giới cũng có những thay đổi bất ngờ. Trung Quốc và Hàn Quốc đều coi trọng mối quan hệ đầu tư, thương mại của nhau, đồng thời góp phần vào sự phát triển của quan hệ Hàn - Trung. Lịch sử đã chứng minh rằng, yếu tố quyết định đến quan hệ giữa hai chủ thể chính là sự ràng buộc giữa các lợi ích cơ bản của hai quốc gia đó. Chính vì mức độ ràng buộc về lợi ích giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lớn, đặc biệt là lợi ích về kinh tế nên khi xét đến quan hệ giữa hai nước, yếu tố kinh tế luôn được các nhà lãnh đạo coi trọng.

Sau khi Trung Quốc vượt qua Đức và Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã nhận thức mạnh mẽ về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại, nguồn nhập khẩu và điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng từ Đại dịch Covid-19. Năm 2019, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 284,54 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc đạt 110,97 tỷ USD và nhập khẩu từ Hàn Quốc là 173,57 tỷ USD. Hàn Quốc đã đầu tư vào 2.108 dự án ở Trung Quốc, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không ngừng được tăng cường, đầu tư trực tiếp giữa hai bên cũng được thúc đẩy nhanh chóng. Hàn Quốc cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty Trung Quốc với những lợi thế đặc thù trong các ngành như ô tô, điện tử, đóng tàu. Đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ như thương mại, ăn uống, tài chính và vận chuyển. Lĩnh vực sản xuất của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng liên tục thay đổi từ ngành sử dụng lao động cơ bản sang ngành ứng dụng công nghệ thông tin. Thêm vào đó, trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, cả Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tăng cường hợp tác với nhau trên mặt trận kinh tế. Dẫn chứng là chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các ngành liên quan đến công nghệ 5G, trung tâm dữ liệu, Internet of Things (IoT)... Kế hoạch đầu tư được giới thiệu là một phần trong kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Đây là những lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc có thế mạnh nhưchất bán dẫn, công nghệ 5G và trò chơi điện tử. Bên cạnh hợp tác thị trường thứ ba, hai bên có thể tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ như công nghệ sinh học, kiểm dịch và y tế, làm đẹp và công nghiệp sức khỏe. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiến sâu vào thị trường công nghệ cao của Trung Quốc như thị trường IoT và trí tuệ nhân tạo.

3. Nhân tố Mỹ

Sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tháng 1/2017, xuất phát từ tầm quan trọng chiến lược của khu vực, chính sách Châu Á của chính quyền D.Trump tiếp tục được hoạch định trên nền tảng chiến lược “trờ lại Châu Á” của chính quyền B.Obama. So với người tiền nhiệm, chính sách “nước Mỹ trên hết” của tổng thống D.Trump đã có những bước đi quyết liệt và gây tranh cãi, nhưng cũng rất thực dụng, mục đích là để mang lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ. Thực tế cho thấy, Mỹ là nước chủ động can dự vào khu vực, ngược lại Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tận dụng Mỹ để thực hiện mục tiêu của mình. Trong quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Hàn, mỗi nước đều tăng cường khai thác mâu thuẫn trong cặp quan hệ còn lại để mang lại lợi ích tối đa cho nước mình. Vì vậy, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc luôn chịu sự chi phối của nhân tố Mỹ, hay nói cách khác Mỹ là nhân tố đóng vai trò vô cùng quan trọng tác động lớn đến sự thay đổi quan hệ Hàn - Trung cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong quan hệ Hàn – Mỹ, Mỹ luôn coi Hàn Quốc là “xương sống” trong chính sách đối với Châu Á – Thái Bình Dương, là “hòn đá tảng” cho hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Mối quan hệ đồng minh này không ngừng được củng cố, đặc biệt là hợp tác về mặt an ninh quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa đang hiện hữu cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực, cụ thể ở đây chính là để kiềm chế Trung Quốc cho Mỹ có thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở khu vực Châu Á. Việc liên minh quân sự Mỹ - Hàn được tăng cường cũng đồng nghĩa với việc hạn chế mức độ phát triển của quan hệ Hàn – Trung. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của Tổng thống Trump so với người tiền nhiệm đó là thay vì tập trung vào việc chia sẻ các nghĩa vụ hiện có trong khuôn khổ liên minh bằng việc yêu cầu các đồng minh thực hiện các nghĩa vụ gia tăng do Hoa Kỳ chỉ định. Việc Mỹ đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm của các đồng minh đã gây hoài nghi và bất an về chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump từ phía các đồng minh ở Châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Có thời điểm, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc phải tăng đóng góp tài chính gấp 5 lần, đe dọa sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc. Quyết định này của Mỹ không những vấp phải sự phản đối từ phía chính quyền ông Moon Jae-in mà còn gây căng thẳng cho liên minh, ảnh hưởng lớn đến quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Tổng thống Mỹ hiện nay là ông Joe Biden sau khi lên cầm quyền đã cam kết sẽ không gây áp lực chi phí lên các đồng minh của mình và chấp nhận đề nghị của Seoul để tăng mức chia sẻ gánh nặng lên tới 13% đồng thời đưa ra những điều chỉnh mới phù hợp với quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Hàn (Brian Kim, 2021). Ngoài ra, việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào tháng 6/2017, đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Trung Quốc đã tiến hành liên tiếp nhiều biện pháp hạn chế du lịch, thương mại và cả hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc. Nhưng sau đó, hai nước cũng đã có những biện pháp tích cực nhằm cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, vào ngày 28 tháng 5 năm 2020, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã vận chuyển các tên lửa đánh chặn mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, miền trung Hàn Quốc. Quân đội hai nước cũng đưa máy phát điện đến căn cứ triển khai THAAD nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của các quân nhân tại căn cứ này. Trước hành động đó của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố, nước này kiên quyết phản đối việc Mỹ đặt THAAD tại Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo Washington không nên gây phương hại tới mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Seoul. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ, Bắc Kinh và Seoul đã nhất trí về một giải pháp theo từng giai đoạn để giải quyết vấn đề THAAD và Trung Quốc hy vọng Hàn Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận này.

