Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN THỪA NHẬN THIẾU LƯƠNG THỰC NGHIÊM TRỌNG NHẤT THẬP KỶ

Đăng ngày:

Tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên diễn ra vào ngày 15/6/2021, Tổng bí thư nước này, ông Kim Jong-un đã công khai tuyên bố rằng, tình hình lương thực của người dân Triều Tiên đang trở nên căng thẳng vì ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc do thiệt hại từ trận bão năm ngoái, đồng thời, thừa nhận những khó khăn về lương thực và kinh tế Triều Tiên đang gia tăng.

Đồng thời, vào ngày 3/7/2021 vừa qua, tờ báo Lao độngcủa Triều Tiên đã nhiều lần thúc giục việc hoàn thành mục tiêu nông nghiệp và đề cập rằng, việc đấu tranh lương thực là đấu tranh cho đất nước. Đặc biệt, báo này còn nhấn mạnh rằng, lúa gạo là cơ sở vô giá làm nên thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa vì thế nên có nhiều lúa gạo mới giữ vững được ý chí tự lực, tự cường của đất nước.

Thêm vào đó, vào ngày 13/7/2021 vừa qua, Triều Tiên đã công bốBáo cáo rà soát quốc gia tự nguyện(viết tắt là VNR) về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đánh giá và công bố về tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia mình. tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn chính trị cấp cao Liên hợp quốc.Đây là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra báo cáo này. Báo cáo được soạn thảo dưới danh nghĩa Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban kế hoạch quốc gia Park Jong-kun và có độ dài 66 trang. Báo cáo này đã đề cập nhiều lần rằng các lệnh trừng phạt và cấm vận tiếp tục đối với Triều Tiên, các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng xảy ra hàng năm và cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã trở thành những trở ngại nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế cũng như đối với việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Triều Tiên. Về vấn đề lương thực, theo báo cáo này, vào năm 2018, nước này chỉ sản xuất được 4,95 triệu tấn, hấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 7 triệu tấn và là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Báo cáo cũng nêu ra vấn đề khó khăn hàng đầu của Bình Nhưỡng hiện nay là thiếu năng lượng. Tổng sản lượng điện năng và sản lượng điện bình quân đầu người đều đang có chiều hướng giảm. Đợt hạn hán năm 2016 đã ảnh hưởng tiêu cực tới tổng lượng phát điện khiến cho tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch chỉ dừng ở mức 10,3%. Báo cáo còn nêu ra các bài toán thách thức ở lĩnh vực y tế như chưa có thống kê về tỷ lệ tử vong do vấn đề nước sạch, vệ sinh, thiếu nhân lực y tế, trang thiết bị và thuốc men thiết yếu. Phần lớn nguồn cung vắc-xin COVID-19 cho Triều Tiên đang phải phụ thuộc vào Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX Facility).

Ngoài báo cáo do phía Triều Tiên đưa ra, một trong những tài liệu khách quan nhất về tình hình lương thực tại Triều Tiên chính là báo cáo của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (viết tắt là FAO). Vào ngày 13/7 vừa qua, Tổ chức FAO, Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (viết tắt là IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (viết tắt là UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (viết tắt là WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (viết tắt là WHO) đã công bố Báo cáo An ninh lương thực và mức dinh dưỡng thế giới năm 2021 và ước tính rằng tổng số người thiếu dinh dưỡng ở Triều Tiên trong giai đoạn 2018 - 2020 là 10,9 triệu người tương đương 42,4% tổng dân số.Con số này đã tăng gần 9% so với 33,8% tổng dân số tương đương với 8,1 triệu người Triều Tiên bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn 2004-2006.

Đồng thời, trong số trẻ dưới 5 tuổi, số lượng trẻ em thấp còi đạt mức 300.000 người vào năm 2020 và chiếm 18,2% tổng dân số. Con số này đã giảm nhiều so với mức 26,1% vào năm 2012 nhưng nó vẫn ở mức cao so với các nước khác.

Các quốc gia nghiêm trọng hơn Triều Tiên là Somalia (59,5%), Cộng hòa Trung Phi (48,2%), Haiti (46,8%), Yemen (45,4%) và Madagascar (43,2%).

Trong một báo cáo hàng quý riêng biệt, FAO đã chỉ định lại Triều Tiên là một quốc gia cần viện trợ lương thực từ bên ngoài.

Tổ chức này cũng dự đoán rằng tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên sẽ lên tới 858.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 10 năm 2021. Nếu chính quyền Triều Tiên không nhập khẩu thêm lương thực hoặc không nhận được viện trợ từ bên ngoài thì người dân nước này sẽ phải trải qua quãng thời gian khó khăn từ tháng 8 tới tháng 10 năm nay.

Khi đánh giá về tình hình thiếu lương thực của Triều Tiên, trong cuộc phỏng vấn với đài BBC tại Hàn Quốc, ông Kwon Tae Jin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên-Đông Bắc Á thuộc Viện Nghiên cứu GS&J nói rằng, Triều Tiên thường nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thực phẩm từ Trung Quốc và các nơi khác nhưng họ đã không thể nhập khẩu do việc đóng cửa biên giới giữa nước này và Trung Quốc để phòng chống đại dịch COVID 19.

Đặc biệt, ông cho rằng, việc nghiêm cấm các hoạt động buôn lậu hoặc những giao dịch nhỏ lẻ, không chính thức sẽ gây khó khăn cho Triều Tiên khiến cho nước này thiếu đi khoảng 500.000 tấn lương thực. Ông Kwon cũng cho biết thêm, trong trường hợp Triều Tiên có ít thiện chí để nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân, viện trợ lương thực nhân đạo của cộng đồng quốc tế dành cho nước này sẽ chỉ đạt mức 100.000 tấn. Vì vậy, tình trạng thiếu lương thực sẽ tiếp tục diễn ra tại Triều Tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu được cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ thì nước này có thể cung cấp đủ lương thực cho toàn dân nhưng điều đó không dễ dàng với tình hình Triều Tiên hiện nay.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật

Theo nguồn:

1. Kim Chae Rin, Triều Tiên tăng trưởng kinh tế 5% bất chấp lệnh trừng phạt? Công bố Báo cáo Liên Hợp Quốc đầu tiên của Triều Tiên (北제재에도 5% 경제성장?…북한의첫 ‘UN 리포트’ 공개)

KBS: https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=5233194

2. Jeong Yu Jin, Cứ 10 người Triều Tiên thì có 4 người bị suy dinh dưỡng… Tái chỉ định các quốc gia thiếu lương thực (북한주민 10명중 4명영양부족…식량부족국가재지정)

KBS: https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=5231967

3. Phóng viên đài BBC, Thiếu ba tháng lương thực cho người dân Triều Tiên ... Có thể xảy ra khủng hoảng nhân đạo (북한주민먹을 3개월치식량부족... 인도적위기발생능성)

BBC: https://www.bbc.com/korean/news-57734395

4. Phóng viên đài BBC, Kim Jong-un thừa nhận Triều Tiên đang đối mặt với tình hình thiếu lương thực nghiêm trọng(Kim Jong-un admits North Korea facing a 'tense' food shortage)

BBC: https://www.bbc.com/news/world-asia-57507456

5. Lee Jeong Ho, Triều Tiên cho biết họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất trong thập kỷ (North Korea Says It’s Facing Worst Food Shortage in Decade) https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-07-14/north-korea-says-it-s-facing-worst-food-shortage-in-decade

 


Scroll To Top