Trong quan hệ Mỹ - Trung, sự kiện nổi bật nhất trong những năm qua chính là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, không chỉ Mỹ hay Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề mà một trong những quốc gia đã bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hàn Quốc. Bởi vì, cả Trung Quốc và Mỹ đều là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong khi xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng GDP của Hàn Quốc. Duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao, kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ như Trung Quốc là những công việc vừa là mục tiêu, vừa là nội hàm của một “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể coi là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của chính quyền Tổng thống Trump để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại này đã làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Trung, buộc chính quyền Bắc Kinh cũng phải có tính toán đối sách hợp lý, tăng cường hợp tác với những đối tác chiến lược để tạo nên thế đối trọng với Hoa Kỳ.

4. Nhân tố Bán đảo Triều Tiên

Bán đảo Triều Tiên từ lâu đã trở thành “điểm nóng” không chỉ ở khu vực Đông Bắc Á mà còn trên toàn thế giới bởi vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên). Đây không chỉ là công việc nội bộ của riêng Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn liên quan tới lợi ích chiến lược và cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Bởi vậy, khi nói đến những nhân tố tác động đến quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không thể không đề cập tới nhân tố Bán đảo Triều Tiên.

Xét về góc độ địa chiến lược, Bán đảo Triều Tiên không chỉ là láng giềng về mặt địa lý với Trung Quốc, mà còn là một trong những tấm lá chắn bảo vệ chiến lược cho an ninh phía đông của Trung Quốc, ngăn cách Trung Quốc tiếp xúc trực tiếp với Mỹ. Xét về góc độ an ninh chính trị, khủng hoảng hạt nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và quá trình hiện đại hóa đất nước của Trung Quốc. Nếu Triều Tiên duy trì và kiên quyết theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ khiến Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc liên kết lại với nhau, thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hoặc có thể dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân trên Bán đảo và khu vực, làm giảm ưu thế hạt nhân của Trung Quốc – điều mà Trung Quốc không hề muốn xảy ra vì nó đe dọa trực tiếp đến an ninh Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và địa vị của Trung Quốc. Hơn nữa, một khi Triều Tiên có tiềm lực quân sự, hạt nhân mạnh sẽ ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn. Xét từ góc độ lợi ích kinh tế, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã gây nên sự biến động ở khu vực Đông Bắc Á, thậm chí có thể gây ra chiến tranh. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Do Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Triều Tiên có quan hệ kinh tế mật thiết, có lợi ích chung về kinh tế nên việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân bằng quân sự hoặc chiến tranh sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của các bên. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng lớn tới hợp tác kinh tế ở cả khu vực Đông Bắc Á.

Thêm vào đó, trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, quan điểm của Trung Quốc là duy trì sự ổn định và hòa bình như hiện nay, ngăn chặn sự bùng nổ của chiến tranh và xung đột quy mô lớn, xóa bỏ căng thẳng trên Bán đảo và tìm kiếm sự cân bằng quyền lực giữa hai miền Bắc – Nam. Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bởi vì sóng gió trên Bán đảo chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ngược lại, có thể Trung Quốc cũng không mong muốn hai miền sẽ thống nhất bởi lẽ nếu Hàn Quốc và Triều Tiên “về chung một nhà” sẽ trở thành một cường quốc lớn mạnh trong khu vực, đe dọa trực tiếp đến vị trí số một tại Đông Bắc Á của Trung Quốc. Do đó, duy trì một Bán đảo Triều Tiên ở trạng thái hòa bình ổn định như hiện nay sẽ có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, có thời điểm cho thấy triển vọng lạc quan với những thỏa thuận tích cực đạt được giữa các bên, nhưng cũng có giai đoạn căng thẳng leo thang đưa tình hình khu vực đứng bên bờ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đặc biệt, kể từ khi ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc, quan hệ hai miền đã chứng kiến những sự thay đổi lớn so với các giai đoạn trước, nổi bật nhất chính là việc tổ chức ba Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018 với những kết quả đáng ghi nhận. Việc hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp chỉ trong vòng 6 tháng là những động thái chưa từng có trên Bán đảo Triều Tiên. Nội dung trong các tuyên bố chung đưa ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh cũng đã thể hiện mối quan tâm toàn diện và tinh thần tích cực của hai bên trong việc đề ra những phương hướng chung và những hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai miền bấy lâu nay.

Như vậy, có thể thấy, trong quan hệ Hàn - Trung, những nhân tố bên trong như yếu tố nhà lãnh đạo, tình hình kinh tế, chính trị nội bộ mỗi nước…và nhân tố bên ngoài như tình hình khu vực, thế giới, nhân tố Mỹ… có sự ảnh hưởng, tác động thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển quan hệ hai nước. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, quan hệ chính trị và an ninh giữa Hàn Quốc và Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào ba yếu tố là yếu tố hạt nhân của Triều Tiên, yếu tố Mỹ và yếu tố kinh tế. Do đó, Hàn Quốc và Trung Quốc phải đạt được sự đồng thuận về ba điểm này mới có thể thực sự thiết lập một mối quan hệ song phương ổn định và không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi lãnh đạo. Hay nói cách khác, chính những nhân tố này sẽ tạo ra những kịch bản khác nhau khi đánh giá triển vọng của mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai.

 

Ths., Phan Thị Diễm Huyền, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo:

 

1. Brian Kim (2021), How Biden Can Navigate a New Era in South Korean Politics

https://thediplomat.com/2021/01/how-biden-can-navigate-a-new-era-in-south-korean-politics/

2. Choe Sang-hun (2017), Ouster of South Korean President Could Return Liberals to Power

https://www.nytimes.com/2017/03/10/world/asia/south-korea-liberals-impeachment.html

3. Cheong Wa Dae (2018), “Moon Jae-in – President of the Republic of Korea”, Korean Culture and Information Service, June 2018.

4. Huo Jianguo  (2020), Cooperation with China crucial to South Korean economy

https://www.globaltimes.cn/content/1196686.shtml

5. Lee Seong-hyon (2017), Moon Jae-in’s Foreign Policy & Roh Moo-hyun’s Shadow

https://theasanforum.org/moon-jae-ins-foreign-policy-roh-moo-hyuns-shadow/

6. Vương Nguyên, Hàn Tăng Lâm, Bành Phi, Tưởng Khai Bình (2019), “Phân tích quá trình phát triển và những nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ song phương Trung – Hàn“, Nghiên cứu khu vực thế giới số 5 (28), tháng 10/2019.

7. Tân Hoa Xã (2017), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

http://www.gov.cn/xinwen/2017-11/12/content_5238990.htm

8. Tân Hoa Xã (2017), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về Chiến lược cơ bản để duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.

http://www.gov.cn/zhuanti/2017-10/18/content_5232635.htm

 


 


Scroll To Top